 |
Giáo sư Phong Lê |
Giáo sư Phong Lê, tên thật là Lê Phong Sừ, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Phong Lê đã viết và chủ biên hơn 30 công trình lý luận và nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Trao đổi với PV báo Quân đội nhân dân cuối tuần, ông nói: “Tôi cảm thấy lý luận phê bình của chúng ta đang đi dần vào quỹ đạo của nó...”.
Hai niềm hạnh phúc
PV: Thưa giáo sư, ngọn gió nào đưa ông đến với nghề lý luận-phê bình, một nghề vừa vất vả, cực nhọc vừa có thể không được các bạn văn yêu thích, nhất là ở thời đại ông đã từng sống?
Giáo sư Phong Lê: Nói thật với anh, từ bé tôi đã có tập tành viết truyện, làm thơ. Nhưng năm 1960, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp khóa đầu tiên, tôi về Viện Văn học và ngay trong tiếp xúc đầu tiên với bầu không khí ở đây, tôi đã xác định mình sẽ phấn đấu theo con đường của Đặng Thai Mai và Hoài Thanh, hai người thầy đáng kính của tôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng. Bởi nếu viết văn, làm thơ, tôi chỉ là một người viết bình thường mà thôi. Nghề này xem ra phù hợp với khả năng và hứng thú của mình hơn.
- Có vẻ như những người thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc và tư duy của ông?
- Tôi có hai niềm hạnh phúc gối liền nhau. Đó là hồi học đại học thì được học với những thầy giỏi, những tên tuổi tôi hằng được nghe và ngưỡng mộ như: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường... Ra trường, về Viện Văn học lại tiếp tục là học trò, và cùng công tác với những tên tuổi rất sáng giá, ngoài Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, còn là Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Trần Thanh Mại, Nam Trân và những người thuộc lớp sau như Vũ Đức Phúc, Nam Mộc, Cao Huy Đỉnh... Đó thực sự là những người thầy cho suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình.
- Đó là về những người thầy, còn thế hệ nghiên cứu phê bình văn học hồi đó có gì khác với thời nay?
- Thế hệ của chúng tôi vào nghề đều trải qua chống Pháp rồi chống Mỹ, tổng kết lại là 30 năm trong chiến tranh và trong xây dựng CNXH. Một CNXH còn mang tính bình quân của thời chiến, sống hoàn toàn nhờ vào sự bao cấp của Nhà nước. Do vậy mà ngoài nghề nghiệp ra thì không bị chi phối bởi bất cứ mục tiêu nào khác. Vì vậy, chúng tôi gắn bó sâu sắc với nghề nghiệp.
Còn giờ đây, lớp trẻ ngoài nghề ra còn có nhiều ham muốn khác, nhiều lúc lớn hơn cả ham muốn nghề nghiệp, chẳng hạn kiếm tiền mua xe, xây nhà... Tất nhiên, muốn sống sung túc buộc phải vậy, vì nghề này may ra thì đủ sống chứ không thể làm giàu được.
- Giáo sư là nhà lý luận phê bình văn học hiện đại lâu năm và có uy tín, vậy xin hỏi thật rằng, ông có yêu văn học Việt Nam không? Có thích đọc văn học Việt Nam hiện đại hơn văn học nước ngoài không?
- Nếu không yêu dân tộc mình, không yêu văn học nước mình thì tôi không làm nghề này. Chính vì tình yêu đó mà tôi gắn bó với văn chương. Mỗi nền văn học đáp ứng vấn đề của dân tộc mình. Với tôi, nền văn học Việt Nam, đằng sau nó, là chân dung, là số phận của dân tộc; là những nỗ lực phấn đấu sao cho tương xứng với thời đại và dân tộc mình. Tôi yêu văn học dân tộc mà không cần so sánh nó là lớn hay bé so với các nền văn học khác. Cố nhiên, việc đọc văn học nước ngoài là việc bất cứ người nghiên cứu văn học nào cũng phải làm; và việc so sánh là động tác cần cho sự nghiên cứu, để nhận ra đặc trưng và bản sắc của dân tộc mình.
Phê bình khó tránh va chạm
PV: Trong phê bình văn học, giáo sư thấy khó nhất là vấn đề gì? Có bao giờ giáo sư sợ mất lòng các bạn văn khi phê bình họ không?
Giáo sư Phong Lê: Phê bình, gồm cả phê và bình, là công việc khó tránh va chạm. Hoài Thanh đã từng nói, ông suốt đời đi khen người khác, chỉ bình những áng văn hay thôi, mà còn khối chuyện phiền. Vì khen người này có nghĩa là không khen người khác. Đấy, ngay cả khen thôi cũng đã đụng chạm rồi! Hoài Thanh cả đời nói năng nhỏ nhẹ, có gu thẩm mỹ rất tinh, thế mà đời cũng nhiều u uẩn lắm. Cho nên, đừng nghĩ phê bình chỉ có khen thôi là yên chuyện. Còn chê, rồi nhân danh cái gì đó để “đánh đấm” người ta thì càng không ổn.
Khen chê là khó vậy. Nhưng với tôi, cái khó đó có thể vượt qua, nếu có sự công tâm, vượt ra ngoài quan hệ cá nhân. Nghĩ thế nên tôi viết rất tự do. Quan niệm của tôi là phải nói được cái hay, cái đẹp, cái sáng tạo của người khác, và tôi xem đó là công việc của mình. Còn chạm vào nỗi đau, làm thương tổn người khác thì tôi không muốn. Tôi không đánh đấm ai cả. Tôi chỉ viết những gì mình thích thú.
Người ta nói: Sáng tác và phê bình thường kỵ nhau. Tôi không thấy thế. Tôi cũng có những tình bạn thân thiết với nhiều người trong giới sáng tác. Chúng tôi hiểu nhau, tôn trọng nhau. Ở đây có cái tri âm của người sáng tác và nhà phê bình.
- Như Bá Nha và Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc?
- Được vậy thì quá khó! Nhưng để có được sự tri âm thì người sáng tác phải có bản sắc và người phê bình phải hiểu được điều đó, thậm chí đem lại những phát hiện mới khiến người viết cũng bất ngờ.
- Đã hơn 45 năm trong nghề, giáo sư có thấy quan niệm phê bình giờ đây đã khác trước?
- Quan niệm phê bình là cả một câu chuyện dài và theo tôi, lịch sử phê bình ở ta đã trải qua ba thời kỳ: Trước năm 1945, từ 1945 đến trước 1986, và từ đổi mới đến nay.
Một thời gian dài, phê bình là một vũ khí, là phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Có thời, đánh giá văn chương có những tiêu chí lớn hơn tiêu chí nghệ thuật, đánh giá con người nhà văn quan trọng hơn tác phẩm. Còn bây giờ đã khác. Trước mắt, chỉ có tác phẩm hay hoặc dở. Tiêu chí phê bình không còn bị gò vào như một thứ vũ khí. Nó không bị ép sát vào đạo đức và chính trị. Tôi cảm thấy giờ đây lý luận phê bình đã đi vào quỹ đạo đích thực của nó.
- Vậy thì có bao giờ giáo sư ân hận hoặc “sám hối” trước những quan niệm phê bình xưa mà mình cổ súy nhiệt thành?
- Trước đây, có giai đoạn phê bình chỉ đứng trước một yêu cầu bao trùm là phục vụ chính trị. Chính trị ở thời điểm đó gắn liền với sinh mạng của cả một dân tộc: mất nước hay là giữ được nước. Mỗi nhà văn hay nhà phê bình đều phải có ý thức về điều đó. Anh không thể “nghệ thuật vị nghệ thuật” để trốn vào câu chữ, văn chương được. Đó là yêu cầu của lịch sử!
Nhưng mà sau đó, khi đất nước đã hòa bình thống nhất rồi mà cứ kéo dài quan niệm đó là không ổn. Đất nước đã chuyển sang một giai đoạn mới nên cần có quan niệm phê bình mới. Điều đó là tự nhiên vì nó là quy luật của sự phát triển, chứ không phải đổi mới là sự phủ nhận hoàn toàn những gì đã có trước đây, phủ nhận mà không hiểu cơ sở đích thực của nó, không hiểu yêu cầu và tâm thế của thời cuộc. Cứ khư khư bám giữ quan niệm cũ hoặc phủ nhận sạch trơn quá khứ đều là cực đoan và không khoa học.
Tôi chưa bao giờ ân hận về những gì đã làm, mà cố gắng có sự điều chỉnh trong quan niệm. Từ 1988, sau Đại hội Đổi mới của Đảng, trên cương vị Viện trưởng Viện Văn học, tôi và các đồng nghiệp đã có một cuộc tổng kiểm kê lại lịch sử, nhận thức lại quá khứ. Chúng tôi đã tổ chức hơn 20 cuộc hội thảo lớn để đánh giá lại Hải Triều, Hoài Thanh, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm... để có những thay đổi trong quan điểm nhìn nhận lịch sử. Nhất là đối với Vũ Trọng Phụng, Tản Đà và một số tác giả trong Tự lực văn đoàn… Những cái trước kia chúng ta phê phán hơi thiển cận bây giờ phải được giải tỏa, và như vậy di sản bỗng trở nên phong phú thêm.
Nếu nhìn lại quá trình nghiên cứu phê bình của chúng ta từ 1945 đến nay thì đã có một bước ngoặt ở thời kỳ đổi mới. Đó là một quỹ đạo khác trước, nhưng không phải là sự phủ định vô lối, mà là chuyển hướng theo yêu cầu của thời đại mới đặt ra để đi vào quỹ đạo của chính nó.
Ba mùa gặt đã đi qua
PV: Với một quỹ đạo khác, phải chăng chúng ta đã tạo nên một cuộc “bùng nổ” rất ấn tượng trong văn chương sau thời kỳ đổi mới?
GS Phong Lê: Bùng nổ trong văn chương thời Đổi mới, tính cho thật sát thì chỉ xuất hiện từ đầu những năm 1980 cho đến năm 1995, với vấn đề mới đặt ra trong quan hệ Văn học và Hiện thực, Văn nghệ và Chính trị; và sự xuất hiện những tác phẩm hay. Nhưng bây giờ lại “đuối” rồi...
- Có nghĩa là giáo sư hoàn toàn không hài lòng, thậm chí không hy vọng vào một nền văn học Việt Nam hiện nay sẽ có bước đột phá?
- Toàn cầu hóa ập đến làm chuyển đổi toàn bộ đời sống xã hội và đời sống đó đang đi trước văn học một bước khá xa. Hội Nhà văn Việt Nam có gần 1.000 hội viên thì số lớn đều trên 50 tuổi, hơn 200 người trên 70 tuổi. Vốn sống và kinh nghiệm của họ rất đáng quý, nhưng quán tính của tư duy nghề nghiệp không cho họ có những bứt phá.
Để bắt kịp thời đại cần một thế hệ trẻ. Nhưng đội ngũ đó hiện nay còn chưa có.
Văn học Việt Nam hiện đại đã đi qua 3 mùa gặt lớn: Mùa gặt 1930-1945 với ba trào lưu văn học, và với rất nhiều phong cách khác nhau. Mùa gặt 1960-1975 trong cao trào chống Mỹ cứu nước với đội ngũ hùng hậu gồm nhiều thế hệ; và mỗi thế hệ đều có những giá trị riêng. Mùa gặt tiền Đổi mới với một số tên tuổi rất ấn tượng. Còn mùa gặt đầu thế kỷ 21? Chưa có! Mới xuất hiện một số tác giả để làm cồn lên dòng chảy đã có, còn làm nên một dòng chảy mới thì chưa có.
Có lần, tôi đã nói một cách bi quan rằng, sự xuất hiện của một thế hệ mới như thế còn đang nằm ở vườn trẻ!
- Cả sáng tác và phê bình?
- Cả sáng tác và phê bình! Sáng tác của thế hệ nào sẽ có phê bình của thế hệ đó. Họ là những người bạn đồng hành, là người cùng thời với nhau. Như Hoài Thanh với cả một thế hệ các nhà Thơ mới trước 1945; Vũ Đức Phúc, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh trong đồng hành với một số thế hệ viết sau 1945.
- Còn bây giờ?
- Một thế hệ mới trong tương ứng với cái thời của họ vẫn còn mờ nhạt lắm.
- Một số nhà phê bình ca ngợi và cổ súy cho những cây viết trẻ có những tác phẩm gây sốc dư luận như Đỗ Hoàng Diệu...
- Tự do sáng tác gắn với tự do phê bình nên xuất hiện nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau và những cách khen-chê khác nhau. Đó là điều bình thường. Không sao cả!
- Còn ý kiến của giáo sư?
- Tôi cho rằng, cần phải trẻ hóa đội ngũ để có tư duy trẻ, cảm xúc trẻ. Họ có thể mặc sức tìm tòi. Nhưng dù có đi xa đến đâu, cũng nên có một giới hạn. Đó là những giá trị tiềm ẩn bên trong truyền thống dân tộc, là văn hóa tâm linh của người Việt, để cho dù có hội nhập quốc tế thì nó vẫn mang bản sắc Việt Nam mà không bị đồng hóa, như cả một thế hệ nhà văn 1930-1945 đã thực hiện được. Cho nên, viết sex cũng được, dục tính cũng được, nhưng nếu đưa những cái bóng của tổ tiên đè... con (cháu) dâu trên phản gian thờ thì tôi không đọc được!
- Vừa rồi, Viện Văn học có hội thảo về văn học Hậu hiện đại. Theo giáo sư, có hay không chủ nghĩa Hậu hiện đại?
- Hiện đại và Hậu hiện đại là sản phẩm của sự phát triển văn minh phương Tây trên hành trình lịch sử nhiều thế kỷ. Giờ đây, chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến một trình độ rất cao trong tương ứng với thời của cách mạng Công nghiệp và Hậu Công nghiệp. Con người trong đời sống đó vừa khẳng định cái tôi, vừa sợ đánh mất cái tôi. Đó là cơ sở cho sự xuất hiện chủ nghĩa Hiện đại và Hậu hiện đại trong văn học.
Còn con người Việt Nam thì khác, và đời sống cũng khác. Số đông chúng ta vẫn là nông dân và từ chiến tranh mà ra; còn chưa qua cách mạng Công nghiệp. Cuộc sống chưa thoát khỏi đói nghèo, còn bao nhiêu nỗi lo toan. Thoát ra khỏi cái nghèo, giảm bớt sự ngăn cách giàu-nghèo, có lẽ nỗi lo ấy còn lớn hơn so với nỗi lo thoát ra khỏi cái cô đơn cho một bộ phận cư dân nào đấy. Tôi nghĩ thế! Mặt khác, người Việt sống gắn bó với gia đình, quê hương, tổ tiên và cội nguồn nên mặc cảm thân phận và nỗi cô đơn ở họ, nếu có, chắc cũng khác.
Chúng ta chưa có đời sống như phương Tây nên chưa thể có nhiều đất đai cho sự gieo cấy chủ nghĩa Hiện đại và Hậu hiện đại. Nhưng dấu ấn của nó thì đã có, bởi vào cuối thế kỷ XX văn học ta đã mở rộng hơn sự giao lưu với phương Tây. Có trong tác phẩm của nhà văn trẻ-kể từ thế hệ 6X trở đi, nhất là một số nhà văn Việt kiều. Bởi vì, sống trong môi trường phương Tây, họ được bao bọc trong bầu khí quyển văn học phương Tây. Đó là điều bình thường. Nhưng thực tiễn Việt Nam, và tâm lý tiếp nhận của số đông công chúng Việt Nam, thì khác. Vì vậy học tập cách thức, thủ pháp, kỹ thuật thì được, nhưng xem nó như là cái đích đến của văn học Việt Nam hiện đại thì không thể. Bởi bạn đọc đông đảo chưa được chuẩn bị để đọc nó.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Hồng Sơn (thực hiện)