Đó là những lời chia sẻ chân thành của nữ đảng viên ưu tú Y Sinh - một trong 6 đảng viên tiêu biểu được vinh danh tại Lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX năm 2024.
Ở tuổi 67, với 27 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh luôn khắc ghi lời dạy của Bác, xem tinh thần tiên phong, gương mẫu không chỉ là trách nhiệm mà còn là lẽ sống. Không chỉ gắn bó sâu sắc với đồng bào Xơ Đăng, nữ đảng viên Y Sinh còn gần gũi và thấu hiểu, tin tưởng, sát cánh cùng bà con vun đắp niềm tin bền chặt vào Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
 |
NNƯT Y Sinh (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng nhân vật tiêu biểu tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX năm 2024. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
Từ cô giáo Y Sinh mang ánh sáng tri thức đến đại ngàn Tây Nguyên...
Sinh ra khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, tuổi thơ của Y Sinh gắn liền với những tháng ngày gian khó. Y Sinh lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên, nơi tiếng cồng chiêng vang vọng theo gió núi, nơi những áng sử thi hào hùng vẫn kể về bao thế hệ kiên cường đứng lên bảo vệ buôn làng.
Đất nước thống nhất, nhưng những vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu trên mảnh đất này, từ cái đói, cái nghèo đến sự thiếu thốn tri thức… tất cả như những "xiềng xích" vô hình níu giữ buôn làng trong bóng tối của lạc hậu.
“Nhiều đứa trẻ trong làng lớn lên mà không biết chữ, không thể đọc tên mình, không biết đến thế giới rộng lớn ngoài kia. Tôi tự hỏi: Nếu mình không làm gì đó, thì ai sẽ giúp buôn làng thoát khỏi cái nghèo, cái dốt?”, NNƯT Y Sinh nhớ lại.
Chính suy nghĩ ấy đã thôi thúc Y Sinh rời buôn làng để theo đuổi con đường tri thức và trở thành cô giáo. Sau những năm tháng miệt mài trên giảng đường, Y Sinh quay trở về quê hương, mang theo tri thức, khát vọng đổi thay.
Trong trí nhớ của cô giáo Y Sinh khi ấy, từ thị trấn Đắk Tô (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum), cô phải vượt hơn 60km đường rừng để đến với những bản làng xa xôi của huyện Tu Mơ Rông. Con đường đến trường không chỉ là những con dốc cheo leo, những khúc cua hun hút giữa đại ngàn, mà còn là những thử thách của sự thiếu thốn, của những tháng ngày gian khó khi một mình bám trụ nơi vùng đất heo hút.
 |
NNƯT Y Sinh tặng Chủ tịch nước Lương Cường cây đàn K’lông Pút thu nhỏ tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
Trường học khi đó chỉ là một căn nhà dựng tạm bằng gỗ, mái tranh xiêu vẹo, bàn ghế chắp vá. Mùa mưa, nước tràn vào lớp. Mùa khô, gió cuốn bụi đỏ bay mù mịt. Nhưng điều khó khăn nhất không phải là điều kiện vật chất, mà là việc giúp những đứa trẻ nơi đây làm quen với con chữ.
“Lũ trẻ rụt rè lắm vì tiếng Kinh chưa sõi. Có em còn khóc khi phải phát âm những từ đầu tiên. Nhưng tôi biết rằng, nếu không kiên trì, các em sẽ mãi mãi bị bỏ lại phía sau", NNƯT Y Sinh kể.
Cô giáo Y Sinh đã chọn cách gần gũi với học sinh bằng chính những câu chuyện của buôn làng. Cô kể cho các em nghe về dòng sông Đắk Bla huyền thoại, về những dũng sĩ Tây Nguyên kiên cường bảo vệ quê hương. Từng ngày trôi qua, con chữ dần trở nên quen thuộc, những ánh mắt dần sáng lên niềm háo hức.
Rồi một ngày, khi một cậu bé Ê đê cất tiếng đánh vần rành rọt câu chuyện về Bác Hồ, cô giáo Y Sinh biết rằng, hạt mầm cô gieo đã bắt đầu nảy nở. Nhưng với cô, phần thưởng lớn nhất không phải là những lứa học trò thành đạt, mà là khi nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của những đứa trẻ cầm trên tay cuốn sách, khi nghe thấy tiếng cười trong trẻo vang lên giữa núi rừng.
Suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, cô giáo Y Sinh không chỉ truyền dạy kiến thức cho học trò, mà còn âm thầm ươm mầm tình yêu văn hóa dân tộc Xơ Đăng trong các em. Với tiếng đàn K’lông Pút ngân vang nơi núi rừng Tây Nguyên, cô đã thổi hồn vào từng tiết học, giúp học sinh tiếp thu tri thức, thêm yêu bản sắc dân tộc mình.
 |
Với đôi tay khéo léo và tâm hồn nghệ sĩ, NNƯT Y Sinh kiên nhẫn truyền dạy từng âm thanh vang vọng của đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
NNƯT Y Sinh chia sẻ: “Tình yêu với văn hóa Xơ Đăng đến với tôi như một cơ duyên tự nhiên. Ngày ấy, giữa những giờ giảng dạy, tôi lại dành thời gian tìm hiểu, tập luyện và truyền dạy nhạc cụ truyền thống. Tiếng đàn K’lông Pút không chỉ là âm thanh của đại ngàn, mà còn là lời tự sự của người Xơ Đăng về cuộc sống, tình yêu quê hương. Đối với tôi, bảo tồn văn hóa là trách nhiệm, niềm tự hào, sợi dây kết nối thế hệ trẻ với nguồn cội”.
Ngày 3-11-1999 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời cô giáo Y Sinh khi cô trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và kết nạp tại khối Dân vận Mặt trận huyện Đắk Tô (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận). Từ đây, con đường cống hiến của Y Sinh rẽ sang một hướng mới nhưng vẫn luôn gắn bó mật thiết với đồng bào Xơ Đăng. Khi chuyển công tác về Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đắk Tô, Y Sinh mang theo tâm huyết của một người con Tây Nguyên, tiếp tục đồng hành cùng chị em phụ nữ trong hành trình nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Hơn một thập kỷ gắn bó với công tác hội, từ năm 2000 đến 2011, Y Sinh đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, trong đó có hai nhiệm kỳ giữ chức Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đắk Tô. Dưới sự dẫn dắt của bà, phong trào phụ nữ địa phương ngày càng khởi sắc, từ những chương trình hỗ trợ sinh kế đến các hoạt động bảo tồn văn hóa. Với trái tim đầy nhiệt huyết, Y Sinh đã và đang viết tiếp câu chuyện gìn giữ hồn cốt Tây Nguyên bằng chính những việc làm giản dị nhưng đầy ý nghĩa của mình.
…đến người đảng viên gương mẫu đi trước, buôn làng Xơ Đăng tin tưởng theo sau
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo Người, muốn hướng dẫn nhân dân, người cán bộ, đảng viên phải làm gương, phải có tư cách và đạo đức để quần chúng tin yêu, noi theo.
Thấm nhuần tư tưởng ấy, NNƯT Y Sinh dù đã nghỉ hưu, vẫn tiếp tục gánh trên vai trọng trách lớn lao: Bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân tộc Xơ Đăng, đặc biệt là nghệ thuật chơi đàn K’lông Pút - di sản văn hóa của đại ngàn Tây Nguyên.
Năm 2015, Y Sinh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Với khát khao cháy bỏng gìn giữ và lan tỏa di sản truyền thống, bà quyết định rời Kon Tum, tìm đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để biến nơi đây thành mái nhà chung, nơi văn hóa Xơ Đăng được lưu giữ và giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước.
 |
Du khách chăm chú lắng nghe NNƯT Y Sinh giảng giải về đàn K’lông Pút, loại nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hóa của người Tây Nguyên. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
Tại khu làng Xơ Đăng, NNƯT Y Sinh không chỉ trình diễn, mà còn tận tình giảng giải về đàn K’lông Pút - loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình. Với bà, mỗi âm thanh phát ra không đơn thuần là tiếng đàn, mà còn là hơi thở của rừng núi, là lời thì thầm của mẹ lúa, là bản hòa ca giữa con người với thiên nhiên.
“K’lông Pút là nhạc cụ dành cho nữ giới, được chơi trên nương rẫy mỗi mùa lúa chín. Người Xơ Đăng tin rằng những ống lồ ô đựng hạt giống mang linh hồn của mẹ lúa. Khi âm thanh K’lông Pút vang lên, mẹ lúa sẽ ban phước lành, giúp mùa màng tươi tốt, cuộc sống an yên”, NNƯT Y Sinh chia sẻ.
Cách chơi đàn K’lông Pút cũng đặc biệt không kém. Người nghệ nhân không chạm tay vào nhạc cụ mà đứng lom khom, dùng hai bàn tay khum lại rồi vỗ đều trước các ống lồ ô, tạo ra áp lực gió để phát âm thanh. Một kỹ thuật điêu luyện, một sự giao hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên.
Không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, NNƯT Y Sinh còn đau đáu một nỗi niềm: Làm sao để lớp trẻ tiếp tục đón nhận và phát huy di sản này. Để thực hiện ước vọng ấy, bà không ngừng truyền dạy nghệ thuật chơi K’lông Pút cho các thế hệ sau.
Những em nhỏ từ Kon Tum về tham gia sinh hoạt tại Làng đã may mắn được học từ bà. Trong số đó, Y Mai là học trò xuất sắc, người đã tiếp bước con đường bà đi, mang tiếng đàn K’lông Pút về với buôn làng Tây Nguyên.
 |
NNƯT Y Sinh chia sẻ câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của K’lông Pút, thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
“Mỗi khi nghe tiếng đàn K’lông Pút vang lên, tôi cảm nhận được cả một nền văn hóa, một câu chuyện về cội nguồn mà bà Y Sinh đã gìn giữ bằng cả tấm lòng. Vì vậy, tôi mong muốn lan tỏa tình yêu này đến thế hệ trẻ, giúp các em hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình, để những giá trị truyền thống không bao giờ bị lãng quên”, Y Mai xúc động bày tỏ.
Dù đã bước qua mùa thu của cuộc đời, đôi chân NNƯT Y Sinh vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Bà đều đặn trở về các buôn làng Tây Nguyên, tìm kiếm những "hạt giống" mới, những tâm hồn trẻ yêu văn hóa để truyền dạy.
Nữ nghệ nhân Xơ Đăng tâm sự: “Mỗi chuyến đi là một lần gieo mầm hy vọng. Tôi tìm kiếm ánh mắt sáng lên khi nghe tiếng đàn, những đôi tay say sưa chạm vào ống nứa, những trái tim thực sự yêu văn hóa của dân tộc mình. Chỉ khi có lớp trẻ tiếp bước, K’lông Pút mới thực sự sống mãi với thời gian”.
Không chỉ là một nghệ nhân tài hoa, NNƯT Y Sinh còn mang trong mình sứ mệnh gắn kết cộng đồng. Trên cương vị Trưởng ban đoàn kết cộng đồng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà luôn tâm niệm rằng: Văn hóa các dân tộc chỉ có thể trường tồn khi có sự gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng.
Bà cùng các cấp lãnh đạo của Làng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thúc đẩy đối thoại giữa các dân tộc, tạo không gian để đồng bào gặp gỡ, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Những buổi giao lưu không chỉ giúp giữ gìn bản sắc, mà còn tạo ra sự thấu hiểu, tôn trọng giữa các dân tộc anh em.
Ngoài ra, bà còn vận động bà con chung tay gìn giữ không gian sống, bảo tồn kiến trúc truyền thống, phát triển kinh tế gắn với văn hóa, xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững. Đối với bà, mỗi ngôi nhà sàn được bảo tồn, mỗi điệu múa, lời ca được gìn giữ chính là một phần linh hồn dân tộc không thể mất đi.
NNƯT Y Sinh chính là một "bông hoa" rực rỡ giữa vườn hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam. Những việc bà làm có thể lặng lẽ, khiêm nhường, nhưng lại tỏa hương thơm ngát của tình yêu và cống hiến. Bà không chỉ gìn giữ những giá trị thiêng liêng của dân tộc mình, mà còn gieo vào lòng người tình yêu văn hóa, tinh thần đoàn kết bền chặt. Chính nhờ những con người như bà, tiếng đàn K’lông Pút vẫn vang vọng giữa đại ngàn, văn hóa Xơ Đăng vẫn được truyền đời và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam ngày càng bền chặt.
Đó là một bản hòa ca đẹp đẽ, vang vọng mãi theo thời gian...
Bài và ảnh: KHÁNH NGÂN -HẢI ĐĂNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.