Sáng tạo trong phát triển kinh tế

Sinh năm 1961 trong một gia đình nghèo ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, do cuộc sống ở quê nhà khó khăn, năm 1991, ông Sanh rời quê hương đến vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp. Trong một lần chở cá giống thuê về huyện Lắk, ông biết đến vùng đất thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl có nhiều tiềm năng phát triển cánh đồng lúa nước.

Sau đó trở lại thôn, ông xin gặt lúa thuê cho gia đình ông Bùi Văn Nhi, là hộ nức tiếng giàu có trong vùng. Những lần đi gặt, ông nhận thấy bà con canh tác rải rác trong các thung lũng của cánh đồng theo cách làm khá lạc hậu: Thu hoạch xong cày lật đất lên để vãi lúa, sau đó dùng bừa lấp hạt lại chờ mưa để sản xuất một vụ, trong khi nguồn nước sông dồi dào, có thừa điều kiện sản xuất 2 vụ/năm.

Ông Sanh có ý nghĩ sáng tạo giúp gia đình ông Nhi khai hoang mở rộng diện tích bằng cách đào mương dẫn nước sông Krông Ana về ruộng, mua máy bơm, hút nước lên để sản xuất hai vụ. Thấy ông Sanh có ý tưởng sáng tạo, ông Nhi tạo điều kiện cho ông vay 9 chỉ vàng để mua máy bơm và cho thuê 6 sào ruộng để trồng lúa làm mẫu. Ông Sanh còn thuê thêm 1,3ha đất trống của bà con trong vùng để trồng đậu xanh. Đất không phụ công người, vụ đầu tiên, 6 sào ruộng lúa đã cho thu hoạch 5,5 tấn thóc; 1,3ha đậu xanh cũng cho thu hoạch 1,4 tấn hạt. Có tiền, ông Sanh trả hết nợ, còn mua thêm được 6 sào ruộng và tích trữ 5,5 tạ lúa, một máy bơm để làm vốn.

Có vốn làm ăn, ông Sanh đón vợ con ở quê Thanh Hóa vào cùng sinh sống, lập nghiệp. Cứ thế, vừa canh tác, vợ chồng ông Sanh tự khai hoang đất rẫy, mở rộng diện tích sản xuất. Thấy hộ dân trong vùng có đất trống, không sản xuất là ông xin thuê lại để làm, ai rao bán thì ông vay mượn tiền để mua. Với bản tính chất phác, cần cù, có kinh nghiệm trồng lúa nước, lại ham học hỏi, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, vụ mùa năm nào gia đình ông cũng bội thu, năng suất lúa đạt từ 7 đến 9 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Sanh (bên phải) trao đổi về sản xuất lúa gạo thương hiệu "Thanh Bình". 

Từ hai bàn tay trắng, sau gần 30 năm nỗ lực, cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, đến nay ông Sanh đã có 40ha đất canh tác, trong đó có 30ha trồng lúa, diện tích còn lại ông trồng thêm khoai, bắp. Những diện tích vùng trũng canh tác kém hiệu quả, ông bơm nước sông vào để trữ nước sản xuất trong mùa khô, đồng thời nuôi cá tăng thêm thu nhập. Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa được ông triển khai từ năm 2006.

Thời gian thả cá bắt đầu ngay sau khi kết thúc vụ Đông Xuân (tháng 4), ông thả 3 tấn cá giống các loại: Trắm, chép, mè, bống, lóc, rô phi... vào chân ruộng để nuôi. Cách nuôi của ông ít phải đầu tư thức ăn bởi có thể tận dụng lượng thức ăn từ đồng ruộng. Trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp giảm chi phí về phân bón vụ lúa tiếp theo. Mỗi năm, mô hình cho thu hoạch một lứa, mỗi lứa thu từ 8 đến 10 tấn; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

Góp sức đổi thay một vùng quê

Được bà con trong thôn tín nhiệm, năm 2006, ông Sanh đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình. Cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho ông tiếp quản hai trạm biến áp và hai máy bơm phao. Trên cơ sở đó, ông Sanh vận động các thành viên góp vốn, đầu tư trạm biến áp, kéo đường dây điện để lắp đặt trạm bơm đưa nước về ruộng, phục vụ bà con sản xuất hai vụ. Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình đã xây dựng được 6 trạm biến áp, 40km đường dây hạ thế, lắp đặt 90 máy bơm lớn, nhỏ trải dài trên cánh đồng từ thôn Buôn Triết đến các buôn: Krông, Kmăl, Tur 1 của xã Dur Kmăl. 

Nhờ đó, thôn Buôn Triết đã đổi thay từng ngày, nhiều hộ dân trong thôn đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những diện tích đất trước năm 1991 bị bỏ hoang nay đã là cánh đồng lúa; từ 300ha lúa một vụ nay đã phát triển gần 1.000ha lúa hai vụ. Dân số tăng từ 100 hộ lên gần 370 hộ, với gần 1.700 nhân khẩu. Thôn hiện chỉ còn 9 hộ nghèo. Bà con không chỉ trồng lúa mà còn trồng thêm một số loại cây khác như: Khoai lang, đậu các loại, bí, chanh dây... và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm bà con thôn Buôn Triết cung cấp ra thị trường 8.000-9.000 tấn lúa, 3.000 tấn khoai lang, chưa kể các loại nông sản khác.

Nhắc đến ông Sanh, ông Phạm Đăng Xế, từng làm Trưởng thôn Buôn Triết từ năm 1982 đến 1995 cho hay: “Từ ngày ông Sanh lên làm Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình, thu nhập của xã viên được nâng cao”. Trao đổi với chúng tôi về gương nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Văn Sanh, đồng chí Trần Quốc Toàn, Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl khen ngợi: “Không chỉ tự thân đi đầu, làm gương trong sản xuất giỏi mà kể từ khi đồng chí Nguyễn Văn Sanh đứng ra thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình và HTX được giao quản lý, lắp đặt các trạm bơm nước, bà con thôn Buôn Triết luôn được bảo đảm nguồn nước sản xuất lúa hai vụ, đạt năng suất cao. Điển hình như trong đợt nắng hạn kéo dài vụ Đông Xuân 2019-2020, trong khi khắp nơi gồng mình chống hạn nhưng cánh đồng thôn Buôn Triết và cánh đồng các buôn Krông, Kmăl, Tur 1 vẫn bảo đảm nguồn nước cuối vụ, năng suất lúa đạt 12 tấn/ha. Không chỉ chống hạn trong mùa khô, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình còn giúp bà con chống ngập úng trong mùa mưa lũ".

Đưa thương hiệu gạo "Thanh Bình" vang xa

Những năm gần đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình đang triển khai dự án gạo sạch với nguồn vốn đầu tư 10 tỷ đồng, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 3,8 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xay gạo và mua sắm vật tư sản xuất. Trên cơ sở đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình cung cấp giống, phân bón cho các thành viên đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; cuối vụ HTX thu mua, chế biến, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đắc Lắc để tiêu thụ. Mô hình thực hiện được hơn 130ha với 53 xã viên và 19 hộ nông dân tham gia. Trong đó, tại cánh đồng thôn Buôn Triết, buôn Krông, Tur 1 và Kmăl thuộc xã Dur Kmăl triển khai 100ha; còn lại hơn 30ha thuộc các cánh đồng buôn Tría, thôn Hòa Bình 3, buôn Liêng thuộc xã Đắk Liêng, huyện Lắk. 

Về lợi ích kinh tế khi triển khai sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Hoàng Hữu Báu, thôn Hòa Bình 3, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, khẳng định: “Nếu như mọi năm, chi phí cho 130ha hết 37 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật, khoảng 70 tấn phân hóa học, tổng hợp gần 500 triệu đồng cùng ngày công, thì kể từ khi áp dụng khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí đầu tư phân và thuốc giảm từ 15 đến 18%; tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 100% chi phí giống lúa, phân, được tập huấn kỹ thuật canh tác và được bao tiêu sản phẩm, nông sản bán ra cao hơn giá thị trường. Lúa gạo làm ra an toàn tuyệt đối, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn bảo vệ được môi trường sống!".

Được biết, xã Dur Kmăl có 7 thôn, buôn, tổng diện tích lúa nước hơn 2.000ha, riêng thôn Buôn Triết chiếm gần 50% diện tích. Ông Trần Quốc Toàn, Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl cho biết thêm: “Từ trước tới nay, bà con nông dân trong xã chủ yếu sản xuất theo hướng truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, lạm dụng phân bón hóa học nhiều nên giá lúa bán ra thấp, không những thế còn gây ô nhiễm môi trường. Nay HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP là một tín hiệu đáng mừng!”.

Ngoài việc hỗ trợ nông dân trong vùng và xã viên HTX trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Sanh còn đứng ra huy động các nguồn đầu tư để xây dựng con đường bê tông dài 12km, trị giá 24 tỷ đồng, nối thôn Buôn Triết với cánh đồng lúa nước rộng cả nghìn héc-ta, tạo điều kiện để bà con nông dân trong vùng đi lại thuận lợi hơn trong lao động, sản xuất. Không chỉ thế, ông Sanh còn đóng góp 42 triệu đồng để làm mái che cho Trường Mầm non Hoa Pơ Lang và hỗ trợ 60 triệu đồng mua đất xây dựng Hội trường thôn Buôn Triết. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, đời sống người dân trên địa bàn gặp khó khăn, ông ủng hộ hàng chục tấn gạo cho các hoạt động hỗ trợ bà con trong tỉnh Đắc Lắc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Sanh đã được UBND tỉnh Đắc Lắc tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021”. HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình cũng được UBND tỉnh Đắc Lắc; Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tin rằng, dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Văn Sanh, sự đoàn kết, gắn bó của xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình, sự ủng hộ của bà con thôn Buôn Triết, mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ thành công và thương hiệu gạo Thanh Bình sẽ sớm vươn xa, giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững trên vùng đất Tây Nguyên.

Bài và ảnh: THANH NGA