Khi còn là người lính hải quân, gần 10 năm rong ruổi trên các vùng biển Tổ quốc, nhìn thấy biết bao cảnh đẹp kỳ vĩ, Trần Chung chỉ ước ao mình được cầm chiếc máy ảnh. Những ngày chủ nhật, Chung lân la lên Ban Tuyên huấn lữ đoàn để được sờ vào… chiếc máy ảnh Praktica nova cũ kỹ cho đỡ thèm! Từ nỗi đam mê cháy bỏng ấy, năm 1980, khi được xuất ngũ, Trần Chung quyết định hành nghề chụp ảnh.
Đó là những ngày đời sống nhân dân cả nước còn khó khăn, nói chi đến cuộc sống người lính trở về. Quê anh, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ngày ấy nghèo lắm. Bằng tiền trợ cấp xuất ngũ, Trần Chung tậu được chiếc máy ảnh Zenit, đi khắp nơi chụp ảnh kiếm sống. Một lần có đoàn khách từ Hà Nội về tắm biển, nhờ Trần Chung đi theo để chụp. Hôm đó, nắng chiếu mơn man trên bờ cát vàng sóng sánh như mật. Từng con sóng trắng uốn lượn xô lên bờ cát, rút xuống để lại ngấn bọt biển thành những vân màu óng ánh bạc trên bãi cát láng bóng như gương. Bất chợt, một toán nữ dân quân luyện tập về, súng trên vai, đi thành một hàng thẳng tắp in bóng trên mặt gương cát ấy. Trần Chung đứng ngẩn người nhìn rồi bỏ đám khách, chạy theo đón đầu toán dân quân, chọn góc độ, lấy khuôn hình, chụp lia lịa. Lần ấy, anh thất thu to từ đám khách sộp. Bà đoàn trưởng đám khách bực mình gọi thợ ảnh khác đến, rút ngay ra 1 triệu đồng trả trước, như để khích Chung. Nhưng Chung lại rất vui vẻ, vì bù lại, tác phẩm “Chiều biển” của anh được in trên các báo, tạp chí và được bạn bè, đồng nghiệp chia vui, khen ngợi.
Từ bức ảnh khởi đầu bất ngờ ấy, thành công liên tiếp đến với Trần Chung. Hiệu ảnh của anh nổi tiếng khắp huyện Nghi Xuân và các huyện lân cận, lan sang cả thành phố Vinh. Những bức ảnh nghệ thuật của anh ra đời liên tiếp được đánh giá cao và nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Có thể kể ra đây những bức ảnh gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem như: Hoa biển, Tình biển, Khúc nhạc đồng quê, Cung đàn đất Việt, Hạnh phúc, Khát vọng… Đặc biệt Trần Chung rất say mê với hình tượng người lính, những thương binh, bệnh binh vượt khó làm giàu, những việc làm mang nặng nghĩa tình của đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”… Khó ai đã một lần xem tấm ảnh Trần Chung chụp một chiều nghĩa trang mà không xúc động. Trong tấm ảnh, người cha hơn 80 tuổi ngồi bất động bên mộ con trai mình, đôi mắt ông cũng bất động nhìn lên mộ chí. Bên ông là đứa cháu nhỏ chừng 10 tuổi, hình như là cháu người liệt sĩ, theo cố đến thắp hương cho ông nội mình. Một làn khói xanh mơ bay lên trong nắng chiều xiên chéo. Tấm ảnh không hề buồn khi Trần Chung khéo léo cho vào ngay trước khuôn hình, bên nơi hai cố cháu ngồi một cành hoa cúc trồng trước ngôi mộ đang vươn những cành lá xanh mướt và rừng rực một đóa hoa vàng như màu nắng. Cuộc sống vẫn sinh sôi từ mất mát, hy sinh.
Lại một lần đi tìm hiểu về cuộc sống của người lính trở về đời thường, Trần Chung tạt vào nhà một đồng đội cũ là thương binh. Dù bị mất một tay, người thương binh vẫn là một ông chủ trang trại ăn nên, làm ra. Đang ngồi uống nước chè xanh với bạn, hai người say sưa ôn lại những tháng năm trận mạc, những khát khao của người lính khi cầm súng đứng dậy, giơ cánh tay cụt lên vẫy đàn chim. Ngay lập tức, hai chú chim câu sà xuống, một chú đậu lên vai anh, chú khác đậu vào cánh tay cụt của anh. Người thương binh giơ cánh tay cụt lên nâng cánh cho chú chim bay lên. Ánh sáng đổ tràn trên đôi cánh chim câu đang dang rộng, chảy xuống cánh tay cụt, sáng bừng khuôn mặt người bạn. Trần Chung mừng quá, vội vã nâng máy ảnh lên, cứ thế liên tiếp bấm mấy “phát” liền. Tấm ảnh lúc đầu được anh đặt cho cái tên “Nâng cánh ước mơ”, sau đó nghĩ thế nào anh đổi thành “Khát vọng”. Một khát vọng vươn tới của người thương binh “tàn nhưng không phế”; một khát vọng hòa bình của người lính bị chiến tranh cướp mất một phần cơ thể; tự thân nó đã trở thành vẻ đẹp của người lính, trở thành khát vọng cuộc đời. Tấm ảnh được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao huy chương bạc.
Khi viết những dòng cuối cùng này, trước mắt tôi lại hiện về lấp lánh nụ cười móm mém của người mẹ Việt Nam anh hùng mà đôi mắt thì ầng ậng nước dõi về xa xăm, ngày mẹ nhận được ngôi nhà tình nghĩa, trong bức ảnh: “Mẹ ơi, đây là nhà của mẹ!” của Trần Chung.
Bài: NGUYỄN XUÂN DIỆU
Ảnh: TRẦN CHUNG