Trong đó, 4 người thường trú tại TP Thái Nguyên, gồm: Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Tạ Chu, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Cục Kỹ thuật Quân khu 1; Thượng tá, CCB Phạm Văn Dân, nguyên Trưởng ngành Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quân khu 1; chị Lê Thị Tuyên, lao động tự do và chị Nguyễn Thị Vân, tiểu thương. Một người ở TP Sông Công là chị Nguyễn Thị Hiền (nạn nhân chất độc da cam/đioxin). Ngày ngày, họ gắn kết với nhau qua mạng xã hội (trong bài này, gọi là “Chi nhóm Thái Nguyên”), khớp nối thông tin về liệt sĩ để báo cho các gia đình biết phần mộ của người thân...

Cơ duyên từ việc nghĩa

Cả 5 thành viên trong “Chi nhóm Thái Nguyên” đều có người thân là thương binh, liệt sĩ và đều tự nguyện tiến hành tìm kiếm thông tin về liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ (HCLS). Bắt đầu từ gia đình ông Phạm Văn Dân. Bác sĩ Thu Phương (vợ ông Dân) có người cậu ruột là liệt sĩ, bia mộ (tượng trưng) tại quê ở xã Phù Ngọc (Hà Quảng, Cao Bằng) ghi: Bùi Đình Ngọ, sinh năm 1942, nhập ngũ tháng 7-1963, hy sinh ngày 30-1-1968 tại mặt trận phía Nam. Trước đây gia đình chưa có điều kiện để tìm hài cốt của ông Ngọ một cách triệt để.

Sáng 27-7-2019, ông Dân về quê vợ thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phù Ngọc. Nhìn tấm bia liệt sĩ Bùi Đình Ngọ, ông như thấy có người thúc giục, liền liên hệ ngay với Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng nhờ trích lục hồ sơ liệt sĩ. Biết liệt sĩ Ngọ hy sinh ở Mặt trận Quảng Đà, ông Dân sắp xếp lại thông tin đưa lên mạng Facebook, liền được ông Nguyễn Văn Hạnh-Trưởng phòng Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cục Kỹ thuật Quân khu 5 và ông Hưng-Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 5 quan tâm. Hôm sau, ông Dân nhận được thư chuyển phát nhanh chỉ rõ nơi chôn cất ban đầu liệt sĩ Bùi Đình Ngọ là làng Ô Rây, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (nay thuộc TP Đà Nẵng).

Tiếp tục móc nối, nhờ có Thượng tá Nguyễn Văn Thành, cán bộ quân lực Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam chỉ dẫn, ngày 30-7-2019, ông Dân và thân nhân có mặt tại chỗ mai táng liệt sĩ Ngọ lần đầu. Ông Hoa-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Ô Rây cho biết, trước năm 2010 ở chỗ ấy có hai ngôi mộ liệt sĩ Quân Giải phóng. Chính ông đã tham gia đưa cả 2 ngôi mộ về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phú. Với các thủ tục pháp lý và những căn cứ khoa học, gia đình ông Dân đã tìm được HCLS Bùi Đình Ngọ.

“Chi nhóm Thái Nguyên” kết nối thông tin mộ liệt sĩ (từ trái sang là các tình nguyện viên: Tạ Chu, Phạm Văn Dân, Nguyễn Thị Hiền, Lê Thị Tuyên, Nguyễn Thị Vân. Người ở bìa phải là cộng tác viên Nguyễn Trọng Hợp).

Thật vui, hôm đi nhận giấy chứng thực huyết thống giữa liệt sĩ Bùi Đình Ngọ và thân nhân qua kết quả giám định ADN, ông Dân gặp Đại tá Tạ Chu và chị Lê Thị Tuyên, Nguyễn Thị Vân. Nhận thấy cả 4 người cùng tìm được mộ liệt sĩ với “đường đi nước bước” tương tự, họ liền liên kết với nhau thực hiện thu thập, phân tích, chắp nối dữ liệu từ các nguồn chính thống và tin cậy để có thông tin chính xác về những liệt sĩ còn thiếu thông tin, rồi đưa lên mạng xã hội. Ngay lập tức, họ nhận được sự cổ vũ của chị Nguyễn Thị Hiền-thành viên Nhóm Tình nguyện viên báo tin mộ liệt sĩ Việt Nam từ trước đó. Và cuối năm 2019, “Chi nhóm Thái Nguyên” ra đời!.  

Tận tụy với thông tin liệt sĩ

Chỉ trong vài ngày đầu, “Chi nhóm Thái Nguyên” đã kết nối được những cộng sự có bề dày kinh nghiệm, như Trần Vĩnh An, Nam Đàn Chinh (hai trong số quản trị viên của trang “Tình nguyện viên báo tin mộ liệt sĩ Việt Nam”), Kiều Quốc Điệp, Vũ Đình Sơn... Đặc biệt, họ gặp được “Người đưa đò không mỏi” Nguyễn Sĩ Hồ. Ông Sĩ Hồ nguyên là giáo viên ở xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), người ròng rã suốt 31 năm mới tìm được mộ anh ruột (liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa) và đã chụp hình bia mộ ở hầu hết nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước đưa lên mạng. Ngày 30-4-2012, ông Sĩ Hồ ra mắt website “Người đưa đò” tại địa chỉ www.nguoiduado.vn. Gặp nhau “đồng khí tương cầu”, họ chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp với nhau để việc báo tin mộ liệt sĩ lan tỏa và thiết thực.

Quy trình thiết lập thông tin mộ liệt sĩ do “Chi nhóm Thái Nguyên” tiến hành ngày càng hoàn thiện, cho kết quả tốt hơn. Từ những dữ liệu do ông Nguyễn Sĩ Hồ và các nguồn khác cung cấp, “Chi nhóm Thái Nguyên” phân tích, tra cứu, khớp nối rồi chuyển cho tình nguyện viên ở các tỉnh. Ông Dân, ông Chu, chị Hiền giỏi công nghệ thông tin, chia sẻ trên mạng xã hội. Chị Tuyên, chị Vân lợi thế trẻ khỏe, ngoài công nghệ thông tin, còn trực tiếp liên hệ với chính quyền và các ban ngành ở từng địa phương. Sau khi chuyển tin đi thì cập nhật xử lý tin phản hồi, nạp vào kho ứng với các mục về hiện trạng của liệt sĩ, như: Đã được quy tập về địa phương; Cần báo tin gấp; Đang hoàn thiện dữ liệu; Chưa biết tên; Thiếu quê quán...

Không ngày nào các thành viên trong “Chi nhóm Thái Nguyên” ngơi công việc đặc biệt này. Họ kể rằng: “Nhiều khi vừa bưng bát cơm lên, thấy tin nhắn liên quan đến liệt sĩ, thế là bỏ luôn bữa cơm để truy tìm, móc nối liên kết ngay. Bởi càng khẩn trương thì gia đình liệt sĩ càng sớm tiếp cận được phần mộ liệt sĩ, có những mẹ già kịp nở nụ cười vì biết tin con trước khi nhắm mắt. Thậm chí, có lúc túi cạn tiền, phải giảm chi cho việc riêng để ưu tiên lo việc báo tin liệt sĩ”.

Người thân của các thành viên “Chi nhóm Thái Nguyên” cũng vì cảm phục mà tạo điều kiện, cổ vũ họ làm việc thiện. Tuy nhiên, cũng có người chưa hiểu hết những việc làm tốt của “Chi nhóm Thái Nguyên” nên suy diễn, làm méo mó ý nghĩa thiện nguyện của chi nhóm, song các thành viên quyết không nản chí, vì “việc nghĩa đâu quản thị phi”...

Ai đã tiếp xúc với “Chi nhóm Thái Nguyên” đều có những ấn tượng khó quên. Đặc biệt nhất là chị Nguyễn Thị Hiền (ở xã Tân Quang, TP Sông Công, cùng 3 người em đều bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố là CCB từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà năm 1967-1969). Chân tay teo tóp, khi di chuyển phải có người bế, nhưng chị Hiền rất “sáng dạ”. Tiếc là, chị chỉ được học hết cấp 2 thì phải dừng vì hoàn cảnh không cho phép. Mẹ mất sớm. Bố “gà trống nuôi con”. Nhiều khi nhìn bố ngồi bóp trán thâu đêm lo cho các con bị di chứng chất độc hóa học, chị ứa nước mắt...

Thương bố, chị Hiền ngày càng nghĩ nhiều về những đồng đội của bố đã ngã xuống vì Tổ quốc, nay vẫn còn nằm đâu đó nơi rừng sâu núi thẳm! Sau này, nghe nói trên mạng internet có những thông tin về liệt sĩ, chị nảy ý định cập nhật để giúp các gia đình liệt sĩ. Chị tự học hỏi và sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại thông minh. Hằng ngày chị “lên sóng” lấy tin từ kho ảnh liệt sĩ của thầy giáo Nguyễn Sĩ Hồ rồi khớp nối với dữ liệu tìm thấy từ các nguồn khác. Xong, chị xin ý kiến trợ giúp của các chuyên gia báo tin mộ liệt sĩ để hoàn thiện. Cuối cùng, chị cặm cụi thao tác trên chiếc điện thoại thông minh (chị không tự nhấc được chúng lên khỏi mặt bàn), giúp hàng trăm gia đình liệt sĩ có được thông tin đầy đủ về phần mộ của người thân.

Đại tá Tạ Chu bày tỏ: “Tìm mộ và HCLS khi chưa đủ thông tin là việc rất khó. Mình còn khỏe, biết cách làm thì giúp thân nhân liệt sĩ. Khi biết vị trí HCLS chưa được quy tập thì liên hệ với các cơ quan chuyên ngành hoặc đội quy tập HCLS do Nhà nước lập ra để tìm kiếm, quy tập. Kiên quyết ngăn chặn những hành vi tự lập nhóm, xin gia đình liệt sĩ cho giúp khai quật, rồi ngụy tạo những trắc trở, gợi ý gia đình bồi dưỡng tiền!”. Ông còn bộc bạch chuyện tâm can: “Nói chung, giấy chứng tử đầu tiên là do cán bộ ở đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh viết, có đầy đủ thông tin, kể cả địa danh - tọa độ nơi mai táng lần đầu. Nhưng trong giấy báo tử về gia đình thì thường ghi nơi hy sinh là Mặt trận phía Nam, nơi mai táng là nghĩa trang của đơn vị, hoặc là khu đất gần chỗ đơn vị đứng chân. Như thế, gia đình rất khó tìm được phần mộ của liệt sĩ”. Bởi vậy, ông đề nghị: “Giờ đây, cơ quan quản lý giấy chứng tử gốc của liệt sĩ cần rà soát, thông báo rõ địa điểm hy sinh cũng như nơi chôn cất liệt sĩ cho gia đình liệt sĩ biết, để việc tìm hài cốt được dễ hơn”.

Đến nay, với xấp xỉ một vạn lượt liên kết để bổ sung, chỉnh lý, sắp xếp thông tin liệt sĩ; trong đó hoàn thiện dữ liệu thiết yếu về danh tính, mộ phần đối với hàng trăm trường hợp và đã báo tin đến thân nhân của họ (riêng Thượng tá Phạm Văn Dân đã giúp gần 200 gia đình ở tỉnh Cao Bằng và 98 gia đình ở các địa phương khác lần đầu tiên có được thông tin về phần mộ người thân là liệt sĩ), “Chi nhóm Thái Nguyên” đang góp phần cùng các cơ quan chức năng, các tổ chức và cá nhân có tấm lòng thiện nguyện thực hiện tốt việc tri ân, giúp đỡ, động viên các gia đình liệt sĩ, qua đó hun đúc thêm truyền thống, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG