QĐND - “Chồn Alpha” chính là tàu không số của ta, ký hiệu 198. Người thuyền trưởng đến nay vẫn còn sống và từng phải chịu nhiều nỗi đau day dứt khi không hoàn thành nhiệm vụ, để tàu rơi vào tay địch. Ông đã khóc khi được nghe chúng tôi đọc một đoạn trong tài liệu phía Mỹ viết, giúp sáng tỏ nhiều thông tin về cuộc truy đuổi con tàu. Cuộc tìm kiếm của phóng viên Báo Quân đội nhân dân còn sáng tỏ một sự thực khác về cái gọi là “triển lãm” tàu chiến thu được của quân đội Sài Gòn.

“Chồn Alpha” trong sử sách

Con tàu trong cuộc rượt đuổi là tàu không số nào? Không khó khăn lắm, chúng tôi đã tìm thấy những dòng viết về nó trong cuốn Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005) do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2005, có đoạn: “Trong những tháng đầu năm 1967, mặc dù đế quốc Mỹ ngăn chặn gắt gao, Đoàn 125 vẫn tiếp tục tìm mọi cách vận chuyển cho chiến trường. Năm 1967, Đoàn 125 tổ chức 5 chuyến vào Khu 5, bị địch ngăn chặn, 3 chuyến phải quay về, chỉ có 2 chuyến do tàu 43 và tàu 198 đảm nhiệm vào tới nơi an toàn...”.

“Tàu 198 do thuyền trưởng Vũ Tấn Ích và Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch chỉ huy xuất phát ngày 6 tháng 7 năm 1967. Đêm ngày 14 tháng 7, tàu vào cách bến Ba Làng An (Quảng Ngãi) 6 hải lý thì gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây bắn phá. Cán bộ, thủy thủ tàu 198 nổ súng đánh trả địch và cơ động vào bến Ba Làng An. Ở đây, tàu 198 vẫn bị địch tiến công. Trong trận này, chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp đã anh dũng hy sinh”.

Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích - năm 1967 (ảnh do nhân vật cung cấp) Ông Vũ Tấn Ích hiện nay. Ảnh: Phan Tiến Dũng

Như vậy, trước khi lâm nạn, tàu 198 từng thực hiện một chuyến hàng thành công. Cuốn Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (NXB QĐND-2001) viết về sự kiện này có đoạn: “Tàu 198 đánh trả và cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Song do không tổ chức hủy tàu được nên bị địch lấy nguyên tàu. Anh em lên bờ, đi bộ ra miền Bắc. Trong trận này, chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp hy sinh. Đây là nỗi đau nhức nhối của Đoàn 125 trên con đường vận chuyển vũ khí vào Nam. Sau này, Đảng ủy đoàn và cán bộ tàu 198 đã kiểm điểm sâu sắc sự việc này”.

Nỗi đau 45 năm

Như vậy, câu chuyện diễn biến cuộc rượt đuổi, bắt sống “Chồn Alpha” trùng khớp với diễn biến về tàu 198 đã được ghi trong sử sách. Việc tàu 198 bị bắt đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng những người lính Lữ đoàn 125, cho dù hơn 40 năm đã trôi qua. Trên internet hiện có hẳn một diễn đàn mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, tập hợp nhiều cựu chiến binh tàu không số và con cháu họ cũng như những người quan tâm, bàn luận sôi nổi suốt nhiều năm qua. Mới đây, khi truy cập vào diễn đàn, chúng tôi đã ghi lại được khá nhiều ý kiến về việc này. Ông Trần Hậu Vệ, một cựu chiến binh tàu không số viết: “Sau chuyến tàu đó như tôi biết, đồng chí Ích bị kỷ luật khiển trách nội bộ bởi lúc đó có thể nói là rất hiếm cán bộ thuyền được chọn lựa về đoàn tàu không số. Lỗi lầm hết sức lớn bởi từ vụ của đồng chí Ích trở đi, đoàn tàu không số phải chịu nhiều tổn thất, mất mát lớn, mà tiêu biểu là những chuyến đi của các tàu trong Tết Mậu Thân 1968. Ba con tàu ra đi trong dịp đó, chỉ có tàu 56 của chúng tôi thoát hiểm được”. “Thật lòng, không sợ mất lòng mà nói thì bác Ích rất có công, nhưng cũng có “tội”. Con tàu không đánh bộc phá dứt điểm ở bến Ba Làng nên địch đã lấy toàn bộ vũ khí tàu 198 về Sài Gòn khoe mẽ với dân chúng... Nhưng cái gì đã qua thì nó đã xa, nhắc lại chỉ thêm đau lòng đồng đội" -Trần Hậu Vệ.

Theo thông tin từ phía quân đội Sài Gòn khi đó, sau “chiến thắng trên sông Sa Kỳ”, “Chồn Alpha” – tức tàu không số 198 đã bị họ kéo về Sài Gòn triển lãm, trưng bày toàn bộ số vũ khí thu được để khuếch trương thành công của chiến dịch Market Time. Gần đây, ông Đỗ Thái Bình, một cựu kỹ sư tàu biển đang sống ở nước ngoài đã thu thập được nhiều hình ảnh về cuộc trưng bày và đưa lên blog cá nhân. Theo đó, cuộc “triển lãm” đã diễn ra rất “hoành tráng”. Con tàu được kéo về Sài Gòn, trưng bày tại bến Bạch Đằng cận kề một cầu cảng với tấp nập người đến xem. Nhìn nó có vẻ thật nhỏ bé và “tội nghiệp” với dáng vẻ cũ kỹ, han gỉ, mốc thếch bên cạnh một dàn chiến hạm đồ sộ mà đối phương cố tình cho đỗ ngay phía trước như để tạo ra một sự tương phản, gây cảm xúc mạnh mẽ cho người xem triển lãm. Cùng với đó là hình ảnh hàng nghìn khẩu súng được thu lượm, xếp hàng dài đặt trên bờ.

Tình dân, tình đồng đội

Sự thật có đúng như vậy không?

Ông Lương Hữu Lâm, Ban Liên lạc Cựu chiến binh đoàn tàu không số toàn quốc, sau khi nghiên cứu đã khẳng định với chúng tôi: Hoàn toàn không có chuyện tàu 198 – "Chồn Alpha" được kéo về Sài Gòn triển lãm. Đó chỉ là trò lừa bịp của quân đội Sài Gòn trước dân chúng và binh lính. Trên thực tế, sau khi địch lấy vũ khí mang đi, con tàu neo ở Đà Nẵng bị bỏ chỏng chơ, đã nhanh chóng bị đặc công ta tiếp cận, dùng thuốc nổ hủy bỏ, phi tang. Con tàu mà địch triển lãm ở bến Bạch Đằng, có thể chỉ là một con tàu “ma” giả mạo.

Cuộc triển lãm với tàu 198 bị cho là giả mạo được thực hiện ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn tháng 9-1967. Ảnh tư liệu

Còn thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cùng những người thoát hiểm sau khi con tàu bị địch bắt, gần 45 năm đã trôi qua, nay họ ở đâu?

Sau khi tìm hiểu thông tin tại Lữ đoàn 125, chúng tôi đã liên lạc được với ông Vũ Tấn Ích. Người thuyền trưởng của “Chồn Alpha” năm nào, nay đã bước sang tuổi 81 nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Hiện ông đang sống trong một ngôi nhà nhỏ tại phố Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng. Khi tôi đặt vấn đề hỏi về tàu 198, có lẽ đã chạm đến một nỗi đau lặn sâu trong vùng ký ức, ông lặng đi hồi lâu rồi cất tiếng:

- Chuyện xảy ra lâu lắm rồi! Nhắc lại làm gì?

Sau hồi lâu tâm tình, khơi gợi và kể lại những gì chúng tôi mới dịch được từ bài viết về “Chồn Alpha” của Mỹ, ông mới mở lòng, trò chuyện cùng tôi. 45 năm trôi qua rồi, đây là lần đầu tiên ông được nghe tường thuật chi tiết về trận rượt đuổi con tàu do mình làm thuyền trưởng từ phía đối phương. Ông cũng ngạc nhiên vô cùng khi đối phương đặt tên cho con tàu thật ngộ nghĩnh “Chồn Alpha”. Nghe tôi thuật lại, ông thừa nhận những gì đối phương miêu tả tương đối chân thực và sát với diễn biến của cuộc rượt đuổi. Ông nói:

- Đó là một chuyến đi đầy cam go, khi biết địch vây ép, tôi bình tĩnh yêu cầu anh em không manh động. Vào tới gần Lý Sơn, thấy ánh đèn tàu, tôi quyết định cho bật đèn hành trình để đi, đồng thời ngầm báo với địch: mình là tàu cá, làm ăn “chân phương”. Đến khi chúng không ép nữa, bỏ đi rồi chúng tôi mới táo bạo lao vào bờ thì... Chi tiết họ viết rằng tìm thấy một xác thủy thủ trên tàu là đúng. Đó là thi thể anh Trạch, chính trị viên. Khi tàu đã mắc cạn và chiến đấu với địch hàng giờ, bị địch bao vây, chúng tôi đã quyết định rút khỏi tàu và cử Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp ở lại hủy tàu. Tuy nhiên, không hiểu sao hai anh đã không thể kích nổ được bộc phá theo kế hoạch. Anh Nghiệp sau khi rời tàu, bơi được vào bờ nhưng bị thương nặng đến hôm sau thì hy sinh. Còn anh Trạch, có lẽ đã hy sinh vì trúng đạn khi còn ở ngay trên tàu.

- Nghe nói sau vụ bị đối phương thu tàu ấy, bác và toàn bộ thành viên tàu 198 đã phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc? – Tôi hỏi.

- Lúc đó chi bộ họp kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thất bại cay đắng. Chúng tôi đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Riêng tôi là thuyền trưởng, nói gì thì nói, nguyên nhân gì thì nguyên nhân nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm trước hết thuộc về người chỉ huy. Tôi đã nhận trách nhiệm thuộc về mình. Cấp trên chỉ đạo phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, tuy nhiên cũng không thi hành hình thức kỷ luật gì cụ thể. Không có hình thức kỷ luật nào, nhưng thất bại ấy luôn là nỗi đau đè nặng suốt cuộc đời tôi như một ám ảnh. Đau vì thất bại, mất tàu là một chuyện, nỗi đau lớn hơn chính là sự hy sinh của đồng đội, mình trở về, còn anh em mãi mãi nằm lại” – ông tâm sự.

Dù là một con cá kình trong đội tàu không số, từng thực hiện 9 chuyến đi biển, trong đó có 6 chuyến thành công nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông đúng là “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, đến lần thứ chín thì xảy ra sự cố với tàu 198. Không bị kỷ luật nhưng ở một khía cạnh nào đó, ông Ích đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Ông không được làm thuyền trưởng, không được đi biển nữa mà được điều về bộ phận tác chiến của Lữ đoàn. Năm 1970, ông được điều chuyển về đơn vị đặc công nước rồi lại về làm Tiểu đoàn trưởng đơn vị tàu rà phá ngư lôi. Năm 1975, ông vào chiến trường Liên khu 5, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng và công tác tại Quân khu 5, tới năm 1982 thì nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Tuổi xế chiều, người vợ lại ra đi quá sớm, ông phải vật lộn với cuộc sống, lo cho con, cho cháu.

Chiến tranh thật khắc nghiệt, để lại bao thân phận đắng cay. Nhưng điều còn mãi là tình người. Cách đây hai năm, chị Loan, vợ anh Nghiệp ở Tứ Kỳ, Hải Dương – người vẫn ở vậy thờ chồng mấy chục năm qua cùng em trai anh đã tìm gặp ông rồi cùng ông trở lại Quảng Ngãi tìm hài cốt anh Nghiệp. Thật cảm động, bác Nguyễn Tương, nguyên Chủ tịch xã từ năm 1967 đã mang thi hài anh về chôn trên rẫy cạnh nhà mình. Lúc chiến tranh vội vàng, gấp gáp, bác cũng không kịp hỏi tên, chỉ biết người lính hy sinh là thuyền phó nên nhà bác có tám anh em, bác gọi anh Nghiệp là... “chú Chín”, thờ phụng, cúng giỗ như ruột rà. Rồi bác cùng anh em lại lo đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ xã, đề mộ vô danh...

Trước cuộc gặp gỡ ấy, bác Tương bất ngờ nằm mơ thấy anh Nghiệp về, đòi bác làm cơm để chia tay. Lúc đưa chị Loan ra nghĩa trang, dù không nói trước anh nằm mộ nào, tự dưng chị đi thẳng tới ngôi mộ vô danh số sáu, đúng mộ anh nằm, ôm lấy mộ kêu tên anh, khóc thảm thiết.. .Có lẽ, đạn bom, thời gian, nỗi đau cách trở dường như không ngăn được sợi dây tình cảm thiêng liêng, kỳ diệu...

Nguyên Minh