QĐND - Cuối tháng 10-2011, tôi được nghe câu chuyện kể về một chị lao công đã không ngần ngại móc 50.000 đồng cuối cùng trong túi để giúp đỡ một em sinh viên đi xe máy húc phải xe tắc-xi và bị bắt đền. Kể từ khi nghe câu chuyện cảm động ấy, hình ảnh chị lao công tốt bụng cứ lởn vởn trong tâm trí của tôi. Thế là tôi quyết định đi tìm chị…

Nhọc nhằn nghề làm sạch phố phường…

Để thuận lợi cho việc tìm kiếm, tôi gặp anh bạn đồng nghiệp, người đã chứng kiến toàn bộ sự việc để hỏi tên, địa chỉ của chị lao công. Mặc dù không còn nhớ tên, nhưng trong máy điện thoại của anh vẫn ghi số điện thoại di động của chị. Có số điện thoại, tôi liên lạc và biết chị tên là Nguyễn Thị Hướng, công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị số 1, Hà Nội. Sau một hồi trò chuyện, tôi hẹn gặp chị để lấy tư liệu viết bài. Lúc đầu chị từ chối khéo, những sau một hồi thuyết phục chị đã nhận lời.

Một buổi tối đầu đông se lạnh, chúng tôi đến gặp chị. Mặc dù đã hẹn trước, nhưng chúng tôi vẫn phải đợi một lúc khá lâu. “Chị xin lỗi vì để các em chờ lâu. Đầu phiên trực bọn chị nhiều việc lắm”, đó là những lời thanh minh khi chị Hướng gặp chúng tôi. Đúng là các chị bận thật, cả một dãy những thùng rác cao quá đầu người, các chị phải khom lưng ra đẩy, rồi chất lên ô tô chở rác... Công việc này với cánh đàn ông vất vả một, thì đối với các chị càng vất vả bội phần. Thế nhưng các chị vẫn cứ cần mẫn làm việc như những con ong thợ. Các chị làm công việc nặng nhọc này một phần vì mưu sinh, một phần vì sự yêu cái nghề “làm đẹp cho phố phường”.

Chị Nguyễn Thị Hướng, bắt tay vào công việc của mình khi thành phố lên đèn.

Chị Hướng tâm sự: “Công việc lao công của chúng tôi hằng ngày bắt đầu từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến một giờ sáng ngày hôm sau, tập trung thu gom rác tại các tuyến đường xung quanh khu vực Hoàng thành, gồm: Đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ…. trung bình mỗi ngày chúng tôi phải di chuyển vài chục cây số, đi mãi cũng thành quen. Giờ đây, ngày nào bận việc gia đình phải nghỉ cũng thấy nhơ nhớ”.

Ngừng một lát, đưa tay quệt mồ hôi trên trán, chị Hướng tiếp: “Khu vực này có nhiều cây to, nên lá rụng nhiều, nhất là mỗi độ thu về, lá chất đầy xe, rồi những người đi đường họ xả rác ra nữa, nên chúng tôi làm việc quần quật, quét mỏi rã cả tay mà cũng không hết rác. Mùa hè thì nóng và bụi, còn mùa đông thì trong nóng, ngoài lạnh, nếu không có sức khỏe tốt, dễ bị ốm lắm. Ngại nhất là những hôm mưa phùn, gió bấc, quét rác nó cứ dính chặt xuống đường, trong ngoài đều ướt hết. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ thời điểm nào. Mặc dù chúng tôi đã được trang bị áo phản quang rồi đấy, nhưng do đêm hôm khuya vắng, các lái xe thường phóng nhanh, vượt ẩu nên tỷ lệ người bị tai nạn cũng không phải là ít. Đã có không ít chị em lao công chúng tôi bị nạn rồi đấy. Là con người mà, ai chẳng có lúc nghĩ ngợi, đắn đo về nghề nghiệp, nhất là những lần gặp phải người thiếu ý thức, họ “vô tư” xả rác ngay xuống nơi chúng tôi vừa quét xong. Khi chúng tôi nhắc nhở, họ còn nói: “Không có rác lấy việc đâu ra cho các bà làm”. Những lúc như thế, chúng tôi cũng thấy tủi. Nhưng một phần vì miếng cơm manh áo, một phần khi nhìn tuyến phố do mình phụ trách sạch sẽ, thì chúng tôi quên đi tất cả những nỗi vất vả của công việc và sự ghẻ lạnh của một số người. Chính vì vậy, chúng tôi lại động viên nhau cùng làm việc, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình làm sạch cho môi trường, để con người sống trong bầu không khí trong lành”.

Chị Hướng bộc bạch: “Do đặc thù công việc, chúng tôi thường xuyên phải về nhà vào lúc nửa đêm nên rất sợ. Nghĩ có dại, nếu chẳng may bị cướp hay bị trấn lột thì chẳng biết kêu ai. Chắc khi đó chỉ xin tha cho cái mạng, còn muốn lấy xe máy, lấy tiền cũng được. Có sợ, nhưng cứ nghĩ đến chồng, con thì chúng tôi lại cố gắng vượt qua. Nhiều hôm mệt quá, muốn nghỉ ngơi, nhưng phải gượng dậy mà đi làm, bởi tôi là lao động chính nuôi cả gia đình mà…”.

Nói đến đây chúng tôi thấy giọng chị Hướng như chùng xuống, mắt đượm buồn. Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ thầm cảm ơn các chị. Nếu không có các chị, thành phố sẽ ra sao? Rất có thể khi đó rác thải ngập ngụa khắp nơi, bầu không khí sẽ bị ô nhiễm và dịch bệnh phát sinh… Nghề lao công của các chị đáng được xã hội tôn trọng.                            

Ai gặp chuyện ấy cũng sẽ làm như tôi

Gia đình chị Hướng gồm 4 thành viên sống trong một ngôi nhà nhỏ ở phố Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách đây vài năm, chồng chị do sức khỏe yếu nên phải nghỉ hưu trước tuổi. Thế là gánh nặng gia đình đổ hết lên đôi vai gầy của người phụ nữ tần tảo. Tổng thu nhập chính của cả gia đình 4 người chỉ vỏn vẹn có 5 triệu đồng/tháng (hơn một triệu đồng tiền lương hưu của chồng và 4 triệu đồng lương hằng tháng của chị Hướng) nên cuộc sống cũng không dư dả gì. Hằng tháng, chị Hướng phải chia khoản tiền này ra làm nhiều phần: Một phần lo tiền học cho hai con (một học lớp 10, một học lớp 4), một phần là tiền ăn của cả gia đình trong tháng, một phần để chi tiêu “đối ngoại”. Chính vì vậy, những lúc trong gia đình có người ốm đau, chị Hướng lại phải vay anh chị em trong xí nghiệp rồi trả nợ sau. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng gia đình chị lúc nào cũng vui vẻ, các con chị đều chăm ngoan, học giỏi. Chị bảo, gia đình chính là động lực giúp chị yên tâm gắn bó với nghề.

Khi biết chúng tôi đến gặp chị Hướng để hỏi về câu chuyện chị giúp đỡ một sinh viên nghèo, bác Mai - một người bán hàng nước ở đường Hoàng Văn Thụ, gần nơi các chị tập kết rác hằng ngày và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc - cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, những chị Hướng rất thương người, trong khi làm việc thấy người gặp nạn là giúp đỡ ngay không một chút nề hà”.

Kết thúc công việc là những chuyến xe rác cao ngất đầu người.

Còn các chị đồng nghiệp nói về chị Hướng bằng giọng cảm phục và tự hào: “Hướng là một người giàu tình cảm và thương người, có đêm đang quét rác, gặp một người bị tai nạn, chị ấy đã đưa vào viện cấp cứu và chăm sóc chu đáo. Khi họ qua cơn nguy kịch còn giúp cả tiền để họ về quê. Ai hỏi địa chỉ, chị đều tìm cách lảng tránh". Chứng kiến việc làm và biết về hoàn cảnh của gia đình chị, một số người bảo: “Ốc không mang nổi mình ốc mà còn mang cọc cho rêu”. Những lúc như vậy, chị Hướng chỉ cười và nói: “Cũng gọi là tích chút công đức để phúc cho con sau này”.

Thế nhưng khi gặp chúng tôi, chị Hướng lại rất "kiệm" lời khi nói về mình. Gặng hỏi mãi chị mới kể vắn tắt sự việc: “Hôm đó là ngày 19-10-2010, vào khoảng 23 giờ 35 phút, tôi làm nhiệm vụ trên đường Phan Đình Phùng thì chứng kiến một vụ tai nạn. Một cháu sinh viên vừa đi xe vừa nhắn tin nên đã đâm vào xe tắc-xi chạy cùng chiều. Vụ va chạm này hậu quả không lớn, xe tắc-xi chỉ bị móp đuôi một chút, nhưng tài xế tắc-xi vẫn cương quyết bắt cháu sinh viên đền 500.000 đồng. Tôi thấy cháu sinh viên móc hết túi nọ đến túi kia mà chỉ được hơn 100.000 đồng và đưa cho người lái xe tắc-xi. Anh này cương quyết không nhận mà đòi đủ 500.000 đồng. Đêm hôm khuya khoắt, chứng kiến cảnh đó tôi thấy thương cho cháu sinh viên. Thật may, lúc đó một anh trung tuổi đi xe máy dừng lại hỏi chuyện. Hai chúng tôi cùng nhau thuyết phục lái xe tắc-xi giảm số tiền bắt đền xuống còn 250.000 đồng. Trong túi tôi lúc đó chỉ có 50.000 đồng mang theo để phòng bất trắc; anh trung niên nọ góp 100.000 đồng để giúp cháu sinh viên. Việc làm của chúng tôi hết sức bình thường, ai gặp chuyện tương tự cũng sẽ làm như vậy. Chẳng có gì đâu, các chị biết chuyện là được rồi, đừng nên viết báo, tôi ngượng lắm”.

Chúng tôi hỏi tiếp, nghe nói trong những ngày làm việc trên tuyến đường này, chị đã giúp khá nhiều người gặp tai nạn, vậy chị có nhớ mình đã giúp được bao nhiều trường hợp không? Chị cười và nói: “Việc giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn là thể hiện cái tâm, cái tình của con người với con người. Tôi làm thế trước là để giúp đỡ mọi người, sau là để phúc cho con cháu sau này. Các chị thấy đấy, hiện nay mật độ các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố quá đông, người xe đi lại như mắc cửi, lúc đêm tối nhiều thanh niên điều khiển xe máy phóng rất nhanh, khi đâm vào người đi đường thì bỏ chạy. Mình thấy người bị nạn mà không cứu giúp thì cũng không phải là người nữa. Tôi không nhớ được đâu, giúp người ai lại tính toán, nhớ làm gì”.

Nghe những lời tâm sự của chị Hướng, chúng tôi càng thêm cảm phục. Chị Hướng và các đồng nghiệp, họ chỉ là những người lao động bình thường, cuộc sống thường nhật còn rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Đây là đạo lý “Thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam. Chia tay chị Hướng và các chị trong tổ lao công, bất giác tôi nhớ tới những vẫn thơ viết về chị lao công mà bà ngoại dạy hồi còn nhỏ: “Ơn chị lao công đêm đêm khuya khoắt/Đường dài vắng ngắt/Ơn chị lao công mải mê quét rác/ Lá úa, lá vàng, chổi tre chị quét/Sạch lối sạch đường chị không ngại mệt/ Sớm ngày em bước trên phố sạch vui/Có nhớ những người đêm đêm quét rác”.

Bài và ảnh: Hồng Anh