Trong vòng hơn 2 tháng, dự án “Truyền thông tử tế” được triển khai bởi nhóm giáo viên Ngữ văn ở lớp Văn học nâng cao khối 11 của trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã truyền cảm hứng đến nhiều người về tinh thần phục vụ và lối sống trách nhiệm với cộng đồng.

Tử tế chính là một sự lựa chọn

Trong những năm qua, học tập qua dự án là một trong những phương pháp dạy học chủ đạo tại trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý để phát huy tối đa năng lực của học sinh. Khởi động ý tưởng từ những ngày cuối tháng 5 năm 2022, nhóm Ngữ Văn đã có nhiều cuộc thảo luận để đăng ký triển khai dự án “Truyền thông tử tế”.

Cô Hồ Thị Trang Linh (Nhóm trưởng dự án) chia sẻ rằng, việc chúng ta sống trong một thời đại vội vàng và phức tạp khiến cho con người xem nhẹ việc truyền tải thông tin. Người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là thế hệ trẻ. Trải qua vòng góp ý của nhóm Văn và vòng phản biện với Ban chuyên môn nhà trường, dự án đã được chính thức phê duyệt vào tháng 8 năm 2022. Mục đích của dự án chính là nâng cao ý thức sống trách nhiệm và thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng của giới trẻ bằng những việc tử tế nhỏ bé, nhưng có ý nghĩa lan tỏa lớn lao.

Trước khi thực hiện, học sinh đã có 4 tháng ở học kỳ 1 để học các kiến thức về truyền thông đa phương tiện (trong chương trình môn Văn học ứng dụng), phong cách ngôn ngữ báo chí (trong chương trình môn Ngữ Văn theo Bộ Giáo dục quy định). Với hai tiết Văn học ứng dụng vào chiều thứ 4 hằng tuần, học sinh đã có trải nghiệm phân tích những video quảng cáo, tìm hiểu chiến lược marketing của một số thương hiệu nổi tiếng.

 Học sinh và giáo viên trường Đinh Thiện Lý trao sách tặng Mái ấm.

Bên cạnh đó, các em còn được thực hành xây dựng các ấn phẩm quảng cáo như poster, video. Các em cũng được phân biệt đặc điểm của “truyền thông bẩn” và “truyền thông tử tế” hay giải quyết câu hỏi “Như thế nào là việc tử tế?”. Song song với việc học văn nâng cao, trong các tiết học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có 3 tuần để học và thực hành phỏng vấn, xây dựng bản tin. Ở sản phẩm giữa kỳ, học sinh được yêu cầu lựa chọn 3 tin tức có sẵn trên mạng xã hội để kết hợp lại, cùng với sự dẫn dắt hợp lý giúp truyền tải một thông điệp có ý nghĩa đến cộng đồng.

Thử thách này tuy không yêu cầu các em là một phóng viên chuyên nghiệp nhưng lại rèn luyện khả năng tư duy logic, kích thích liên tưởng sáng tạo và nâng cao năng lực viết. “Tôi còn nhớ có một nhóm bốc thăm được chủ đề về thể thao, các con đã lựa chọn những gương mặt nổi bật tại các môn thi đấu đã đem về chiến thắng vang dội cho Việt Nam. Từ đó các con đem đến thông điệp về một người anh hùng biết phục vụ, cống hiến mới là người anh hùng đáng kính, đáng trọng. Trong video đó, các con cũng đã thể hiện khả năng sáng tạo khi mở đầu bằng hình ảnh của những siêu anh hùng trong các bộ phim, thú vị hơn là gương mặt của họ đã được thay thế bằng các thành viên trong nhóm qua ứng dụng ghép mặt được giới trẻ yêu thích”, cô Linh nhớ lại. 

Vậy là kết thúc học kỳ 1, học sinh đã có một “cái nền” tốt để chuẩn bị cho thử thách khó khăn hơn trong dự án ở học kỳ tiếp theo. 

Những bước chân nhỏ bé trên hành trình gieo mầm hạnh phúc

Thời gian thực hiện dự án cũng là lúc học sinh bước vào học kỳ 2, bắt đầu từ ngày 3-2-2023 đến 7-4-2023. Nhiệm vụ của dự án vừa đòi hỏi học sinh là những người có thể lãnh đạo, hành động việc tử tế, đồng thời các em cũng phải hóa thân thành những phóng viên thực thụ để truyền thông chính hành động tốt đẹp đó của mình. Bước vào những ngày giữa tháng 2, đâu đó ở khuôn viên của trường Đinh Thiện Lý bắt đầu xuất hiện những chiếc poster kêu gọi cộng tác viên hỗ trợ dự án “Truyền thông tử tế”. “Tuần lễ tử tế” bắt đầu với một loạt “dự án con” được triển khai.

Sự kiện mở đầu với bầu không khí sôi động, tích cực của chuỗi hành động tử tế chính là hoạt động “Rush Coffee” được diễn ra trong 2 tuần. Với thông điệp xây dựng một “Quầy nước tỉnh táo”, gian hàng nhỏ của các cô cậu học sinh được đặt ở nhà ăn và trang trí bằng dây bóng nháy nhỏ xinh trông cực kỳ thu hút. Một chiếc poster cỡ A0 được dựng lên để giới thiệu hoạt động và nội quy dành cho khách hàng. Cứ thế mỗi giờ ra chơi và đầu giờ trước khi vào học buổi sáng, một người chịu trách nhiệm pha chế, người ghi chép vật phẩm, người quản lý chung thay thế nhau để vận hành gian hàng. Thay vì trả tiền để mua cà phê, những vị khách đến với quầy nước tỉnh táo sẽ mang theo dụng cụ học tập, sách truyện hoặc sách giáo khoa để đổi lấy những cốc nước xinh xắn. 

Hoạt động của “Mía” cũng được triển khai và ngày càng được nhiều người biết đến. Bốn cô gái bắt đầu từ ý tưởng “của cho không bằng cách cho” đã lựa chọn trang trí hộp cơm từ bã mía để trao tặng cho quán cơm dành cho người nghèo. Khi nhận được sản phẩm mẫu, chị Trang Nhung – quản lý của quán cơm xã hội Nụ cười 4 (quận 4, TP Hồ Chí Minh) đã bày tỏ sự yêu thích đối với hộp cơm của nhóm cũng như lòng biết ơn những “nhà hảo tâm nhí”. Thế là Mía cùng với những cộng tác viên cứ miệt mài trang trí 300 chiếc hộp. Những ngày này, khi ngang qua Learning Space của House Adventure vào mỗi buổi trưa hay giờ tự học, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp gần 20 con người cùng với nhiêu hộp cơm, màu vẽ, ai ai cũng tập trung để hoàn thành sản phẩm một cách hoàn hảo nhất.

Tặng hộp cơm từ bã mía được trang trí bằng tay cho quán cơm 0 đồng Nụ cười 4. 

Hoạt động thứ ba của dự án chính là “Do you dare?”. Một bảng thử thách được đưa ra để giúp các bạn học sinh Đinh Thiện Lý có cơ hội làm những điều tử tế bé nhỏ như tặng một món quà tự làm cho mẹ và nói yêu họ, thú tội với giáo viên, nấu bữa tối cho gia đình, trò chuyện với người bạn đã lâu không gặp….

Dưới hình thức là một trò chơi, các cô gái đã thiết kế những tấm thẻ bài đã được in sẵn logo của nhóm. Người chơi được bốc thăm một lá bài bất kỳ và thực hiện theo yêu cầu thì mới nhận được các phần quà của nhóm. Những ngày đầu, gian hàng trò chơi rất thu hút mọi người. Chiếc bàn nhỏ được trang trí theo phong cách phù thủy luôn rộn ràng bởi sự bàn tán của các bạn học sinh. Sau hơn một tuần thực hiện từ ngày 20-3-2023 đến ngày 27-3-2023, nhóm đã thu về 50 đoạn video đến từ các khách hàng của họ.

Đi đâu đó trong khuôn viên trường Đinh Thiện Lý, bạn có thể bắt gặp những cô gái mang đến chiếc bánh cookie tự làm kèm theo những tờ note truyền động lực được trang trí vô cùng cẩn thận. Đó chính là hoạt động thứ tư của dự án mang tên “Hộp bánh yêu thương”. Đằng sau những gói quà nhỏ bé là mong muốn xoa dịu những tâm hồn đang thiếu động lực trong cuộc sống. Có ai ngờ được rằng, các chàng trai và cô gái đã phải mất một tuần chuẩn bị từ khâu mua nguyên liệu đến sắp xếp lịch hẹn làm bánh. Những mẻ bánh thơm ngon lần lượt ra đời tựa những mầm hy vọng sẽ đem lại sức sống cho những người bạn ở ngoài kia.

Bạn sẽ không thể ngờ rằng hành động của mình khi giúp đỡ một ai đó đã được camera ẩn quay lại. Bởi đó là hoạt động của nhóm bạn “Tôi tử tế”. Để kiểm nghiệm sự tử tế của học sinh Đinh Thiện Lý, nhóm đã đề xuất một số tình huống thực nghiệm. Chỉ trong vòng 2 tuần với 10 tình huống như rơi sách, vô tình va chạm vào người khác, xả rác sai nơi quy định, vẽ bẩn bảng của giáo viên,… đã được thực hiện và thu được nhiều tín hiệu đáng mừng khi thấy được sự tử tế có mặt khắp mọi nơi. 

Lựa chọn là cầu nối giữa những bạn học sinh gặp trở ngại trong việc bày tỏ tâm tư với người khác, nhóm “Shipper yêu thương” của ba bạn trẻ đã thể hiện tinh thần sẻ chia theo cách thật độc đáo. Ban đầu, nhóm chỉ có những đơn đặt hàng đến từ bạn thân. Dần dần, có nhiều khách hàng chưa từng nói chuyện, chẳng biết tên cũng chẳng bao giờ gặp mặt đã tìm đến họ. Cứ thế, những món quà cùng những lá thư tay đầy chân thành được trao đến các giáo viên, cô lao công, anh bảo vệ như một sự động viên, khiến cho ngày dài bỗng trở nên dịu dàng hơn bao giờ hết.

Hoạt động “Ngày hạnh phúc” lấy ý tưởng từ thông điệp của Ngày quốc tế hạnh phúc (20-3), một nhóm học sinh đã làm thiện nguyện tại chùa Kỳ Quang (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh việc quét dọn sân chùa, nhóm còn tham gia nấu cơm, vui chơi với trẻ em mồ côi đang được cưu mang tại đây. Ngày bình thường nơi ngôi chùa cổ kính bỗng trở nên giàu sinh khí bởi bàn tay của những cô cậu học trò nhỏ. Những tiếng cười vang lên giữa buổi sáng cuối tuần thêm giòn giã, đáng yêu. 

Mang đến niềm tin “Ai cũng xứng đáng có một cuộc đời ý nghĩa”, dự án nhỏ “Baby Paper” đã tái chế những tờ giấy cũ kỹ, bỏ đi trở thành những tờ giấy ghi chú nhỏ nhắn. Sau khi thu gom giấy, những “nghệ nhân nhí” đã trải qua các công đoạn xé giấy, xay giấy, ép khung, phơi khô, cắt thành tấm vuông vức và trang trí bằng tay. Một tờ giấy thành phẩm phải có độ dày, độ trơn nhất định để vẽ. Bên cạnh các hình vẽ dễ thương, tươi tắn là những câu nói cổ vũ mùa thi, truyền động lực sống tích cực, kiên nhẫn, sáng tạo, nhóm đã kêu gọi được nhiều cộng tác viên hỗ trợ làm giấy.

Công đoạn trang trí mới thật sự thú vị. Các tờ giấy được bấm lỗ và xỏ dây, treo lên khắp các cầu thang của trường Đinh Thiện Lý. “Bốn màu ruy băng xanh dương, xanh lá, đỏ, vàng tượng trưng cho màu sắc bốn nhà đặt cạnh nhau mang ý nghĩa về sự đoàn kết và tỏa sáng”, Thy Dung – học sinh của nhóm dự án chia sẻ. 

Một sản phẩm trưng bày của dự án tái chế giấy. 

Hạnh phúc nở hoa trên mọi cung đường

Kết thúc giai đoạn 1, nhóm đã thu về những con số sản phẩm ấn tượng.  Nhận được sự ủng hộ của nhiều người, Rush Coffee đã thu được gần 400 cuốn sách và đồ dùng học tập để quyên góp cho thư viện “Tổ kiến nhỏ” hiện đang đặt ở mái ấm Mai Tâm (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) – ngôi nhà của 90 trẻ em mồ côi bị HIV.

Dự án Mía đã hoàn thành 286 hộp cơm để gửi đến quán cơm 2000 Nụ cười 4 (quận 4, TP Hồ Chí Minh). Gần 1.000 tờ giấy note đã có mặt ở khắp khuôn viên của trường Đinh Thiện Lý. Dự án còn trao đến 200 bạn học sinh những chiếc bánh cookie kèm theo lời động viên, chia sẻ. Hàng chục suất cơm và các món quà được chăm chút thật cẩn thận đem đến niềm vui cho cộng đồng. 

Bước vào giai đoạn 2, các nhóm thực hiện sản phẩm thu hoạch bao gồm bài viết bản tin và video bản tin. Từ 8 hoạt động, 10 sản phẩm video ra đời chứa đựng bao sự rung động, bao ước mơ của các cô cậu học trò. Những hạt mầm được ấp ủ ngày nào nay đã nở hoa trên khắp mọi cung đường. “Truyền thông tử tế” không chỉ là một dự án học tập mà còn là một món quà. Món quà mà dự án trao đi chính là niềm vui, sự hạnh phúc, những thấu hiểu và niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn cho những trái tim bị tổn thương. 

Có lẽ vì thế mà dự án đã được nhiều người biết đến và ủng hộ. Nhiều học sinh đã cùng đồng hành với các dự án nhỏ một cách thích thú. Dù kế hoạch có thực hiện chậm hơn nhưng hiệu ứng mà Mía tạo ra lại vô cùng hiệu quả khi đã kêu gọi được 75 cộng tác viên vẽ hộp. Những hộp cơm của Mía được yêu cầu phải thể hiện rõ thương hiệu Mía và LSTS (viết tắt của trường Đinh Thiện Lý), hình vẽ dễ thương, màu sắc tươi sáng, dòng chữ mang thông điệp tích cực. Những giờ nghỉ trưa, giờ tự học mỗi tuần, Mía đều chào đón những người bạn từ tất cả các khối từ 9 đến 12 đến hỗ trợ. Lắm lúc tất bật với kỳ thi giữa kỳ đầy khó khăn, nhưng thói quen dành một ít phút đến trang trí hộp cơm luôn được các bạn nhỏ duy trì. Tất cả đều chung một một suy nghĩ: Tử tế chính là sự lựa chọn để có một tâm hồn hạnh phúc.

Một hoạt động nổi bật khác chính là việc trang trí ngôi sao lớn của sự kiện “Bạn có sao hông?”. “Bạn có sao hông” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của Baby Paper. Một ngôi sao lớn được xếp lại bằng các tờ giấy đã tái chế được dán cẩn thận lên tấm bảng. Thú vị nhất đây chính là đồ án cũ đã bị bỏ đi gần 10 năm, bằng sự khéo léo và giúp sức của cộng tác viên, tấm bảng đã được khoác lên tấm áo mới và trở thành một nhân vật truyền cảm hứng. Trên đó là chi chít những tờ giấy ghi dấu lời động viên, ước mơ, gửi gắm của học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường. Mỗi lần đứng trước nơi ấy, ai cũng thấy lòng an yên đến lạ bởi những suy tư đáng yêu, chân thành. 

Nhìn lại chặng đường “Truyền thông tử tế” đã đi qua, ta thấy được biết bao nhiêu thành tựu. Những hoạt động trong dự án đã truyền cảm hứng đến cộng đồng trong và ngoài trường. Tại trường Đinh Thiện Lý có một chương trình học tập, đó là ACES. Chương trình này ra đời nhằm giúp học sinh tạo ra các dự án phục vụ cộng đồng, phát huy được sự sáng tạo, đổi mới, phát triển năng lực hợp tác và lãnh đạo. Vận dụng hình thức đổi sách lấy quà trong sự kiện Rush Coffee, một nhóm học sinh tham gia chương trình ACES đã tiến hành để gây quỹ cho dự án của mình. Điều đó cho thấy những hành động tử tế trong dự án đang ngày được nhân rộng lên. 

Bên cạnh những thành tích, dự án cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian diễn ra dự án cũng đồng thời học sinh phải tham gia các phong trào, thi cử căng thẳng. Do đó, có những hoạt động phải kéo dài bởi không đủ thời gian thực hiện. Thế nhưng, sau tất cả, ý tưởng chung về nỗ lực lan tỏa điều tử tế đã tiếp sức cho dự án hoàn thiện một cách trọn vẹn. 

“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé” (Lão Tử). Đa số chúng ta khi sinh ra đều không có sứ mệnh phải giải cứu thế giới, thay vào đó, nhiệm vụ cuộc đời giao cho ta là sống sao cho đáng sống. Vì thế sự hiện diện của chúng ta cùng với hành động của chúng ta sẽ góp phần làm cho cuộc đời này đáng yêu, đáng sống hơn bao giờ hết. “Truyền thông tử tế” sẽ như bước chân khởi đầu cho ước mơ gieo mầm hạnh phúc lên khắp dải đất hình chữ S của những người trẻ. Dự án nhắc nhở chúng ta về cách sống bản lĩnh, không cảm thấy mình nhỏ bé bởi mỗi đóng góp bé nhỏ của bạn có thể làm thay đổi cả một cuộc đời và cả thế giới.          

HỒ THỊ TRANG LINH