Việc làm của chị đã góp phần giúp các dự án bảo đảm tiến độ, giảm tình trạng đơn, thư, khiếu kiện.
Dân vận khéo từ thay đổi nhận thức
Tại lễ tuyên dương điển hình “dân vận khéo” trong giải phóng mặt bằng (GPMB) tỉnh Điện Biên năm 2021, khi cái tên Nguyễn Thanh Huyền được nhắc đến trên bục nhận bằng khen cá nhân xuất sắc, nhiều tiếng vỗ tay đồng tình, cảm phục. Chúng tôi đặt lịch phỏng vấn nhưng gặp chị Huyền không dễ. Lúc thì chị đang đi vận động dân bàn giao mặt bằng, lúc thì chị đang tập huấn cho lớp cán bộ dân vận thôn bản. Ngay cả lúc ngồi chuyện trò cùng chị ở căn phòng làm việc, chị cũng liên tục xử lý công việc qua điện thoại mà như chị nói “việc gì có lợi cho dân, được dân đồng thuận thì phải làm ngay”.
Những dòng trích ngang về học vấn của chị Huyền làm tôi tò mò. Chị sinh năm 1979. Cả 4 năm học tại Trường Đại học Luật Hà Nội, cô sinh viên đến từ Lai Châu là lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn và được kết nạp Đảng tại trường. Chưa thỏa mãn kiến thức đã có, năm 2013, chị bảo vệ luận văn thạc sĩ luật tại trường; năm 2019, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Dù bận rộn nhưng hiện nay, chị đang theo học lớp cao học quản lý kinh tế và lớp văn bằng hai tiếng Anh.
Chị Huyền tâm sự: “Tôi là người ham học từ nhỏ. Là phụ nữ theo đuổi sự học càng khó khăn. Những năm làm luận án tiến sĩ ở Hà Nội, đợt vào kỳ thi, con ốm, tôi tất tả bắt xe đêm về nhà ôm con được vài tiếng lại quay về trường. Nhưng bù lại, kiến thức hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc”.
 |
Chị Nguyễn Thanh Huyền vận động người dân bàn giao mặt bằng tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. |
Từ khi làm công tác dân vận, chị Huyền luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Chính nhờ đó mà khi về cơ sở, chị Huyền nhận ra nhiều bất cập. Có lần chị nghe người dân thắc mắc: “Nhà mình được phát giống cây quế nhưng sao không thấy ai hướng dẫn trồng vậy?”.
Lại có trưởng bản nọ phân trần: “Bản mình nhiều người không có nhu cầu học nghề sửa xe máy mà sao xã vẫn lập danh sách đi tập huấn?”. Chị Huyền suy nghĩ, những việc tưởng đơn giản nhưng bà con vẫn thắc mắc, đó là vì cán bộ dân vận chưa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân dẫn đến cách làm, tuyên truyền chưa đến nơi, đến chốn.
Từ trăn trở đó, năm 2020, chị Huyền bắt tay soạn thảo tài liệu và trực tiếp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp cơ sở. Trong tập huấn, chị Huyền đều cụ thể hóa các vụ việc điển hình ở địa phương và hướng dẫn phương pháp dân vận.
Nhiều địa phương nảy sinh vấn đề khó thì chị xây dựng tài liệu tập huấn chuyên đề như: GPMB ở TP Điện Biên Phủ; thu hồi đất ở huyện Mường Ảng... Trong hai năm 2020-2021, chị Huyền tập huấn cho 14 lớp với hơn 2.500 lượt cán bộ làm công tác GPMB; tập huấn về Luật Đất đai cho hơn 2.000 cán bộ cấp cơ sở.
Trước đây, không ít cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương cho rằng công tác dân vận là của cán bộ chuyên trách hoặc của Mặt trận Tổ quốc, nhưng nay các địa phương đều thành lập tổ công tác dân vận có đầy đủ các thành phần. Hầu hết cán bộ dân vận thành thạo các kỹ năng: Giao tiếp, tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, nhờ đó, nhiều đường lối, chủ trương của Đảng kịp thời đến với người dân.
Đảng viên gương mẫu đi trước
Khu phố 10, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ bây giờ sầm uất, cư dân sinh sống ổn định, người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chị Huyền tâm sự: "Để có sự bình yên này, đã có một cuộc tuyên truyền, vận động quyết liệt để 30 hộ dân về đây.
Chuyện là, năm 2013, khi thực hiện GPMB Dự án nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hơn 30 hộ dân rơi vào cảnh không được bồi thường về đất, không được tái định cư. Nguyên nhân là vì các hộ dân này đã nhận chuyển nhượng lại của các nhân viên bảo tàng trước đây được giám đốc bảo tàng cho mượn đất của tổ chức để làm nhà ở tạm.
Khi ấy, đang là Phó chánh văn phòng UBND TP Điện Biên Phủ, chị Huyền được giao tham mưu giải quyết sự việc. Để vừa thấu tình, vừa đạt lý, chị Huyền tham mưu cho thành phố xây dựng văn bản đề xuất tỉnh cho cơ chế không bồi thường mà hỗ trợ cho dân, với mức 50% giá đất và tạo điều kiện cho mỗi hộ dân mua một suất đất không qua đấu giá. Hộ nào chưa đủ tiền thì cho phép ghi nợ nghĩa vụ tài chính trong vòng 3 năm. Trong thời gian đó không được chuyển nhượng và phải cam kết bàn giao mặt bằng kịp thời hạn cho chủ đầu tư.
Lúc đầu, nhiều hộ dân chưa đồng thuận. Tìm hiểu, chị Huyền biết, phần nhiều trong số các hộ dân ấy là cán bộ, công chức, giáo viên. Phát huy tinh thần “đảng viên đi trước”, chị Huyền xuống các cơ quan gặp lãnh đạo và các đảng viên, công chức để vận động. Chị Huyền nhớ lại: "Có trường hợp một cụ ông quả quyết: “Nếu vào nhà tôi thì các anh chị phải bước qua thân tôi, tôi không đi đâu hết”.
Biết ông cụ có con đang công tác ở một cơ quan trong thành phố, chị Huyền đã gặp, vận động người con của ông cụ. Sau đó, anh này đã vận động được chính bố đẻ mình tiên phong bàn giao đất. Sau hơn hai tháng, hơn 30 hộ dân đã chấp thuận bàn giao mặt bằng, chuyển sang định cư ổn định tại phố 10 phường Thanh Trường, không phải cưỡng chế một trường hợp nào, không có đơn khiếu kiện.
“Cẩm nang” dân vận giải phóng mặt bằng
Một buổi sáng trung tuần tháng 11-2021, chúng tôi cùng chị Huyền và Tổ công tác dân vận TP Điện Biên Phủ đến nhà bà Trịnh Thị Tỵ ở phường Him Lam. Gia đình bà Tỵ bị thu hồi hơn 2ha đất. Trước khi chồng mất, ông bà viết di chúc chia 7 suất đất cho con, nay bà yêu cầu cấp 7 suất đất tái định cư và cho mua 9 suất đất không qua đấu giá. Chị Huyền ân cần giải thích, theo Luật Dân sự, di chúc chỉ có hiệu lực pháp lý khi người để lại di sản chết đi và những người hưởng thừa kế thực hiện các thủ tục khai nhận theo quy định. Trường hợp nhà bà Tỵ, di chúc chưa phát sinh hiệu lực pháp lý nên không có căn cứ.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp vướng mắc trong công tác GPMB, nhưng qua đó, chị Huyền nhận định: Một số cán bộ dân vận không nắm chắc trình tự, thủ tục nên khi tuyên truyền, vận động lại không giải thích hoặc không làm rõ kiến nghị của người dân. Đó là lý do tỉnh Điện Biên thực hiện một số dự án nhưng đều chậm tiến độ, do vướng mắc trong GPMB.
Năm 2020, Tỉnh ủy Điện Biên đã giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy làm công tác tuyên truyền, vận động GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn. Là cán bộ dân vận, được giao trọng trách, chị Huyền không khỏi lo lắng. Vận dụng các quy định của Luật Đất đai, quy định của Đảng về công tác dân vận, chị Huyền đã tham mưu, xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 05-HD/BDVTU ngày 27-2-2020 về công tác dân vận trong GPMB để triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Có Hướng dẫn 05, 10 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Tổ công tác dân vận GPMB. Chị Huyền đã xuống địa bàn tập huấn hướng dẫn và trực tiếp đến các hộ dân để vận động. Hướng dẫn 05 được xem là “cẩm nang” dân vận giúp cán bộ nắm rõ các quy trình, quy định về GPMB cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ và làm thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền.
Chị Huyền khẳng định: "Lâu nay có tình trạng, một số cá nhân biết trước thông tin dự án và có hiện tượng trục lợi chính sách, mua đất trong vùng dự án; một số hộ dân tự ý tách khẩu để hưởng các suất đất tái định cư... Nay theo tinh thần Hướng dẫn 05, tất cả các bước dự án phải công khai cho dân có quyền giám sát. Minh chứng cho tinh thần ấy là nhiều trường hợp làm chưa đúng quy định, thời gian qua đã kịp thời được chấn chỉnh".
Tại TP Điện Biên Phủ, khi công khai cấp đất tái định cư, gia đình ông Nguyễn Đức N được 6 suất thì người dân phản ứng gay gắt: “Tại sao ông N chỉ có một nhà ba gian, hiên tây mái chảy mà bây giờ chia làm 3 ô cho 3 người con”, ngay lập tức thành phố cho kiểm tra lại và công khai điều chỉnh.
Hay trường hợp ông Hoàng Ba Dương, thành phố đền bù cho ông 200m2 đất ở, nhưng sau khi công khai phương án đền bù, chị Huyền cùng đoàn kiểm tra xuống giám sát thì phát hiện chưa phù hợp. Chị Huyền khẳng định: “Ông Dương mua đất của chủ cũ được cấp trước ngày 15-10-1993, đồng thời ông Dương có hai thế hệ chung sống, theo luật, ông được đền bù 400m2 nên phải bổ sung lại”...
Với tinh thần của Hướng dẫn 05, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ngày 29-10-2021, tức sau 7 tháng, UBND tỉnh Điện Biên đã giao đủ 149,75ha đất mặt bằng cho Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; giải quyết tái định cư cho hơn 1.300 hộ dân. Dự án đường 60m hoàn thành công tác GPMB. Thành công ấy phải nói đến những đóng góp của công tác dân vận trong GPMB và chị Nguyễn Thanh Huyền là một tấm gương sáng tiêu biểu trong phong trào “dân vận khéo”.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN