leftcenterrightdel

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân làm việc với đại diện của PJICO. 

Đó là trong thời gian bản án giám đốc thẩm đang trong thời kỳ đương sự được tự nguyện thi hành án thì Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã vội vã ra quyết định phong tỏa tài khoản trái pháp luật với PJICO. Việc này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy pháp lý, khiến hàng chục tỷ đồng của Nhà nước có nguy cơ bị mất trắng nếu bị chuyển ra nước ngoài. Từ tháng 4-2016, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã có công văn yêu cầu ngành thi hành án tỉnh Đồng Nai khắc phục những vi phạm trên. Thế nhưng, đến nay việc sửa sai vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.


Vội vã phong tỏa tài khoản trái pháp luật

Công văn số 1300/VKSNDTC-V11 của VKSND Tối cao  nêu rõ: Việc Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa ra Quyết định chủ động thi hành án số 1905/QĐ-CCTHA ngày 4-2-2016 khi chưa nhận được bản án do TAND tỉnh Đồng Nai chuyển đến đã vi phạm Khoản 2, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Đồng thời, việc chỉ đạo của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định rút hồ sơ thi hành án, các quyết định ngăn chặn của chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai diễn ra vội vã, thiếu thận trọng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại của đương sự. VKSND Tối cao đã yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai thu hồi các quyết định vi phạm và khắc phục các vi phạm. Thế nhưng, đến nay điểm mấu chốt nhất để ngăn chặn những hậu quả pháp lý xấu là không được phong tỏa tài khoản của PJICO thì vẫn không được khắc phục.

Ngày 28-11-2016 vừa qua, VKSND Tối cao có Thông báo số 441/TB-VKSTC gửi PJICO nêu rõ, đã xem xét đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của PJICO đối với Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. VKSND Tối cao cũng cho biết, đã có công văn yêu cầu TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ vụ án để giải quyết theo thẩm quyền.

Cần biện pháp khẩn cấp dừng thi hành án

TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh không đồng tình với kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 47/2016/KDTM-GĐT tuyên PJICO phải bồi thường hơn 57,6 tỷ đồng cho Công ty Huada. Với quyết định này, việc chuyển tiền bồi thường theo yêu cầu của cơ quan thi hành án sẽ được thực hiện.

Đại diện của PJICO cho rằng, nếu những tình tiết của vụ án chưa được làm sáng tỏ thì việc thực hiện quyết định thi hành án sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đặc biệt, PJICO lại là doanh nghiệp với 100% vốn sở hữu Nhà nước. Do đó, nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước là rất lớn. Bởi, nếu việc thi hành án được thực hiện, số tiền hơn 57,6 tỷ đồng sẽ được chuyển cho Công ty Huada có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), hiện đã dừng mọi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Vì nếu sau này bản án được lật lại và PJICO có thắng kiện, đồng thời Công ty Huada bị yêu cầu phải trả lại tiền thì cũng không thể lấy lại số tiền trên, do Công ty Huada không còn bất cứ tài sản nào tại Việt Nam. Vì vậy, rất cần những biện pháp khẩn cấp để dừng việc thi hành án.

Luật sư Vũ Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàn Kiếm cũng cho rằng, nếu vội vàng thi hành án thì sau này, bản án phúc thẩm có tuyên PJICO không phải bồi thường thì số tiền hơn 57,6 tỷ đồng của Nhà nước cũng không thể đòi lại được vì lúc ấy tiền đã chuyển ra nước ngoài. Về nguyên tắc, nếu PJICO chuyển tiền thì phải chuyển vào tài khoản của Công ty Huada tại Việt Nam, nhưng nếu phía Công ty Huada có những giao dịch khác như mua bán nguyên liệu hay rút tiền mặt rồi chuyển bằng nhiều hình thức ra khỏi Việt Nam thì số tiền hơn 57,6 tỷ đồng vẫn sẽ mất.

Luật sư Phạm Duy Hiển (Văn phòng Luật sư Phạm Duy) và nhiều chuyên gia pháp lý khác cũng cho rằng, trước mắt rất cần những biện pháp khẩn cấp để hoãn, dừng việc thi hành án. Trong đó, bao gồm việc dừng cưỡng chế tiền từ tài khoản ngân hàng của PJICO theo bản án của giám đốc thẩm TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án để giải quyết theo thẩm quyền của VKSND Tối cao đối với TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cần nhanh chóng được thực hiện để tìm ra được bản án công minh, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả đó là việc tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Bài và ảnh: SĨ CƯỜNG - ĐỨC TUẤN