Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh năm 1908 tại Hà Nội. Năm 1924, ông rời Việt Nam tới Quảng Châu tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rồi tham gia vào cuộc Đại cách mạng của Trung Quốc. Ông ba lần tới Trung Quốc, ba lần vượt núi tuyết và thảo nguyên trong Vạn lý trường chinh, ba lần bị khai trừ Đảng nhưng vẫn vững vàng, sắt son với cách mạng. Trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc với tên gọi Hồng Thủy, ông là người nước ngoài duy nhất được phong quân hàm cấp tướng.
Với cách mạng Việt Nam, Nguyễn Sơn đã từng chỉ huy trong chiến tranh chống Pháp ở miền Nam và miền Trung. Do có nhiều công lao nên ngay từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho ông. Vì vậy, nhân dân hai nước Việt- Trung đều gọi ông là Lưỡng quốc tướng quân.
Ngày 21-10-1956, khi tôi và chị Nguyễn Mai Lâm, con cùng cha khác mẹ với tôi, mải đi chơi về đến nhà ở đường Lý Nam Đế thì nghe tin dữ: “Bố Sơn mất rồi”. Tôi còn ngơ ngác chưa hiểu “đã mất” là thế nào thì chị Lâm khóc nức nở. Chị Lâm mới về ở với bố được vài tuần, mặc dù hơn tôi có một tuổi (chị sinh ngày 1-1-1948, còn tôi sinh ngày 15-8-1949), nhưng chị “từng trải” hơn qua cuộc kháng chiến chống Pháp tại làng quê Nghệ An.
Thế là đã hơn 50 năm. Ngày đó, tôi còn là một cô bé “gà tồ” 7 tuổi bắt đầu học lớp vỡ lòng (tương đương lớp 1 bây giờ), cho đến hôm nay đã là một người bà 60 tuổi, có 3 cháu ngoại. Sống với bố không nhiều, nhưng hình ảnh của ông đã in đậm trong tuổi thơ của tôi mãi mãi không bao giờ phai mờ.
 |
Tướng Nguyễn Sơn, bà Lê Hằng Huân và các con ở Bắc Kinh năm 1956. Tác giả là người đứng phía sau. (Ảnh gia đình cung cấp) |
Năm nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh tướng Nguyễn Sơn. Mặc dù chỉ có hơn 48 năm sống trên cuộc đời, 30 năm hoạt động cách mạng, thế mà ông làm được bao nhiêu việc cho Tổ quốc và cho mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt-Trung.
Chỉ về Việt Nam có 5 năm (từ năm 1945 đến năm 1950) mà ông đã tham gia mở 4 trường: Lục quân Quảng Ngãi, Thiếu sinh quân Khu 4, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 2, 3, Trường văn nghệ Khu 4 và tham gia giảng bài tại nhiều trường như Trường Quân sự cao cấp Soi Mít, tổ chức đại hội tập, dịch và viết nhiều sách về chính trị, quân sự, đem trí tuệ, tâm huyết của mình bảo vệ truyện Kiều, bảo vệ tuồng, chèo… khi có những quan điểm, ý kiến chưa đúng đắn đối với tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du và hai loại hình nghệ thuật trên.
Khi tôi được gặp các cựu học sinh Lục quân Quảng Ngãi tại thị xã Quảng Ngãi năm 1993, có nhiều chú đã già yếu. Các chú đến nói: “Cho chú nắm tay cháu, vì chú nhớ bố cháu quá!”. Cầm bàn tay các chú, tôi nghẹn ngào cảm động.
Rất nhiều vị tướng khi gặp tôi đều nói: “Bố Sơn là người dạy chú biết đạo làm tướng”.
Khi nhận được những điều đặc biệt trên, tôi hiểu rằng bố Sơn đã để lại cho tất cả những người đã sống, làm việc và tiếp xúc với ông dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi nhưng ấn tượng sắc nét, khó phai, khó quên.
Cuối năm 1952 đầu năm 1953 khi đó mẹ tôi, bà Lê Hằng Huân, tôi và em Cương đến Nam Kinh (Trung Quốc) ở với bố vì bố học khóa một của Học viện quân sự Nam Kinh. Tôi đã hơn 3 tuổi, nên được gửi đến học ở trường Mẫu giáo nội trú, thứ bảy mới được về nhà. Thường thì bố mẹ và em Cương đều đến trường đón tôi. Bây giờ tôi còn nhớ hình ảnh bố dang tay bế tôi mỗi khi được đón về. Tối chủ nhật, bố mẹ thường mua cho tôi bánh chưng táo tàu, món mà tôi rất thích, để mang vào trường.
Hằng năm bố mẹ rất chu đáo trong ngày sinh của từng đứa. Sinh nhật tôi vào mùa hoa quả của Bắc Kinh. Ngày đó, lúc nào bố mẹ cũng lo mua các loại quả tôi thích: đào, lê, táo, nho… mấy mâm đầy.
Từ khi tôi bắt đầu nhớ được, trong gia đình, tôi, em Cương và em Hồng (em Hằng còn quá bé) đều phải nói tiếng Việt Nam. Xung quanh từ cô bảo mẫu đến các chú bảo vệ, bạn bè đều là người Trung Quốc. Có một lần em Cương chạy từ ngoài vào nói tiếng Trung Quốc mách mẹ chuyện gì đó, bố giận quá phết vào đít em. Hình ảnh giận dữ của bố hôm đó khắc sâu vào óc mấy chị em tôi. Từ đó, chúng tôi không dám nói tiếng Trung Quốc với nhau và với bố mẹ.
Các chủ nhật, ngày lễ, bố mẹ thường đưa tôi và Cương đến trường gặp các anh Vũ Tuyên Hoàng, anh Vũ Huyền Giao, anh Phan Diễn… đang lưu học ở Bắc Kinh, cùng các anh nói tiếng Việt Nam và sửa câu sai cho chúng tôi.
Có một lần, bố tôi mang về một đĩa hát có các bài Việt Nam. Ông cứ mở đi mở lại bài “Đêm nay Bác không ngủ”. Hình ảnh bố tôi với mái tóc bồng bềnh, điếu thuốc ngậm trên môi, mắt nheo nheo vì khói thuốc trầm ngâm nghe như nuốt từng câu trong bài thơ đã theo tôi suốt cuộc đời. Càng ngày, tôi càng hiểu ra tại sao sau nhiều năm đi công tác ở nước ngoài, khi về làm Khu trưởng Khu 4, mỗi khi cần làm báo cáo gửi lên cấp trên, bố đều tự viết tay hoặc đánh máy. Chú Chúc (Đại tá, nguyên Cục trưởng Cục Ô tô máy kéo, Bộ Quốc phòng), lúc đó là thư ký cho bố tôi kể lại: “Các chú phục vụ, thư ký cho bố cháu rất nhàn. Mỗi khi chuẩn bị làm báo cáo, chú chỉ cần chuẩn bị cho bố cháu một ly cà phê, một bao thuốc lá, giấy đánh máy, thế là bố cháu gõ một mạch báo cáo gửi lên cấp trên”.
Bố Sơn của tôi chỉ sống có 48 năm, cuộc đời chinh chiến trải dài khắp nơi trên đất nước Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Với cuộc đời ngắn ngủi ấy, đã có 4 người phụ nữ kết hôn với ông, để lại 8 người con mang hai quốc tịch Trung Quốc, Việt Nam với 3 dòng họ: Vũ, Trần, Nguyễn. Khi bố tôi mất, mẹ Huân kể lại rất rõ với các con: “Các con có tất cả 8 chị em ruột tuy không cùng mẹ nhưng đều là cốt nhục của bố Sơn”.
Cũng phải nhiều năm, nghiên cứu làm sách sử cho bố, tìm hiểu cuộc đời gian truân của ông, tìm hiểu một con người giàu lòng yêu nước, thương dân, yêu quý và trân trọng nghệ thuật văn hóa dân tộc… dần dần tôi mới lý giải được từng cuộc hôn nhân của bố, với điều kiện lịch sử lúc bấy giờ. Trong bài viết này, tôi xin chỉ viết về hai người vợ của ông mà tôi được sống, được yêu thương và kính trọng: đó là bà Trần Kiếm Qua (Trần Ngọc Anh), và mẹ tôi, bà Lê Hằng Huân.
Vào cuối thập niên 1937, Hồng Thủy (tên của tướng Nguyễn Sơn lúc đó), được tổ chức phân công về Ngũ Đài Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc tham gia chống Nhật. Ông gặp cô sinh viên sư phạm Trần Ngọc Anh (sau đổi tên là Trần Kiếm Qua) cùng công tác. Tết năm 1938, hai người tổ chức đám cưới đơn giản và ấm cúng. Mặc dù gia đình không đồng ý, nhưng Trần Kiếm Qua rất cảm phục một người Việt Nam nói tiếng Trung Quốc rất giỏi, xa đất nước đến tận Ngũ Đài Sơn tham gia cùng người Trung Quốc kháng Nhật, nên bà quyết tâm kết hôn cùng Hồng Thủy. Năm 1939, hai người sinh được chị Phong Ba, nhưng vì đói rét, khó khăn những năm kháng Nhật nên chị đã sớm xa lìa cõi trần. Hồng Thủy quặn đau xót xa và để quên đi nỗi mất con, ông luôn tránh đi qua nơi chôn cất Phong Ba. Năm 1944, Trần Hàn Phong ra đời. Năm 1945 theo tiếng gọi của Tổ quốc, Hồng Thủy về nước, lúc đó bà Trần Kiếm Qua đang mang thai. Để nhớ Hồng Thủy, người con của Việt Nam, bà đã đặt tên con là Trần Tiểu Việt.
Về nước công tác được hai năm thì năm 1947, bố tôi nhận được tin của bác Lý Ban từ Trung Quốc về là vợ và hai con bị bom tàu Tưởng giết hại tại Diên An.
Vào thời gian đau thương này, bố tôi đang làm Khu trưởng Khu 4, tập trung xung quanh khu bộ của mình rất nhiều văn nghệ sĩ. Những lúc rảnh rỗi, ông thường đến nhà của nhà văn Vũ Ngọc Phan đàm đạo. Rất hợp chuyện văn chương đông tây kim cổ, bà Lê Hằng Phương (thi sĩ Hằng Phương), vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, nấu ăn rất ngon thường mời ông ở lại ăn cơm. Rồi cụ Lê Dư, bố bà Lê Hằng Phương, ông Hoàng Văn Chí anh em đồng hao với ông Vũ Ngọc Phan… đều quí mến ông Khu trưởng đánh giặc giỏi, văn thơ cũng tài, bèn vun vào cho cô em gái ruột bà Hằng Phương là Lê Hằng Huân lúc đó mới 22 tuổi, xinh đẹp lại có học, con nhà trí thức, đang làm kế toán xưởng giấy in tiền của ông anh rể là Hoàng Văn Chí. Sau buổi lễ thụ phong Thiếu tướng trang nghiêm là đến đám cưới của đôi trai tài gái sắc. Cả quân khu tưng bừng, tối đến ánh đèn điện từ nhà máy thủy điện đầu tiên do ông Hoàng Văn Chí tự xây dựng làm cả khu vực lung linh rực rỡ.
 |
Bà Trần Kiếm Qua (hàng sau, thứ ba từ phải sang) và các con cháu tướng Nguyễn Sơn đoàn tụ tại Hà Nội năm 1998. |
Ngày 15-8-1949 cô bé Hà (tức là tôi) chào đời. Mặt tròn, mắt to là đặc điểm của cô bé. Hàng loạt ảnh chụp được lưu lại thời gian hạnh phúc của bố Sơn, mẹ Hằng Huân và bé Hà xinh xinh. Lúc đó còn quá bé, nhưng bây giờ gần 60 tuổi được ngắm lại những bức ảnh rất nghệ thuật này, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui tràn đầy nhưng ngắn ngủi của bố tôi.
Năm 1950, bố tôi trở lại công tác tại Trung Quốc, lúc đó mới biết bà Trần Kiếm Qua và hai con còn sống và đều ở Bắc Kinh.
Bố tôi ở trong Trung Nam Hải, đón bà Trần Kiếm Qua và hai anh từ nhà trẻ đến. Sau khi ăn cơm xong, ông mới giải thích cặn kẽ với bà: Vì có tin xấu như vậy nên ở Việt Nam ông đã lập gia đình, có một cô con gái và một đứa đang trong bụng mẹ.
Sau khi nghe ông Sơn kể về cuộc đời mình, bà Trần Kiếm Qua chạy ra vườn khóc nức nở. Phải làm sao đây... bà và hai con sống những ngày kháng Nhật, giải phóng đất nước rất gian khổ, chờ đợi ông trở về. Ngày trở về lại như thế này đây. Người vợ Việt Nam của ông còn quá trẻ, cũng đã có một con và bụng mang dạ chửa như bà ngày nào.
Một lúc sau bà trấn tĩnh lại. Mặc dù ông tha thiết mong bà đưa hai con về nhà trẻ rồi quay lại với ông, nhưng bà dứt khoát để ông sống với người vợ Việt Nam, rồi từ đó lặng lẽ âm thầm sống xa ông trên đất nước của mình. Bà kể rằng cuộc đời bà chỉ khóc nức nở có hai lần. Lần quyết định đau đớn này và lần được tin ông mất tại Việt Nam.
Tuổi ấu thơ của tôi sống ở Bắc Kinh, Nam Kinh là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Có tình yêu thương của bố mẹ, tràn đầy ấm áp, chưa một lần có sự ầm ĩ gì giữa hai người mẹ tuổi Dần. Hai người đều rất yêu ông, chăm sóc cho ông, giữ gìn tình yêu và uy tín của ông theo cách rất có tri thức, đều chăm lo dạy dỗ các con của ông thành người. Hai người mẹ đều nhắc nhở các con sống vì người bố oanh liệt của mình, khắc phục những nhược điểm mà các bà đã nhận thấy ở ông.
Tám chị em chúng tôi, mặc dù sống qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng hai anh ở Trung Quốc và sáu chị em ở Việt Nam đều kính trọng bố mẹ và thương nhau, có điều kiện là thăm hỏi nhau, cùng nhau đi thăm mộ bố, đoàn tụ với mẹ Trần Kiếm Qua, mẹ Lê Hằng Huân.
Mấy chục năm trôi qua, bà Lê Hằng Huân đã ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Bà Trần Kiếm Qua mặc dù đã 94 tuổi vẫn sống khỏe mạnh tại Bắc Kinh. Chị Vũ Thanh Các, con gái đầu của tướng Nguyễn Sơn, năm nay đã 84 tuổi, con cháu đầy đàn; em út Nguyễn Việt Hằng khi bố Sơn mất mới 1 tuổi, nay cũng đã 53 tuổi.
Hơn 50 năm chúng tôi tự răn mình hãy sống thật xứng đáng là con bố Sơn bằng chính đôi chân của mình. Tám chị em chúng tôi đều hết sức tự hào là con của Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn.
Trung tá NGUYỄN THANH HÀ