QĐND - Người dân thôn Bắc Lãm, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, ai cũng thán phục nghị lực phi thường của gia đình anh Khướng, chị Hiển. Chồng-nạn nhân chất độc da cam, ngày ngày vật lộn mưu sinh với nghề phụ hồ, chạy xe ôm; vợ kĩu kịt đôi quang gánh trên vai đi bán chổi tre. Vậy mà đôi vợ chồng khốn khó ấy đã nuôi bốn người con khiếm thị bẩm sinh ăn học nên người. Họ đã viết nên một câu chuyện cổ tích bình dị giữa đời thường.
Tột cùng bất hạnh
Đến Bắc Lãm một buổi chiều đầu tháng 3, những hạt mưa lạnh khiến lòng tôi se sắt khi tới thăm gia đình anh Khướng. Cuối con hẻm sâu hun hút là ngôi nhà cấp 4, mái ngói đã rêu phong vì năm tháng, nơi đây cả gia đình anh đã từng sống qua những tháng ngày lay lắt.
Ấn tượng đầu tiên về anh trong tôi là khuôn mặt chữ điền phúc hậu, giọng nói trầm buồn, mái tóc đã bạc quá nửa, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là đôi mắt tràn đầy nghị lực. Vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi, anh cười để lộ hàm răng ngả màu vàng úa. Tôi đưa mắt khắp căn nhà anh, chẳng có một vật gì đáng giá ngoài chiếc tủ cũ kỹ được kê ngay ngắn ở gian chính. Thấy tôi chú ý đến những chiếc giấy khen được treo kín trên tường, anh nghẹn ngào: “Ông trời bắt tội, các cháu sinh ra cả đời bị chìm trong bóng tối, nhưng bù lại dạ đứa nào cũng sáng”…
Tâm sự với chúng tôi, anh như trải lòng mình: Năm 1970, như bao chàng trai khác, anh khoác ba lô lên đường nhập ngũ, đi liền một mạch đến năm 1976 mới về nghỉ phép. Trong những ngày phép ngắn ngủi ấy anh đã gặp và đem lòng yêu cô giáo trường làng. Cảm kích trước tình cảm chân thực của người lính trẻ, cô giáo đã chấp nhận theo anh về làm dâu. Đám cưới “nước rút” được diễn ra trước khi anh trở về đơn vị.
 |
Anh Khướng với nghề xe ôm nuôi con ăn học. |
Anh đang say sưa kể với tôi về những năm tháng nơi chiến trường, bất chợt có dáng người phụ nữ “xiêu vẹo” với gánh chổi trên vai bước vào nhà. Tôi cứ ngỡ là người bán chổi dạo. Thấy tôi ngơ ngác, anh giải thích: “Đây là vợ anh, đi bán chổi trên phố giờ mới về”.
Chị nở nụ cười đôn hậu chào tôi rồi nhanh chóng bước vào nhà chuẩn bị bữa tối.
Nhâm nhi chén trà nóng, anh bộc bạch câu chuyện cuộc đời mình. Năm 1978, anh xuất ngũ về địa phương, để rồi một năm sau anh chị như vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi đứa con trai đầu lòng bụ bẫm cất tiếng khóc chào đời. Anh đặt tên con là Nguyễn Kim Ơn như lời cảm tạ cuộc đời. Niềm vui ấy chẳng được lâu khi đôi mắt đen láy thông minh của bé vẫn mở nhưng lơ đễnh với mọi vật xung quanh. Chị Hiển nhớ lại: “Bác sĩ bảo: Cháu bị mù bẩm sinh! Đó thực sự là một cú sốc lớn đối với hạnh phúc của người mẹ”.
Có bệnh thì vái tứ phương, anh chị đã đưa con đi khắp các bệnh viện chạy chữa nhưng tất cả đều “bó tay”. Anh Khướng và chị Hiển nuôi hy vọng vào đứa con thứ hai. Sau chín tháng mang nặng đẻ đau, “cú đúp” bất hạnh giáng xuống đầu anh chị khi bé gái Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1980) không biết ánh sáng là gì. Các bác sĩ chịu bó tay. “Ẵm con trên tay đi khám bệnh mà tưởng đất dưới chân sụp đổ” – chị Hiển tâm sự.
Đến lúc này, anh Khướng mới tìm nguyên nhân bị mù bẩm sinh của hai đứa con. Bác sĩ nói anh bị nhiễm chất độc da cam. Đôi mắt anh Khướng quay trở về những ngày tháng năm 1972 trên chiến trường Tây Nguyên-Buôn Ma Thuột: Trên đường hành quân, đơn vị anh dừng chân nghỉ tại một con suối, bên cạnh là những cánh rừng bị bom na pan và bom hóa học của Mỹ, ngụy rải cháy đen trơ gốc. Khát nước, anh đã uống nước ở con suối trong vắt đó. “Uống xong mới thấy nhiều xác cá chết trôi từ trên đầu nguồn xuống” - anh Khướng nhớ lại.
Nhưng mong muốn có một đứa con “vuông tròn” vẫn sống trong lòng anh Khướng, chị Hiển. Bảy năm sau, khi bé Nguyễn Thị Xuân ra đời, dù thị lực chỉ còn 5/10 nhưng nó cũng là một niềm an ủi nho nhỏ với anh chị. “Hay là chất độc da cam trong mình đã nhạt dần theo năm tháng?” - anh Khướng hy vọng nghĩ thế… Đến khi, Nguyễn Thị Sen – đứa con thứ tư của anh chị ra đời thì “mắt bố mẹ cũng tối như mắt con”. Bé Sen cũng lại mù bẩm sinh! Anh Khướng và chị Hiển không còn muốn nhớ lại những ngày ấy nữa và chỉ gọi đó là “những ngày đen tối”.
“Chẳng lẽ cuộc đời có số phận thật? Con mình sinh ra không được vuông tròn, không còn sáng đôi mắt như người khác, liệu sau này có đứng vững được trước sóng gió cuộc đời?” – rất nhiều lần chị Hiển, anh Khướng tự hỏi mình như thế. “Mình không tin vào số phận, có rất nhiều người, nhiều nhà còn có hoàn cảnh éo le hơn mình mà vẫn vượt qua, sống đàng hoàng đó thôi. Mình cũng phải làm được như họ” – hai vợ chồng anh chị cùng động viên nhau để sống và nuôi các con.
Cả nhà cùng vượt khó
“Mình khổ một, con mình khổ mười”. Chúng nó không được sáng mắt thì phải để chúng nó sáng lòng sao cho bằng chúng, bằng bạn” – nghĩ vậy nên anh chị quyết tâm bằng mọi cách lo cho các con được ăn học. Không thể học cùng với các bạn sáng mắt, anh Khướng, chị Hiển lặn lội lên Hà Nội xin cho Ơn và Huyền được học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Tiền trọ, tiền ăn, tiền học phí của con khiến hai vợ chồng anh Khướng xoay xở chóng mặt. Riêng bé Xuân có thị lực khá hơn nên được học ngay tại trường làng.
Những ngày Ơn và Huyền học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, trong khi phụ huynh học sinh đi đóng tiền học phí cho con ở phòng Tài chính thì anh Khướng đi thẳng vào… nhà bếp. Anh Khướng kể: “Không có tiền đóng học phí cho con, tôi vào nhà trường đặt vấn đề xin được đóng góp bằng gạo vì nhà tôi có tới 6 sào ruộng khoán. Thuyết phục mãi nhà trường cũng thông cảm và đồng ý, hai vợ chồng mừng lắm, cứ đến kỳ đóng tiền là tôi chở gạo đến nhà bếp”.
Lo cho các con ăn học, anh Khướng, chị Hiển quần quật làm lụng, vật lộn mưu sinh. Giữa những năm mới xóa bao cấp, công chức Nhà nước khó sống với đồng lương ít ỏi. Năm 1989, đang là giáo viên Trường tiểu học Phú Lương A, chị Hiển xin nghỉ dạy để tìm cách nuôi con ăn học. Từ đó, chị Hiển quang gánh trên vai mua tre về bó chổi, rồi ngày ngày lại kĩu kịt đem bán đến từng phố nhỏ, ngõ nhỏ Hà Nội. Lặn lội thân cò, nhiều hôm trời đã tối, người lên cơn sốt, chân run rẩy mà chị Hiển vẫn gắng bước đi. “Gánh chổi chưa bán hết mà về thì con biết trông vào đâu để sống. Gánh chổi vơi dần người tôi cũng khỏe ra” - Chị Hiển tâm sự.
Anh Khướng dù ốm đau liên miên cũng quần quật với nghề thợ hồ bất kể ngày đêm. Xoay sở mãi, anh mua được chiếc xe máy cọc cạch chạy xe ôm ở bến xe Hà Đông. “Từ trước đến nay, dù nắng, dù mưa, chưa bao giờ thấy hai vợ chồng anh chị nghỉ làm và về trước 22 giờ” – bác Thi, một hàng xóm của vợ chồng anh chị Khướng nói. Điều này cũng lý giải vì sao mà chúng tôi tìm đến nhà ba, bốn lượt mới gặp được anh chị.
Thương bố mẹ vất vả nhọc nhằn, Ơn và Huyền cũng cố gắng học thật giỏi. Đến bây giờ, các thầy cô giáo trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn tự hào: “Hai anh em Ơn và Huyền là những học sinh giỏi, chịu khó và ngoan nhất trong khóa học từ những năm 1990. Chưa có đài để học thêm ngoại ngữ, Ơn và Huyền nhịn ăn sáng tích cóp cả năm mua được cái đài và coi đó là “cửa sổ” đi ra thế giới bên ngoài. Học hết bậc THCS ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Ơn và Huyền chuyển lên học tại trường Nguyễn Văn Tố. Anh chị học xong, ra trường thì đến lượt cô em út Nguyễn Thị Sen nối gót anh chị vào trường.
Tìm ánh sáng trong bóng tối
“Thấy con ham học nên mình cũng cố gắng làm lụng và coi đó là niềm an ủi để sống” - vợ chồng anh Khướng nói thế.
Anh Khướng bộc bạch: “Ngày hai đứa lớn đi thi, vợ chồng tôi phải chạy vạy khắp nơi để có thể mua lại được chiếc máy chữ nổi cho hai con làm bài”. Không phụ công bố mẹ, năm đó, cậu con cả Nguyễn Kim Ơn đỗ vào khoa Nhạc Dân tộc (Bộ môn đàn nhị) của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Một năm sau, niềm vui của anh chị được nhân đôi: Cô con gái Nguyễn Thị Huyền cũng nhận được giấy báo nhập học khi thi đỗ vào khoa Văn của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Chưa hết, trong cuộc thi “Độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ II” vào tháng 1-2003, Ơn tham gia và đoạt giải khuyến khích với tiết mục độc tấu đàn nhị. Có mặt người mẹ trong khán trường, Ơn nhận giải mà rưng rưng xúc động: “Giải thưởng này tôi xin tặng cha mẹ, những người đã dành trọn cuộc đời để hy sinh vì tôi và các em tôi”.
Không chịu “thua kém” các anh chị, cô em út Nguyễn Thị Sen cũng tốt nghiệp xuất sắc trường Nguyễn Văn Tố và đang học năm thứ ba bộ môn đàn Tranh (khoa Nhạc Dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia). “Không thấy được bằng đôi mắt nhưng có thể sống và cảm nhận ánh sáng bằng tấm lòng, trí óc và nghị lực” – Sen chia sẻ.
Chia tay gia đình anh chị khi phố đã lên đèn, lòng tôi chợt dâng lên một niềm tin mãnh liệt vào những con người có số phận bất hạnh nhưng biết vươn lên. Sức mạnh của họ vượt qua cả số phận nghiệt ngã để hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Bài và ảnh: TUẤN AN