Làm việc thiện như một lẽ tự nhiên

Quê ở Hải Dương, năm 1970, tốt nghiệp Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa (nay là Đại học Văn hóa Hà Nội), bà được phân công làm việc tại Hiệu sách Nhân dân ở Phú Xuyên. Từ đó, Phú Xuyên trở thành quê hương của bà, nơi đã cho bà một gia đình ấm áp yêu thương.

Môi trường làm việc ở hiệu sách giúp bà có cơ hội được đọc sách mỗi ngày. Bà thường tìm đọc sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà thấy rằng, sinh thời, Bác Hồ làm gì cũng đều nghĩ cho dân, cho nước. Bác cũng rất quan tâm đến người già, thương các em nhỏ, người yếu thế trong xã hội. Người đã phát động và gương mẫu thực hiện Phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” để dành mỗi bữa ăn một nắm gạo nhỏ giúp đỡ người nghèo. Với cán bộ, đảng viên và nhân dân, Người căn dặn thấy “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”. Học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, bà tự nhủ, phải làm thật nhiều việc thiện, việc có ích cho cộng đồng. Thay vì đợi tới lúc khá giả, bà nghĩ nếu mình khó khăn thì có thể làm việc tốt theo kiểu của người còn khó khăn. Một việc dù nhỏ bé, chỉ cần mang lại điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống cũng đáng được trân trọng.

Ngày đó, cuộc sống của vợ chồng bà cũng nhiều vất vả lắm. Chồng bà công tác xa, một năm chỉ ghé về nhà vài ba bận. Mình bà một nách nuôi 3 con nhỏ, ngoài công việc ở hiệu sách, bà còn tay năm tay mười làm thêm, tằn tiện lắm mới đủ sống.

Bà Bùi Thị Hồng (thứ ba, từ phải sang) cùng thành viên câu lạc bộ trong một chuyến thiện nguyện. Ảnh do nhân vật cung cấp 

“Nhà thiếu nguyên liệu để đun, tôi vác xe ba gác đi xin bã mía. Xin được hai xe, nhớ tới lời Bác dạy, tôi chỉ giữ lại một xe bã mía, xe còn lại, tôi chia cho bà con trong làng cùng dùng”. Các con đang tuổi ăn tuổi lớn, gạo chẳng đủ, bà còn phải độn thêm khoai, sắn cho con no bụng. Thế nhưng, khi người còn khó khăn tới gõ cửa nhà nhờ giúp, bà chẳng ngần ngại sẻ gạo trong thùng, sau đó, ai trả thì bà nhận, còn không thì thôi. Bà chẳng bao giờ “ghi sổ” giao hẹn vay nợ, cũng chẳng nhớ ai đã vay mình. Với bà, làm việc thiện là không phải chờ được báo đáp hay kể công.

Nhà nằm ngay trục đường quốc lộ, vì thế, không ít lần bà Hồng chứng kiến các vụ va chạm xe trên đường. Có người quan niệm, đưa người bị nạn vào nhà là mang theo cái rủi, bà lại nghĩ lời người xưa, cứu một người hơn là xây tháp 7 tầng.

Vì thế, chỉ cần nhìn thoáng từ xa có tai nạn là bà có mặt nhanh nhất có thể, hỗ trợ mọi người cấp cứu, sẵn sàng đưa họ vào nhà mình nghỉ ngơi, sơ cứu hay đợi xe cứu thương tới. Có những vụ tai nạn thảm khốc, nạn nhân không may thiệt mạng, bà Hồng bỏ tiền túi, mua tặng tấm áo quan để người mất có “nhà” khi về với đất mẹ. Thậm chí, đó có thể là số tiền còn lại ít ỏi mẹ con bà dùng để nuôi thân trong những ngày sắp tới, nhưng bà không e ngại dùng hết vào việc thiện.

Bà nhớ lại năm 2011, miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Khi xem tin tức qua thời sự, bà đau đáu nghĩ mình phải làm điều gì đó để giúp đỡ đồng bào nơi khúc ruột thân yêu của Tổ quốc. Bà liền viết một tấm biển, đề: “Ở đây nhận đồ cứu trợ miền Trung”, rồi treo trước cửa nhà. Chồng bà thấy vậy, liền bảo: “Bà lẩm cẩm à? Mình không phải cơ quan, tổ chức, tự nhiên treo biển nhận đồ cứu trợ, ai người ta mang tới gửi”.

Nhưng bà Hồng đã chứng minh mình không lẩm cẩm. Sau khi tấm biển được treo lên, không chỉ người xung quanh đó mà nhiều người ở các địa bàn bên cạnh cũng mang đồ tới gửi. Ai gửi gì bà cũng nhận hết, từ quần áo đến gạo, đường, muối, nồi niêu, soong chảo... Khi gửi, không ai yêu cầu bà phải ghi biên nhận đối chiếu, hay cam kết không được sử dụng hàng sai mục đích. Bởi, tất cả đều biết tiếng bà hay làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn.

Ban đầu, bà chỉ để hàng ở một góc trong phòng khách. Rồi khi hàng nhiều lên, bà phải “di tản” hết đồ đạc mới đủ chỗ chứa đồ. Người gửi không yêu cầu chứng nhận nhưng để bảo đảm mọi thứ minh bạch, bà lập hẳn một cuốn sổ ghi chép từng món đồ do ai tặng, tặng lúc nào. Sau đó, cứ vào mỗi chiều, khi mọi người đã về nhà đông đủ, bà lại nhờ đọc danh sách trên hệ thống loa phát thanh. Có người, chỉ gửi một, hai chục nghìn đồng cũng được xướng tên rõ ràng.

Lần đó, bà nhận quyên góp được một xe tải hàng. Bản thân gia đình bà cũng đóng góp mấy tạ gạo và một số đồ đạc. Bà Hồng chuyển đồ tới hội chữ thập đỏ của huyện, đầy đủ, không thiếu dù chỉ một cân gạo... để nhờ chuyển vào hỗ trợ đồng bào miền Trung.

Lan tỏa tấm lòng thiện nguyện

Hơn 10 năm nay, bà Hồng vẫn đều đặn làm từ thiện. Khi thì người khó gọi tới nhờ bà giúp, khi thì bà nghe tin có ai gặp hoàn cảnh khó khăn thì lại tự tìm tới để giúp đỡ họ. Người thì bà hỗ trợ tiền, người bà tặng đồ, người thì bà kết nối để xin việc làm... Tuy nhiên, nhận thấy nếu chỉ một mình làm việc tốt thôi thì chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải động viên thêm nhiều người cùng vào cuộc, cùng làm việc tốt cho cộng đồng.

Đó là lý do năm 2018, bà đứng ra thành lập CLB Phụ nữ thiện nguyện thị trấn Phú Xuyên. Ban đầu, nhóm chỉ có vài chị em thân thiết. Các chị cùng đóng góp tiền, triển khai hoạt động hỗ trợ người khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, mắc bệnh hiểm nghèo không chỉ trên địa bàn mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Dần dần, hoạt động của CLB đã lan tỏa, được nhiều chị em khác hưởng ứng.

Đến nay, CLB lên tới gần 80 thành viên. Trong số này, điều khiến bà cảm động là nhiều chị em đều đang phải vất vả mưu sinh, nhưng luôn mở lòng, sẵn sàng làm việc thiện với tâm niệm của ít, lòng nhiều. Có chị, bản thân còn đang mang trọng bệnh, gia đình cũng rất khó khăn lẽ ra cần được cộng đồng trợ giúp; ấy thế nhưng khi CLB ngỏ ý muốn giúp đỡ thì chị lại từ chối, nhường cơ hội cho người khác và còn đăng ký làm thành viên của CLB. Bà thấy thành công lớn nhất mà bà đã đạt được là lan tỏa được việc tốt tới mọi người.

Từ ngày có CLB, các hoạt động xã hội được triển khai rộng và đa dạng hơn. Hằng tuần, bà Hồng cùng các chị em bỏ kinh phí, đóng góp sức lao động tham gia nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân tại nhiều bệnh viện ở Phủ Lý (Hà Nam), Phú Xuyên và Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội). Khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, bà tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phòng, chống dịch, kết nối, tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hải Dương, Vĩnh Long với khối lượng tiêu thụ gần 100 tấn. Bên cạnh đó, bà còn tham gia tặng quà, hỗ trợ nhân dân, công nhân lao động ở các khu cách ly trên địa bàn Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; tặng quà các hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Xuyên, các quận, huyện trong TP Hà Nội.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, bà đã tham gia trao tặng quà, tiền mặt với trị giá gần 500 triệu đồng. Trong nhiều hoạt động, bà đóng vai trò hạt nhân, luôn trực tiếp đi theo xe hàng, đến thăm bà con khó khăn ở nhiều địa bàn, trực tiếp trao quà, kinh phí hỗ trợ. Nhìn bà, không ai nghĩ bà đã ở vào tuổi hơn 70. Bà Hồng tâm sự: “Càng làm việc tốt thì tôi càng thấy khỏe ra, tinh thần tốt hơn”.

Hiện nay, 3 người con của bà đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Được nuôi dưỡng bởi một người mẹ tốt bụng, các anh, các chị cũng có tính thiện, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác và luôn ủng hộ mẹ nhiệt tình trên hành trình thiện nguyện. Đặc biệt, mỗi khi có dịp vui, hay được tăng lương, cơ quan thưởng vì có thành tích lao động tốt... 3 người con của bà lại tự nguyện trích ra một phần tiền gửi mẹ (có tháng lên tới 4-5 triệu đồng) để làm việc thiện. Bà Hồng bảo: “Các con sống tốt chính là cách báo hiếu mẹ”.

Ngay cả vợ chồng bà cũng đều đặn hằng tháng trích ra tiền triệu để làm việc thiện. Bà nói tiền nhiều, tiêu rồi cũng hết, nhưng làm việc tốt thì càng làm càng hạnh phúc hơn. Vì thế, ngày nào còn đủ sức, bà sẽ còn làm nhiều việc tốt cho đời.

Tấm lòng thiện của bà Bùi Thị Hồng đã được nhiều cấp, ngành ở huyện Phú Xuyên ghi nhận, tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Năm 2021, bà Hồng được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội biểu dương là một trong 10 "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu". 

HOÀNG LAN