Khai thác tận thu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, đầu tháng 2-2018, ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng ký văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các phường 3, 5, 8, 9, 10 của thành phố vận động người dân không canh tác trên bờ kênh tại các tuyến kênh đi qua địa bàn. Ngày 6-3-2018, ông Nhàn tiếp tục ký văn bản giao chủ tịch UBND các phường nêu trên phối hợp với “đơn vị tư vấn và đơn vị thi công” tổ chức họp dân, thông báo phương án nạo vét kênh và lấy đất bờ kênh. Các tuyến kênh được nạo vét và lấy đất gồm: Kênh phía sau trụ sở Đảng ủy phường 3 và phường 10; kênh Lưu Sên và kênh 77 tại phường 5 và phường 8; kênh 3-2 tại phường 9. Tuy nhiên, “phương án” nạo vét kênh và lấy đất bờ kênh cụ thể như thế nào thì UBND TP Sóc Trăng không quy định rõ.

 Phương tiện cơ giới được huy động để khai thác đất tại các tuyến kênh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng.

Đi dọc tuyến kênh Lưu Sên và kênh 77, chúng tôi ghi nhận nơi đây không khác gì một công trường khai thác đất theo kiểu tận thu. Xe cuốc móc đất, xe tải vận chuyển rầm rập, bờ kênh có chiều rộng từ 4m đến 6m bị khoét sâu, lấy đất bên trong, giống như tuyến kênh mới được đào chạy song song với tuyến kênh cũ. Ông Sơn Minh Hoàng (khóm 5, phường 5) cho biết: "Trước đây, bờ kênh cao hơn mặt ruộng khoảng 1,5m. Bây giờ, họ nạo vét không chỉ lấy đất đến mặt ruộng, mà còn lấy thêm xuống độ sâu khoảng 3m nữa. Lấy đất như vậy mà nói là cải tạo kênh thì khó thuyết phục. Không còn bờ kênh chắc chắn, các phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển, bên cạnh đó, việc bảo đảm nước tưới tiêu cũng bị ảnh hưởng". Ông Lưu Thơm (khóm 1, phường 5) bức xúc: "Chính quyền nói có họp dân thông báo nhưng thực tế chúng tôi không biết. Vào tháng 3-2018, khi phương tiện cơ giới vào khai thác đất làm vỡ đường ống tưới tiêu cho đồng ruộng đặt xuyên qua bờ kênh, nhiều con đập chắn ngang dòng chảy của tuyến kênh xuất hiện để phục vụ xe tải chuyển đất gây ảnh hưởng đến canh tác, nên đầu tháng 6-2018, chúng tôi lên UBND phường yêu cầu giải quyết nhưng đến nay vẫn không ai trả lời hoặc đứng ra chịu trách nhiệm".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Chủ tịch UBND phường 5, xác nhận: "Mọi việc đúng như người dân phản ảnh. UBND phường đã mời đơn vị thi công (Công ty TNHH Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng S.H) đến cam kết khắc phục, bảo đảm không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trách nhiệm chính ở đây thuộc về đơn vị thi công!".

“Chủ trương” cao hơn giấy phép?

Trong khi UBND tỉnh Sóc Trăng đang quyết tâm chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán đất làm vật liệu xây dựng thông thường trái phép, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản và thất thu ngân sách Nhà nước thì việc UBND TP Sóc Trăng lại cho phép một doanh nghiệp ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất như nêu trên khiến người dân hết sức băn khoăn.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Ngân, Chánh văn phòng UBND TP Sóc Trăng, cho rằng: Khai thác đất tại các tuyến kênh trên địa bàn là “chủ trương” của UBND thành phố, phần lớn được sử dụng để san lấp, phục vụ các công trình công cộng, trong đó nhiều nhất là dự án Lâm Viên (được quy hoạch như trung tâm vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái) có vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng, diện tích hơn 20ha do UBND thành phố kêu gọi đầu tư, khai thác.

Một đoạn kênh Lưu Sên bị chắn ngang dòng chảy để phục vụ xe tải chuyển đất.

Tìm hiểu về cơ sở pháp lý của việc khai thác, vận chuyển đất, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo các cơ quan chức năng của TP Sóc Trăng nhưng đều không nhận được sự hợp tác hoặc né tránh trả lời. Ông Tô Ngọc Hiển, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Sóc Trăng cho rằng mình chỉ tham gia tư vấn, lập dự án khai thác ban đầu nên không nhớ rõ số lượng đất khai thác khoảng bao nhiêu, hồ sơ dự án đã được bàn giao cho Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng thành phố... Tương tự, ông Huỳnh Hoài Nam, Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Kinh tế TP Sóc Trăng cho biết chỉ nắm mảng nạo vét kênh thủy lợi, còn vấn đề khai thác, vận chuyển đất thì đã bàn giao về Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng thành phố. Tuy nhiên, tiếp xúc làm việc với phóng viên, ông Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng TP Sóc Trăng (ông Hòa từ chối cung cấp đầy đủ họ tên) cho biết: "Ban Quản lý dự án chưa nhận được bàn giao và chưa được UBND thành phố chỉ đạo về vấn đề này".

Như vậy, một khối lượng lớn đất bờ kênh tại các tuyến kênh trên địa bàn TP Sóc Trăng đã được đào lên và vận chuyển đến nơi khác có đúng quy định của pháp luật, đã được cấp phép hay chưa? Theo quy định hiện nay, thẩm quyền cấp phép khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ là Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa nhận được hồ sơ nào có liên quan từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Vụ việc sẽ được chúng tôi tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG