Là một cán bộ Đoàn, tôi rất tâm đắc với nhiều bài viết về học tập, làm theo đạo đức Bác Hồ trong mục "Từ suy nghĩ đến việc làm" trên báo Quân đội nhân dân. Từ những vấn đề đã từng đề cập trên báo, nhất là việc thanh niên học tập và làm theo đạo đức của Bác dễ hay khó? Tôi xin trao đổi thêm về cách làm để thực hiện cuộc vận động này trong thế hệ trẻ.
Trong cuộc giao lưu trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng với thanh niên mới diễn ra gần đây, bạn Đặng Vũ Anh, 27 tuổi, ở Hà Nội đã đặt câu hỏi: “Cuộc vận động rất thiêng liêng nhưng lại cực kỳ khó tìm ra những phương thức thực hiện hiệu quả. Bí thư có thể đề ra một vài giải pháp để áp dụng ở các cơ sở Đoàn”. Đây cũng là câu hỏi khiến không ít cán bộ Đoàn “bóp trán”: học tập Bác Hồ, dễ hay khó? Tuy nhiên, thời gian qua, ở các cơ sở Đoàn đã xuất hiện nhiều hình thức, cách làm sáng tạo và hiệu quả.
Sáng 3-2-2007, đúng ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Công ty Điện tử-Tin học Sài Gòn tổ chức diễn đàn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhưng thay vì đọc báo cáo, họ có cách làm riêng: Chia sẻ tâm tình chính những trải nghiệm bản thân về những điều mình học được từ Bác. Một kỹ sư trẻ sinh ra ở Huế mở đầu bằng câu chuyện phải đợi đến ba ngày ở Hà Nội mới vào được trong Lăng viếng Bác. Nhìn dòng người dài xếp hàng, bước đi chầm chậm dưới nắng hè gay gắt, anh hỏi vì sao Bác lại có một sức hút mạnh mẽ đến như thế. Bởi: Bác đã sống vì hạnh phúc của mọi người. Một cô bé kể chuyện ở quê mình, thời bố, mẹ cô tận mắt chứng kiến: Hợp tác xã khi biết Bác đến đã đi mượn heo to béo ở trong làng rồi giấu đi những con heo ốm để báo cáo thành tích. Câu chuyện ấy luôn nhắc nhở cô: nói "không" với sự giả dối… Cách làm giản dị trên đã giúp cho buổi phát động thành công ngoài “kịch bản”. Bởi qua mỗi câu chuyện, mỗi người đều tự soi mình từ những điều giản dị, chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về Bác.
“Trang web, blog học tập Bác Hồ - tại sao không”? Đó là ý kiến của một bạn trẻ nêu trên 360°yahoo.com… Bạn trẻ này cho rằng: Vài năm trước, Đoàn từng phát động hẳn một cuộc thi thiết kế trang web với chủ đề “Tuổi trẻ với Bác Hồ, Bác Hồ với tuổi trẻ”. Phát động rầm rộ thế, sao nay không mang ra “ứng dụng” vào cuộc vận động đầy ý nghĩa này?
Ở thành phố mang tên Bác, thanh niên đã hưởng ứng cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể như: Thành đoàn gửi tặng mỗi bí thư Đoàn, mỗi ủy viên ban chấp hành một cuốn Sửa đổi lề lối làm việc để làm theo lời Bác dạy. Họ cũng hướng tới xây dựng những mô hình mới như: “Công dân trẻ", “Sinh viên 3 tốt”, "Cháu ngoan Bác Hồ”; thực hiện phong trào “3 trách nhiệm”-với nhân dân, với công việc, với bản thân; nghiêng về hướng "làm" nhiều hơn “nói”…
Qua đọc báo Quân đội nhân dân, tôi rất ấn tượng và tâm đắc với những kinh nghiệm, cách làm hay để thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một đơn vị quân đội ở phía Nam sưu tầm những bài báo hay về Bác Hồ làm tài liệu học tập cho cán bộ, chiến sĩ. Một cựu chiến binh dành lương hưu xây nhà thờ Bác Hồ, mở thư viện thu hút các bạn trẻ đến đọc sách về Bác. Một trường học vận động học sinh quyên góp ủng hộ sách, báo về Bác Hồ để xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” nhân tháng Thanh niên…
Học tập Bác Hồ, có nghìn lẻ cách làm, dễ mà khó, nếu thiếu đi tâm huyết; khó mà dễ, nếu biết tìm cách nhen nhóm ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng của thanh niên. Đúng như câu trả lời của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng tại cuộc giao lưu trực tuyến với các bạn trẻ: Để làm cho những lời dạy và tấm gương đạo đức của Bác đi vào giới trẻ một cách tự giác, cách làm thì rất nhiều: Tổ chức trao đổi, tranh luận, viết cảm nhận, sinh hoạt chuyên đề, xem phim tư liệu về tấm gương đạo đức của Bác…; nêu những thói hư tật xấu của cá nhân và tập thể cần đẩy lùi; những điều hay, điều tốt cần nhân rộng… Nếu có tình cảm và trách nhiệm thực sự sẽ nảy sinh những cách làm sáng tạo.
NGUYỄN THÀNH VĨNH (Ủy ban An toàn giao thông quốc gia)