Phun thuốc cho xoài.

Huyện Kế Sách được mệnh danh là vựa trái cây của tỉnh Sóc Trăng, trên 15 năm nay, “nghề” làm xoài lá đã đến với miệt vườn Kế Sách. Qua bàn tay người làm xoài lá, cây xoài có thể cho 2 – 3 đợt trái mỗi năm, đặc biệt là những mùa trái vụ. Chưa thấy ai giàu lên ở tầm... tỷ phú, nhưng mỗi đợt trái, người làm xoài lá dắt túi vài chục triệu đồng (tiền lời) ngon ơ, vì vậy ở đây có không ít người theo đuổi nghề này...

Làm xoài lá” là cách gọi thông thường của nhà vườn, nghĩa là người ta mua xoài của chủ vườn lúc cây còn chưa trổ hoa, đậu trái. Thời gian mua được tính trọn năm. Trong thời gian này, cây hoàn toàn thuộc sở hữu của người mua và người mua sẽ làm mọi cách để cây cho nhiều trái nhất nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Ông Năm Mẫn - một nhà vườn lâu năm ở xã Nhơn Mỹ (Kế Sách) nói: Cả đời tui gắn bó đất này, cũng biết giá trị kinh tế của cây xoài nhưng coi vậy chứ không dễ ăn đâu à nghen. Tui già rồi, làm xoài lá sao bằng lớp trẻ, chú gặp họ thử xem...

Nghề... “hái” được tiền

Theo chỉ dẫn của ông Năm Mẫn, tôi tìm đến nhà anh Khánh ngụ cùng địa phương. Có thể nói anh Khánh là người đầu tiên khởi nguồn nghề làm xoài lá ở xã này (và cả huyện Kế Sách). Tiếp tôi trong ngôi nhà khang trang của mình, anh Khánh chậm rãi kể: Những năm đầu thập kỷ 1990, nhà vườn Kế Sách đối xử chẳng mặn mà gì với cây xoài. Lúc ấy xoài ra trái tự nhiên, mùa trúng mùa mất không lường trước được, giá cả lại rẻ như... bèo. Người ta lần lượt đốn hạ xoài bán cho dân mua làm... củi đốt. Năm 1992, vài người anh em của tôi từ Đồng Tháp sang đây, mang theo kinh nghiệm điều khiển cây ra hoa theo ý muốn. Cũng năm đó, chúng tôi bắt tay vào làm xoài lá...

Theo lời anh Khánh, vụ đầu anh chọn mua 60 gốc xoài cát (30 năm tuổi trở lên) quanh khu vực với cái giá gần như... cho không. Vụ này anh thu hoạch hơn 20 tấn trái, nhờ có hợp đồng với thương lái, xoài được đóng gói tại vườn, sau đó nghe nói đưa ra phía Bắc và xuất sang Trung Quốc.

Thu nhập trên trăm triệu đồng tiền lãi từ vụ xoài đầu tiên và các vụ sau luôn cao hơn vụ trước của anh Khánh khiến những nhà vườn... choáng váng. Nghề làm xoài lá bắt đầu thu hút sự quan tâm của mọi người, “bí quyết nghề nghiệp” được giữ kín, nhiều dấu hiệu cạnh tranh làm nghề cũng xuất hiện. Anh Khánh nói với tôi, từ năm 1995 anh đã không còn “độc quyền” làm nghề xoài lá ở vùng này nữa, đến đầu năm 2003 thì anh tuyên bố... giải nghệ vì lý do sức khỏe và công việc (anh là giáo viên, Hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Mỹ I).

Đến nay, chỉ tính riêng 2 xã lân cận Nhơn Mỹ và An Lạc Tây đã có hơn 20 người làm xoài lá chuyên nghiệp, mỗi người “nắm” trong tay từ 50 đến 100 gốc xoài. Trong số này, các anh Hải, Trung, Quân, Tân, Lộc... ban đầu từng làm công cho anh Khánh, đều khởi nghiệp với hai bàn tay trắng nhưng đến nay họ đã vững vàng trong kinh nghiệm lẫn vốn liếng.

Tôi hỏi anh Khánh, có khi nào người làm xoài lá như anh phải chịu... lỗ chưa? Anh Khánh khẳng định chắc nịch: “Hồi trước thì không bao giờ, nhưng bây giờ cùng lắm là huề vốn vì các khoản đầu tư ngày càng nặng! Nghề này chắc còn... bí quyết gì khác?”. Rồi Khánh cười xòa: “Bí quyết gì nữa, cứ đến cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, muốn gì người ta hướng dẫn cho. Không riêng gì cây xoài mà còn nhiều loại cây khác nữa kia, đơn giản lắm!”.

Nhọc nhằn... xoài lá

Có thật làm xoài lá “đơn giản lắm” và ai muốn cũng làm được? Tôi tìm đến các nhà vườn.

 

Tay không trộn thuốc.

Ừ, đơn giản lắm!”, anh Sáu Cần (xã Nhơn Mỹ) nhìn tôi cười bằng... nửa con mắt. Anh Sáu chỉ đám xoài tơ chừng chục cây phía sau nhà mình, nói: “Năm rồi tui bán trái chưa tới năm trăm ngàn đồng. Là tui tự làm lấy chứ dân chuyên nghiệp thì khác!”. “Đám xoài này nếu mua, họ trả anh bao nhiêu?”. “Một triệu!”. “Nếu mua, họ... lỗ rồi!”. Anh Sáu lắc đầu: “Họ có kỹ thuật, có công, có vốn. Cây xoài trong tay như sự sống của họ vậy, ai kém thì chịu lỗ. Mình làm theo kiểu tới đâu hay tới đó của mình, đầu tư ít nên thu nhập thấp. Đa số người bán xoài lá đều cùng lý do tương tự như tui thôi!”. Lại hỏi: “Vậy sao mình không... thuê họ làm?”. “Ui trời, chú này nói lạ, xứ này hổng ai làm chuyện đó đâu!”, anh Sáu Cần lại cười khà khà.

Cũng lạ, nhà vườn ở huyện Kế Sách ít ai chuyên canh một loại cây gì. Cây ăn trái thì trồng xen kẽ lẫn nhau, nhãn, xoài, mận, măng cụt, chôm chôm... đủ cả. Cái tâm lý... phòng xa đây, trái cây này rớt giá thì vớt vát lại ở trái cây khác. Tốn công tốn của chăm sóc nhất vẫn là cây xoài. Nếu không đầu tư thì cây quên... trái, mà nhà vườn, không phải ai cũng sẵn tiền bạc để đầu tư.

Anh Năm Hải, một người làm xoài lá nổi tiếng xứ này khoe: “Mình vừa... đấu giá, mua được đám xoài lá gần 100 gốc với giá 58 triệu đồng. Vườn xoài đó cách chỗ này gần chục cây số. Chú muốn coi làm xoài lá thì chịu khó đi chơi với tui”.

Tôi “tháp tùng” đội quân làm xoài lá của anh Hải. Hóa ra “đồ nghề” của họ cũng đơn giản thôi. Chiếc máy nổ trên 5 sức ngựa gắn dụng cụ bơm chuyên dụng, bồn nhựa, ống dẫn... tất cả cơ động trên những chiếc Honda 67 cũ kỹ vượt mọi nẻo đường.

Anh Hải cho biết: “Bây giờ nhiều người làm nghề này nên đâu có xoài là họ tìm đến, khắp các xã trong huyện đến các huyện lân cận, có người sang tuốt bên kia sông Hậu (Trà Vinh) tìm mua xoài lá. Nghề này cực lắm chú à, nhưng dân làm xoài lá tụi tui cũng như nhà vườn nói chung đều chịu cùng cảnh ngộ là bị thương lái ép giá, không biết được thông tin thị trường, chỉ định hướng... mò thôi!”.

Thời “hoàng kim” của nghề xoài lá đã qua từ năm 2000 trở về trước, lúc ấy mới thực sự “mua một bán mười”. Giờ thì khác rồi, không còn chuyện vừa được mùa vừa được giá như trước nữa. Giá xoài cát Hòa Lộc trước Tết cao nhất cũng chỉ 15.000đ/kg, xoài cát Chu thì tròm trèm 7.000đ/kg. Anh Hải cho biết đám xoài anh vừa mua, khi thu hoạch phải đạt ít nhất là gấp 3 lần vốn đầu tư ban đầu mới có lãi. Anh Hải nói: “Tụi tui đa số xài thuốc ngoại. Mà bây giờ thuốc nội hay ngoại gì cũng tăng vùn vụt nên vốn yếu, khó mà trụ vững. Xài thuốc phải mạnh tay, bởi các loại sâu bệnh sau mỗi đợt phun thuốc hình như lại... dữ dằn hơn!”. Anh giải thích thêm: Hai tháng cuối trước khi thu hoạch phải mướn người trông coi 500.000 đ/tháng. Rồi còn phun thuốc, hái trái nữa, trả công mỗi ngày 70.000đ/người. Vào mỗi vụ xoài, anh Hải luôn mướn 5-7 người.

Anh Hải pha thuốc vào bồn, thoăn thoắt hai bàn tay, nói nhỏ: “Tính trung bình mỗi vụ xoài 4 tháng, chỉ phun và tưới thuốc cho cây thôi cũng phải mất 16 – 20 lần. Ở giai đoạn làm lá chuẩn bị tuyển bông, nếu gặp mưa, tui phải huy động nhân công trèo rung từng nhánh cho sạch lá. Vốn liếng, công sức có bao nhiêu tui đều đầu tư hết cho các vụ xoài. Nói thiệt, từ lúc cây ra bông cho đến khi hái trái, không đêm nào tui ngủ được ngon giấc!”.

*

* *

Anh Hải hướng dẫn tôi đi về phía ngược gió, ra khỏi “vùng phủ sóng” của thuốc phun. Rồi tiếng máy nổ giòn, tiếng người hô tín hiệu thả dây, phun thuốc. Chẳng mấy chốc quanh tán xoài và người điều khiển mịt mờ một vùng mù sương của thuốc phun.

Tôi chợt nhận ra cả anh Hải và những người làm công cho anh, không một ai mang dụng cụ bảo hộ trước các loại hóa chất cả. Đến đây tôi lại nhớ tới lời tâm sự của anh Khánh: Làm cái nghề này, về lâu dài tổn hại nhiều thứ ghê gớm lắm. Môi trường sinh thái và sự phát triển tự nhiên của cây bị ảnh hưởng, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là sức khỏe con người. Nếm được vị ngọt của quả xoài, không đơn giản như người ta tưởng đâu...

Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU