 |
Anh Lưu (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội đào tìm hài cốt liệt sĩ bên Lào. |
Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 (Bộ CHQS Quảng Trị) là những người đã xây dựng nên một tập thể vừa được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Mỗi người là một câu chuyện xúc động mà chúng tôi đã được nghe, được chứng kiến. Đội trưởng – Thượng tá Trần Hữu Lưu-người anh cả, người đã vượt qua nhiều khó khăn gia đình để 13 năm nay lặn lội trong những cánh rừng Lào tìm hài cốt liệt sĩ.
Đất bạn Lào là địa bàn anh Lưu đã từng chiến đấu, khi còn là người lính tình nguyện thuộc Đoàn C68. Anh nói đùa với chúng tôi: “Đời bộ đội của tôi gắn với hai chữ sang Lào!”. Năm 1982 anh nhập ngũ, sang Lào chiến đấu; năm 1984 về nước học sĩ quan, học xong lại sang Lào.
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Viên ở xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã tưởng rằng hòa bình rồi chồng không còn biền biệt, không còn cảnh những đêm chị ôm con nằm thao thức ngóng nghe tin tức của chồng… Nhưng đến năm 1996, anh Lưu được điều chuyển về Đội 584 - Bộ CHQS Quảng Trị với nhiệm vụ: Sang Lào tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ… Chị Viên cố tỏ ra bình thường, làm như không có chuyện gì xảy ra để chồng yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.
Hôm chia tay anh, chị đưa hai con sang nhà hàng xóm. Hai con Trần Hữu Bình (sinh năm 1982) và Trần Thị Ngọc (sinh năm 1990) tàn tật, ngơ ngác không biết gì… Chị vạch bờ dậu nhà hàng xóm, lén nhìn sang sân nhà mình thấy dáng anh lầm lụi, chiếc ba lô nặng trĩu lưng, cứ đi ra đi vào trong sân, băn khoăn không biết vợ và các con đi đâu… Sau này, anh mới hiểu, chị làm như thế bởi chị sợ không cầm được nước mắt; sợ trước lúc lên đường anh nhìn cảnh nhà nheo nhóc, con cái ốm đau bệnh tật sẽ thêm bận lòng... Anh ôm chị vào lòng, thương vợ, thương con đến thắt ruột.
Tháng 5 - 2008, chúng tôi gặp anh Lưu tại chùa Đen-sa-vẳn, huyện Sê-pôn (Lào). Đây là nơi lưu giữ 55 hài cốt liệt sĩ được Đội 584 tìm thấy, quy tập trong mùa khô 2007 - 2008. Nhà chùa và cán bộ, chiến sĩ Đội 584 đang chuẩn bị cho buổi lễ tiễn đưa các hài cốt liệt sĩ trở về Tổ quốc sẽ diễn ra vào sáng ngày hôm sau. Tôi nhìn thấy những ngón tay chai sạn to bè, sần sùi của anh lần giở một cách vụng về từng trang nhật ký công tác, dò lại thông tin từng hài cốt liệt sĩ… để hoàn chỉnh hồ sơ từng phần mộ. Đã không biết bao nhiêu lần trong suốt 13 năm qua anh làm công việc này. Và mỗi lần anh giở tấm bản đồ đánh dấu những khu vực đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ, lại nhói lên một nỗi niềm: “Biết bao giờ mới quy tập hết hài cốt liệt sĩ còn nằm rải rác trong những cánh rừng Lào?”.
 |
Anh Lưu và con gái Trần Thị Ngọc. |
Mùa khô 2007 - 2008, có tin báo ở bản Na Lù, huyện Mường Pìn có mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam! Lập tức, Thượng tá Lưu dẫn bộ đội hăm hở hành quân cả ngày lẫn đêm… Nhưng khi đến nơi, một việc bất ngờ xảy ra: Dân bản không cho bộ đội vào vì họ đang chuẩn bị đám tang cho ông Bun Nạp, phó bản Na Lù. Anh Lưu đành cải trang thành người ở bản khác đến dự đám tang. Cùng đi với anh còn có y sĩ Sáng. Sau khi xem xét thi hài ông Bun Nạp được quấn trong chiếc chiếu cói, hai người đều biết Bun Nạp chưa chết mà do bị bệnh hen suyễn lâu ngày nên sức khoẻ suy kiệt, lịm đi. Các anh bàn cách cứu sống ông Bun Nạp. Thoạt nghe, dân bản phản đối kịch liệt. Anh Lưu hứa với dân bản: Nếu như không cứu được ông Bun Nạp, anh sẽ chịu nộp phạt một con trâu. Sau 2 giờ hồi sức cấp cứu, Bun Nạp dần dần hồi tỉnh… Được cứu sống từ tay “con ma rừng”, Bun Nạp cột chỉ cổ tay nhận anh Lưu, anh Sáng làm em kết nghĩa, còn dân bản xem cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập 584 như con em mình, hết lòng, hết sức, giúp đỡ bộ đội tìm mộ liệt sĩ…
Một lần khác, trên đường hành quân mang 28 hài cốt liệt sĩ quy tập được ở huyện Sê-pôn về khu vực tập kết của đội bị chặn lại vì rừng cháy bốn bề. Gió thổi ngọn lửa ngày càng tiến lại gần. Cả đội tiến thoái lưỡng nan. Anh Lưu chỉ huy bộ đội trú tạm trong một hố đạn pháo. Đã 4 giờ chiều, trong hố đạn sót lại một ít nước đục. Ý định lấy số nước nhỏ nhoi này để nấu cơm đã không được tán thành, bởi anh Lưu động viên anh em cố gắng nhịn đói, dành số nước quý báu này để “phòng thân”. Khi lửa rừng cháy trùm lên khu vực ẩn nấp, toàn bộ số nước ít ỏi ấy được tập trung tưới đẫm cho 28 gói ni lông bọc hài cốt liệt sĩ, chống được sức nóng và sự đe dọa của lửa rừng. Đó chỉ là hai trong số hàng trăm chuyến hành quân đi tìm đồng đội mà các anh đã trải qua, chuyến nào cũng đầy khó khăn, gian khổ, hi sinh…
Nhưng ở trong rừng Lào, anh em không sợ lửa rừng, không sợ nước lũ, không sợ những trưa khát cháy cổ, không sợ những cơn sốt rét đến co rúm cả người, mà sợ nhất là… điện khẩn “TK”! Nhiều khi đó là điện gọi một đồng chí nào đó trong đơn vị về nước “nhận nhiệm vụ”. Thực ra đó là những trường hợp gia đình, người thân đồng chí đó gặp hoạn nạn, cần phải về gấp, cấp trên cho gửi điện khẩn gọi về. Cuối mỗi buổi chiều, anh em trong Đội thường chờ anh Lưu đọc xong bức điện từ “bên nhà” chuyển sang rồi mới ăn cơm. Hôm đó có điện “TK” gọi binh nhất K. về nước “nhận nhiệm vụ” nhưng Đội trưởng Lưu cười xòa, bảo: Điện thường, không phải “TK”, ta ăn cơm thôi anh em! Đến sáng hôm sau, anh gọi K. đến, giúi cho một ít tiền rồi nói: “Ba cháu đã mất rồi, cháu thu xếp quân tư trang, chú cho xe chở về biên giới”. Anh đã trì hoãn thông báo cho K. biết bức điện “TK” đáng buồn đó, để như anh nói, là “cho K. ăn một bữa cơm chiều ngon lành và một đêm yên tĩnh, đằng nào thì chuyện buồn cũng xảy ra rồi…”. Những lúc ấy, Đội trưởng Lưu toát lên vẻ gần gũi, như một người anh lớn chăm chút cho từng đứa em…
Có câu chuyện vui Đội trưởng Lưu kể với chúng tôi: Tháng 5-2007, giá gỗ trắc đắt như vàng. Có một chủ buôn gỗ ở bản U Bò đã đặt vấn đề với anh vận chuyển gỗ qua biên giới trên những chuyến xe chở hài cốt liệt sĩ, sẽ “an toàn tuyệt đối”. Đổi lại, mỗi chuyến “thành công”, anh có thể lấy tiền hoặc gỗ tương đương bằng một nửa số gỗ vận chuyển, tính sơ sơ cũng vài trăm triệu đồng. Anh Lưu kiên quyết chối từ, nhìn thẳng vào mắt ông chủ gỗ: “Nếu tôi làm như vậy là có tội với đồng chí, đồng đội của tôi”. Rồi, anh kể cho ông chủ gỗ nghe chuyện Trung sĩ Phạm Việt Hòa và Hạ sĩ Trương Quang Thanh - những chiến sĩ dũng cảm của anh đã hi sinh trong khi tìm kiếm và vận chuyển hài cốt liệt sĩ. Cả hai anh đều nằm xuống giữa những cánh rừng Lào khi tuổi đời còn rất trẻ. Đừng để xảy ra thêm nỗi đau nào nữa cho những người thân của họ ở quê nhà.
Không thể nào kể hết những gian truân, vất vả hy sinh của người lính đi tìm đồng đội. Chúng tôi nhìn bàn tay to bè, sần sùi của người Đội trưởng, cố hình dung về những gian khổ mà anh và đồng đội đã vượt qua. Bàn tay ấy đã cùng đồng đội tìm thấy, nâng niu 3.430 hài cốt liệt sĩ đưa về Tổ quốc trong suốt 13 năm qua. Bàn tay người Đội trưởng có những vết cắt, vết xước do gai rừng, đá nhọn, do mảnh bom đạn lẫn trong huyệt mộ liệt sĩ cắt đứt. Bàn tay ấy từng vuốt mắt cho hai em Thanh, Hòa đã hy sinh trong khi đi tìm hài cốt liệt sĩ. Và bàn tay ấy đang chở che cho một gia đình, người vợ thì ốm yếu, không có việc làm, hai con thì tàn tật. Mỗi lần về nhà, anh thường ngồi bên con gái Trần Thị Ngọc hàng giờ. Con gái anh sáu tuổi mới biết đi, bây giờ 18 tuổi rồi mà trí óc thì ngây dại, như trẻ mới lên ba. Có phải cháu bị nhiễm chất độc da cam từ anh? Anh nhớ, những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Lào, từ năm 1982 đến 1987, những lần hành quân truy kích địch khát khô họng, môi bỏng rộp, anh đã uống, đã ăn cái thứ nước tù đọng trong các hố bom, vũng trâu đằm hôi thối, nơi địa bàn thời chiến tranh đã bị máy bay địch rải “chất diệt cỏ”.
Một chiều mưa, chúng tôi đến thăm gia đình anh, chợt se lòng khi nhận ra dáng người Đội trưởng - người cha lầm lụi đang ngồi bên con gái trên chiếc chõng tre ngoài hiên, khắc khổ trong bóng chiều chạng vạng hắt vào khung cửa. Bàn tay anh đặt lên vai con gái bé bỏng: “Khi ba mẹ già yếu mất đi rồi thì con làm sao tự lo được cho mình…”. Lẽ nào bàn tay thô ráp nhưng mạnh mẽ của người Đội trưởng từng khâm liệm, chôn cất đồng đội trong trận mạc, từng bới tìm nhặt nhạnh hàng ngàn mẩu xương hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trong những cánh rừng Lào đưa về Tổ quốc, lại không che đỡ được cho những đứa con tàn tật của mình...?
Bước lên hiên nhà, tôi nắm lấy bàn tay thật ấm của người Đội trưởng…
Bài và ảnh: TRẦN BIÊN – TRẦN HOÀI – HỒ LĨNH