Diện mạo đổi thay ấy là nhờ các nghị quyết đúng đắn của Đảng bộ xã Nậm Sài và những đảng viên gương mẫu đi đầu như ông Hù Nụ Phệ-hạt nhân gắn kết, đẩy lùi các hủ tục, vận dụng tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Xóa hủ tục bằng uy tín cá nhân
Nậm Sài theo tiếng Tày có nghĩa là “suối cát”. Các dòng suối ở đây thường có rất nhiều cát. Giữa thiên nhiên kỳ vĩ với dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, Nậm Sài có thể là một điểm du lịch hấp dẫn với du khách. Nhưng nơi đây lại là vùng đất thấp, hẻo lánh, quanh năm khô cằn vì thiếu nước, đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là nơi sinh sống của người Xa Phó, thuộc nhóm người Phù Lá-một trong 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người ở Việt Nam.
Một năm, người Xa Phó chỉ trồng duy nhất một vụ lúa với các cây xen canh và chăn nuôi gia súc để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Do đó, thiếu đói, kinh tế không đủ trang trải cho những sinh hoạt thường ngày là cảnh mà ông Hù Nụ Phệ chứng kiến thường xuyên từ lúc sinh ra và lớn lên. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng những hủ tục vẫn đè nặng lên đời sống đồng bào Xa Phó. Ngày ấy, Nậm Sang, Nậm Kéng (hai thôn có 100% đồng bào Xa Phó) vẫn còn tình trạng kết hôn cận huyết thống, tảo hôn và thách cưới cao. Hình ảnh em gái Hù Thị Kinh co mình khóc trong góc nhà khi bố mẹ thách cưới nhà trai 23 đồng bạc trắng khiến ông luôn trăn trở. “Ngày ấy, 5 đồng bạc trắng là cả một gia tài quá lớn đối với nhiều hộ dân, chứ đừng nói đến 23 đồng. Việc thách cưới cao đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Xa Phó nên bố mẹ tôi cũng phải làm theo”, ông Phệ nhớ lại.
 |
Ông Hù Nụ Phệ tuyên truyền để người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới. |
Bà con quan niệm thách cưới càng cao thì hạnh phúc càng bền chặt, mới thể hiện được giá trị của nhà gái. Tục thách cưới đã được quy ra bằng tiền, bằng thịt lợn, bằng bạc, bằng rượu. Không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi lo liệu hoàn tất lễ cưới. Đích thân ông cũng trải qua hủ tục này, khi năm 1976, bố mẹ vợ thách cưới 23 đồng bạc trắng và một số lễ vật kèm theo. Thấu hiểu những khó khăn mà trai gái đến tuổi cập kê phải gánh chịu, mong muốn xóa bỏ hủ tục khiến ông Phệ nghĩ: “Nếu muốn tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, mình phải trở thành người có uy tín, được bà con kính trọng. Muốn vậy, bản thân phải nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên, được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
Điều đó đã thôi thúc ông không ngừng phấn đấu và được đứng trong hàng ngũ của Đảng ở tuổi 37 (năm 1994). Ông kể: “Ngày ấy, đảng viên trong xã rất ít nên việc tôi trở thành đảng viên được bà con trong thôn rất ngưỡng mộ. Uy tín của tôi nhờ đó cũng tăng lên, bà con dành cho tôi sự tôn trọng, tin tưởng nên công tác tuyên truyền bài trừ hủ tục cũng thuận lợi hơn”.
Cuối năm 1995, ông Phệ được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ 5 thôn Nậm Sang. Lúc này, ở cương vị mới, ông Phệ càng có điều kiện thực hiện mong ước ấp ủ bấy lâu. Tâm lý của phần đông đồng bào dân tộc là chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe. Do đó, những việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với việc xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới sẽ có giá trị thuyết phục to lớn trong vận động bà con làm theo.
Nhận nhiệm vụ từ Đảng ủy xã giao, có lúc ông tưởng chừng như bế tắc khi tìm giải pháp để người dân nhận rõ những tác hại của các hủ tục đã trở thành “thâm căn cố đế”. Nhờ “thiên thời”, đúng dịp con gái ông đến tuổi lập gia đình, ông quyết định phải thay đổi từ chính gia đình mình. Ông Phệ không thách cưới 23 đồng bạc trắng mà chỉ yêu cầu nhà trai 1 đôi gà trống. Quyết định “trái” với lễ nghi bao đời đã định khiến hàng xóm rất đỗi ngạc nhiên, thậm chí còn buông lời gièm pha. Nhưng chứng kiến các con ông hạnh phúc, không rơi vào cảnh “kéo cày trả nợ”, nhiều hộ dân trong thôn tin lời ông Phệ, không thách cưới như trước. “Bà con không có cái ăn nếu cứ thách cưới nặng nề như vậy. Dân thấy đúng thì nghe theo. Mấy năm trước, năm nào cũng đói từ 3 đến 6 tháng, phải đi đào củ để ăn; nay thì đổi thay lắm rồi, nhà đẹp, cái gì cũng sạch sẽ, không đói nữa”, ông Phệ hồ hởi khoe.
Ở Nậm Sang, không ít cặp vợ chồng có mối quan hệ họ hàng, thân tộc, chỉ cần khác họ là người ta có thể lấy nhau. Người Xa Phó quan niệm, lấy chồng, lấy vợ trong họ tộc thì tài sản sẽ không thất thoát ra ngoài. Họ hàng kết hôn với nhau sẽ được gia đình hai bên yêu thương, đùm bọc.
“Cả thôn có 58 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu. Nếu không giao lưu với thôn khác, dân tộc khác thì kiểu gì cũng sẽ lại dẫn đến hôn nhân cận huyết thống. Phải tìm cách tuyên truyền phù hợp, có giải pháp trực quan để người dân hiểu thì mới giảm được”, ông Phệ nói. Sau nhiều lần trực tiếp trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy xã, ông Phệ tìm mượn sách, báo, nhờ cán bộ xã xin tài liệu liên quan đến vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để nghiên cứu. Khi đã nắm rõ kiến thức, ông Phệ gác việc nhà, dành thời gian đến từng hộ để tuyên truyền, giải thích. Ngày mùa, ông cùng bà con lên nương, vừa làm vừa nói chuyện về những ảnh hưởng của tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với giống nòi, kinh tế-xã hội của địa phương. Ông bảo: “Họ đẻ con ra không thấy lớn, gọi không thấy trả lời thì sợ lắm. Mình mới giải thích anh em cưới nhau đẻ con không to, không đẹp thế đấy. Họ bảo bác nói đúng lắm. Giờ thì đồng bào Xa Phó không còn kết hôn cận huyết thống nữa, tình trạng tảo hôn cũng giảm rất nhiều”.
Bỏ hủ tục, hướng tới nếp sống văn minh
Không chỉ hủ tục thách cưới khiến đồng bào Xa Phó gặp khó khăn về kinh tế mà tổ chức đám hiếu cũng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Mặc dù đồng bào Xa Phó không có thói quen để linh cữu lâu ngày trong nhà nhưng việc tổ chức cơm cảm ơn những người đến chia buồn khiến nhiều gia chủ trở thành con nợ.
Anh Hù Gở Xa, Bí thư Chi bộ 6 thôn Nậm Sang chia sẻ: “Ngày xưa, tang ma, người đến viếng mang lợn, gà, rượu, bó củi và gạo đến. Anh em họ hàng còn mang nhiều hơn. Những lễ vật đó mổ ra ăn hết trong 2-3 ngày, rất tốn kém. Bác Phệ đã tổ chức nhiều buổi họp thôn để tuyên truyền. Người dân được nêu ý kiến. Nhận thấy sự thay đổi nghi lễ không ảnh hưởng đến cuộc sống nên 100% người dân trong thôn đã đồng tình ký thực hiện quy ước, cam kết bỏ các hủ tục lạc hậu. Quy ước được ban hành giúp nhiều hộ nghèo trong thôn thở phào nhẹ nhõm”.
Câu cửa miệng của phần đông người dân trong thôn khi nhắc đến việc xóa bỏ hủ tục không chôn người chết trong quan tài mà để treo là: “Làm sao mà bỏ được”. Bác Phệ lại từ từ giải thích: “Tập tục do chính con người tạo ra thì cũng có thể thay đổi được. Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng vậy, phải tiếp cận với cái mới. Trước kia, đường đi khó khăn, không khiêng quan tài được, nhưng nay chỗ nào cũng có đường rất dễ đi. Nếu không học hỏi, tiếp thu cái tiến bộ, văn minh thì tránh sao khỏi đói nghèo bủa vây”. Giải thích, vận động không chưa đủ, ông còn nêu những dẫn chứng cụ thể để thuyết phục, như hủ tục không chôn trong quan tài gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh thế nào.
Đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường bê tông trải quanh thôn, ông Phệ bảo: “Người dân Nậm Sang giờ đã tích cực xây dựng đời sống văn hóa, chủ động góp công, góp của để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Tuyến đường dài gần 2km nối thôn với trung tâm xã được đổ bê tông thuận lợi như ngày hôm nay là nhờ phần lớn ở sức dân trong thôn. Nhớ lại thời gian đầu, khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới, ông Phệ cùng trưởng thôn Nậm Sang luôn thường trực ở các hộ dân để tuyên truyền, vận động về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới và bản thân gia đình ông cũng chủ động hiến đất làm đường, gương mẫu đi đầu.
Ông Phệ nay đã nghỉ hưu, nhưng ông Vù A Trùng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh vẫn thường xuyên đến nhà trao đổi và mời ông Phệ tham dự các cuộc họp quan trọng của thôn, của xã, tuyên truyền để người dân hiểu, dân tin. Ông Vù A Trùng cho biết: “Cống hiến 30 năm làm bí thư chi bộ, tiếng nói của bác Phệ được đồng bào rất tin tưởng. Từ đó, họ đồng ý bỏ đi những tập quán không còn phù hợp để thực hiện đời sống mới. Diện mạo của thôn vì thế thay đổi nhiều”.
Trước lúc chia tay, ông Phệ khoe với chúng tôi tấm phù hiệu được Bí thư Tỉnh ủy tặng nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh. Khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc, ông bảo, cả cuộc đời phấn đấu, làm việc để giúp đồng bào mình có cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn là ông thấy tự hào lắm. Dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng ông vẫn không ngừng nỗ lực để đưa tỷ lệ hộ nghèo của Nậm Sang giảm xuống mức thấp nhất.
Bài và ảnh: THU HÀ