QĐND Online - Chỉ là một bài báo nhỏ chưa đến 1000 chữ, nhưng với tôi có thật nhiều kỷ niệm và đem lại niềm vui cho rất nhiều người. Kỷ niệm 41 năm chiến thắng Thượng Đức (7-8-2015) tôi lại càng nhớ những nhân vật của mình trong một lần tìm kiếm.
Từ lâu, tôi vốn đã khâm phục lòng nhân ái của Bộ đội Cụ Hồ. Trong các câu chuyện, có dịp tôi hay chia sẻ về những nhân vật như thế. Một lần, khi tôi kể chuyện với những người bạn uống café về các anh Ban CHQS huyện An Nhơn (Bình Định) giúp gia đình viên sĩ quan ngụy tìm hài cốt con em mình đã tử trận, thì người lái xe của bạn tôi chợt nói: “Tôi cũng biết có câu chuyện tương tự như thế, mà là cứu khi còn sống, số điện thoại của họ đây”.
Như bắt được vàng, tôi liên hệ ngay với những nhân vật cần tìm. Đó là Đại tá Ngô Thanh Hải, nguyên trưởng phòng quản lý hành chính Công an thành phố Đà Nẵng. Ông kể trong chiến dịch này, ông là cán bộ an ninh của Quảng Đà vào tiếp quản Thượng Đức. Lúc đó là ngày cuối của trận đánh, số người chết của cả bên ta và địch rất nhiều. Sau khi tập trung cứu chữa thương binh, ông cho lực lượng du kích khiêng chừng 15 lính biệt động, địa phương quân bị thương nặng vào khu vực khe Mõm Lợn, làng Hà Tân để nuôi dưỡng và điều trị vết thương. Bởi vì nếu không làm vậy, số người này sẽ bị bom địch thả nhằm tái chiếm lại Thượng Đức. Cô y tá Nguyễn Thị Thanh Hải lúc này mới 15 tuổi, hàng ngày cùng du kích đem cơm và đến tiêm thuốc, rửa vết thương cho những tên lính thất trận. Có lần trên đường đi, cô bị bom thả, suýt chết. Biết chuyện, những người lính chế độ cũ rất cảm động và gọi Hải là “Cô tiên nhỏ ở Thượng Đức”. Trong số này có một người tên là Đỗ Minh Long, quê ở Đại Lãnh (Đại Lộc), bị bom của chính quyền Sài Gòn thả, cháy cả cánh tay, rồi nhiễm trùng nặng. “Cô tiên nhỏ” hàng ngày ân cần tiêm thuốc kháng sinh, gắp cả dòi ra và rửa vết thương cho anh ta.
 |
Chị Hải xem vết thương của anh Long. |
Khi tất cả đã tạm qua nguy kịch, ông Hải và các du kích bố trí họ lên các chiếc ghe, theo dòng Khe Tân về dưới khu dân cư để trở về với gia đình. Anh lính chế độ cũ Đỗ Minh Long đã về lại quê lấy vợ và sinh 5 con trai, cuộc sống ổn định. Một lần tình cờ anh gặp chị gái của cô Hải y tá, anh hỏi thăm mới biết ân nhân của mình công tác ở Công ty Cấp nước Đà Nẵng. Anh rất mừng nhưng do mặc cảm, ngại ngùng, không dám đi tìm.
Theo yêu cầu của tôi, chị Hải nhờ chị gái đi tìm anh Long. Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại, anh Long từ Đại Lộc phóng xe ngay ra Đà Nẵng. Cuộc hội ngộ giữa anh, chị Hải, anh Hải diễn ra thật cảm động. Khi chị Hải nhẹ nhàng xem vết thương còn in dấu trên cánh tay trái của anh Long, tôi thấy mắt anh rơm rớm. Anh kể: “Cuộc đời tôi chịu ơn hai người phụ nữ. Đó là mẹ tôi và cô Hải. Nhà tôi đông chị em nhưng chỉ mình tôi là con trai. Lúc xảy ra chiến dịch, mẹ tôi đã được đưa đi lánh nạn ở An Điềm, nhưng nghe tôi bị thương, mẹ trốn mọi người vượt sông Bung, lặn lội mấy ngày đường về tìm tôi. Khi biết tôi đã được cách mạng cứu chữa, mẹ mừng muốn ngất”.
Điện ảnh Quân đội nhân dân đang làm kịch bản về lòng nhân ái của người chiến sĩ giải phóng quân trong đó có nhân vật chị Hải qua bài viết “Cô tiên nhỏ ở Thượng Đức” đăng trên Nguyệt san Sự kiện và nhân chứng của Báo Quân đội nhân dân. Còn anh Hải rất vui khi trong lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Thượng Đức, mọi người vây lấy anh chúc mừng người chỉ huy năm xưa, làm tôi vui lây. Tôi không biết, trong số hàng chục biệt động quân bị thương được cứu chữa năm ấy, họ ở đâu, nhưng tôi tin họ sẽ giữ mãi hình ảnh đẹp về ân nhân của họ trong suốt cuộc đời của mình.
Bài, ảnh: HỒNG VÂN