 |
Văn Phác-Quế Hương ngày cưới. |
“
Chuyện tình của tôi giản dị thế thôi. Một tình yêu bắt nguồn từ tình bạn, tình đồng đội , tình quân dân. Đó còn là tình hậu phương với tiền tuyến và một thời, chúng ta đã sống rất thủy chung, rất tình nghĩa với nhau. Không những với vợ con, mà với đồng đội, đồng chí, với các bạn viết… Tôi tự hào về điều đó!”.
Hà Nội, những ngày cuối thu năm 2008.
Sáng nào cũng vậy, người lính gác cổng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều thấy một ông già vóc người thấp đậm bước nhanh qua cánh cửa sắt rồi hòa lẫn vào những người đi thăm bệnh nhân.
Ít người biết ông là ai, bởi vì ông ăn mặc giản dị như bao ông già khác.
Sáng này qua sáng khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, và đã hơn 4 tháng nay…
Ông là Trần Văn Phác, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông vào chăm sóc “người bạn đời”, bà Lê Thị Quế Hương đang điều trị tại bệnh viện.
Ông bảo, các con cháu đã thường xuyên thay nhau thăm nom bà, nhưng ông vẫn chưa yên tâm. 54 năm sống với nhau, lúc về già chính là dịp ông bà quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, bù đắp lại một thời tuổi trẻ chinh chiến biền biệt xa nhà.
Tháng 9-1945, anh lính trẻ Trần Văn Phác đang “Tây tiến” với Tiểu đoàn Tuấn Sơn thì được lệnh trở về Phòng chính trị Chiến khu 2 nhận nhiệm vụ phụ trách tờ báo Khu 2 kháng chiến đóng ở Thông, vì đồi có rất nhiều cây thông (trên bản đồ, Pháp ghi là Tông), cách thị xã Sơn Tây khoảng 5km. Gọi là Tổng biên tập cho oai, chứ lúc đó tờ báo chỉ có một mình ông vừa biên tập, viết bài, trình bày, rồi đưa đi nhà in… Chính trong thời gian này, Văn Phác làm quen với hai anh em ruột Lê Nhạn, Lê Vinh, chiến sĩ của Chiến khu 2, có bố là Lê Nhiên, dạy học ở thị xã Sơn Tây. Mỗi lần Văn Phác đạp xe từ Thông về thị xã để đưa bài và sửa bài ở nhà in, anh đều ghé vào nhà Lê Nhạn, Lê Vinh chơi và nói chuyện văn chương, chuyện thời cuộc với ông giáo. Lâu dần thành quen, ông giáo ngày càng quý mến chàng trai 19 tuổi khiêm tốn, giản dị nhưng học rộng, biết nhiều. Và, cô em gái của Lê Nhạn, Lê Vinh là Lê Thị Quế Hương lúc đó mới… 9 tuổi, mỗi lần Văn Phác đến đều nũng nịu bá vai bá cổ bắt anh kể chuyện bộ đội. Không ai ngờ, 9 năm sau, Quế Hương trở thành người bạn đời của Văn Phác.
Những ngày qua lại vui vẻ đó, thực tình ông giáo cũng muốn giới thiệu cho Văn Phác “vài đám” trong họ hàng thân quen của ông. Nhưng, việc chưa đến đâu thì Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, mỗi người li tán mỗi nơi. Ông giáo đưa gia đình về Bến Then (Lập Thạch-Vĩnh Phú) dạy học, còn Trần Văn Phác năm 1948 được cử đi học lớp Nguyễn Ái Quốc đầu tiên, gặp lại Lê Vinh. Từ đó, anh lại liên lạc thư từ với ông giáo và tình cảm lại càng thắm thiết…
 |
Vợ chồng nguyên Bộ trưởng Trần Văn Phác năm 1967, khi ông từ miền Nam ra Hà Nội báo cáo công việc ghé qua nhà ít ngày. |
Sau khi học xong Trường Nguyễn Ái Quốc, Trần Văn Phác được điều về làm Chủ nhiệm Chính trị Đại đoàn 312. Việc quân bận rộn, cho đến mãi đầu năm 1954, anh tìm đường về thăm ông giáo ở Bến Then. Gần 8 năm xa cách, nhưng tình cảm của ông giáo dành cho anh vẫn ấm áp như xưa. Chỉ có điều bất ngờ, cô bé Quế Hương nhỏ bé xưa kia giờ đã vụt lên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và thùy mị làm cho anh sững sờ. Nhớ lời xưa, ông giáo định giới thiệu cho anh con gái một người bạn, nhưng một lần nữa lại không thành, bởi giờ đây trong trái tim của Văn Phác đã có một người.
Trở về đơn vị, Văn Phác nhận được thư của ông giáo, đại ý: Ông luôn coi anh như con đẻ, gia đình anh lại ở vùng địch hậu (Yên Mỹ-Hưng Yên), nên ông muốn anh có gia đình để yên tâm công tác. “Giờ thì anh xem - Ông giáo viết - em gái anh đấy, nếu hai anh em thích nhau thì tôi ủng hộ”. Văn Phác như mở cờ trong bụng, nhưng cũng “khiêm tốn” trả lời rằng: cháu chưa có ý định lập gia đình, nhưng bác có ý đó thì cháu sẽ trao đổi với em…
Trước ngày đi chiến dịch Điện Biên Phủ, Văn Phác ghé qua nhà ông giáo. Lúc này, Quế Hương đã biết chuyện nên đã “thẹn thùng nấp sau cánh cửa”. Trưa hôm đó, anh và cô gái ngồi cạnh bụi tre gần nhà nói chuyện với nhau. Không biết nói gì, Văn Phác chỉ hôn cô gái một cái vào má như một lời tỏ tình rồi vội vã chia tay. Sau này khi đã yên bề gia thất, bà mới tâm sự với ông: “Anh đi rồi mà mỗi lần sờ vào má, em như thấy nụ hôn nóng bỏng của anh!”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi Văn Phác cùng Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn về nghiên cứu chuẩn bị đánh Việt Trì và giải phóng Vĩnh Yên, anh có ghé qua ông giáo. Quà của anh lúc đó tặng cho người yêu còn đi học là chiếc bút Oe-rơ-vơ, xem như một lời cầu hôn tuy hai người chưa nói gì đến chuyện cưới xin. Tháng 8-1954, Tổng cục Chính trị điều Văn Phác về làm Trưởng phòng Tuyên truyền, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trước tình hình đó, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn và Chính ủy Trần Độ bàn với anh nên xây dựng gia đình với Quế Hương, đơn vị sẽ lo tổ chức cho. Văn Phác viết thư nhanh về Bến Then xin ý kiến gia đình và được ông giáo nhiệt thành đồng ý.
Lễ cưới giữa chú rể Văn Phác và cô dâu Quế Hương được tổ chức giản dị tại trường Ngọc Đèn, nơi gia đình ông giáo sơ tán. Chỉ có bánh kẹo, thuốc lá và nước nhưng rất vui và đầm ấm. Có ít tiền tiết kiệm được, Văn Phác đưa cho vợ may chiếc áo sơ mi thành áo cưới, còn anh vận bộ quân phục lúc bấy giờ. Ông giáo vui mừng và cảm động, đã góp cho Ban tổ chức đám cưới một con chó để liên hoan. Cưới xong, Trần Văn Phác theo Tổng cục Chính trị về tiếp quản Hà Nội. Ít lâu sau, anh đón Quế Hương về và nhờ Tạ Đình Đề, một người bạn nổi tiếng của anh hồi ở Khu 3, xin việc cho vợ ở ngành đường sắt…
- 10 năm sống ở Hà Nội hồi đó (1954-1964) là quãng đời có thể nói là đẹp nhất của vợ chồng tôi. Tuổi còn trẻ, nên mọi khó khăn về vật chất chúng tôi đều vượt qua dễ dàng, còn lại là dâng hiến cho nhau, dâng hiến cho công việc. Tôi sau đó làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Cục phó Cục Tuyên huấn, rồi Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nhưng có lúc cũng phải ở nhờ nhà ông anh lúc ở Gia Lâm, lúc ở Lò Đúc cho đến năm 1960 mới được phân nhà ở khu tập thể 16A Lý Nam Đế này - Ông Văn Phác nhớ lại.
Ông nhớ nhất lần sinh đứa con trai đầu tiên. Tối hôm đó, ông đưa vợ đi xem phim ở rạp Tháng Tám, sau chia tay, vợ về số 2 Hàng Buồm (cơ quan công đoàn Đường sắt Việt Nam), còn ông về nghỉ ở số 4-Lý Nam Đế. Sáng ra, có điện thoại báo tin vợ đau đẻ, ông vội vã lấy xe đạp đưa vợ đến Bệnh viện 108, gửi cho chị Toản, trưởng Khoa sản, vợ đồng chí Cao Văn Khánh. Đứa con ra đời trong niềm vui của đôi vợ chồng trẻ, trong sự chúc mừng của Phó phòng Vũ Tú Nam, của Thư ký tòa soạn Thanh Tịnh, của Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Hữu Mai… Cuộc sống cứ thế diễn ra 10 năm hết sức êm đẹp, cho đến năm 1964, ông được điều động vào chiến trường B2 (từ khu 6 trở vào Nam Bộ) làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh.
- Ở cái “xóm Lý Nam Đế” này (ý là khu tập thể cơ quan Tổng cục Chính trị), tôi là người vào Nam đầu tiên cùng với anh Nguyễn Chí Thanh. Tôi thì xuống Hải Phòng đi theo tàu không số, còn anh Thanh thì sang Trung Quốc, đóng giả người Tàu chở hàng cho Xi-ha-núc. Sứ quán Trung Quốc ở Cam-pu-chia đến thăm tàu cập cảng ở bến Xi-ha-núc, anh Thanh trà trộn vào rồi cùng lên xe về sứ quán. Đến giữa đường, anh xuống xe và được cơ sở của ta đón đưa về An toàn khu ở Việt Nam.
Trước ngày ông lên đường, lần đầu tiên ông thấy vợ mình khóc. Bà nói: “Anh biết rồi đó, em rất yêu anh. Xong nhiệm vụ, anh về ngay với mẹ con em!”. Còn ông chỉ biết nắm lấy tay người vợ trẻ, động viên vợ ở nhà gắng nuôi con, mọi việc khó khăn đã có đơn vị, cơ quan giúp đỡ. Lúc này, vợ chồng ông đã có hai đứa con trai, đứa lớn lên 8 tuổi, còn thằng nhỏ mới 5 tuổi.
Từ khi ông vào Nam cho đến sau Chiến dịch Hồ Chí Minh với cương vị Chủ nhiệm Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, ông được hai lần ra Bắc báo cáo công việc, nhân tiện ghé thăm vợ con. Đó là năm 1967 và năm 1973 (riêng lần sau, bà Quế Hương tiếp tục sinh hạ cho ông một “chàng giải phóng quân con” nữa). Thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá đó đã tiếp thêm sức cho ông rất nhiều trong những ngày chiến đấu gian khổ ở miền Nam. Ông nói, so với nhiều đồng đội khác thì ông có nhiều thuận lợi, vì ở cơ quan chính trị Miền nên thư từ với hậu phương có dễ dàng hơn. Vì thế, ngoài nhiệm vụ của một cán bộ chính trị, thì viết văn (ông viết tác phẩm “Không con đường nào khác”) và gửi thư cho vợ là niềm vui đối với ông. Những bức thư rất giản dị, hóm hỉnh nhưng rất tình cảm mà đến giờ đọc lại, ông vẫn cảm thấy rưng rưng:
 |
Gia đình nguyên Bộ trưởng Trần Văn Phác. |
“
Vợ thân yêu nhất,
… Anh đã nhận được thư số 24 của em. Anh đã đọc đi đọc lại những trang giấy màu xanh thân thiết qua nhiều buổi trưa và buổi tối và tất nhiên cũng không quên ngắm đi ngắm lại 2 tấm ảnh mới nhất của em… Nhìn cái ảnh cười, giá em ở gần chắc anh phải hôn em một cái quá!
Hãy phấn đấu cho một tình yêu đẹp tuyệt vời, mãi như vậy Hương ạ!...”.
Xa chồng, người vợ vẫn luôn được sưởi ấm tình cảm bằng những lá thư nồng nàn yêu thương để vượt qua những khó khăn, thiếu thốn và bom đạn để vừa hoàn thành công việc cơ quan, vừa nuôi 3 con nên người. Vả lại, thời chiến, đàn ông “xóm Lý Nam Đế” thường xuyên xa nhà. Hàng xóm của ông là đồng chí Dương Cự Tẩm, Cục phó Cục Tổ chức (sau là Trung tướng, Chính ủy Quân khu 7), Phạm Thái, Cục phó Cục Bảo vệ đều đi chiến trường. Ở nhà 3 bà vợ kết nghĩa với nhau, thành tổ “phòng không” theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng để nương tựa, giúp đỡ nhau trong những ngày “vắng đàn ông quạnh nhà”. Tình nghĩa đẹp đẽ trong chiến tranh đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Dù 3 gia đình mỗi người một phương, nhưng có điều kiện gặp nhau, các con của ông vẫn gọi bố mẹ Tẩm, bố mẹ Thái, và ngược lại, con của ông Tẩm, ông Thái gọi ông là bố Phác, mẹ Hương…
- Đấy, chuyện tình của tôi giản dị thế thôi, đồng chí ạ! (Ông thường gọi tôi hay bất cứ quân nhân nào khác là như vậy). Một tình yêu bắt nguồn từ tình bạn, tình đồng đội, tình quân dân. Đó còn là tình hậu phương với tiền tuyến và một thời, chúng ta đã sống rất thủy chung, rất tình nghĩa với nhau. Không những với vợ con, mà với đồng đội, đồng chí, với các bạn viết… Tôi tự hào về điều đó!
Ông nở nụ cười rất phúc hậu, nụ cười tôi trông chẳng khác là bao so với tấm ảnh ông chụp ngày cưới cách đây 54 năm. Sự phúc hậu đó, phải chăng giờ đây đã được đền đáp: Con trai cả của ông bà là Trần Trung Tín đang công tác tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Con trai thứ là Trần Việt Thắng là Đại tá, Phó chính ủy Tổng cục 2-Bộ Quốc phòng; Con trai út Trần Hoài Nam làm việc ở sân bay quốc tế Nội Bài. Ông bà Văn Phác đã có 6 cháu nội, chắt, riêng cháu trai đích tôn theo bước chân ông nội, trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
HỒNG SƠN