Thay đổi hình thức báo hiếu

Đầu xuân Nhâm Dần, vào Zalo của sư thầy Thích Tịnh Giác thấy thầy đăng mấy tấm ảnh người dân đến chùa Phúc Sơn lễ vái kèm mấy câu thơ: “Lữ khách du xuân đến chùa làng/ Trăm hoa đua nở mừng xuân sang/ Chùa quê chào đón đoàn lữ khách/ Cười vui chúc Tết vạn bình an”. Vẫn là thầy Thích Tịnh Giác mà tôi biết - một người tri thức, sâu sắc, thân thiện và cũng rất hóm hỉnh.

Qua những bức ảnh của thầy tôi còn được biết ngôi chùa ven đô này thật cổ kính và được bao phủ một màu xanh mướt với đủ các loại cây. Phật tử đến đây đều phải thực hiện những nội quy của nhà chùa, như việc phải vứt rác vào thùng phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Dường như ở đây không có thứ gì là bỏ đi, từ những bó hoa héo được chặt ra vun vào gốc cây hay những bát hương cũ. Đặc biệt là việc nhiều người đến chùa không mang theo lễ vật hay vàng mã mà chỉ có một tấm lòng thành tâm.

 Sư thầy Thích Tịnh Giác. 

Để giữ được sự quy củ, nền nếp ấy là cả một quyết tâm lớn của thầy trụ trì Thích Tịnh Giác suốt nhiều năm qua. Trong ánh mắt nhìn về xa xăm, thầy cho biết trước đây khi bắt đầu về trụ trì ngôi chùa này, thầy thấy người dân có những suy nghĩ lệch lạc, thậm chí mê tín quá, nhất là trong việc đốt vàng mã. “Dẫu biết đốt vàng mã là hình thức báo hiếu đã có trong tư duy người Việt suốt nhiều năm nhưng cuộc sống hôm nay có nhiều hình thức tri ân tổ tiên, đấng sinh thành văn minh hơn. Có thể kể đến, như: Mua đồ phóng sinh, mua đồ có thể sử dụng được để có thể chia sẻ được cho người thiếu thốn, khó khăn…”, thầy giãi bày.

Theo thầy Thích Tịnh Giác việc đốt vàng mã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, hơn nữa lại gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, thậm chí còn có nguy cơ gây cháy nổ. Đó không phải là xấu nhưng nếu đốt mà không hiểu thì vô tình sẽ mắc phải 6 tội lỗi, trong đó lớn nhất là tội làm mất đi tính dân tộc, lừa gạt chính mình và làm tổn thương lòng từ bi. “Thực sự khi bắt đầu có thói quen không đốt vàng mà thì người dân cảm thấy không yên tâm, thấy thiếu thiếu gì đó… Nhưng chắc chắn lâu rồi cũng thành quen”, thầy Thích Tịnh Giác nhấn mạnh.

Là người dân sinh sống hơn 70 năm tại làng Kim Sơn, bà Lê Thị Thiêm cho biết, thường xuyên lên chùa và được thầy Thích Tịnh Giác giảng về những sai lệch trong việc đốt vàng mã, bà đã tuyên truyền cho con cháu, họ hàng, hàng xóm được biết và làm theo. Cũng theo quan sát của bà Thiêm thì việc không đốt vàng mã không ảnh hưởng gì đến mồ mả tổ tiên hay đến công việc làm ăn của con cháu. Bà vẫn thấy gia đình và các gia đình trong thôn hưng thịnh, làm ăn phát đạt, bà con hàng xóm đoàn kết, yêu thương, đùm bọc.

“Thả cá, xin đừng thả túi nilon”

Câu slogan “Thả cá, xin đừng thả túi nilon” có lẽ nhiều người cũng đã nói ở đâu đó nhưng chắc rằng không nhiều người làm được như sư thầy Thích Tịnh Giác. Suốt chục năm qua, mỗi dịp Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thầy thường cầm trên tay tấm biển có dòng chữ này đến khu vực chân cầu Chương Dương và Hồ Tây (phía gần đường Thanh Niên) để thuyết phục thả sao cho đúng ý nghĩa tâm linh, vừa giữ vệ sinh môi trường. Hình ảnh đẹp ấy đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Thủ đô và đã xuất hiện trên nhiều trang báo mỗi dịp Tết ông Công, ông Táo lại về.

Trợ giúp sư thầy Thích Tịnh Giác trong việc thuyết phục giữ gìn môi trường, giúp sư thầy sắp xếp nilon, tro, rác có một nhóm các bạn trẻ tình nguyện viên. Sư thầy mong muốn thông qua những hoạt động thế này sẽ tuyên truyền, nhắc nhở đến các tầng lớp nhân dân, trong đó nhất là những bạn trẻ. Bởi theo thầy thì những người trẻ với kiến thức, sự nhanh nhạy sẽ dễ dàng trở thành những tuyên truyền viên tích cực để lan tỏa lối sống lành mạnh, tích cực đến mọi người xung quanh.

 Sư thầy Thích Tịnh Giác tuyên truyền người dân thả cá Tết ông Công, ông Táo.

Thả cá chép trong ngày ông Công, ông Táo vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt, tuy nhiên theo thầy Thích Tịnh Giác, khi thả cá cần đưa cá về đúng môi trường mà cá có thể sinh sống, không nên ném túi nilon hoặc tàn tro xuống hồ. Làm như vậy không những mất đi ý nghĩa tâm linh mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm cá không thể sinh trưởng và phát triển tốt. Bởi thế thầy còn cùng nhóm tình nguyện viên thu gom những chiếc túi nilon, rửa sạch bằng nước, phân loại để tái sử dụng.

Điều mà thầy cảm thấy khó khăn nhất chính là việc người dân vứt bàn thờ, bát hương, tro cốt xuống sông hồ. Điều này không chỉ gây ô nhiễm mà còn gây nguy hiểm cho những công nhân dọn dẹp vệ sinh lòng hồ. “Người Việt ta vẫn luôn quan niệm khi hóa vàng hay thay bát hương, bàn thờ thì vứt xuống sông, hồ cho mát mẻ. Nhưng điều đó là hoàn toàn sai lầm, bởi tổ tiên, ông bà chỉ cảm thấy mát mẻ thật sự khi con cháu thảo hiền và có tâm hướng về tổ tiên”, sư thầy phân tích.

“Tuyên truyền viên” đặc biệt

Dẫu biết “Phép vua còn thua lệ làng”, nhất là với những “lệ làng” đã trở thành một nếp sống, một thói quen cố hữu là rất khó thay đổi. Tuy nhiên với lòng từ bi, nhẫn nại của nhà Phật, thầy Thích Tịnh Giác tin “mưa dầm thấm lâu”, điều đó thể hiện ở việc hơn chục năm qua các phật tử đã thực sự có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, họ đã biết bảo vệ cho chùa khang trang, nhà sạch sẽ, cộng đồng được xanh, sạch. Cùng với đó là việc người dân đã có ý thức hơn trong việc thả cá chép ngày ông Công, ông Táo, đã thay đổi một cách đáng kể trong việc thực hành tâm linh của mình.

Theo thầy Thích Tịnh Giác, phật giáo có một vai trò rất lớn trong đời sống của mỗi người dân. Chính vì thế, thầy muốn nương nhờ vào giáo lý đạo Phật hướng người dân xây dựng một nếp sống văn minh hơn. Không chỉ trong phạm vi một xã, một huyện mà mong các phật tử đến chùa khi đã nhận thức đúng sẽ hành động đúng và mang những kiến thức về nếp sống văn minh ấy áp dụng trong mỗi gia đình để các thành viên trong gia đình cùng tham gia nhằm xây dựng một xã hội văn minh.

 Sư thầy Thích Tịnh Giác và các phật tử tại chùa Phúc Sơn.

Ghi nhận, đánh giá cao những hoạt động vì cộng đồng của thầy Thích Tịnh Giác, đồng chí Nguyễn Thị Phi, Phó chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, nếp sống của thôn, của xã trên địa bàn xã Kim Sơn đã có nhiều thay đổi một phần là nhờ công sức của sư thầy trụ trì chùa Phúc Sơn. Đồng chí Phi chia sẻ khi còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, đã thấy phong trào “Đoạn đường phụ nữ tự quản nở hoa” có sự lan tỏa rất lớn từ sư thầy Thích Tịnh Giác. “Nhờ sư thầy Thích Tịnh Giác mà nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường của Hội trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là việc “nói không” với đốt vàng mã, bởi đây là vấn đề mang tính tâm linh, không dễ dàng có sự thỏa hiệp với người dân”, Phó chủ tịch UBND xã Kim Sơn nhấn mạnh.

Mỗi lần trò chuyện với sư thầy Thích Tịnh Giác, tôi dường như học được ở thầy điều gì đó. Với kiến thức uyên bác, cái tâm sáng, thầy đã vận dụng kiến thức phật giáo răn dạy con người thật dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Thiết nghĩ khi mà trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội xây dựng Chương trình 06 với nội dung “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025” rất cần những người như sư thầy Thích Tịnh Giác. Thầy chính là “tuyên truyền viên” đặc biệt.

Bài và ảnh: THU TRANG