QĐND - Mỗi lần trở lại vùng than, trong tôi thường đầy ắp kỷ niệm về những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Các kỷ niệm ấy gắn với đồng đội tôi, những người lính do yêu cầu nhiệm vụ mới đã tiến sâu vào lòng đất, tìm kiếm nguồn vàng đen cho Tổ quốc.
“Đội 3 Khe Chuối”, ngày ấy - bây giờ…
Còn nhớ năm 1994 , khi Công ty Đông Bắc được thành lập, là thành viên của Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), với chức năng kết hợp kinh tế với quốc phòng, đưa hoạt động khai thác than của các đơn vị quân đội đi vào nền nếp, tôi đã có dịp tới thăm một trong đội khai thác đầu tiên nằm ở địa danh mà nghe tên đã thấy heo hút: Khe Chuối. Được giao quản lý, khai thác hầm lò, cơ ngơi của đội ban đầu còn đơn sơ, với dăm chục cán bộ, công nhân viên, công nghệ khai thác còn thô sơ, lạc hậu, nơi ăn ở còn tuềnh toàng. Mùa hè năm 1996, Đội 3 Khe Chuối được “nâng cấp” thành Xí nghiệp Khai thác khoáng sản theo Quyết định số 509/QĐ-BQP ngày 18-4-1996 của Bộ Quốc phòng, chúng tôi cũng có dịp ghé thăm. Giám đốc đầu tiên của xí nghiệp khi ấy là đồng chí Phạm Ngọc Tuyển, một cán bộ trẻ đầy năng lực và nhiệt huyết, ngày đêm lăn lộn, bám nắm công trường, điều hành sản xuất...
 |
Để khai thác các mỏ than lộ thiên hiện nay, phải xẻ núi bạt đồi, xử lý đất đá sâu hàng trăm mét.
|
Thấm thoắt 15 năm đã trôi qua, giờ đây trở lại, tôi không khỏi ngạc nhiên, xúc động xen lẫn cảm phục khi Đội 3 Khe Chuối nhỏ bé năm nào nay đã trở thành Công ty TNHH một thành viên Khai thác khoáng sản thuộc Tổng công ty Đông Bắc, một trong những đơn vị mạnh trong đội hình tổng công ty. Người Giám đốc xí nghiệp đầu tiên nay cũng đã mang quân hàm cấp tướng và trở thành người chỉ huy cao nhất của Tổng công ty Đông Bắc.
Từ những con số mà Đại tá Phạm Gia Cửu, Giám đốc Công ty, người đã gắn bó với đơn vị từ những ngày đầu cho biết, chúng tôi hiểu, 15 năm với một đời người chưa phải là dài nhưng với một đơn vị quân đội chủ lực sang sản xuất kinh doanh than thì là cả một chặng đường đầy khó khăn, vất vả. Song với quyết tâm của người lính làm theo lời Bác dạy: Sản xuất than cũng như đánh giặc, cùng với sự đoàn kết của tập thể Đảng ủy, chỉ huy đơn vị, họ đã vượt khó đi lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu như năm 1996, doanh thu của đơn vị đạt 30,6 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã là hơn 609 tỷ đồng, gấp 19,9 lần. Sản xuất than năm 1996 đạt hơn 60.000 tấn thì năm 2010 đạt hơn 538 nghìn tấn, gấp gần 9 lần. Nếu chỉ tính riêng 5 năm gần đây thì doanh thu tăng hơn 369%, thu nhập bình quân năm 2010 đạt hơn 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 210% so với năm 2006. Công ty đã lọt vào “tốp đầu” của tổng công ty, 15 năm liền là Đơn vị Quyết thắng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Bộ Quốc phòng tặng cờ cùng nhiều phần thưởng của Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, năm 2007, đơn vị vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Nghề than đâu phải cứ… xúc lên là ra tiền. Đồng chí Bí thư Đảng ủy công ty Phạm Công đưa chúng tôi đến "thực mục sở thị" chuyện khai thác ở mỏ Khe Hùm - Bù Lù, thành phố Hạ Long. Mỏ mới được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc giao cho công ty quản lý, khai thác. Nơi đây, khai trường khai thác có nhiều khó khăn, chất lượng than xấu, hệ số bóc đất cao. Dọc đường vào mỏ, tôi ngạc nhiên thấy nhiều chiếc ô tô hiện đại, loại xe tải 55 tấn chạy rầm rập, trên xe không chở… than mà chở đầy đất, đá. Trên công trường, nhiều máy xúc thủy lực gầu ngược, dung tích gầu 6,7m3, làm việc suốt 3 ca. Anh Trần Hữu Nam, Quản đốc công trường cho hay: “Gọi là khai thác lộ thiên, nhưng phải bóc xúc đất đá chiều sâu từ 100 đến 150m mới đến than”. Rồi anh xòe tay tính: 5 năm trước, để khai thác được 500.000 tấn than, phải bốc xúc hơn 4,5 triệu mét khối đất đá. Còn bây giờ phải bốc xúc 9,5 triệu mét khối đất đá.
Rời mỏ Khe Hùm - Bù Lù, chúng tôi đến mỏ Đông Đá Mài khi cơn mưa đã biến con đường vào mỏ lầy lội, phải ngồi trên chiếc xe tải 55 tấn mới vào được tới nơi. Anh Trương Đức Phan, Quản đốc công trường cũng về đơn vị từ những ngày đầu thành lập còn nhiều khó khăn, thiết bị, xe máy còn hạn chế. Anh cho biết, trong 5 năm gần đây, công ty đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, xe, máy hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sản xuất. Chỉ có thực lực mạnh mới có năng suất lao động tốt.
Hướng đi mới
Về Quảng Ninh lần này, tôi đã ra mũi Sa Vĩ ở bãi biển tuyệt đẹp Trà Cổ, Móng Cái, mảnh đất thiêng liêng địa đầu Tổ quốc đã đi vào câu thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mau rừng đước…”. Thật thú vị, đây cũng là nơi Công ty Khai thác Khoáng sản đang chuẩn bị xây dựng Dự án điểm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp tại phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Dự án do tổng công ty làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Trong giai đoạn 1 triển khai dự án, sẽ có khách sạn 4 sao, khu nhà văn hóa ẩm thực, khu dịch vụ thể thao, bể bơi, bãi tắm, hứa hẹn tạo nên một điểm nhấn hấp dẫn du lịch, làm thay đổi diện mạo mũi đất ở cực Bắc Tổ quốc. Trước đó ít lâu, công ty cũng vinh dự được Tổng công ty Đông Bắc tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức, triển khai và thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị, công trình công cộng, du lịch thương mại, công viên cây xanh và hồ cảnh quan nằm trên địa bàn các phường Cẩm Trung, Cẩm Thủy, Cẩm Thành và Cẩm Bình - thị xã Cẩm Phả. Những dự án đó nằm trong định hướng phát triển mới của Tổng công ty Đông Bắc nói chung, Công ty Khai thác Khoáng sản nói riêng. Trong tương lai gần, các mỏ than sẽ dần dần hết trữ lượng. Đó là một thách thức lớn đặt lên vai những người lãnh đạo, chỉ huy của Công ty Khai thác Khoáng sản. Làm gì, chọn hướng đi nào để cán bộ, công nhân tiếp tục có việc làm, doanh nghiệp vẫn phát triển bền vững? Hướng kinh doanh đa ngành, mở đường vào những lĩnh vực ngoài than đã được lãnh đạo tổng công ty và công ty lựa chọn như một “mũi nhọn thứ ba” nhiều năm nay. Họ tìm đường, mở lối, dành nhiều công sức tìm hướng kinh doanh mới.
Chia tay vùng than, chia tay những người lính ở Đội 3 Khe Chuối năm nào, đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc, sự khâm phục về chặng đường các anh đã đi qua. Đó thực sự là khúc quân hành trên đá núi, xẻ núi bạt đồi đi tìm nguồn vàng đen cho Tổ quốc và tìm hướng phát triển bền vững cho đơn vị trong bối cảnh thương trường đầy cạnh tranh, thách thức…
Bài và ảnh: Hoàng Ngân