Tôi được về học Lớp 48b, Khoa Chỉ huy Hậu cần do đồng chí Trung tá Mậu Đạt, học viên khóa 1 của trường là trưởng khoa, Thiếu tá Trần Mô là phó khoa, Trung tá Nguyễn Sáu là chính ủy, Thiếu tá Nguyễn Cứ là phó chính ủy. Khóa chúng tôi học là khóa 17 đào tạo sĩ quan dài hạn 3 năm. Khi ấy các khóa đào tạo dài hạn là số lẻ như 13-15-17…, các khóa học ngắn hạn là số chẵn như 14-16-18… Nhà trường đào tạo trên nữa là Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn, có Lớp Cán bộ cao cấp chỉ huy hậu cần.

Chúng tôi rất đông học viên, đào tạo đủ các chuyên ngành: Sĩ quan Chỉ huy hậu cần, Sĩ quan Tài vụ, Sĩ quan Quân nhu, Sĩ quan Quân khí, Sĩ quan Quản lý xe máy, Sĩ quan Xăng dầu, Trung đội trưởng vận tải xe hơi... Lễ khai giảng được tổ chức trọng thể trang nghiêm, trên lễ đài đậm dòng chữ “Lễ khai giảng đào tạo Sĩ quan Hậu cần - Tài vụ khóa 17”. Sau lễ chào cờ, cả hội trường đứng nghiêm nghe đọc thư của Bác Hồ gửi lớp cán bộ cung cấp năm 1951, được xem phim và thăm nhà truyền thống, chính thức là học viên đào tạo sĩ quan ngành Hậu cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về hình tượng “chữ số” và “cái kim” của chiếc đồng hồ trong guồng máy cách mạng.

Khu giảng đường có tượng Bác Hồ ở trung tâm (nơi được vinh dự đón Bác Hồ về thăm trường năm 1958), hai bên những dãy nhà xây cấp 4 lợp ngói xi măng, đánh số thứ tự chữ đầu là H… Chúng tôi được học những kiến thức về triết học, kinh tế chính trị, về chiến thuật quân sự, về nghiệp vụ của ngành Hậu cần theo từng chuyên ngành, được đi tham quan các viện bảo tàng, xem phim khoa học, làm thí nghiệm và học chiến thuật hậu cần dã ngoại ngoài thực địa.

Lớp Chỉ huy Hậu cần học đủ các chuyên ngành “nhu, y, khí, vận, xăng dầu, xe máy, doanh trại…” như tổ chức biên chế của ngành Hậu cần. Kiến thức từng môn học được các thầy giảng gắn liền với thực tế đời sống bộ đội, với chiến trường, rất khái quát nhưng cũng rất cụ thể. Tôi nhớ học về kỹ thuật nấu ăn: Các món ăn dân tộc thực phẩm và gia vị phải phù hợp “lá rau dền nấu canh đường cát, cây bát ngát nấu cá lang biên, cây chỉ thiên nấu hồ bán nguyệt, ngựa ông lang Biền nấu quả cành treo”.

Khi học chiến thuật hậu cần mỗi tình huống chiến đấu thì phải có các nội dung: Nhận định tình hình, xác định quyết tâm, phương pháp xử lý... Học thêm ngoài giờ thành phong trào ở các lớp, các khoa trong toàn trường, đến giờ đi ngủ nhưng những nơi còn ánh đèn điện bảo vệ vẫn từng tốp từng người tranh thủ học thêm để thật nhuần nhuyễn kiến thức các môn học. Từng lớp có tổ trung tâm trước khi tắt điện đi ngủ “chốt” các nội dung quan trọng của bài học. Các môn học tổ chức ôn thi thật chặt chẽ, nghiêm túc.

Sự kiện quan trọng của khóa 17 chúng tôi là được đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm nhà trường. Lúc này Trường Sĩ quan Hậu cần đã có quyết định thành Học viện Hậu cần. Đồng chí Đại tá Hoàng Kiện - người cán bộ liêm khiết được Bác Hồ khen đạo đức của cán bộ quân đội: “Tướng có chú Thanh - Tá có chú Kiện” (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Đại tá Hoàng Kiện) làm viện trưởng; đồng chí Đại tá, Hiệu trưởng Trần Chí Cường làm viện phó; đồng chí Đại tá Trần Huy làm chính ủy.

Năm đó Tết Nguyên đán chúng tôi không được nghỉ phép, chỉ có tập duyệt đón cấp trên, đội danh dự do Đại úy Lê Bá Phúc làm đội trưởng. Sáng 27 tháng Chạp, chỉ còn 3 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mão, các thành phần được chọn, đội ngũ chỉnh tề nghiêm túc trong sân nhà truyền thống. Đồng chí Chính ủy Trần Huy long trọng thông báo, học viện vinh dự đón Bác Tôn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Tất cả thầy trò vỡ òa niềm vui sướng và xúc động. Bác Tôn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm là vinh dự đặc biệt lớn của nhà trường như lần đã được đón Bác Hồ về thăm. Những lời căn dặn và tình cảm ấm áp như cha con của Bác Tôn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo chúng tôi suốt cuộc đời binh nghiệp. Mỗi học viên được nhận quà của Bác Tôn là 1 chiếc kẹo Hải Hà, mọi người vui vẻ phấn khởi như ngày kỷ niệm thành lập trường mồng 3-3, hai người được chung 1 chiếc bánh nướng nhỏ.

Lớp 48b chụp ảnh lưu niệm ngày tốt nghiệp ra trường năm 1977.

Gần hết giờ học buổi sáng 30-4-1975, đang học “tự tu” trên giường tầng chúng tôi thấy tiếng reo hò và vỗ tay vang dội khắp nơi và có người hô to: “Giải phóng Miền Nam rồi”. Đúng là niềm vui nước mắt tuôn trào. Trong khí thế phấn khởi cùng cả nước mừng chiến thắng, học viên khóa 17 luyện tập đội ngũ cho mít tinh lớn cấp Nhà nước ở Quảng trường Ba Đình Hà Nội vào ngày Quốc khánh 2-9.

Hằng tháng trời đứng dưới nắng hè nóng bức, vài trăm người tập đứng nghiêm mấy tiếng đồng hồ. Đại úy Vũ Đình Vĩnh, Trưởng ban điều lệnh nhanh nhẹn hoạt bát như một tổng đạo diễn uốn nắn, chấn chỉnh từng hàng quân và tính thời gian đứng nghiêm. Buổi mít tinh có đầy đủ các vị lãnh đạo kính mến của Đảng và Nhà nước cùng toàn thể các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Ba năm học đào tạo sĩ quan, chúng tôi được trang bị những kiến thức cơ bản theo từng chuyên ngành và được rèn luyện toàn diện về thể chất. Sân vận động nhà trường giờ nghỉ đông vui như hội với những lần cổ vũ đội bóng đá thi đấu giao hữu. Ở gần Hà Nội, chúng tôi được nhà trường cho thưởng thức các chương trình văn công quân đội với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Kiều Hưng, Thanh Huyền, Thuý Hà, Kim Cúc, Tiến Thọ... biểu diễn. Những lần hội diễn văn nghệ thật hăng say sôi động với tiết mục của các khoa, các tiểu đoàn.

Các ngày nghỉ, quân số học viên chủ yếu ở doanh trại, mỗi tiểu đội được phát 2 giấy ra vào thay nhau ra cổng trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Qua 3 năm học (có 3 tháng đi thực tế ở đơn vị) được rèn luyện và sàng lọc, vì các lý do khác nhau, mỗi lớp còn lại khoảng hơn 40 người hoàn thành tốt nhiệm vụ được phong quân hàm thiếu úy. Lễ bế giảng tại hội trường 3-3 có quan khách Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Cao Văn Khánh chủ lễ. Các sĩ quan khóa 17 nghiêm trang đứng nghe anh Nguyễn Văn Thuận, học viên Khoa Quản lý Xe máy dõng dạc tuyên thệ. Gần nghìn học viên trở thành sĩ quan hậu cần được điều động về các đơn vị trong toàn quân.

45 năm từ ngày tốt nghiệp ra trường, các học viên khóa 17 chúng tôi đã mang phẩm chất trí tuệ và kiến thức được đào tạo ở Học viện Hậu cần xây dựng ngành Hậu cần quân đội, đảm bảo cho các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế; có đồng chí đã anh dũng hy sinh ở chiến trường, bạn đồng khóa người còn người mất; bao người chưa một lần được quay trở lại trường; có người được về học tiếp để trưởng thành ở vị trí công tác cao hơn; có người được đào tạo trở thành tiến sĩ; có 6 học viên khóa 17 được Đảng và Nhà nước phong quân hàm cấp tướng, góp phần tô thắm trang sử truyền thống sáng ngời của Học viện Hậu cần anh hùng.

Mỗi lần nhớ về trường, chúng tôi vô cùng cảm kích công lao của các thầy, sự chăm lo của lãnh đạo, các cơ quan, của chị nuôi ở các bếp ăn và mảnh đất ngày đầu chúng tôi được đến trường thật thiêng liêng yêu dấu đã hun đúc và nâng bước cho chúng tôi - những thế hệ cán bộ hậu cần ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng, PGS , TS PHẠM TIẾN LUẬT, học viên khóa 17, Học viện Hậu cần (1974-1977)