Chưa ký hợp đồng vẫn đòi… bồi thường

Theo bản án số 37/2015/KDTM-ST ngày 29-9-2015 của TAND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: Ngày 26-12-2011, PJICO chi nhánh tại tỉnh Đồng Nai đã phát hành bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh số 11/DN/TSKT/3130/168; bảo hiểm tiền số 11/DN/TSKT/3110/10 cho Công ty Huada theo quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt. Hợp đồng bảo hiểm này cũng là giấy chứng nhận bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt có thời hạn bảo hiểm từ ngày 6-1-2012 đến 6-1-2013. Trong cùng ngày PJICO đã phát hành thông báo thu phí, yêu cầu phía Công ty Huada thanh toán phí bảo hiểm theo quy định. Đến ngày 6-1-2012 (thời điểm có hiệu lực của hợp đồng), Công ty Huada vẫn chưa ký kết hợp đồng và cũng không có văn bản nào thông báo cho phía bảo hiểm PJICO về việc giao kết hợp đồng.

leftcenterrightdel
Hợp đồng bảo hiểm chưa được Công ty Huada ký và đóng dấu. 

Khoảng 18 giờ ngày 12-1-2012, xảy ra hỏa hoạn tại nhà máy của Công ty Huada, KCN Tam Phước, TP Biên Hòa khiến nhà xưởng cháy rụi hoàn toàn. 11 giờ ngày 13-1-2012, đại diện PJICO có mặt tại trụ sở của Công ty Huada và yêu cầu công ty này cung cấp hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực được các bên ký kết. Qua kết quả kiểm tra, Hợp đồng bảo hiểm số 11/DN/TSKT/3110/168 vẫn chưa được Công ty Huada ký và đóng dấu xác nhận.

Theo bà Hà Kim Anh, Phó trưởng phòng Tổng hợp PJICO, sau khi xảy ra sự việc, ngày 13 và 18-1-2012, PJICO chi nhánh tại tỉnh Đồng Nai đã liên tiếp phát hành các văn bản cho phía Công ty Huada về việc thu hồi lại hợp đồng bảo hiểm và đề nghị chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm số 11/DN/TSKT/3130/168 và hợp đồng số 11/DN/TSKT/3110/10, nhưng phía Công ty Huada không hề có phản hồi. Bất ngờ, ngày 16-1-2012, Công ty Huada tự động chuyển tiền phí bảo hiểm vào tài khoản cho PJICO, đồng thời cho rằng, Công ty Huada đã thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm cho PJICO theo đúng quy định. Đến ngày 2-2-2012, tức là sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn gần một tháng, Công ty Huada mới ký hợp đồng bảo hiểm và gửi lại toàn bộ hợp đồng bảo hiểm cho PJICO. Ngày 22-5-2012, Công ty Huada có công văn số 01/CV/PĐ trả lời PJICO về việc không đồng ý hủy hợp đồng bảo hiểm và yêu cầu phía PJICO bồi thường tổn thất tài sản theo hợp đồng với con số trên 57,6 tỷ đồng.

Các cấp tòa có quan điểm ngược nhau

PJICO cho rằng, hợp đồng bảo hiểm giữa PJICO và Công ty Huada chưa phát sinh hiệu lực nên không đồng ý thực hiện bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm, do đó Công ty Huada đã khởi kiện ra tòa. Qua nhiều lần xét xử tại các cấp tòa, vụ việc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm với nhiều bản án được tuyên trái ngược nhau.

Tại bản án số 37/2015/KDTM-ST ngày 29-9-2015 của TAND TP Biên Hòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên việc yêu cầu bồi thường tổn thất tài sản theo hợp đồng bảo hiểm số 11/DN/TSKT/3130/168 và hợp đồng 11/DN/TSKT/3110/10 ngày 26-12-2012 từ phía Công ty Huada với PJICO là không có cơ sở chấp nhận.

Văn bản số 300/SPCCC-PC ngày 16-3-2012 của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Đồng Nai trả lời về nguyên nhân vụ cháy: Do đường dây điện cấp nguồn cho bóng đèn chiếu sáng cao áp trong kho thành phẩm sử dụng lâu ngày, lớp vỏ nhựa cách điện bên ngoài bị lão hóa làm mất tác dụng cách điện dẫn đến chạm, chập… Tại điểm c, khoản 1 mục J của hợp đồng bảo hiểm những điểm loại trừ cho tất cả các điểm rủi ro quy định như sau: “Những thiết bị xảy ra đối với bất kỳ máy móc, khí cụ điện nào hay bất kỳ bộ phận nào của thiết bị điện do chạy quá tải, quá áp lực, tự đốt nóng, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào”. Do đó, TAND TP Biên Hòa cho rằng, dù hợp đồng bảo hiểm có được ký kết giữa các bên thì cũng rơi vào trường hợp bị loại trừ không thuộc phạm vi của hợp đồng bảo hiểm.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm đã tuyên, Công ty Huada tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên TAND tỉnh Đồng Nai và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Phán quyết số 11/2016/KDTM-PT của TAND tỉnh Đồng Nai ngày 2-2-2016 và Quyết định giám đốc thẩm số 47/2016/KDTM-GĐT ngày 29-8-2016 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, qua 2 cấp xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm đều cho rằng, hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Huada và PJICO đã được giao kết từ ngày 6-1-2012 nên đã phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nguyên nhân gây ra thiệt hại tài sản cho Công ty Huada cũng được TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng do hỏa hoạn, đồng thời yêu cầu PJICO phải bồi thường thiệt hại cho phía Huada với số tiền trên 57,6 tỷ đồng.

Không để "kẽ hở"

Theo phản ánh của PJICO tới Báo Quân đội nhân dân, ngày 19-2-2016, PJICO mới nhận được bản án phúc thẩm nhưng trước đó 2 ngày (ngày 17-2-2016, khi chưa hết thời hạn 15 ngày tự nguyện thi hành án) đã bị Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa phong tỏa tài khoản khi không có căn cứ chứng minh PJICO có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh thi hành án. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của PJICO, công ty đã gửi kháng nghị lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trả lời về việc này, tại văn bản số 1300/VKSNDTC-V11 ngày 12-4-2016 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ rõ việc Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa ra Quyết định chủ động thi hành án số 1905/QĐ-CCTHA ngày 4-2-2016 khi chưa nhận được bản án do TAND tỉnh Đồng Nai chuyển đến đã vi phạm khoản 2, điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Đồng thời, việc chỉ đạo của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định rút hồ sơ thi hành án, các quyết định ngăn chặn của chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai diễn ra vội vã, thiếu thận trọng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại của đương sự.

Liên quan tới vụ việc này, Luật sư Vũ Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàn Kiếm cho rằng, để giải quyết thấu đáo vụ việc này cần phải xem xét lại quá trình báo giá của PJICO gửi Công ty Huada và phía Công ty Huada có gửi lại bản báo giá với các điều khoản giống với giấy chứng nhận bảo hiểm hay không. Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng phải đánh giá đúng và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong giai đoạn giám định tìm ra nguyên nhân cháy nổ.

Thời gian qua, nhiều vụ việc tranh chấp bồi thường hợp đồng bảo hiểm như việc tranh chấp kéo dài suốt 11 năm giữa Công ty Bảo hiểm Bảo Minh với Công ty Bảo hiểm AIA về số tiền 7,4 tỷ đồng; vụ việc Công ty Điện lực Hải Phòng khởi kiện đòi hơn 2 tỷ đồng tiền bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu cùng nhiều vụ việc có dấu hiệu gian lận, trục lợi khác liên quan tới bảo hiểm. Nhiều chuyên gia bảo hiểm cho rằng, những vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm cháy nổ mà quá trình tố tụng không làm đúng các trình tự của pháp luật thì rất nguy hiểm. Nó sẽ “vô tình” tiếp tay cho hành vi trục lợi bảo hiểm, làm mất đi quyền lợi chính đáng của người được bảo hiểm và dẫn tới nguy cơ rủi ro, mất đi tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, nhất là các doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước rất lớn như PJICO.

Bài và ảnh: NGUYỄN CƯỜNG - ĐỨC TUẤN