“Xin sống vì Đảng, chết vì Đảng”

Sinh ra trong một gia đình khá giả tại Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Bắc Ninh (nay là Hà Nội). Ngay từ nhỏ, Vũ Nguyên Bác (còn gọi là Hạo Nhiên)-Nguyễn Sơn đã được nuôi dưỡng, giáo dục và tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc của gia đình, quê hương, đất nước. Chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách áp bức thống trị của thực dân, phong kiến nên lòng yêu nước, tinh thần dân tộc được hun đúc trong con người Nguyễn Sơn. Bằng sự chiêm nghiệm bản thân thông qua gia đình, trước thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhất là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Duy Tân, sự kiện “Hà thành đầu độc” (mà cha ông trực tiếp tham gia giúp đỡ với tư cách là bạn của một số người trong đó), đã hình thành trong ông khát vọng cháy bỏng cứu dân, cứu nước, đúng như điều ông viết trong bản “Tự truyện của tôi”: “Khát vọng “chiêu binh, mua ngựa” để đánh người Pháp, trở thành một anh hùng dân tộc có tên trong sử sách đã trở thành quyết tâm của tôi, và đó là động cơ chính thúc đẩy tôi vứt bỏ mọi hưởng thụ, cầu an, tìm đường sang Trung Quốc… đi theo người của Chủ tịch Hồ Chí Minh phái về”(1).

leftcenterrightdel
 Gia đình Lưỡng quốc Tướng quân Việt Nam - Trung Quốc Nguyễn Sơn. Ảnh tư liệu.

Với sự giác ngộ ban đầu ấy, cuối năm 1925, ông đến Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Nguyễn Sơn đã gặp người thầy, người đồng chí vĩ đại Nguyễn Ái Quốc. Ông được chính Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) trực tiếp bồi dưỡng về lý luận chủ nghĩa cộng sản, “nhất là được Nguyễn Ái Quốc tổng kết lịch sử phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, phê phán con đường của một số người đã có ảnh hưởng đến tôi rất lớn”. Ở ông, đã vững chắc lòng tin vào con đường cách mạng vô sản, rằng chỉ có khởi nghĩa vũ trang mới xóa được áp bức dân tộc, xóa đi nỗi thống khổ của nhân dân. Hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ông tham gia lớp học chính trị đặc biệt của tổ chức này và trở thành thành viên chính thức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Qua sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, ông vào học Trường Quân sự Hoàng Phố đúng như ước nguyện: “Việc này rất nhất trí với nguyện vọng của tôi là dựa vào võ trang”. Được nghe giảng từ các giảng viên người Trung Quốc và chuyên gia quân sự Xô-viết, Nguyễn Sơn đã có bước trưởng thành vượt bậc về kiến thức quân sự cũng như lập trường chính trị. Tháng 10-1926, khóa học kết thúc, ông được ở lại nhà trường công tác. Nhận rõ bộ mặt thật của “bọn Quốc dân Đảng Trung Quốc phản bội cách mạng làm ảnh hưởng đến các đồng chí trong đoàn thể”, ông đã “lánh xa Quốc dân Đảng và chủ nghĩa Tam dân”, quyết tham gia phong trào cộng sản. Tháng 8-1927, ở tuổi 19, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc với lời thề: “Xin sống vì Đảng, chết vì Đảng”(2). Từ đó, trên mọi cương vị, trách nhiệm được giao, kể cả những giây phút hiểm nghèo cận kề cái chết, cả trong những tủi cực nhưng con người Nguyễn Sơn vẫn không bao giờ mất đi khí phách và phẩm cách của người chiến sĩ cộng sản kiên trung với lý tưởng cách mạng vô sản.

Tháng 1-1934, tại Đại hội đại biểu Công nông binh toàn quốc lần thứ II của nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa, Nguyễn Sơn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa. Cũng chính năm đó, do để mất 20 đồng ngân phiếu Công nông, Nguyễn Sơn bị khai trừ khỏi Đảng, trở về Trường Đảng làm giáo viên. Dù vậy, Nguyễn Sơn vẫn giữ vững lập trường, không hề chùn bước, kiên quyết đi theo Đảng.

Tháng 6-1935, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chia Hồng quân thành hai cánh Tả-Hữu tiến lên phía Bắc. Nguyễn Sơn công tác ở Tả lộ quân cùng với Chu Đức, Lưu Bá Thừa, Trương Quốc Đào, đến nhận nhiệm vụ ở cánh quân sườn trái. Dọc đường trường chinh, được Chu Đức, Lưu Bá Thừa bảo vệ, bố trí Nguyễn Sơn làm giáo viên trong đoàn cán bộ Đỏ, sau đó sửa lại hình thức kỷ luật sai lầm đối với ông.

Cũng trên chặng đường vạn dặm này, tại Nhật Can Kiều bên sông Cát Khúc, Nguyễn Sơn đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ trương tiếp tục Bắc tiến kháng Nhật của Chu Đức, Lưu Bá Thừa và dứt khoát chống lại chủ trương chia rẽ, chạy trốn, lui về Nam hạ từ chính người chỉ huy của mình là Trương Quốc Đào. Để rồi, ông bị kết tội “gián điệp quốc tế” và lại bị khai trừ khỏi Đảng. Không nản chí, ông vẫn cùng bộ đội vượt thảo nguyên hoang vu không một bóng người, leo núi tuyết; chiến đấu chống lại quân đội phản động Quốc dân Đảng, với thổ phỉ để bảo toàn lực lượng. Trong một lần kịch chiến ở Cam Tư Tây Khang, đơn vị của Nguyễn Sơn bị tan tác, ông lạc vào vùng thổ dân người Tạng, phải cải trang thành người dân địa phương và lần thứ ba lại vượt qua núi tuyết tìm về Diên An - Thủ đô kháng chiến của cách mạng Trung Quốc. Có những lúc ông phải ẩn náu trong nhà dân, chăn cừu, chăn dê; có lúc phải xin ăn… trải qua vô vàn khó khăn, vất vả tưởng như không thể vượt qua, cái sống cái chết chỉ trong gang tấc, cuối cùng, năm 1936 Nguyễn Sơn cũng hoàn thành trọn vẹn cuộc Vạn lý trường chinh. Lúc đến Diên An, nhiều đồng chí thấy Nguyễn Sơn trên mình khoác chiếc áo người Tạng, gầy như que củi đã không nhận ra. Mọi người thực sự xúc động bởi tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của ông. Tại Diên An, Trung ương Đảng đã xóa kỷ luật, khôi phục lại danh dự cho Nguyễn Sơn.

Năm 1938, Nguyễn Sơn bị Diêm Tích Sơn-một “quân phiệt địa chủ” ở Sơn Tây tham gia Mặt trận thống nhất-vu cáo là “tham ô, hủ hóa, làm sai chính sách”. Một lần nữa để bảo vệ Đảng, ông sẵn sàng nhận kỷ luật khai trừ Đảng lần thứ ba từ Đảng bộ Ngũ Đài Sơn. Đến cuối năm đó, ông mới được khôi phục Đảng tịch. Chỉ trong ba năm, biết bao gian truân, khổ cực với ba lần bị khai trừ khỏi Đảng một cách oan khuất, nhưng với Nguyễn Sơn, ông luôn tin tưởng vào những bước đi của mình về phía trước, tin vào con đường của Đảng mà ông đã chọn và coi đây như những thử thách về sự kiên định, lòng trung thành của ông với Đảng. Ông đã từng thốt lên: “Trời, cách mạng giao ta việc nặng nề nên thử thách ta”(3).

Tiếp tục con đường đã chọn, những năm sau này, dù ở Trung Quốc hay Việt Nam; trên mọi cương vị công tác được hai Đảng, nhân dân hai nước giao phó, bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của Nguyễn Sơn là dành cho Đảng, cho nhân dân lao động cần lao. Người chiến sĩ cộng sản-“Sơn đệ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của hai Đảng, hai dân tộc; luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết; chấp nhận mọi gian khổ hy sinh.

Bằng sự kiên trung và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân loại cần lao, Nguyễn Sơn được cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu mến, tin cậy, bạn bè quốc tế nể trọng. Ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc coi là một trong 72 vị “đại công thần” của nước Trung Hoa mới; ông là trư­ờng hợp hiếm thấy không chỉ trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc mà cả trong lịch sử thế giới hiện đại.

Với 48 tuổi đời, ông có hơn 30 năm hoạt động cách mạng trên hai đất nước Việt Nam, Trung Quốc. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của hai n­ước, ông đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân ch­ương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Hồ Chí Minh (8-2009); đầu năm 1948, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông được phong hàm Thiếu tướng. Ông cũng được Đảng và Nhà nước Trung Quốc tặng Huân chương Bát Nhất hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng nhất và Huân chương Giải phóng hạng nhất; tháng 9-1955, ông được phong quân hàm Thiếu t­ướng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Nhân dân hai n­ước Việt Nam, Trung Quốc đều tôn vinh và gọi ông là "Lưỡng quốc tướng quân".

Trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công

Nguyễn Sơn từng nói với các học viên Lớp Trung cấp khóa IV và Sơ cấp khóa V của Trường Bổ túc Sĩ quan khi ông mới từ Khu 4 ra: “Muốn tiến tới cái xã hội sung sướng, không đè nén, áp bức đó, một xã hội tự do, sức làm được bao nhiêu thì làm, cần bao nhiêu thì dùng, thì nhất định phải làm theo Mác - Lê-nin”(4).

Kiên trung với ông là trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với các nguyên lý của chủ nghĩa ấy bởi đây là nền tảng tư tưởng, lý luận để tiến hành cách mạng vô sản, đem lại độc lập cho dân tộc Việt Nam và nhân dân được tự do, hạnh phúc: “Chính Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lãnh đạo thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam về mọi phương diện tổ chức, xây dựng, trong mọi quan điểm chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật đến thắng lợi”(5).

Bằng vốn lý luận sắc bén và sự thành thạo nhiều ngôn ngữ (Việt, Trung, Pháp, Nga) cùng sự trải nghiệm thực tiễn đấu tranh cách mạng vô cùng phong phú, Nguyễn Sơn đã đứng vững trên lập trường Mác - Lê-nin; nhuần nhuyễn giữa chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội; khéo léo kết hợp tư tưởng quân sự từ cổ đại đến đương đại của thế giới, đặc biệt là của hai dân tộc Việt Nam, Trung Quốc; thấu hiểu sâu sắc triết lý quân sự, nhân sinh (“tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bất đãi”-biết ta, biết địch, trăm trận không thua; “công tâm thượng sách”) và trên hết là tư tưởng lấy dân làm gốc…

Không chỉ vậy, theo Nguyễn Sơn “lý thuyết Mác - Lê-nin đã lãnh đạo và thực hiện cách mạng vô sản giai cấp thì đồng thời cũng kèm theo những phương pháp chỉ đạo để thực hiện cho kỳ được cuộc cách mạng đó: Lý thuyết và thực hành đi đôi”(6). Vả lại, “nguyên lý gốc rễ của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Xta-lin cũng đã quy định tinh thần tích cực tiến công giặc cho công cuộc tranh đấu của chúng ta rồi. Giữa lúc tranh sống chết với giặc mà tiêu cực bị động là tự dấn mình vào chỗ chết”(7). Để biến tư tưởng tiến công, đưa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin thành hiện thực trong cách mạng, Nguyễn Sơn không chỉ tuyên truyền, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tinh thần kiên quyết tiến công địch mà ông còn đem Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tinh thần ấy truyền lại cho các đồng chí của mình bằng viết báo, viết sách; bằng mở các trường bồi dưỡng cán bộ, tham gia và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đại công tác huấn luyện, chính trị, quân sự... Với ông, tích cực tiến công trong chiến tranh là phải quán Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong chỉ đạo chiến tranh, ở cả ba cấp tác chiến và chỉ huy tác chiến là chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; trong bày binh bố trận phải dựa trên cơ sở nắm bắt rõ các quy luật chiến tranh, bởi đây “không hẳn là những nguyên lý bất di bất dịch nói trong các binh thư, binh pháp, mà là những quy định tính chất chiến tranh, tình trạng kinh tế, chính trị, xã hội giữa ta và giặc (8).

Không chỉ là danh tướng quân sự tài ba, Nguyễn Sơn còn là một người hoạt động văn hóa xuất sắc. Sự kiên trung trong ông không chỉ với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, với nhân dân mà còn là bảo vệ dân tộc mình, Tổ quốc mình qua bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc để nâng cao tâm hồn, cốt cách người Việt. Đây chính là giá trị sâu thẳm nhất, bền vững nhất quyện chặt tạo nên Nguyễn Sơn và cũng là điều gốc rễ cần, rất cần cho tất cả những người cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nhà văn hóa Chu Ngọc đã viết về ông: “Người cán bộ quân sự ấy bảo vệ đất nước không chỉ đơn thuần về mặt súng đạn. Anh đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao tâm hồn người Việt Nam để yêu nước hăng say, yêu con người, yêu ngôn ngữ, yêu giọng nói, điệu múa, yêu thơ, yêu hoa…”. 

Cuộc đời Thiếu tướng Nguyễn Sơn tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của hai nước Việt Nam và Trung Quốc là to lớn. “Lưỡng quốc tướng quân” đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về lý tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện phấn đấu và ý chí chiến đấu không ngừng, kiên trung với Đảng và nhân dân. Với niềm tiếc thương vô hạn khi đồng chí Nguyễn Sơn từ trần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ: “Trong lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như trong lòng mỗi chúng ta, anh vẫn còn sống mãi với hình ảnh của một người cộng sản kiên định, một người bạn, một người đồng chí, một người chiến hữu thân thiết và rất mực chân thành, suốt đời phục vụ sự nghiệp cách mạng của nước ta và nước bạn”(9).

Thiếu tướng, TS NGUYỄN VĂN BẠO - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(1) Bản viết tay của ông được lưu tại gia đình và được phép của gia đình lưu tại Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(2) Bản viết tay của ông được lưu tại gia đình và được phép của gia đình lưu tại Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(3) "Trăm năm Nguyễn Sơn", Nxb Lao động, Hà Nội, tr. 32.

(4) Nguyễn Sơn, Luận văn chính trị-quân sự, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 99.

(5) Nguyễn Sơn, Luận văn chính trị-quân sự, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 93.

(6) Nguyễn Sơn, Luận văn chính trị-quân sự, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 118-119.

(7) Nguyễn Sơn, Luận văn chính trị-quân sự, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 202.

(8) Nguyễn Sơn, Luận văn chính trị-quân sự, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 198.

(9) Nguyễn Sơn, Lưỡng quốc tướng quân, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2006, tr. 14.