QĐND - Đó là câu chuyện về Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Tài, Phó giám đốc Học viện Chính trị.
Sinh năm 1954 tại Lệ Thủy-Quảng Bình, nơi tuyến lửa của Tổ quốc những năm tháng chiến tranh, tuổi thơ ông gắn với những năm tháng đói nghèo lam lũ, vì bố ông là một thương binh nặng, mẹ cũng đau ốm liên miên, bản thân ông lại là anh cả của một đàn em nheo nhóc… Tuy nhiên, từ thuở ấu thơ, Nguyễn Văn Tài đã sớm bộc lộ rõ tư chất thông minh, dù thể trạng gầy yếu, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng ông vẫn cố gắng học hành. Vào cuối cấp 3, ông đoạt giải Nhì cả hai môn Văn và Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cũng là học sinh duy nhất tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc năm 1972 với cả hai môn này. Bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời ông cũng đến trong năm đó, khi ông nhận được giấy báo nhập học của Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng thật bất ngờ, Nguyễn Văn Tài đã quyết định gác bút nghiên, gác cả giấc mơ được tiếp tục học tập trên giảng đường đại học, để lên đường nhập ngũ. Cũng từ đó, cuộc đời ông gắn với nghiệp nhà binh, gắn với những giờ khắc sinh tử liền nhau trong gang tấc, rồi cũng chính trên con đường đầy vinh quang và máu lửa đó, ông đã thực hiện được giấc mơ của mình.
Sau này, khi được hỏi về quyết định “lạ lùng” ngày ấy, vị giáo sư cười hiền và chậm rãi trả lời: “Đó không hẳn là một quyết định thanh thản, tôi nghĩ thế, mà đó là một quyết định dằn lòng máu chảy, nhưng tôi đã thực hiện nó một cách rất thanh thản. Lúc đó tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, một bên là ước mơ mà mình theo đuổi suốt thời đi học và bên kia là trách nhiệm lớn lao tôi tự mình nhận thấy trước sự tồn vong của dân tộc. Ở nơi trận đầu tuyến lửa, nơi ngày ngày được chứng kiến hàng loạt trận mưa bom và phải tận mắt chứng kiến máu của đồng bào mình đổ xuống, tôi chợt thấy cái ước mơ kia của mình nó cỏn con quá. Vậy là xếp sách vào ba lô, mang ra chiến trường”.
 |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu NGND cho GS,TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội ngày 13-11-2014. Ảnh: Học Viện
|
Và chàng “sinh viên hụt” Nguyễn Văn Tài đã theo đoàn hành quân ngược về Bố Trạch, tạm quên đi hoài bão tuổi trẻ của mình, để chung tay với đồng đội vì một điều lớn lao hơn-đấu tranh giải phóng quê hương đất nước. Ngay trong lần đầu hành quân, ông và đồng đội gặp phải đợt rải thảm của bom B-52. Thoát chết như một kỳ tích, chứng kiến sự ngã xuống của người đồng đội vừa mấy phút trước cùng nhau kề vai sát cánh, ý thức được sự mong manh quá đỗi của sự sống và cái chết, ông cũng nhận thức được sâu sắc mình đang đi trên con đường đầy chông gai khốc liệt, con đường có thể một đi không về. Đến cuối năm 1972, khi Sư đoàn 341 thuộc Quân khu 4 được thành lập, ông trở thành lính của Sư đoàn 341 mang tên Sông Lam. Trên đường hành quân vào chiến trường B, đơn vị ông dừng chân trong rừng ở Ba Rền và một lần nữa, bố ông lại lặn lội mang giấy báo nhập trường đại học lần hai đến gặp con. Chiến trường vẫn dội về những tin chiến sự ác liệt, một lần nữa ông lại từ chối cơ hội được đi học đại học, vội vã tạm biệt bố để tiếp tục cuộc hành quân vào chiến trường miền Nam...
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 anh hùng của ông đã tham gia trận Xuân Lộc, thành lũy cuối cùng của địch trước cửa ngõ Sài Gòn. Sau chiến thắng Xuân Lộc, tiếp đến Hố Nai, Trảng Bom, Biên Hòa… đơn vị ông thẳng tiến về Sài Gòn vào trưa 30-4-1975 lịch sử, trong rực rỡ cờ hoa và nhân dân hò reo đón mừng đoàn quân thắng trận. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đơn vị ông thực hiện nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn. Ông và đồng đội của mình ở Quân đoàn 4 đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Sang tháng 8-1977, ông được đơn vị cử đi học đại học. Nhưng rồi, cũng thời gian đó quân Pôn Pốt ào ạt tấn công vào biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Người lính trẻ đó lại một lần nữa lỗi hẹn với giảng đường, ông cầm súng cùng đồng đội lên đường đi chiến đấu… Ông chậm rãi kể: “Ngày 22-12-1978, sau khi dự lễ tổ chức Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi lên đường hành quân. Vừa hành quân vừa chiến đấu, đến ngày 7-1-1979, chúng tôi tiến vào giải phóng Phnôm Pênh…”.
Từ năm 1979 đến năm 1981, đơn vị ông tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, tham gia truy quét tàn quân Pôn Pốt, mở rộng và giữ địa bàn giúp Bạn. Đến năm 1983, lần thứ 4 ông nhận được giấy báo nhập học, nhưng mãi đến năm 1985, ông mới chính thức được cử đi học tại Học viện Chính trị-Quân sự (Bộ Quốc phòng). Lúc ấy, ông là học viên được đặc cách vào trường bởi đã từng trải qua chiến đấu, nhưng với tư chất thông minh sẵn có, ông đã xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn khóa, với kết quả học tập loại giỏi và được giữ lại trường công tác. Trong thời gian công tác ở đây, ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ đạt loại giỏi vào năm 1998. Đến năm 2003, ông được phong học hàm Phó giáo sư. Năm 2008, ông được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và năm 2010 ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư.
Là một người nặng nợ đèn sách, dù đã bốn lần từ chối cơ hội được học đại học, dù có những phút giây tưởng sẽ bỏ mình nơi mặt trận, nhưng rồi như một kỳ tích, ông lành lặn trở về, được tiếp tục sự nghiệp học hành và gắn bó suốt đời với giảng đường đại học. Hẳn đó là một đền bù xứng đáng cho những quyết định của ông khi dám hy sinh hạnh phúc cá nhân để tham gia vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Trên cương vị là một nhà khoa học, Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài đã trực tiếp tham gia biên soạn và chủ biên hàng chục cuốn sách, đăng tải nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Trong đó có công trình trọng điểm cấp Nhà nước mang tên “Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long-Hà Nội”. Năm 2010, ông có 4 công trình nghiên cứu được xuất bản trong bộ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến. Các công trình của ông đã góp phần làm sáng tỏ những đóng góp đặc sắc về thực tiễn và lý luận quân sự của các tài năng quân sự và những bài học kinh nghiệm lịch sử bảo vệ Thăng Long-Hà Nội từ thời dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Đây là một công trình khoa học tiêu biểu của ông, đóng góp vào Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Đằng sau những bước đi của Thiếu tướng, Giáo sư Nguyễn Văn Tài luôn có đôi mắt dõi theo của người bố thân yêu, người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời ông. Trở về không lành lặn từ chiến trường máu lửa, nhưng bố ông đã một mình bươn chải nuôi vợ ốm, chăm con học hành. Không giấu được xúc động khi kể về cha mình, ông nói: “Cha tôi là một người hiền lành nhưng rất quyết liệt, cả đời ông quan niệm: Con người khổ nhất là không được học hành. Vì vậy, đừng bao giờ vì khó khăn mà bỏ học”. Không phụ công sức, tâm huyết của bố mẹ, ba người con của các cụ nay đều đã trưởng thành. Người con trai đầu là Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài; người thứ hai là Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí-Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương; người con trai út là Tiến sĩ Nguyễn Thành Hưởng, hiện đang làm Trưởng ban quản lý Dự án Điện dầu khí Thái Bình...
HỒNG LỘC