Đến Kho T342, tôi được Đại tá Nguyễn Văn Lượng, Chủ nhiệm Kho T342 giới thiệu: Kho T342 là kho kỹ thuật tổng hợp, trọng yếu của Binh chủng Đặc công. Những năm qua, Kho luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, cấp phát, quản lý và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, phục vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và các nhiệm vụ khác của Binh chủng Đặc công. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Trung tá, kỹ sư Nguyễn Trác Đáng, Phó chủ nhiệm Kho. Anh là người luôn gương mẫu, chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, Ban chủ nhiệm Kho về các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; đồng thời hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.

Gặp Trung tá Nguyễn Trác Đáng khi anh đang cùng với các đồng chí trợ lý kỹ thuật và thống kê đến kiểm tra kho khí tài đặc chủng. Anh cho biết: "Công tác kiểm tra kho tàng, phòng, chống cháy nổ, nhất là vào mùa hanh khô, là hoạt động thường xuyên của Kho. Qua kiểm tra, chúng tôi nắm chắc tình hình, phát hiện những vấn đề kỹ thuật phát sinh, hướng dẫn thủ kho xử lý, rồi cùng rút kinh nghiệm, để Kho luôn bảo đảm an toàn, quản lý và giữ gìn tốt nhất chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật trong kho".

Trò chuyện với Trung tá Nguyễn Trác Đáng, tôi được biết anh sinh năm 1974, quê ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Tháng 3-1994, anh nhập ngũ, biên chế về Đoàn 113 (nay là Lữ đoàn 113, Binh chủng Đặc công). Sau một năm rèn luyện, huấn luyện, năm 1995, anh được trên cử đi đào tạo tại Trường Trung cấp kỹ thuật Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật). Tốt nghiệp, anh được điều động trở lại Binh chủng Đặc công và về công tác tại Lữ đoàn Đặc công 198. Gắn bó với vùng đất Tây nguyên gần 10 năm, với nguyện vọng được học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, năm 2008, anh trúng tuyển đào tạo ngành vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tốt nghiệp đại học, anh được phân công về Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công, làm chuyên môn ở Xưởng Sửa chữa X98. Ở xưởng, anh có điều kiện phát huy khả năng, sở trường của mình trong nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp kỹ thuật để sửa chữa, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật chuyên ngành đặc công. Anh cùng với các cán bộ, kỹ thuật viên sáng tạo các giải pháp kỹ thuật, cải tiến vũ khí, trang bị, sản xuất vật tư kỹ thuật, góp phần giải quyết khó khăn do thiếu vật tư đặc chủng để thay thế, bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa vũ khí, trang bị. Những giải pháp kỹ thuật của xưởng, có sự đóng góp của kỹ sư Nguyễn Trác Đáng đã góp phần nâng cao chất lượng sửa chữa và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật chuyên ngành đặc công, phục vụ đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

leftcenterrightdel
Trung tá, kỹ sư Nguyễn Trác Đáng (thứ hai, từ phải sang) hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị leo tường cho Bộ đội Đặc công. Ảnh: VĂN NGUYÊN 

"Từ người chiến sĩ trực tiếp huấn luyện và sử dụng vũ khí, sau đó lăn lộn với thực tế công tác kỹ thuật ở cơ sở nên tôi nắm chắc và hiểu được những yêu cầu tính năng kỹ thuật, chiến thuật vũ khí trang bị của bộ đội ở Binh chủng "đặc biệt tinh nhuệ", mà đặc trưng là vũ khí phải gọn nhẹ, nhưng hiệu suất chiến đấu phải đạt cao nhất. Từ đó, tôi tập trung tìm hiểu, nghiên cứu tính năng các loại vũ khí truyền thống mà Bộ đội Đặc công đã sử dụng, đồng thời tiếp cận các tài liệu, cập nhật những kỹ thuật, công nghệ, vũ khí mới nhất trang bị cho lực lượng đặc nhiệm của quân đội các nước. Với sự say mê học hỏi, nghiên cứu, tôi đã có một số ý tưởng, giải pháp kỹ thuật hữu ích nên năm 2015, tôi được điều động về Phòng Nghiên cứu của Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công. Được các cán bộ kỹ thuật đi trước và đồng nghiệp giúp đỡ, tôi đã độc lập nghiên cứu, làm chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng và Binh chủng Đặc công, trong đó có đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị leo tường cho lực lượng đặc công...", Trung tá Nguyễn Trác Đáng trò chuyện.

- Thiết bị leo tường là một trong những sản phẩm độc đáo của Bộ đội Đặc công. Bằng thiết bị này, bộ đội có thể leo lên các ngôi nhà cao tầng, vượt qua những bức tường có bề mặt nhẵn bóng, như: Tường kính, ốp đá, gạch men... để làm nhiệm vụ giải thoát con tin, tiêu diệt phần tử khủng bố hoặc cứu hộ, cứu nạn... Anh có thể kể về quá trình nghiên cứu chế tạo và cải tiến, hoàn thiện sản phẩm này như thế nào? Tôi đề nghị Trung tá Nguyễn Trác Đáng.

Như chạm vào "kinh mạch" của niềm say mê, kỹ sư Nguyễn Trác Đáng hào hứng: Từ năm 2015, tôi đã đề xuất và được triển khai nghiên cứu thiết kế bộ phận giảm âm cơ cấu bám nam châm và chế tạo phao ống, phao yếm, phao 5 lá cho đặc công nước. Từ yêu cầu thực tế của Bộ đội Đặc công làm nhiệm vụ A2, chống khủng bố, giải thoát con tin, năm 2016, tôi chủ trì đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị leo tường cho Bộ đội Đặc công. Triển khai đề tài này, tôi gặp nhiều khó khăn, vì vũ khí, trang bị cho lực lượng đặc nhiệm của các nước đều bí mật, không được xuất khẩu, tiết lộ tài liệu... Tôi phải tìm tòi, sưu tầm tài liệu, nhiều đêm thức trắng để lựa chọn phương án, tính toán kết cấu và so sánh vật liệu tương đương, tìm được loại vật liệu vừa bảo đảm tính năng kỹ thuật, chiến thuật, vừa sẵn có trong nước và công nghệ sản xuất phù hợp trình độ của ta. Hơn một năm sau, đề tài hoàn thành, sản phẩm đưa vào trang bị thử nghiệm, đánh giá từ thực tế mà Bộ đội Đặc công sử dụng.

Năm 2018, khi sử dụng thiết bị leo tường ở Lữ đoàn 429 (Binh chủng Đặc công), tôi cùng Trung tá Nguyễn Đăng Đồng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 429, cùng nghiên cứu thiết kế, chế tạo dụng cụ leo tường ĐC-18 để đồng bộ với thiết bị leo tường mà tôi nghiên cứu trước đó. Cùng năm đó, bộ thiết bị leo tường và dụng cụ leo tường ĐC-18 được Bộ Quốc phòng công nhận sáng kiến loại 1 và cho phép sản xuất đưa vào trang bị. Qua sử dụng thực tiễn, tôi tiếp tục nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện, đến nay, thiết bị leo tường cho Bộ đội Đặc công đã hoàn chỉnh, sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ của Bộ đội Đặc công. Thiết bị leo tường và dụng cụ leo tường ĐC-18 hoạt động tốt trong điều kiện khắc nghiệt, khẩn cấp, độ bám dính cao, ổn định, bảo đảm an toàn cho bộ đội và khả năng cơ động rất cao.

Là tác giả nghiên cứu thiết kế, chế tạo và cải tiến, hoàn thiện thiết bị leo tường, dụng cụ leo tường ĐC-18 sử dụng hiệu quả nên Trung tá Nguyễn Trác Đáng được gọi là kỹ sư "leo tường". Thiết bị này không chỉ là trang bị độc đáo, dễ thao tác, giúp Bộ đội Đặc công nâng cao khả năng cơ động, bí mật, bất ngờ tiếp cận mục tiêu mà công nghệ chế tạo đơn giản, sử dụng vật liệu sẵn có ở trong nước nên giá thành thấp. Cùng với thiết bị leo tường, dụng cụ leo tường, Nguyễn Trác Đáng còn là tác giả của các đề tài nghiên cứu cải tiến áo mang đeo trang bị của Bộ đội Đặc công chống khủng bố; thiết kế khối nổ thả trôi để phá hủy tàu, thuyền, các phương tiện cơ động trên sông, biển của địch... Nhờ đó, kỹ sư Nguyễn Trác Đáng đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng chứng nhận sáng kiến loại 1 và bằng khen về thành tích nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ gắn nghiên cứu với thực tiễn, năm 2020, kỹ sư Nguyễn Trác Đáng được điều động và bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Kho T342, một đơn vị kỹ thuật tổng hợp. Công việc mới mẻ, lại chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý, song anh đã nỗ lực, khiêm tốn học hỏi, đoàn kết tập thể trong ban chủ nhiệm và đơn vị để thực hiện nhiệm vụ. "Ở cương vị Phó chủ nhiệm Kho, tôi xác định trước hết là phải xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tôi chủ động đề xuất, nêu những giải pháp để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật của Kho. Tôi cũng may mắn được đồng chí Chủ nhiệm Kho, Đại tá Nguyễn Văn Lượng, nguyên là Trưởng phòng Nghiên cứu của Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công, người có nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ, truyền thụ kinh nghiệm nên công việc của tôi luôn đạt được kết quả cao. Điều tâm đắc nhất với tôi khi công tác tại đơn vị cơ sở, đó là sự sâu sát bộ đội, sâu sát đơn vị, nắm chắc điều lệnh, điều lệ công tác kỹ thuật và quy trình, quy định, nguyên tắc kỹ thuật, có như vậy mới triển khai và hoàn thành tốt công việc, xử lý tốt các tình huống kỹ thuật nảy sinh", Trung tá Nguyễn Trác Đáng tâm sự.

Sau khi đưa tôi đi tham quan các nhà kho trở về nhà sở chỉ huy, Đại tá Nguyễn Văn Lượng trải lòng: "Tôi rất yên tâm và tin tưởng về tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn của cán bộ, nhân viên của đơn vị, trong đó có Phó chủ nhiệm Kho Nguyễn Trác Đáng. Những năm qua, bằng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, toàn Kho đã xây dựng 100% nhà kho đạt tiêu chuẩn "Nhà kho kiểu mẫu"; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát huy hiệu quả, hai năm 2021-2022 có 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoàn thành. Liên tục nhiều năm, Kho hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, 5 năm liên tục (2019-2022), Kho được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị tiên tiến" và "Đơn vị văn hóa". Trung tá Nguyễn Trác Đáng năm 2022 được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân", cùng nhiều cán bộ, nhân viên được khen thưởng các cấp...

HƯƠNG HỒNG THU