“Gen” âm nhạc truyền thống

Ông Đào Ngọc Cát, sinh năm 1952, quê gốc ở Hưng Yên. Ông từng có thời gian dài gắn bó với quân ngũ, từng giữ vị trí Phó trưởng đoàn nghệ thuật của Quân đoàn I, phụ trách về đàn (giai đoạn 1973-1983). Năm 1983, ông Cát chuyển ngành về làm công tác ở lĩnh vực giao thông vận tải. Dù làm công việc gì, đảm nhiệm vai trò nào thì ông Cát luôn khiến nhiều người nhớ đến và yêu quý bởi tài năng chơi các loại nhạc cụ dân tộc, trong đó nổi tiếng nhất là kỹ thuật sử dụng đàn bầu khá điêu luyện. 

Sở dĩ ông Đào Ngọc Cát có thể sớm sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ dân tộc bởi cụ thân sinh của ông vốn là một người yêu nhạc cổ, lúc sinh thời mưu sinh bằng việc đánh đàn cho các đám hát văn, hầu đồng. Ông Đào Ngọc Cát nhớ lại: “Cha tôi là một người nghiêm khắc khi truyền dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ truyền thống cho tôi. Nhờ đó, tôi đã học hỏi được nhiều điều, từ đó mang âm nhạc phục vụ cho công việc sau này. Từ nhỏ, cha tôi đã dạy bảo rằng, muốn chơi được nhạc tốt thì phải yêu âm nhạc truyền thống bằng cái tâm, quý trọng nhạc cụ như báu vật”. 

Ông Đào Ngọc Cát (giữa) cùng các thành viên đội văn nghệ quần chúng Tam Điệp. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trong môi trường quân ngũ, ông Đào Ngọc Cát là cây văn nghệ nổi tiếng trong và ngoài đơn vị. Cây đàn bầu tuy thô sơ nhưng trong tay ông Cát thì ngọt ngào, trau chuốt và da diết vô cùng. Để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ, ông Đào Ngọc Cát còn được cơ quan gửi đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về âm nhạc tại một số trường như: Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Trung học nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa)...

Liên tiếp trong hai năm 1973 và 1974, Đào Ngọc Cát trong thành phần đoàn nghệ thuật Quân đoàn I tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quân đã giành huy chương Bạc (1973), huy chương Vàng (1974) với tiết mục độc tấu đàn bầu. 

Làm công tác văn nghệ trong quân đội một thời gian dài, tới năm 1983, ông Cát chuyển ngành sang dân sự. Dù làm việc tại một đơn vị sản xuất, kinh doanh, song với ngón đàn độc đáo của mình, ông Cát vẫn thường xuyên tham gia các hội diễn hay hoạt động văn nghệ quần chúng.

Có một thời gian dài, Câu lạc bộ nghệ thuật thị xã Tam Điệp (nay là TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) do ông Cát tham gia đã hoạt động khá sôi nổi, trở thành cái tên rất được chú ý trên phạm vi cả tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Là một cựu chiến binh, ông Cát tham gia tích cực vào phong trào nghệ thuật quần chúng tại địa phương và giành nhiều thành tích: Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu tiết mục "Vì miền Nam" tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2011, huy chương Vàng độc tấu đàn bầu "Trông cây lại nhớ tới Người" tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2014...

Sẵn sàng truyền nghề

Ở tuổi “cổ lai hy” nhưng do niềm say mê với đàn bầu nên ông Đào Ngọc Cát thi thoảng vẫn nhận lời mời giao lưu với nhiều danh cầm, đệm đàn cho các hội thơ, các hội hát văn. Với tâm nguyện muốn truyền ngón đàn của mình cùng ngọn lửa đam mê cổ nhạc cho những người trẻ tuổi, nên những năm qua ông Đào Ngọc Cát đã nhận dạy nhạc miễn phí cho những ai muốn theo học. 

Không phân biệt tuổi tác, trình độ, chỉ cần có niềm đam mê với âm nhạc truyền thống là ông Đào Ngọc Cát sẵn sàng truyền dạy. Trong số các học trò của ông Cát có nhiều người đang gắn bó với nghề khi phục vụ trong các gánh hát văn, hoạt động trong các đội văn nghệ quần chúng…

Nhiều bạn trẻ nhờ ông Cát chỉ dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ nay đang là những sinh viên triển vọng của trường nghệ thuật. Em Ngô Bá Thi, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Nhạc công, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho biết: “Em có 1 tháng được thầy Cát chỉ dạy kiến thức về âm nhạc trước khi thi đại học, đặc biệt là kỹ thuật chơi đàn tranh. Em còn học được ở thầy tinh thần cần cù, chịu khó tìm tòi. Đây cũng là chất xúc tác để em hoàn thành tốt kỳ thi đại học và nhiều năm liền được nhận học bổng của nhà trường”.

Ông Đào Ngọc Cát say sưa chơi đàn bầu trong video đăng tải trên YouTube. Ảnh chụp màn hình.

Gần đây, nhờ sự ủng hộ của con trai, ông Đào Ngọc Cát đã lập một kênh YouTube có tên “Ngọc Cát đàn bầu” nhằm chia sẻ những video chơi nhạc cụ cho đông đảo mọi người biết đến. Những làn điệu của bài “Quảng Bình quê ta ơi”, “Khúc hát sông quê”, “Dáng đứng bến tre”, “Tháng năm nhớ Bác”, “Tình đất”… được ông Đào Ngọc Cát thể hiện khá điêu luyện nhận được nhiều sự quan tâm, khen ngợi của công chúng.

Có những video thu hút đến hơn chục nghìn lượt xem và những bình luận tích cực. Anh Nguyễn Anh Hoàng (Nam Định) bày tỏ: “Tôi luôn theo dõi kênh “Ngọc Cát đàn bầu” và đặc biệt thích bài “Tình đất”. Tôi đã nghe rất nhiều người chơi bài “Tình đất” bằng đàn bầu nhưng với tôi anh Đào Ngọc Cát là người chơi hay nhất. Mong rằng anh Cát sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, để những người yêu nhạc truyền thống như chúng tôi được thưởng thức”.

Theo ông Đào Ngọc Cát, trước đây mỗi lần làm video và đăng tải lên YouTube ông phải nhờ sự giúp sức của con trai đang công tác ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Gần đây, dưới sự hướng dẫn của con, ông Cát đã thuần thục việc tự dùng điện thoại thông minh quay video mình chơi đàn rồi đăng tải lên kênh YouTube.

Khi được hỏi về kế hoạch trong việc lưu giữ và truyền dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ truyền thống, ông Đào Ngọc Cát cho biết: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ dân tộc cho những ai muốn theo học và thường xuyên đăng tải video lên YouTube. Điều tôi trăn trở nhất là những người đến chỗ tôi học chơi đàn đa phần đã cao tuổi, đối tượng thanh thiếu niên khá ít. Bây giờ giới trẻ chỉ thích nhạc hiện đại thôi, hiếm lắm mới có bạn trẻ đam mê và theo đuổi với nhạc cụ dân tộc. Mong rằng việc làm của tôi sẽ góp phần giúp các bạn trẻ thay đổi nhận thức, quan tâm hơn đến các loại nhạc cụ, âm nhạc truyền thống của Việt Nam”.

QUỲNH TRANG