Trước một quyết định quan trọng như vậy, liên quan đến rất nhiều người lính, dường như ông vẫn nhiều trăn trở, tính toán, dự kiến những tình huống khó khăn và cách xử trí.

27 năm gắn bó với miền biên giới Lạng Sơn

Thiếu tướng Lê Quang Đạo quê ở Gia Viễn, Ninh Bình nhưng đời binh nghiệp của ông gắn bó với miền biên giới Lạng Sơn vẹn tròn 27 năm, từ khi là một thiếu úy trẻ đến khi rời nhiệm vụ là Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn về vị trí Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP năm 2020. Nhiều người dân hẳn không thể quên dáng vóc uy nghi của một sĩ quan Biên phòng trong sự kiện tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn năm 2019. Lúc đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và Đại tá Lê Quang Đạo cùng bước ra bắt tay đón ngài Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Hình ảnh một người chỉ huy biên phòng đĩnh đạc và phong cách chỉ huy quyết đoán, tổ chức lực lượng biên phòng chặt chẽ trong công tác đối ngoại quốc phòng đã để lại dấu ấn tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ đặc biệt.

Khác hẳn với vẻ ngoài quyết liệt, mạnh mẽ ấy, Thiếu tướng Lê Quang Đạo cười hiền lành, giọng trầm ấm và trìu mến khi  nhẹ nhàng, sâu lắng khi trò chuyện cùng tôi, nhắc đến những nơi mình từng đóng quân, từng trải qua tuổi trẻ quân ngũ với rau rừng, nước suối; vừa dựng lán dạy chữ cho trẻ nhỏ, vừa canh người, giữ đất suốt dặm dài Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình… của Lạng Sơn, vùng Đông Bắc Tổ quốc. “Tất cả những điều tôi đã làm là thực hiện một cách sáng tạo và quyết liệt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, xây dựng thế trận lòng dân. Chính miền biên cương bồi đắp dần lên “nhân cách lính” của tôi như bây giờ". Tôi tự hào từng là một thầy giáo quân hàm xanh!” - ông tâm sự.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP kiểm tra vũ khí, trang bị trong diễn tập chiến thuật BĐBP. Ảnh Kim Nhượng

Lạng Sơn với vị trí địa lý chiến lược, luôn là đầu mối tụ về của trăm ngàn loại tội phạm. Thiếu tướng Lê Quang Đạo từng nói với anh em đồng đội khi ông còn là sĩ quan quân hàm thiếu tá, Phó đồn trưởng Đồn BPCKQT Hữu Nghị: “Đất nước ta xuất hiện loại tội phạm nào, thì Lạng Sơn có ngay loại tội phạm đó”. Mảnh đất cửa ngõ biên giới gần đô thị lớn của nước bạn, đời sống biên mậu rừng rực luân chuyển hằng ngày như cái “rốn đọng” các vấn đề quốc gia, đại sự.

Trong môi trường đó không những cần chính trực, còn phải bền gan, bền chí. Biên khu Lạng Sơn càng rộng cửa, người đông lên, đất đai khai mở, cái mới tiếp nhận đầu tiên, nhanh nhất nhưng cái xấu cũng ngay lập tức hoành hành. Chính những ngày tháng đứng vai trò chỉ huy 2 đồn Biên phòng trọng điểm là Hữu Nghị và Tân Thanh đã làm nên một điển hình trấn áp tội phạm mang tên Lê Quang Đạo. Ông khiêm tốn bày tỏ: “Thành tích chừng ấy năm kiểm soát biên giới một cách chủ động thuộc về các anh em Biên phòng nằm gai nếm mật. Tôi chỉ tự hào là người đi trước, người đương đầu ở vị trí tiên phong khi thực hiện đường lối, chủ trương”.

“Biên giới lòng dân” – điều không thể khác

Lực lượng BĐBP có dang tay cũng không dõi theo được tất cả khu vực biên giới, tai mắt phải ở trong dân. Thực tiễn đó đã khẳng định lý luận xây dựng “biên giới lòng dân” là điều quan trọng nhất và không thể khác. Muốn vậy phải đủ uy tín để quy tụ, phối hợp lực lượng tại chỗ, tài trí để thiết lập quan hệ ngoại giao hữu hảo với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn. Sức mạnh lòng dân biên giới mới có thể dệt thành “mạng lưới mềm” rộng khắp, vô hình nhưng hiệu quả. BĐBP Lạng Sơn được cấp trên đánh giá là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả nhất Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. 

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP. Ảnh Nguyễn Bích

Có được như vậy, đời sống nhân dân phải sang trang mới. Nguồn lực có được từ mở cửa giao lưu thương mại ở vùng biên giới phải được phát huy trở lại làm giàu có, no ấm vùng biên. Chiến dịch xây nhà đại đoàn kết là chủ trương chung, nhưng với Lạng Sơn, BĐBP xây nhà đại đoàn kết cho nhân dân là vết son được tạc đậm nét, khiến ai cũng nhớ hình ảnh người lính quân hàm xanh hóa ra gần gũi như con cái trong gia đình. Họ vác gạch xây nhà, tu sửa sân phơi, mở mang đường làng ngõ xóm. Nhà đại đoàn kết của BĐBP xây phải khang trang, ấm áp nghĩa tình hơn để định hướng và kéo người dân về với con đường đúng, không tham gia vào tiếp tay, bao che tội phạm và đi buôn lậu.    

Một ông lão sống cả đời bên cửa khẩu Chi Ma, Lộc Bình, Lạng Sơn từng tham gia canh giữ đất quê đất làng, rồi tham gia bảo vệ toàn vẹn mốc dấu trước thời điểm phân giới cắm mốc, giờ lại tiếp tục tham gia tự quản cột mốc chính thức, rồi lại tham gia hoạt động thương mại cửa khẩu. Đó là một cuộc đời đáng tự hào của một cư dân biên giới bình thường, đã làm những việc phi thường. Cũng chừng ấy năm, lực lượng BĐBP song hành cùng nhân dân để hoạch định những dấu mốc lớn, vận hội lớn cho vùng biên cương. Thiếu tướng Lê Quang Đạo đã có nhiều sáng tạo trong tư duy, tham mưu cho địa phương nhanh chóng đổi mới, thúc đẩy việc hình thành và hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu theo cách “mở ra để quản”, để tăng cường độ, công năng hoạt động của khu vực biên giới.

Trong thời gian là sĩ quan chỉ huy cấp đồn biên phòng, ông kinh qua thực hiện nhiệm vụ, góp sức vào hàng loạt các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc triển khai trên thực địa công tác phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. “Tổ chức, chỉ huy tốt thì anh em cũng đỡ vất vả, địa bàn bớt đi phức tạp, góp phần giúp tiến trình phân giới cắm mốc được đẩy nhanh” – ông nói. Sau phân định biên giới, Đồn BPCKQT Hữu Nghị cũng là đơn vị đầu tiên trên tuyến thực hiện tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn.

Trưởng thành từ chỉ huy đồn trạm lên cương vị chỉ huy BĐBP Lạng Sơn, Thiếu tướng Lê Quang Đạo có thêm nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy công tác đối ngoại biên phòng Việt Nam – Trung Quốc. Đồn BPCKQT Hữu Nghị (Việt Nam) và Trạm kiểm soát Biên phòng Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) trở thành cặp kết nghĩa "đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên" đầu tiên vào năm 2014. Từ đó, giúp mở ra, hình thành nhiều mô hình đặc sắc của ngoại giao quân sự như “Giao lưu Công tác chính trị giữa BĐBP Việt Nam và Cục Quản lý Biên phòng Trung Quốc”, Tọa đàm giữa 2 bên mang tên "Lá cờ Đảng soi sáng biên cương" và "Việt - Trung hữu nghị, tâm liền tâm".

Thực tế đó giúp cho lực lượng bảo vệ biên giới giữa 2 quốc gia mới cởi mở, hữu hảo và giao lưu thông suốt. Điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho công tác đổi mới công tác cửa khẩu, hiện đại hóa hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh người qua biên giới. Hơn thế nữa, hiệu quả của công tác đối ngoại còn thuận tiện hơn cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp hiệu quả để phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Dấu chân không mỏi trên dải biên cương

Hiện nay, Thiếu tướng Lê Quang Đạo là thành viên Ban Chỉ đạo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm nhiệm vai trò tham mưu ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống xảy ra trên biên giới, biển đảo. Ông đặc biệt chú ý đến phong tục tập quán của nhân dân sinh sống gần các đoạn biên giới thường xảy ra hiện tượng xuất nhập cảnh trái phép mang theo nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chống dịch hiệu quả phải đi từ nguyên nhân nảy sinh, sau đó mới đến chốt chặn nhiều lớp và bảo vệ nghiêm ngặt. Cuối cùng mọi công tác đều dẫn tới một điều không thể khác là xây dựng biên giới lòng dân – công tác trường kỳ, khéo léo và lợi ích cao nhất luôn thuộc về quốc gia, dân tộc.

“Dù làm gì thì bộ đội biên phòng vẫn phải gắn bó với dân, với biên cương. Tôi muốn mang theo mình mãi mãi tinh thần của anh giáo trẻ quân hàm xanh ngày trước. Gần dân, dựa vào dân thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” – Thiếu tướng Lê Quang Đạo bày tỏ.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo sinh năm 1971 tại Gia Viễn, Ninh Bình. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Đồn trưởng Đồn BPCKQT Hữu Nghị;  Đồn trưởng Đồn BP Tân Thanh; Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Lạng Sơn; Tham mưu trưởng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn; Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn.

Tháng 1-2020, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng BĐBP. Tháng 8-2020, ông giữ chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP và được thăng quân hàm Thiếu tướng.  

TRƯƠNG THÚY HẰNG