QĐND - Những ngày tháng Ba lịch sử này, quân-dân TP Đà Nẵng ngập tràn niềm vui đón chào kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng quê hương. Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà tiếp tôi trong ngôi nhà đơn sơ trên phố Phan Bội Châu. Nhìn dáng người nho nhã, đôi mắt tinh tường, giọng nói trầm ấm, không ai nghĩ ông đã ở tuổi 88. Với ông, những ngày tháng 3-1975 mãi mãi là ký ức thiêng liêng, không thể phai mờ, là niềm kiêu hãnh, tự hào của quân và dân Đà Nẵng.

Ông kể, ngày 10-3-1975, tin chiến thắng Buôn Ma Thuột dội về làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận. Hoạt động quân sự khắp địa bàn Quảng Đà phát triển mạnh mẽ. Từ ngày 22 đến 24-3, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) và các đơn vị của Mặt trận 4 Quảng Đà tiến công tiêu diệt, truy kích địch ở Duy Xuyên, cắt đường số 1, thần tốc tiến vào giải phóng thị xã Tam Kỳ, rồi cùng lúc hướng về mục tiêu giải phóng Đà Nẵng.

Tại thời điểm đó, lực lượng địch ở khu vực Đà Nẵng tập trung gần 100 nghìn tên, gồm các lực lượng tại chỗ và tàn binh các nơi dồn về. Tuy bị quân ta vây chặt, tinh thần của binh sĩ địch hoang mang tột độ, nhưng các quan thầy Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn chủ trương “tử thủ Đà Nẵng và di tản dần nhằm bảo toàn lực lượng, co về giữ vững đồng bằng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ”.

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Mặt trận Quảng Đà xác định quyết tâm: Đánh tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Đà Nẵng, nhanh chóng tiến công, không cho địch có thời cơ co cụm cố thủ; trường hợp địch cố thủ, phải đột phá nhanh, không cho chúng rút về Sài Gòn. Phương châm tác chiến đã xác định là: “Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng”.

Đại tá Lê Công Thạnh xem lại các tư liệu về Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

Thực hiện quyết tâm chiến dịch, theo phương án, lực lượng Trung đoàn 1 và Trung đoàn 36 (Sư đoàn 2) tiến công trên hướng chủ yếu, theo trục đường quốc lộ đánh chiếm Sân bay Đà Nẵng và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 địch. Trung đoàn 96 và Trung đoàn 97 (Mặt trận Quảng Đà) phối hợp Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2) sau khi tiêu diệt căn cứ núi Quế, Đá Đen, tiến về phía đông đánh chiếm Sân bay Nước Mặn và bán đảo Sơn Trà. Sư đoàn 304 sau khi chốt giữ Thượng Đức (Quảng Nam) nhanh chóng hành quân từ phía Tây xuống đánh chiếm Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn ở núi Phước Tường, phối hợp với các lực lượng còn lại thọc sâu áp sát thành phố, sẵn sàng phối hợp cùng chủ lực khi thời cơ đến; các đại đội bộ đội địa phương tại chỗ và biệt động thành Đà Nẵng có nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, đồng thời tham gia đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô. Sau khi giải phóng Thừa Thiên-Huế, ngày 26-3, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) thừa thắng tiến vào làm chủ đèo Hải Vân. Lực lượng nổi dậy cùng lực lượng biệt động, tự vệ nội thành hoạt động khắp các khu phố khiến quân địch càng hoang mang.

Đại tá Lê Công Thạnh kể: “Trong Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, công tác địch vận hoạt động rất hiệu quả. Hàng ngàn người dân từ Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang kéo tới những căn cứ địch tuyên truyền về sức mạnh như vũ bão của ta, khiến địch thêm khiếp sợ. Ngay tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, nhờ sự vận động của cơ sở nội tuyến và những người dân giàu nhiệt huyết cách mạng, hơn 3000 lính quân đội Sài Gòn nổi dậy giết chết tên chỉ huy, sau đó rã ngũ, chạy ra vùng giải phóng và chạy về nội thành Đà Nẵng. Tinh thần quân địch vốn đã rệu rã, nay lại càng rệu rã thêm!”.

Vào hồi 7 giờ ngày 29-3-1975, các hướng, mũi tiến công của ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu ở ngoại thành. Phần lớn quân địch bỏ chạy vào nội thành co cụm chống lại, nhưng đến 9 giờ thì Bộ tư lệnh Chiến dịch ra lệnh cho các hướng đồng loạt tấn công vào nội đô thành phố. Từ hướng Đường 1, Sư đoàn 2 dũng mãnh đánh chiếm Sân bay Đà Nẵng và Bộ tư lệnh Quân khu 1 quân đội Sài Gòn. Trung đoàn 96, Trung đoàn 97 và Trung đoàn 38 đánh chiếm Sân bay Nước Mặn, sau đó phát triển lên bán đảo Sơn Trà. Ở hướng tây, Sư đoàn 304 nhanh chóng đánh chiếm dãy núi Phước Tường, làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 3 của quân đội Sài Gòn. Lực lượng Quân đoàn 2 từ đèo Hải Vân phối hợp với lực lượng địa phương tiến vào ngã ba Cai Lang thì dừng lại, sau đó cho 1 trung đoàn cùng 3 xe tăng vượt qua cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) tiến thẳng ra đánh chiếm bán đảo Sơn Trà. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29-3, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Tàn binh địch chạy về khu vực Mỹ Khê (Sơn Trà) ngoan cố chống cự và tìm đường chạy ra Biển Đông. Các đơn vị bộ đội chủ lực, có tự vệ dẫn đường, dũng mãnh tấn công, tiêu diệt địch. Pháo tầm xa của ta kịp thời khống chế các cửa biển. Không còn đường tháo chạy, quân địch lần lượt buông súng đầu hàng. Cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng kết thúc thắng lợi lúc 15 giờ ngày 29-3-1975.

- Thời điểm các cánh quân tiến vào nội đô, thì ông có mặt ở hướng, mũi nào?-Tôi hỏi.

Đại tá Lê Công Thạnh trả lời: “Tôi đi cùng xe với đồng chí Lê Ngọc Bảy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Quảng Đà, chỉ huy bộ phận đi đầu của tiểu đoàn, theo đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) tiến vào trung tâm thành phố. Đến khu vực Cầu Vồng, bộ đội xuống xe, chia thành 2 mũi: Một mũi tiến thẳng vào Tòa thị chính, mũi thứ hai khẩn trương chiếm Kho bạc, Quân vụ thị trấn”.

Trong niềm hân hoan chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố, Đại tá Lê Công Thạnh cho rằng, Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng thắng lợi đã đập tan ý định co cụm chiến lược của địch, đẩy chúng vào thế liên tiếp thất bại, mất dần các địa bàn chiến lược, góp phần quan trọng để Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói, Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng thể hiện tính sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, đó chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương; giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng.

Trong Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, cùng với việc xác định hướng tiến công đúng và sử dụng lực lượng chủ lực hợp lý, ta còn tận dụng thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ để làm bàn đạp, tạo sức mạnh bảo đảm liên tục phát triển chiến đấu. Điều đó được thể hiện trong suốt quá trình chiến dịch, lực lượng vũ trang tại chỗ đã đẩy mạnh hoạt động tiến công địch và phát động quần chúng nổi dậy làm chủ hầu hết các vùng nông thôn.

PHAN TIẾN DŨNG (Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Công Thạnh)