Vì sao vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, từ ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế cũng như tâm lý hám lời của người dân, doanh nghiệp, sự tiếp tay của một bộ phận công chứng viên đến những cái khó của ngành thuế...

Từ “nhóm lợi ích”...

Trang Facebook “Nhà đất Việt Trì-Phú Thọ” là nhóm công khai với hơn 11.200 thành viên, trong đó, phần lớn là những người hoạt động môi giới BĐS. Trong vai người có nhu cầu bán một thửa đất tại TP Việt Trì (Phú Thọ), chúng tôi kết nối, hẹn gặp một “cò đất” tên S, là thành viên của nhóm tại TP Việt Trì, để nhờ bán hộ. “Có hai hình thức. Một là anh chốt giá, còn tôi bán được bao nhiêu là do tôi, chỉ biết sau khi chuyển nhượng cho khách, tôi sẽ trả anh theo giá anh đã đưa ra. Hai là tôi sẽ rao bán theo giá thị trường, bán được rồi anh sẽ trả tôi chút ít gọi là “hoa hồng”, S nói. “Vậy các khoản thuế, phí thì sao...”, tôi thăm dò. Hiểu ý tôi hỏi, S trả lời chắc nịch: “Thuế phí do hai bên trao đổi, thống nhất, tuy nhiên, giả sử thửa đất này bán được 1,2 tỷ đồng thì khi làm hợp đồng công chứng, mình chỉ kê khai 200-300 triệu đồng thôi, như thế sẽ giảm được tiền thuế. Trường hợp cơ quan thuế không chấp nhận, trả lại hồ sơ thì sẽ khai tăng lên một chút. Nhưng anh yên tâm, sẽ ổn thôi, hầu hết khách hàng của tôi đều làm như vậy!”. Cũng theo S, nhiều người hoạt động môi giới BĐS thường có “quan hệ” với bộ phận công chứng, nhất là văn phòng công chứng tư nhân. Bởi vậy, có thể “linh hoạt” làm hợp đồng công chứng cả vào giờ nghỉ, ngày nghỉ và kê khai giá theo ý muốn, miễn là không quá thấp...

Qua câu chuyện của chúng tôi với người môi giới BĐS tên S nói trên đã phần nào cho thấy một thực trạng là hiện nay, tâm lý trốn, tránh thuế của một bộ phận không nhỏ người dân cũng như sự tiếp tay của không ít “cò đất” và công chứng viên đang diễn ra khá phổ biến. Theo quy định của pháp luật, khi chuyển nhượng BĐS, người bán là cá nhân sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân mức 2%, người mua khi làm thủ tục đăng ký biến động BĐS, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ phải nộp lệ phí trước bạ mức 0,5% giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng (trường hợp giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá theo bảng giá đất của Nhà nước thì áp theo mức giá nhà, đất do Nhà nước ban hành). Doanh nghiệp khi chuyển nhượng BĐS phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 20% thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS. Khi kê khai gian dối, hai bên mua-bán có thể “tiết kiệm” được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân; “cò đất” sẽ được hưởng hoa hồng cao hơn; đơn vị công chứng cũng có thể thu hút được nhiều người đến công chứng hơn vì biết “chiều” theo ý khách hàng... Đó là lý do để cả “nhóm lợi ích” này dễ dàng tìm được “tiếng nói chung” của việc kê khai giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch thực tế để trốn, tránh thuế.

leftcenterrightdel
Người môi giới bất động sản giới thiệu, tư vấn bán đất cho khách hàng tại hiện trường. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, hiện nay, tình trạng trốn, tránh thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS chủ yếu diễn ra ở các giao dịch giữa các cá nhân với nhau thông qua hình thức kê khai “hai giá”. Giao dịch giữa doanh nghiệp với người dân ít xảy ra tình trạng này hơn, vì các doanh nghiệp phải báo cáo thuế, báo cáo doanh thu. Hơn nữa, mỗi dự án của các doanh nghiệp có hàng trăm đến hàng nghìn căn hộ, nếu sử dụng thủ đoạn “hai giá” để trốn thuế thì rất dễ bị phát hiện. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng các cá nhân thường sử dụng thủ đoạn “hai giá” để trốn thuế là do tâm lý hám lợi trước mắt, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Trong khi đó, việc lập hợp đồng công chứng với giá kê khai thấp hơn giá giao dịch thực tế được thực hiện khá dễ dàng; công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, quyết liệt, chưa tạo được tính răn đe... Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng đồng tình với ý kiến này và cho biết, quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự đã gặp nhiều trường hợp khai giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thật và không ít vụ việc là do công chứng viên, thậm chí cả cán bộ thuế “vẽ đường cho hươu chạy”. Điển hình như vụ việc xảy ra ở Hà Nội cách đây vài năm, hai bên chuyển nhượng căn biệt thự với giá 25 tỷ đồng, song một cán bộ thuế “hướng dẫn” người bán chỉ kê khai 2,5 tỷ đồng. Sau đó xảy ra tranh chấp và hợp đồng đã bị tòa tuyên vô hiệu do có dấu hiệu giả mạo để trốn thuế...

... đến những cái khó của ngành thuế

Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), ngoài nguyên nhân quan trọng là do nhận thức về pháp luật cũng như ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của một bộ phận người dân chưa cao, ngành thuế cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế chưa thực sự hiệu quả, triệt để.

leftcenterrightdel
Một khu đô thị tại quận Hà Đông (Hà Nội). 

“Thứ nhất, hiện nay, các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Tuy nhiên, để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, ngoài quy định về quản lý thuế cần có các quy định đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành liên quan”, bà Hương cho biết. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, nếu người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên hiện nay, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn. Việc ấn định thuế chỉ có thể thực hiện được khi các cơ quan có liên quan (công an, cơ quan điều tra...) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện và kết luận hành vi gian lận, trốn thuế để cơ quan thuế có căn cứ ấn định thuế. Thế nhưng trên thực tế, có khá nhiều trường hợp cơ quan thuế các địa phương chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng nhưng không nhận được sự phối hợp kịp thời...

Một nội dung cũng đang khiến cơ quan thuế gặp khó khăn, đó là quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22-6-2016 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, hồ sơ được tiếp nhận từ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện và xử lý qua cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời hạn liên thông giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS quy định với cơ quan thuế là 5 ngày làm việc. Tuy nhiên, văn phòng đăng ký đất đai thường chuyển hồ sơ đến cơ quan thuế sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm, dẫn đến áp lực về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Việc xác định nghĩa vụ tài chính vì thế sẽ khó bảo đảm chính xác để phát hiện, xử lý hành vi kê khai gian dối.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng BĐS, việc giao dịch của người dân vẫn chủ yếu bằng tiền mặt; liên quan đến đất đai có nhiều cơ quan quản lý (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng...), trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được xây dựng đồng bộ, liên thông để trao đổi, phục vụ quản lý thông tin liên quan đến đất đai; giá đất trên thị trường chênh lệch lớn so với bảng giá đất của Nhà nước, trong khi việc đền bù giải phóng mặt bằng thì tính theo bảng giá của Nhà nước, thuế chuyển nhượng BĐS lại tính theo giá thị trường... càng khiến ngành thuế khó khăn hơn trong đấu tranh ngăn chặn tình trạng trốn, tránh thuế...

“Thực tế đã có trường hợp khi mua bán BĐS, hai bên thống nhất làm hợp đồng công chứng khai giá thấp hơn hàng chục tỷ đồng để trốn thuế, đồng thời làm hợp đồng viết tay với giá giao dịch thật, sau đó xảy ra tranh chấp, hợp đồng công chứng bị tòa tuyên vô hiệu do là hợp đồng giả tạo. Người mua rất muốn đòi lại khoản tiền thực tế đã trả cho người bán nhưng không dám đưa ra bằng chứng là hợp đồng viết tay vì sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, đành “ngậm đắng nuốt cay” chỉ nhận lại số tiền ghi trên hợp đồng công chứng. Bởi vậy, bên mua nên yêu cầu bên bán ghi đúng giá giao dịch trên hợp đồng”.

(Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

 

(còn nữa)

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - ĐỨC THỊNH