Giữa cái nắng đầu hạ oi nồng đến người trẻ cũng cảm thấy “bức bối”, vậy mà người CCB đã ở tuổi cửu thập hẳn đã quen với nắng gió thao trường ấy lại không hề có dấu hiệu mệt mỏi. Ông bảo: Các cậu cứ đi cùng tớ đến đây, nghe chuyện tớ kể thì cái “quái” của thời tiết này chả thấm gì đâu!
Vậy là theo chỉ dẫn của ông, chúng tôi vượt gần 30 km đường “Tây Bắc hút xa mờ” từ nhà ông, đến một địa danh đặc biệt nằm trong quần thể Di tích chiến thắng Điện Biên Phủ: Di tích Đường kéo pháo bằng tay. Di tích hiện nay nằm trên địa phận xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nằm dọc theo quốc lộ 279 bên hữu ngạn sông Nậm Rốm theo hướng từ Tuần Giáo đi Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20 km.
 |
CCB Phạm Đức Cư kể chuyện Điện Biên.
|
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy kéo pháo do đồng chí Lê Trọng Tấn làm chỉ huy đã cho kéo thử mỗi loại một khẩu để rút kinh nghiệm trước. Phương án được đưa ra sau đó là ta quyết định dùng xe vận tải kéo pháo vào cây số 9 ở gần bản Nà Nhạn dừng lại cắt pháo ra khỏi xe, rồi dùng sức người kéo pháo vào những trận địa trên quãng đường dài 15km. Đường kéo pháo rộng 3m, chạy từ cửa rừng Nà Nhạn qua đỉnh Pu Pha Sông cao 1.150m tương đương với độ nghiêng 40 - 60 độ xuống Bản Tâu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu tới bản Nghìu. Để đảm bảo bí mật, con đường kéo pháo phải được nguỵ trang toàn bộ, không cho máy bay trinh sát phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày một đêm, các chiến sĩ Đại đoàn 308, một đại đội sơn pháo, một đơn vị công binh hơn 5.000 người đã hoàn thành xuất sắc con đường kéo pháo trong thời gian 20 tiếng. Việc tiếp theo là đưa lựu pháo và cao xạ pháo vào vị trí trận địa để bắn. Nhiệm vụ được trao cho Đại đoàn 351 và Đại đoàn 312, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm. Nhưng sau 7 ngày đêm gian khổ, pháo của ta vẫn chưa đưa được hết vào trận địa so với kế hoạch ban đầu. Vì vậy, thời gian nổ súng dự định ngày 20-1-1954 phải lui lại 5 ngày tức ngày 25-1-1954. Lúc này Sở chỉ huy của ta đã chuyển từ hang Thẩm Púa đến hang Huổi He, bản Nà Tấu. Tại đây sau khi cân nhắc tình hình địch có nhiều thay đổi, để đảm bảo "đánh chắc thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, ra lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại.
Vừa là nhân chứng tham gia chiến dịch lịch sử cách đây 65 năm, CCB Phạm Đức Cư vừa là người thuyết minh cho chúng tôi về di tích. Ông cho biết, năm 1949, ông rời quê hương Thái Bình nhập ngũ theo đoàn quân tiến về phía bắc, cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Rồi bất ngờ, ông được chọn sang nước bạn huấn luyện pháo cao xạ. Hoàn thành khóa học, Phạm Đức Cư nằm trong số những chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn 394 về nước tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 |
Di tích Đường kéo pháo bằng tay thuộc xã Nà Nhạn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. |
Tháng 1-1954, để tiếp cận các cứ điểm của địch, Tiểu đoàn 394 của ông được lệnh để lại xe cơ giới, kéo pháo bằng sức người vào lòng chảo Mường Thanh. Ông Cư kể: “Đường đèo lúc ấy mới mở rất hẹp, dốc, có những đoạn trơn trượt, một bên là vực thẳm. Mỗi khẩu pháo của đơn vị nặng khoảng 2,4 tấn, để kéo được vào trận địa phải cần 80-100 người. Bảo đảm bí mật, việc kéo pháo tiến hành trong đêm. Vất vả lắm nhưng bộ đội cũng chỉ kéo được khẩu pháo dịch chuyển hơn 1km”. Sau gần 10 đêm, hàng chục khẩu pháo đã được kéo vào trận địa. Nhưng, chưa hoàn lại sức thì hôm sau toàn đơn vị nhận được lệnh, ngay trong đêm 26-1-1954, phải kéo pháo ra khỏi trận địa. “Chúng tôi bàng hoàng cả người. Chính trị viên Tiểu đoàn Phạm Đăng Ty thông báo tình hình có nhiều thay đổi, ta không thể áp dụng đánh nhanh, thắng nhanh mà chuyển hướng sang đánh chắc, tiến chắc. Lúc ấy sức lực anh em gần như cạn kiệt, hai hố mắt trũng sâu vì thiếu ăn, mất ngủ, chân tay rách xước. Các đồng chí nuôi quân cơ động theo đơn vị, vất vả lắm mới nấu được cho mỗi người hai nắm cơm ăn kèm mắm”, ông Cư kể chuyện mà nước mắt rưng rưng.
Kéo pháo vào trận địa gian nan vất vả, kéo pháo ra còn gian nan gấp bội phần. Con đường kéo pháo của ta giờ đây đã bị lộ, đường trơn, máy bay địch ngày đêm lùng sục ném bom. Tại những đoạn đường trống, việc chuyển pháo phải tiến hành ban đêm. Đêm xuống, trên những con đường kéo pháo, các chiến sĩ lưng ướt đẫm mồ hôi, đội mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những đôi tay cuồn cuộn bám chắc dây tời, chân như đóng xuống đất nghiến răng ghìm pháo. Bài quốc tế ca trầm hùng lại vang lên như tiếp thêm sức mạnh nhiệm màu giúp họ vượt qua những giờ phút nguy hiểm. Cũng trong hoàn cảnh này bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời, ngay lập tức bài hát được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị văn công mặt trận, ra tuyến đường kéo pháo hát phục vụ các chiến sĩ.
Ngày 1-2-1954 tức đêm ngày 29 Tết Giáp ngọ, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394 của đồng chí Tô Vĩnh Diện kéo pháo ra đến Dốc Chuối, đường hẹp, bên núi cao bên vực sâu, có đoạn dốc dựng đứng 60 độ. Trời mưa phùn, tối như bưng, pháo xuống dốc thận trọng, bỗng có tiếng “phựt’, dây tời hãm bị đứt, pháo bắt đầu lao. Lúc đó đồng chí Tô Vĩnh Diện cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để định hướng. Ông Phạm Đức Cư kể: “Pháo thủ Lê Văn Chi bị càng pháo hất xuống vực, pháo trôi dần về phía vực sâu. Anh Diện lấy sức đẩy càng pháo hướng đâm vào vách núi. Cản được pháo lăn xuống vực, nhưng anh bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn hai tấn đè lên người. Giây phút lâm chung, anh vẫn cố hỏi: Pháo có sao không? Hôm sau, tang lễ của anh được âm thầm tổ chức trong rừng, vì chiến dịch chưa mở màn phải giữ bí mật cho con đường kéo pháo nên không có hương khói thắp trên mộ anh, không có tiếng súng vĩnh biệt anh”.
Đến rạng sáng ngày 4-2-1954 khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết. Lúc này là vào mùng 2 Tết, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 394 tổ chức cho bộ đội ăn Tết muộn trong rừng. Sáng ngày mùng 4 Tết tức ngày 6-2-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết bộ đội, lúc này các chiến sĩ của ta mới hiểu thay đổi phương châm chiến lược là sự sáng suốt của cấp trên. Sau khi ăn Tết xong, bộ đội cùng dân công bắt tay vào mở đường, xây dựng trận địa pháo và tiếp tục kéo pháo vào trận địa thực hiện phương án “đánh chắc tiến chắc”, toàn mặt trận chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô dài ngày.
Năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta đã cấp kinh phí xây dựng, trùng tu, tôn tạo con đường kéo pháo bằng tay. Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ là chủ đầu tư, đã mời các nhân chứng lịch sử trong đó có CCB Phạm Đức Cư đi khảo sát xác định vị trí, địa điểm đường kéo pháo và nơi Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh, do kinh phí có hạn nên mới tôn tạo đoàn đường 3,9 km đến nơi anh Tô Vĩnh Diện đã hy sinh. Thông tin từ Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, đây là con đường kéo pháo bằng tay duy nhất và cũng là con đường kéo pháo đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ được khôi phục lại. Còn CCB Phạm Đức Cư khi trở lại chiến trường xưa, ông như sống lại thời tuổi trẻ của mình đã tự hào khoe với chúng tôi: “Mới tuần trước có đoàn làm phim tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ muốn tôi cùng họ trở lại các trận địa xưa nhưng e ngại tuổi tác và sức khỏe của tôi không cho phép. Tôi bảo họ, đi chứ. Các cậu chớ “xem thường” chiến sĩ Điện Biên, tuổi cao, ý chí của chúng tớ còn cao hơn!”
Bài, ảnh:HƯỚNG NAM