Tình trạng KNTC sai sự thật chiếm tỷ lệ cao không chỉ gây bất ổn về an ninh, chính trị, kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn gây lãng phí thời gian, công sức và chi phí xác minh giải quyết vụ việc của chính quyền các cấp và ngành chức năng. Tại một số địa phương, cơ quan chức năng vẫn khá lúng túng trong giải quyết đơn, thư KNTC sai sự thật khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng KNTC sai sự thật thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế; mặt khác, do một số cá nhân cố tình vu khống, kích động với mục đích không tốt.
 |
Phóng viên đi cơ sở tìm hiểu, xác minh nội dung đơn thư của ông Phạm Công Thành, phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) về vấn đề đất đai. Ảnh: Đức Tuấn. |
Tại tỉnh Nghệ An, trong năm 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải quyết 213/223 vụ việc khiếu nại. Trong đó, số vụ việc khiếu nại sai là 133 vụ, chiếm tỷ lệ 62,4%. Về giải quyết tố cáo, năm 2018 tỉnh đã giải quyết được 132/137 vụ việc, trong đó 81 vụ tố cáo sai sự thật, chiếm tỷ lệ 61,4%. Để hạn chế đơn, thư KNTC sai sự thật, theo ông Lê Anh Sơn, Phó chánh Thanh tra tỉnh Nghệ An: Cần phải đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về KNTC. Các ngành, các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật; giải thích, hướng dẫn theo quy định những trường hợp công dân cố tình KNTC kéo dài không có căn cứ nhằm hạn chế đơn, thư KNTC vượt cấp và giảm tình trạng KNTC sai. Bên cạnh đó, có giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC; tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC ở các cấp, các ngành.
Liên quan đến vấn đề này, từ thực tế của địa phương, ông Đặng Vũ Sơn, Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: "Đa số đơn, thư KNTC sai liên quan đến vấn đề đất đai. Bởi thế, tại những địa phương phức tạp, trình độ dân trí thấp thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích đến từng gia đình để người dân hiểu. Khi người dân hiểu rõ trường hợp của mình đã được đền bù, hỗ trợ đúng pháp luật thì sẽ hạn chế được đơn, thư KNTC sai sự thật".
Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân câu chuyện về bà Giang Thị Huế ở xã Tân Triều (Thanh Trì). Bà Huế tự ý hàn cổng sắt, bịt lối đi không cho gia đình hàng xóm sử dụng lối đi chung của các hộ gia đình tại ngõ 53, ngách 25/7, xóm Án, xã Tân Triều. Sau khi UBND xã Tân Triều tổ chức tháo dỡ cổng sắt, bà Huế gửi đơn tới các cơ quan chức năng tố cáo lãnh đạo UBND xã có hành vi tự tháo dỡ tài sản của gia đình mình. Sau khi nhận được đơn tố cáo của bà Huế, UBND huyện Thanh Trì cử cán bộ xuống cơ sở tìm hiểu, xác minh nội dung tố cáo của công dân. Căn cứ vào kết quả xác minh, tổ kiểm tra đã tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật để bà Huế hiểu việc tự ý dựng cổng sắt bịt lối đi của gia đình người khác là vi phạm pháp luật. Khi hiểu rõ sai lầm của mình, bà Huế làm đơn xin rút lại toàn bộ nội dung đơn đã gửi trước đó.
Từ kinh nghiệm những vụ việc được giải quyết trong thực tiễn, theo ông Nguyễn Tiến Cường: Để hạn chế tình trạng đơn, thư KNTC sai sự thật, lãnh đạo, chính quyền các địa phương phải quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường quan tâm và thật sự gần gũi với người dân; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Cùng với đó, từ cấp huyện cần cử cán bộ phụ trách các xã để nắm bắt tâm tư, kiến nghị của người dân. Định kỳ hằng tháng, người đứng đầu chính quyền các cấp phải trực tiếp chủ trì họp, chỉ đạo giải quyết những vụ KNTC phức tạp, tồn đọng trên địa bàn. Bên cạnh đó, gắn công tác thanh tra trách nhiệm với thanh tra công vụ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phân loại và xử lý đơn, thư của cán bộ tiếp dân khi thụ lý đơn, thư KNTC. Nội dung nào đúng sự thật thì phải nghiêm túc giải quyết. Đối với nội dung sai sự thật sau khi có kết luận chính thức thì phải chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật để tăng tính răn đe, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật. Đối với trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật, kích động người dân, có dấu hiệu tội phạm thì đề nghị chuyển cơ quan chức năng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
VĂN THI