Hồi âm sau bài báo “Ngăn chặn kịp thời hành vi mở đường chiếm đất rừng đầu nguồn”
QĐND- Ngày 8-6-2018, Báo Quân đội nhân dân đăng bài “Ngăn chặn kịp thời hành vi mở đường chiếm đất rừng đầu nguồn” của tác giả Bình Định. Tiếp nhận thông tin bài báo, UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Krông Năng xác minh và xử lý vụ việc, thông tin cho báo chí tại cuộc họp báo định kỳ tháng 7-2018.
Ngày 25-6-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc có Văn bản số 1612/SNN-CCKL “về việc phản hồi thông tin của Báo Quân đội nhân dân”; ngày 27-6-2018, UBND huyện Krông Năng có Báo cáo số 165/BC-UBND, báo cáo tình hình xử lý các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng tại Tiểu khu 320, xã Cư Klông. Các văn bản trên khẳng định, thông tin Báo Quân đội nhân dân phản ánh về tình trạng lấn chiếm đất rừng, mở đường trái pháp luật dẫn đến xô xát là có thật. Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng và UBND xã Cư Klông đang lập phương án xử lý, thu hồi đất lấn chiếm theo đúng tinh thần Chỉ thị số 1685/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ "Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ" và Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 16-3-2013 của UBND tỉnh Đắc Lắc. Những vụ việc xô xát do các hộ dân mở đường trái phép cũng đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Quân đội nhân dân hoan nghênh tinh thần làm việc khẩn trương, có trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc trong tiếp nhận, xử lý vụ việc báo phản ánh.
QĐND
QĐND - Từ năm 2016 đến nay, các hộ ông Phạm Đình Tuyến, Phan Văn Hiển và Trần Văn Kiêu, cùng trú tại thôn Tam Bình, xã Cư KLông, huyện Krông Năng (Đắc Lắc) ngang nhiên chặt cây trồng trên đất rẫy của gia đình ông Ngô Văn Thuận (trú cùng thôn) và mở đường đi vào Tiểu khu 320, do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (BQL) Krông Năng quản lý. Hành vi này nhằm mục đích lấn chiếm trái phép đất rừng để sản xuất nông nghiệp.