Hơn chục năm về trước, tôi gặp sư thầy Thích Đàm Ngoan trong buổi liên hoan chia tay, động viên thanh niên xã Hoằng Thanh lên đường nhập ngũ. Quà của sư thầy tặng mỗi thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ rất giản dị, là quyển sổ tay, tuýp kem đánh răng, bàn cạo râu và ít tiền. Ấn tượng nhất với tôi khi đó, sư thầy là cô gái còn rất trẻ. Trên bục phát biểu, sư thầy cho rằng: “Dù lương hay giáo, đã là công dân đất Việt, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Khi đó, chùa Hồi Long mới bắt đầu khởi công xây dựng.

Tình thương nơi cửa Phật

Đến hôm nay, trên diện tích 1ha, nhà chùa đã có các khu thờ tự bề thế, khang trang. Không những thế, tháng 10-2018, nhà chùa chính thức được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa ký quyết định thành lập Trung tâm từ thiện xã hội với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ việc ăn ở, nuôi dưỡng, học tập và hoạt động cho các em. Hơn 10 năm trụ trì, có 18 trẻ mồ côi, bất hạnh, không nơi nương tựa được sư thầy Thích Đàm Ngoan cưu mang. Cho đến nay, đã có 7 trẻ được gia đình đón về. Giờ đây, mái ấm tình thương của sư thầy Thích Đàm Ngoan còn 11 trẻ, bé nhất 2 tháng tuổi, lớn nhất cũng 19 tuổi rồi; trong đó, 1 bé bệnh tim bẩm sinh và 1 bé bị bệnh thiểu năng.

Trò chuyện với chúng tôi, sư thầy Thích Đàm Ngoan cho biết: “Đầu tháng 10, giữa cái đêm mưa bão ập vào dải đất miền Trung, bé Cà Chua này bị bỏ rơi ngay cổng chùa, chỉ mới được hơn 2 tháng tuổi. Nhận bé về chùa hôm trước, hôm sau nhà chùa mang con lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để khám sức khỏe. Các thầy thuốc của bệnh viện kết luận con bị tim bẩm sinh. Còn đây là bé Sâu, bị bỏ rơi ở chùa Đại Bi, TP Thanh Hóa. Khi nhận Sâu về, con nặng 1,4kg, rất yếu. Hơn 20 ngày nằm ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, con chỉ tăng được 400g. Khi Sâu uống được sữa là đưa về chùa nuôi đến nay. Giờ cô bé rất hiếu động...”. Chỉ từng bé thầy đặt tên các con là các loại cây, củ, quả rất gần gũi, như: Su Su, Cà Rốt, Bắp Cải, Cà Chua... nhưng tên khai sinh của các con lại rất đẹp, như: Bảo An, Bảo Minh, Tuệ Đăng, Bình An... với mong ước tương lai của các con sẽ không còn bất hạnh và luôn được chở che, bình an, hạnh phúc...

Dù nhọc nhằn, vất vả nhưng sư thầy Thích Đàm Ngoan luôn ngập tràn hạnh phúc khi nhìn lũ trẻ ngày một khôn lớn.

Gần hai năm qua, Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long trở thành ngôi nhà của những trẻ bất hạnh bị bỏ rơi. Không có tình cảm của cha mẹ, thay vào đó, các con được sư thầy và các mẹ trong chùa yêu thương, chăm bẵm. Hằng ngày, sư thầy Thích Đàm Ngoan vẫn dành thời gian kiểm tra việc ăn uống, ngủ nghỉ và theo dõi sức khỏe của từng bé. Hiện tại, có 5 cháu dưới 2 tuổi thầy đều phải thuê người chăm sóc. Đặc biệt, 2 cháu mắc bệnh hiểm nghèo thì việc theo dõi sức khỏe, diễn biến bệnh tật luôn được sư thầy Thích Đàm Ngoan quan tâm hằng ngày. “Khó khăn lớn nhất là mọi người trong chùa đều chưa ai biết nuôi con nhỏ. Vì vậy, tôi phải tự học cách chăm sóc, nuôi dạy các con, từ cách tắm rửa, pha sữa đến nấu cho các con ăn... Tất cả phải tự mày mò, vừa học trên mạng, vừa rút kinh nghiệm thực tế để nuôi dạy các con ngày một tốt hơn...”, sư thầy Thích Đàm Ngoan chia sẻ.

Ngoài 5 cháu bé dưới 2 tuổi, sư thầy Thích Đàm Ngoan hiện nuôi 6 cháu đang theo học ở các bậc học, gồm: 1 cháu mầm non, 3 cháu tiểu học, 1 cháu học THCS và 1 cháu học THPT. Mỗi cháu một hoàn cảnh, có cháu mồ côi cả cha mẹ, có cháu không có bố, mẹ bỏ quê đi không có thông tin. Đặc biệt, hai anh em Lường Hữu Hoàng và Lường Thị Hải Yến có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mẹ mất từ lúc Yến mới 6 tháng tuổi, bố bị tâm thần, không kiểm soát được hành vi... Hơn một năm nay, các cháu được sư thầy Thích Đàm Ngoan nhận về chùa. Hằng ngày, sư thầy Thích Đàm Ngoan vẫn cho các cháu đến trường theo học.

Để có kinh phí trang trải cuộc sống và chăm sóc, nuôi dạy các con, sư thầy Thích Đàm Ngoan bắt tay vào nghiên cứu làm hương, làm tinh dầu sả, nấm, mộc nhĩ. Ban đầu thầy thuê người về hướng dẫn, rồi sau tự mày mò tìm cách làm mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, xưởng của thầy đang sản xuất 3 loại hương và bán rất chạy trên thị trường: Hương trầm thuốc bắc, hương sả và hương bài. Cùng với đó, việc nuôi trồng các loại nấm, mộc nhĩ sạch đã giúp trung tâm có nguồn thu từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi năm. "Việc lo ăn uống, trả lương cho 12 người là bảo mẫu, nấu ăn, bảo vệ đang làm việc tại trung tâm, mỗi tháng hết trên dưới 100 triệu đồng, đó là chưa tính đến kinh phí trang trải việc chăm nuôi, thuốc men cho hơn chục đứa trẻ... Nếu có quyết tâm, mọi việc chắc chắn sẽ ổn thỏa. Mình không sợ khổ, nhìn thấy các con khôn lớn trưởng thành, đó là động lực để vượt qua, là hạnh phúc lớn nhất để mình quên đi khó nhọc hằng ngày...”, sư thầy Thích Đàm Ngoan cho biết.

Ghép lại những mảnh đời bất hạnh

Hơn 10 năm là trụ trì chùa Hồi Long, đưa Trung tâm từ thiện xã hội vào hoạt động được gần 2 năm, nhờ sự cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng của sư thầy Thích Đàm Ngoan, đến nay, đã có 7 cháu được đoàn tụ với gia đình. “Đó là cái đích lớn nhất để trung tâm hướng tới...”, sư thầy Thích Đàm Ngoan khẳng định.

 “Khi các con bị bỏ rơi, tôi đã phải làm việc với địa phương tiến hành làm giấy khai sinh, hộ khẩu để các cháu được đến trường như bao trẻ khác... Có trường hợp, nhà chùa nhận các con đang còn rất nhỏ, nhưng sau vài năm nuôi dưỡng, khôn lớn thì có người đến nhận. Thế là tôi lại cùng gia đình đưa con đi xác định ADN. Qua xét nghiệm, nếu đúng huyết thống, tôi mới bàn giao cho gia đình”. Cũng có không ít trường hợp đến nhận con, khi sư thầy Thích Đàm Ngoan nói đến việc xác định ADN thì họ hẹn dịp khác quay lại... Chẳng có niềm vui sướng nào hơn khi những đứa trẻ ngày nào bị bỏ rơi nay đã khôn lớn, trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội và được đoàn tụ với gia đình. Khi khôn lớn thành người, các con có cuộc sống gia đình riêng, chỉ mong các con nhớ, nơi đây từng là nhà của mình” sư thầy Thích Đàm Ngoan tâm sự.

Đến thăm các cháu đang được nhà chùa nuôi dưỡng theo học tại Trường Tiểu học xã Hoằng Thanh, chúng tôi được cô giáo Trần Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ ngày về trụ trì tại chùa Hồi Long, sư thầy Thích Đàm Ngoan rất quan tâm đến số phận các em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh trên địa bàn. Không những chăm lo cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ, thầy còn phối hợp với các nhà trường trên địa bàn để các em được đến trường học văn hóa, học ngoại ngữ. Các em được thầy chở che, nuôi dưỡng đều rất ngoan, lễ phép và học giỏi. Ngoài ra, sư thầy còn thường xuyên phối hợp với nhà trường tổ chức tặng thưởng các phần quà, quần áo đồng phục, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn mỗi dịp lễ, Tết và đầu năm, cuối năm học. Chúng tôi đánh giá rất cao các hoạt động của sư thầy Thích Đàm Ngoan trong những năm qua”.

Sư thầy Thích Đàm Ngoan có nhiều năm tích cực đóng góp xây dựng trường học, tặng quà trẻ em; tổ chức khám bệnh cho bà con nghèo ở các bản vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa); mới đây, sư thầy còn trực tiếp tổ chức đoàn từ thiện đến các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình tặng quà, hỗ trợ những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt, sạt lở đất với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt vừa qua, sư thầy Thích Đàm Ngoan được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH