QĐND - “Đấy, quay Bác Hồ phải sống động và chân thật như thế chứ. Người nước ngoài họ giỏi thật” là nhận xét của không ít người khi xem những hình ảnh đời thường của Bác như cưỡi ngựa đi công tác, tắm suối, dạy võ, tập thể dục, lội suối, băng rừng… trong bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”. Nhưng thực tế, người ghi lại thước phim khiến hàng triệu trái tim Việt Nam và bạn bè thế giới nghẹn ngào xúc động trước nhân cách và đạo đức của con người vĩ đại mà vô cùng khiêm nhường, giản dị ấy là một người con Việt Nam. Ông là nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn.
 |
Nguyễn Thế Đoàn (người cầm máy quay phim, đứng sau Bác Hồ) tại Việt Bắc. Ảnh: Đinh Đăng Định.
|
Thế hệ những người sống cùng thời với nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn hiện nay còn không nhiều, nhưng lớp học trò sau ông vẫn nguyên vẹn sự trân trọng và kính phục về người “mở lối” của nền điện ảnh Việt Nam. NSƯT, nhà quay phim Phạm Việt Tùng là một trong số đó. Vốn quen thân với con trai Nguyễn Thế Đoàn, lại cùng đam mê quay phim nên khi gặp Nguyễn Thế Đoàn, Phạm Việt Tùng như “bắt được bạn tri ân” dù hai người chênh nhau đến mấy chục tuổi. Cảm và hiểu nhau trong nghề nên không biết từ lúc nào, tình thầy trò và tình bạn đã không còn ranh giới. Chính vì vậy, Phạm Việt Tùng được Nguyễn Thế Đoàn chia sẻ rất nhiều kỷ niệm. Đặc biệt là câu chuyện về những ngày cầm máy theo chân Bác Hồ kính yêu ở Chiến khu Việt Bắc, ghi lại những thước phim lay động lòng người. “Cụ Đoàn là người dạy tôi những bài học đầu tiên về phim và nghệ thuật quay phim. Nhưng bản thân cụ lại tự tìm và học mà thành nghề” - NSƯT Phạm Việt Tùng bắt đầu câu chuyện.
Nguyễn Thế Đoàn tên thật là Nguyễn Văn Nghiệp, còn nhỏ đã được gia đình gửi sang Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) học nghề chụp ảnh. Do biết tiếng Pháp nên ông tự nghiên cứu kỹ thuật từ máy ảnh sang máy quay rồi chính thức quay những thước phim thô sơ đầu tiên. Cũng tại đây, ông trở thành đảng viên cộng sản chỉ 4 tháng sau khi Đảng ta ra đời. Về nước, ông tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1947, Nguyễn Thế Đoàn được phân công mở lớp nhiếp ảnh cho bộ đội và trở thành người cầm máy đầu tiên của điện ảnh Khu 9. Cuối năm 1950, chuẩn bị Đại hội lần thứ hai của Đảng, Nguyễn Thế Đoàn được điều ra Việt Bắc quay phim về đại hội và ghi lại những hình ảnh về Bác đem vào để đồng bào miền Nam xem cho thỏa nỗi nhớ mong vị lãnh tụ kính yêu mà lâu nay mới chỉ hình dung qua tưởng tượng.
Sau khi bế mạc đại hội, gặp Bác Hồ, ông mạnh dạn trình bày mong muốn ấy và được Bác đồng ý. Vậy là liền hai tháng ở cạnh Bác, Nguyễn Thế Đoàn cẩn thận ghi lại cuộc sống, sinh hoạt và phong cách làm việc của Bác. Do điều kiện lúc đó ở trong nước kỹ thuật chưa tốt nên khi quay xong phải gửi phim sang Trung Quốc tráng. Tại đây, Nguyễn Thế Đoàn đã từ chối sự giúp đỡ của đồng nghiệp vì ông biết, ánh sáng trong rừng Việt Bắc lúc quay không được tốt, nếu tráng theo cách của bạn phim sẽ hỏng hết, nên ông tự tay pha thuốc, tráng phim theo phương pháp thủ công toàn bộ 50 cuộn phim về đại hội và Bác Hồ. Khi hoàn thành, có một số đồng nghiệp nước bạn xem phim, nói với Nguyễn Thế Đoàn: “Hình ảnh lãnh tụ sao mà khổ sở thế...?”, khiến ông rất lo lắng.
 |
NSƯT, nhà quay phim Phạm Việt Tùng say sưa kể chuyện về ông Nguyễn Thế Đoàn. Ảnh: Bích Trang.
|
Về nước, buổi chiếu báo cáo đầu tiên có Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Tố Hữu cùng xem. Khi xem Bác cười không nói gì. Sáng hôm sau, ông nhận được yêu cầu ba ngày sau phải nộp báo cáo giải thích vì sao lại quay Bác “khắc khổ” như thế. Nhưng biết viết gì đây nên dù đã quá thời hạn mà ông vẫn chưa viết được dòng nào. Cuối cùng, Nguyễn Thế Đoàn đánh liều đến gặp Bác, trình bày: “Thưa Bác, khi nhận nhiệm vụ được Bác dặn: “Bác có thế nào cứ quay thế” nên cháu cứ thế làm, nay các đồng chí trong cơ quan yêu cầu cháu viết báo cáo kiểm điểm, cháu không biết viết như thế nào”. Bác liền nói: “Tại sao phải kiểm điểm, mấy cái cảnh như thế Bác ưng lắm nhé. Các chú không được làm gì, cứ để nguyên thế.
Sau này, tư liệu hình ảnh do Nguyễn Thế Đoàn ghi đã được đồng nghiệp trong và ngoài nước sử dụng trong nhiều phim tài liệu lịch sử và được nhiều giải thưởng. Tuy vậy, tác giả của những thước phim ấy cả đời say nghề nhưng chưa một lần được vinh danh. Ông bình thản sống trong căn hộ giản dị tại phố Tôn Thất Tùng (TP Hồ Chí Minh) cho đến cuối đời. Nhà quay phim Phạm Việt Tùng chia sẻ: “Đau đáu tấm lòng với tiền bối, tôi và nhiều đồng nghiệp chủ động làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng có hình thức ghi công xứng đáng dành cho ông. Năm 2010, trước lúc về thế giới bên kia, ông mới được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba như một sự tri ân với những cống hiến lặng thầm của ông cho nền điện ảnh nước nhà”.
TRẦN THANH TÚ