Theo Đại tá, PGS, TS Phan Tùng Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Hậu cần: Trong năm 2016-2017, Học viện Hậu cần đã hoàn thành tốt nhiệm vụ GDĐT, chất lượng được nâng cao. Học viện đã tổ chức huấn luyện 159 lớp với 4.618 học viên, sinh viên của nhiều đối tượng, chương trình đào tạo khác nhau. Kết quả phân loại học tập của học viên quân sự 100% đạt yêu cầu, trong đó hơn 83,3% khá, giỏi, xuất sắc. Học viên các khóa tốt nghiệp 100% đạt điểm trung bình trở lên, trong đó hơn 88,3% khá, giỏi, xuất sắc. Học viên sau khi tốt nghiệp đều phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ, đáp ứng tốt với chức trách, nhiệm vụ được giao tại đơn vị...

Giảng viên, học viên Học viện Hậu cần trong phòng thí nghiệm. 


Để nâng cao chất lượng GDĐT, Học viện Hậu cần chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, điều hành huấn luyện. Trong năm học vừa qua, học viện đã xây dựng thành công chương trình đào tạo cán bộ hậu cần cấp phân đội trình độ đại học ngành kỹ sư xây dựng, chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp. Sau thời gian đưa vào sử dụng phần mềm “Điều chỉnh lịch huấn luyện qua mạng máy tính tại Học viện Hậu cần” phát huy hiệu quả, bảo đảm công tác quản lý, điều hành kế hoạch huấn luyện ngày càng chặt chẽ, khoa học. Để quản lý chặt chẽ chất lượng dạy học, Ban giám đốc học viện tiến hành kiểm tra, dự giảng hàng chục lượt giảng viên, đồng thời chỉ đạo các khoa, bộ môn kiểm tra hơn 1.200 lượt giảng viên, kết quả hơn 99% đạt khá, giỏi. Về phương pháp dạy học, học viện chỉ đạo các khoa, bộ môn duy trì có nền nếp việc giảng tập, giảng thử, giảng rút kinh nghiệm, nhất là đối với giảng viên mới. Chia sẻ về kinh nghiệm đoạt giải nhất hội thi giáo viên dạy giỏi năm 2017, Đại úy Hoàng Thị Hạnh, giảng viên Bộ môn Kinh tế chính trị cho biết: "Ngoài nỗ lực, cố gắng của bản thân, chúng tôi luôn được khoa quan tâm bồi dưỡng, rút kinh nghiệm thường xuyên. Trước khi tham gia hội thi của học viện, khoa tổ chức hàng chục buổi hội thảo, rút kinh nghiệm về phương pháp, giúp cho tôi hoàn thành tốt nội dung thi...”.

Trở lại Học viện Hậu cần lần này, chúng tôi không chỉ được tham quan các giảng đường, phòng học khang trang, hiện đại mà còn nhận thấy đội ngũ giảng viên của học viện rất tích cực khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, giảng dạy và đổi mới hình thức tập bài cho học viên. Đại tá, PGS, TS Trịnh Bá Chinh, Chủ nhiệm Khoa Chỉ huy hậu cần cho biết: "Việc sử dụng trang thiết bị trình chiếu, phần mềm mô phỏng vào giảng dạy được học viên và khoa triển khai thực hiện từ nhiều năm nay cho thấy hiệu quả tích cực, tăng tính trực quan sinh động trong từng bài giảng. Để bảo đảm chất lượng, chỉ huy khoa luôn chủ động làm trước, làm mẫu để hướng dẫn, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng giảng viên...".

Bên cạnh việc xác định “lấy người học làm trung tâm”, trong quá trình đào tạo, Học viện Hậu cần luôn coi trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, theo hướng chuẩn hóa, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ GDĐT, xây dựng nhà trường. Đại tá, PGS, TS Phan Tùng Sơn cho biết: Với nhiều biện pháp tích cực, đến nay 100% giảng viên của học viện đều có trình độ đại học trở lên, 75% trình độ sau đại học. Riêng đội ngũ cán bộ, chỉ huy khoa, bộ môn 100% có trình độ sau đại học, hơn 54% tiến sĩ...

Cùng với bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, Học viện Hậu cần luôn chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, giảng viên. Để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 89/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, học viện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên giai đoạn 2015-2020”, phấn đấu sớm triển khai giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ trong thời gian tới. Hướng nghiên cứu khoa học phục vụ GDĐT, học viện chủ trương tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên vào việc đề xuất các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nghiên cứu, đổi mới nội dung chương trình... Mới đây, học viện đã phối hợp với Tổng cục Hậu cần tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Định hướng nghiên cứu, phát triển khoa học hậu cần quân sự giai đoạn 2017-2020”. Qua đó, xác định rõ hơn hướng nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác GDĐT, xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần trong thời gian tới...

Bài và ảnh: HƯNG HÀ