May mắn sao, một bức ảnh hiếm hoi có hình ông cùng hai phóng viên của báo là Nguyễn Ngọc Nhu và Lê Đình Dư (Hồ Thừa) chụp giữa chiến trường Quảng Trị năm 1967, còn lưu giữ được. Sau khi chụp bức ảnh ấy, cả ba cùng tỏa đến các đơn vị đang chiến đấu rất khốc liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968. Ba người thì hai hy sinh giữa trận tiền, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu và Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Dư. Người còn lại-Nguyễn Đức Toại thì trước và sau thời điểm chụp bức ảnh đó đã và vẫn luôn là một cán bộ mẫu mực, một cây bút xông xáo, sắc sảo với nhiều phát hiện nổi bật đưa lên mặt báo. Bức ảnh cực kỳ quý giá về ba nhà báo quân đội ấy được treo trong phòng truyền thống của tòa soạn như một biểu tượng chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc của những người làm báo Báo QĐND.
 |
Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại (thứ ba, từ trái sang) tại Lễ truy tặng liệt sĩ, nhà báo Lê Đình Dư danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: TẤT ĐẠT
|
Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, Nguyễn Đức Toại đã tham gia Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Quảng Trị của ông rồi sớm nhập ngũ và trở thành một cán bộ quân đội, một cộng tác viên của Báo QĐND ngay trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Hòa bình lập lại, ngay khi về công tác tại báo, ông đã thể hiện được sự đam mê nghề báo cùng khả năng khám phá, khái quát về nhiều hoạt động của quân đội. Đến hôm nay đây, không chỉ những cán bộ, phóng viên các lớp trước mà thế hệ trẻ của báo vẫn nhớ, vẫn say mê về sự kiện “Phong trào thi đua Ba nhất” sôi động trong toàn quân mà chính Nguyễn Đức Toại và Trưởng phòng Nguyễn Ngọc Tú phát hiện, đề xuất. Đó là những ngày cuối xuân năm 1960, sau một tuần thâm nhập thực tế tại Đoàn Vinh Quang (Sư đoàn 304), các ông đã tìm hiểu kỹ về Đại đội 2 pháo binh, đơn vị bắn giỏi nhất, toàn diện nhất trong hội thi pháo binh toàn quân. Các ông khái quát nên điển hình “Ba nhất”, từ đây: Nhiều nhất (phân đội), đều nhất (độ đồng đều trong các phân đội, các pháo thủ) và giỏi nhất (qua thành tích trong hội thi). Sau khi Báo QĐND giới thiệu và cổ vũ điển hình toàn diện đó, Đại hội Đảng toàn quân đã ra lời kêu gọi đẩy mạnh phong trào “Thi đua Ba nhất”. Đặc biệt sau đó, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân (tháng 7 năm 1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: Công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải. Nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “Ba nhất”. Từ lời của Bác, khí thế đoàn kết thi đua trên mọi lĩnh vực đã bừng lên trên miền Bắc với tên gọi ngắn gọn: Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất. Với khí thế đó, cả miền Bắc đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ và chi viện cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam.
Như một lẽ đương nhiên, ngày 5-8-1964, khi máy bay, tàu chiến Mỹ mở cuộc tấn công bắn phá miền Bắc thì nhà báo Nguyễn Đức Toại đã lập tức có mặt tại Hòn Gai, Quảng Ninh. Bài viết của ông cùng phóng viên Lục Văn Thao đăng trên số báo ra ngày 8-8-1964 dưới đầu đề “Bắn rơi máy bay và bắt sống phi công Mỹ” đã làm nức lòng bạn đọc. Bám sát chiến trường, bám sát bộ đội là mục tiêu và cũng là thế mạnh của phóng viên Báo QĐND, trong đó Nguyễn Đức Toại là một trong những người tiêu biểu. Tại mặt trận Quảng Trị, ông đã viết nhiều như thay cả những đồng đội hy sinh. Từ chiến công của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, ông khái quát “Dũng sĩ 1 thắng 20”.
“Điển hình và điển hình”-đó là điều đầu tiên ông nhắc nhở, khuyến khích anh em làm báo lớp sau chúng tôi. Sau này ông đã viết một tập sách nói về kinh nghiệm phát hiện và nhân rộng điển hình trong cuộc đời làm báo của mình.
Cái sự ham đi, ham viết của ông cùng những nhà báo lớp trước đã truyền đến chúng tôi, những phóng viên mới về báo chưa đầy hai năm. Mùa Xuân năm 1975, khi tôi đang đi giữa TP Đà Nẵng vừa giải phóng thì bất ngờ có tiếng người quen gọi. Là ông đấy, cùng Trưởng phòng Hồ Sĩ Bằng. Các ông đã tìm cách vào chiến trường nhanh nhất, chặng thì bằng máy bay, chặng thì ô tô. May cho tôi thế, bài báo đầu tiên tôi viết tại Đà Nẵng đã được Trưởng phòng Hồ Sĩ Bằng đem ra Hà Nội kịp thời. Sau đó, khi tôi được lệnh đi tiếp về phía Nam, ông Đức Toại bảo tôi: “Tớ cũng sẽ đi một mình vào Quảng Nam, chiến trường gọi sao có thể đừng". Quyết định của ông là chính xác. Tư liệu đầy ắp về các vùng đất mới giải phóng đã giúp ông viết những kỳ báo dài góp vào loạt ký sự nhiều kỳ “Từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị” của Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước và nhiều phóng viên chiến trường mùa Xuân năm đó.
Ngày Sài Gòn giải phóng, ông cũng có mặt. Nhưng nhóm phóng viên Phú Bằng, Đức Toại, Vũ Ba đi bằng ô tô thẳng từ Hà Nội vào không dừng lại thành phố mà ngay trong đêm đã hướng về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các ông bảo: “Còn cả một miền Tổ quốc". Và chính các ông là những phóng viên đầu tiên vào đến tận Cà Mau-mỏm đất cuối cùng phía Nam Tổ quốc. Tại đây, chính các ông lại là những người tiếp nhận sự đầu hàng của sĩ quan và binh lính trên một tàu chiến quân ngụy Sài Gòn...
Nguyễn Đức Toại là thế, những bước chân và ngòi bút không ngừng nghỉ. Mỗi khi nhắc đến ông, những người làm báo trong chiến tranh vẫn thường nói đến một “Nhà báo chiến trường”, “Nhà báo phát hiện điển hình”, “Vua đặt tít”... Qua những năm tháng được gắn bó với ông và được ông chỉ bảo, khích lệ, chúng tôi còn thấy ở ông một người thích tìm cái mới, một người ham học, ham đọc, một cây hài hước. Khi tòa soạn thấy cần nâng cao chất lượng săn tin và viết tin, ông xung phong làm Tổ trưởng Tổ tin. Khi cần đổi mới số báo ngày thứ 7, chủ nhật, ông đảm trách làm thư ký tòa soạn chuyên biệt. Khi được giao làm Trưởng phòng biên tập Quân sự, ông vạch hướng và tổ chức anh em làm bài “ra mô ra món”... Trong chiếc túi khá to của ông luôn mang theo người lúc nào cũng đầy sách, báo. Cứ đến giờ nghỉ là ông lại đeo cặp kính tranh thủ đọc. Ông thường đến sớm trước giờ giao ban-phê bình báo hằng ngày của phòng để cùng trao đổi thông tin. Quanh ấm nước trà, chuyện của ông cùng “những người hay đùa” Đỗ Chí, Đỗ Thân, Phạm Thành... nổ như ngô rang. Các ông trêu đùa, chọc ghẹo nhau làm cho công việc báo chí vất vả, căng thẳng như nhẹ đi nhiều phần.
Một ngày tuổi 80, ông cùng vợ từ TP Hồ Chí Minh ra thăm Chùa Hương. Đúng dịp lễ hội, người chen nhau chật ních trên con đường đá trơn trượt vì trời mưa. Chống gậy đi chậm, không len nổi, ông cất tiếng: “Ông già trăm tuổi đây, cho ông đi nhé”. Mọi người ngoảnh nhìn lại. Đâu đã phải trăm tuổi, nhưng cái giọng Quảng Trị cùng câu nói của ông làm tất cả cùng vui, cùng né nhường ông bà lên trước. Hôm nay, ngày ra đi mãi mãi thì ông 94 tuổi, cũng “trăm tuổi thật rồi”, một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn mỹ mãn cùng gia đình, đồng đội và quê hương, đất nước.
MẠNH HÙNG