Ngày 17-7, TP Hà Nội đã tổ chức đối thoại, giải đáp vướng mắc, kiến nghị về quyền lợi của người dân vùng ảnh hưởng môi trường quanh Khu liên hợp XLCT Nam Sơn. Sau cuộc đối thoại, người dân đã dừng việc cản trở xe rác, hoạt động tiếp nhận và xử lý rác thải trở lại bình thường.

Hoàn thành đền bù cho người dân trong năm 2020

Được xây dựng từ năm 1999, Khu liên hợp XLCT Nam Sơn rộng hơn 157ha nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn). Để bảo đảm đời sống của người dân, huyện Sóc Sơn được TP Hà Nội giao thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác. Có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời với tổng diện tích đất khoảng 396ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở. Theo UBND huyện Sóc Sơn, nguyên nhân của sự việc trên là do tình trạng ứ đọng nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp XLCT Nam Sơn chậm; việc giải quyết kiến nghị của người dân về công nhận diện tích đất ở theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã được cấp còn vướng... Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh: Đối với đất nông nghiệp tại hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB). Đối với đất ở, tiến độ bồi thường, hỗ trợ GPMB còn chậm do quá trình đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất, lên phương án bồi thường mất nhiều thời gian...

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp XLCT Nam Sơn ngày 17-7, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: "Việc đền bù cho người dân sẽ được tính đúng với phần diện tích trên GCNQSDĐ. Đối với những hộ được cấp GCNQSDĐ với diện tích lớn hơn hạn mức, không đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp GCNQSDĐ cho hộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy vậy, phần diện tích lớn hơn hạn mức cấp, thành phố vẫn sẽ hỗ trợ đền bù 500.000 đồng/m2, cao hơn so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành. Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các phòng, ban, các xã vận dụng chính xác chính sách, không nhũng nhiễu người dân trong việc đền bù. Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cam kết, thành phố bố trí đủ kinh phí và giải ngân ngay đối với các thửa đất đã hoàn thành hồ sơ, đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội hỗ trợ huyện Sóc Sơn đo đạc, kiểm đếm diện tích đất để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã được giải tỏa để xe rác hoạt động bình thường. Ảnh: TTXVN.

Trong khi đó, ông Đào Đức Toàn, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, yêu cầu huyện Sóc Sơn hoàn thành đền bù, hỗ trợ GPMB đất nông nghiệp cho người dân trong tháng 7-2020; đối với đất ở, hoàn thành trong năm 2020. Ngoài thực hiện các chính sách đền bù, huyện Sóc Sơn và các xã cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục... cho người dân các xã vùng ảnh hưởng của bãi rác.

Ngay sau khi kết thúc buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố, chiều qua (17-7), Chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, người dân trên địa bàn xã Nam Sơn và xã Hồng Kỳ đã tháo lều bạt, thu dọn bàn ghế, không ngăn cản xe chở rác vào bãi rác. Các xe chở rác đã ra, vào Khu liên hợp XLCT Nam Sơn bình thường.

Hà Nội hướng đến công nghệ đốt rác phát điện

Ngày 17-7, tại cuộc tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa XV, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay: Thành phố đã chuẩn bị xong nhà tái định cư để di dân khỏi vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp XLCT Nam Sơn. Về việc nước rỉ rác bốc mùi ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh khu vực xử lý rác, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, với công nghệ chôn lấp rác cũ, 1m3 rác sẽ phát sinh 1,2m3 nước rỉ rác. Thành phố đã tính đến việc đặt hàng các đơn vị xử lý nước rỉ rác. Tuy nhiên, do còn vướng quy định về đấu thầu, nên việc xử lý còn chậm, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thành phố đang đề xuất Chính phủ có cơ chế phù hợp khắc phục khó khăn này. 

Về giải pháp lâu dài trong việc xử lý rác thải trên địa bàn, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, qua khảo sát tại các nhà máy xử lý rác hiện đại ở Đức, Pháp và Nhật cho thấy, rác thải được đốt với công nghệ không mùi, không ảnh hưởng đến người dân. Theo đó, Hà Nội đã kêu gọi những nhà đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ thực hiện các dự án bị ảnh hưởng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, trong năm 2020, sẽ có một dự án nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ của Bỉ được hoàn thành với công suất 4.000 tấn/ngày đêm. Dự kiến đến quý I-2022, thành phố cũng sẽ có thêm một nhà máy đốt rác phát điện với công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Qua đó, cơ bản rác thải của thành phố sẽ được xử lý theo phương pháp đốt để phát điện. Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: Hà Nội đặt ra những tiêu chí cụ thể cho các nhà đầu tư là: Nhà đầu tư phải có năng lực, bảo đảm tài chính; có hệ thống lọc hiện đại, không thải khí độc ra môi trường.

Trong khi đó, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương xây dựng và đưa vào hoạt động các lò đốt rác hiện đại có thể thu hồi năng lượng, như nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng. Tuy nhiên, để phương pháp đốt thu hồi năng lượng thực sự đạt hiệu quả tối ưu, đáp ứng cả yêu cầu về kinh tế và môi trường thì điều quan trọng nhất vẫn là phải giải bài toán phân loại rác tại nguồn. Lý do là bởi không phải loại rác thải nào cũng sử dụng được phương pháp kể trên, nếu trước khi đưa vào lò mà rác chưa được phân loại thì sẽ rất khó kiểm soát lượng chất dioxin (chất độc da cam) sinh ra trong quá trình đốt, kéo theo chi phí xử lý cũng rất lớn.      

NGUYỄN VŨ - LÊ HIẾU