Trái tim đầy khát vọng
Thời ấy, đường lên Giằng 3 chỉ là lối mòn nhỏ độc đạo men theo vách núi chênh vênh, bên dưới là vực sâu hun hút, đối với một thanh niên sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ quả thực chưa bao giờ có thể hình dung được. Ấy thế mà người lính trẻ ấy vẫn bước đi với tâm thế của người lính mang trái tim cháy bỏng và khát vọng phụng sự Tổ quốc, đồng đội, đồng bào nơi biên giới. Thời điểm năm 1987, Đắc Pring vẫn còn nằm trong danh sách “bản trắng về y tế”, thậm chí là "vùng đỏ" trên bản đồ sốt rét của cả nước. Có trường hợp đồng bào bị ốm đau, sốt rét dân bản phải khiêng bệnh nhân luồn rừng rúc núi đi mấy ngày đường mới tới trung tâm y tế huyện nên có trường hợp tử vong trên đường đi.
 |
Y sĩ Vũ Ngọc Mạnh khám bệnh cho người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Thanh Trúc
|
Khó khăn đối với người lính quân y lúc bấy giờ không chỉ là thiếu nguồn nhân lực mà còn phải đối mặt với những hủ tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào; lực lượng thầy mo, thầy cúng cũng được dịp nở rộ. Khái niệm uống thuốc, tiêm vào da thịt… là điều hoàn toàn lạ lẫm đối với người bản địa sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn. Bất đồng ngôn ngữ cũng chính là rào cản lớn nhất đối với cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong việc tiếp cận làm công tác vận động quần chúng. Để thuận lợi hơn trong việc tiếp xúc chữa trị và vận động bà con phòng, chống dịch bệnh, anh Mạnh quyết tâm học tiếng đồng bào để hiểu dân, gần dân, làm bước đệm trong việc chữa bệnh.
Trong những lần xuống bản, y sĩ Vũ Ngọc Mạnh chứng kiến nhiều trường hợp người bệnh thoi thóp sắp chết được gia chủ cho vào hòm, thầy cúng thì xì xụp khấn vái... Bằng con mắt nghề nghiệp, anh biết người bệnh bị sốt rét ác tính, nếu để thầy mo “cúng” thì chỉ có chết nên đã nhờ chính quyền can thiệp, vận động gia đình đồng ý đưa bệnh nhân ra khỏi hòm để điều trị. “Tôi xác định bằng mọi cách phải điều trị khỏi, vì nếu để bệnh nhân chết thì “thua” thầy mo, dân làng sẽ không tin vào khoa học, không tin bộ đội nữa. Do chẩn đoán đúng lại có thuốc đặc trị nên bệnh nhân giảm triệu chứng và khỏi bệnh. Dần dần, người dân mỗi khi ốm đau đều chủ động tìm gặp tôi thay vì đến nhà thầy mo như trước. Có những hôm mới 1, 2 giờ sáng, dân thắp đuốc chạy đến đồn nhờ xuống bản cứu người bệnh. Khi ấy, tôi chỉ kịp đeo túi thuốc rồi cứ thế xuyên rừng mà đi, mặc cho gai cào, chân xước tứa máu vì vấp phải đá, trong đầu chỉ nghĩ đến điều duy nhất là có người bệnh cần cứu giúp”, y sĩ Vũ Ngọc Mạnh nhớ lại.
 |
Đồn Biên phòng Đắc Pring nay đã được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Thanh Trúc |
Y sĩ Vũ Ngọc Mạnh luôn tâm niệm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bởi vậy anh luôn tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động xây dựng mạng lưới y tế cơ sở bằng việc mỗi thôn cử ra một người để đi học y tá. Vì các thôn ở xa đồn, đường đi lại khó khăn, nhiều khi bị chia cắt do lũ quét, sạt lở, người có kiến thức về y tế tại chỗ sẽ phát huy hiệu quả, kịp thời cứu chữa người bệnh. Với tư cách là Bí thư chi đoàn, anh đề xuất chỉ huy đơn vị phối hợp với nhà trường, một tuần được “lên lớp” 1 buổi để tuyên truyền cho các cháu học sinh ăn chín uống sôi, vận động cha mẹ làm chuồng đưa trâu bò ra “ở riêng” để hạn chế dịch bệnh. Chính các cháu học sinh là cộng tác viên tuyên truyền tích cực, hiệu quả nhất, vì vậy mà phong trào xây dựng nếp sống mới ở các thôn bản có chuyển biến tích cực.
Người “giải phóng phụ nữ biên giới"
Chị em phụ nữ đồng bào người Ve ở Đắc Pring, Đắc Pree rất vất vả vì việc nhà, việc rẫy dồn hết trên đôi vai gầy. Các chị, các mẹ cả ngày “phơi mặt trên rẫy”, trước ngực địu con, sau lưng mang theo gùi đựng rau, bí, bắp, lúa, củi. Về đến nhà, còn phải giã gạo nấu cơm tối cho cả nhà, xong rồi quay sợi, dệt vải tới sáng. Chứng kiến và cảm thông với phụ nữ vùng cao, y sĩ Mạnh chợt nghĩ làm sao để giảm bớt khó khăn cho họ.
Sau nhiều đêm suy nghĩ và được sự nhất trí của chỉ huy đơn vị, y sĩ Mạnh bỏ tiền tiết kiệm của cá nhân và tạm ứng tiền quỹ đơn vị mua chiếc máy xay xát gạo. Chính quyền xã Đắc Pring tạo điều kiện cho mượn một nhà kho để đặt máy. Ngày đưa máy xát gạo về lắp đặt, nổ máy xay gạo, tin tức lan ra cả xã, bà con từ các bản xa cũng kéo về để “thực mục sở thị”. Khỏi phải nói, đồng bào vô cùng ngạc nhiên khi thấy thóc đổ vào, chỉ một lúc sau đã cho ra những hạt gạo trắng tinh. “Sự kỳ diệu” này lần đầu tiên người dân mới thấy nên suốt cả tháng trời, đồng bào từ già tới trẻ cứ tập trung quanh kho để xem chiếc máy thần kỳ “nuốt lúa, nhả ra gạo”.
 |
Y sĩ Vũ Ngọc Mạnh (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng đồng chí Nông Đức Mạnh, Trương Mỹ Hoa tại Hội nghị Sơ kết công tác phối hợp với phụ nữ biên giới giữa Bộ tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1990. Ảnh: NVCC |
Mỗi tháng, chính quyền xã Đắc Pring cắt cử 5 thanh niên sức khỏe tốt đi bộ xuống Bến Giằng (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) gùi dầu về phục vụ cho máy xát. Mỗi lần người dân đến xát gạo, không ai bảo ai đều bớt lại một bát gạo như một cách thể hiện “cho đi và nhận lại”. Ngày ấy, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm cho các đồn núi rất khó khăn do mưa lũ, đường sạt lở xe không lên được, bộ đội phải đi “cõng gạo, gùi hàng”. Vì vậy, những bát gạo của dân san sẻ đã giúp cho đơn vị đỡ đi một phần lo cái ăn cho bộ đội.
Năm 1990, tại Hội nghị Sơ kết công tác phối hợp với phụ nữ biên giới giữa Bộ tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cá nhân y sĩ Vũ Ngọc Mạnh vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ tư lệnh BĐBP tặng bằng khen. Cái tên “Người giải phóng phụ nữ biên giới” được cán bộ, chiến ưu ái gọi y sĩ Vũ Ngọc Mạnh có từ ấy. Đồng bào cũng cũng đặt cho tên cho anh Mạnh là Pêm (tiếng đồng bào Ve tức là mạnh khỏe).
 |
Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Ngọc Mạnh trong lần cấp cứu cho người dân bị tai nạn lao động. |
Thập niên 1990, người dân thôn Petabot ở gần nhưng chưa thể tiếp cận, giao lưu được vì họ giữ lối sống du canh, du cư, cứ trồng được 1, 2 vụ lúa là họ di cư đi chỗ khác. Sau khi Đồn Giằng 3 thành lập, bằng những việc làm cụ thể, nhân dân tin tưởng nên việc di cư chấm dứt, bản nào cũng muốn ở gần đồn để nhờ cậy và đảm bảo an ninh. Những lần chuyển đồn đến vị trí mới, đơn vị đều được chính quyền địa phương và người dân nhiệt tình giúp đỡ. Những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh nhất xung phong vào rừng chặt lá cọ, lồ ô để làm nhà cho đồn. Lúa trồng không đủ ăn nhưng bà con vẫn sẵn sàng góp gạo cho bộ đội những ngày bị mưa lũ bao vây, cô lập.
“Phên giậu biên cương” được xây nên từ sức mạnh lòng dân như thế…
THANH TRÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.