Kịp thời truy vết, quyết liệt đấu tranh với vi phạm

Gần hai tháng qua, Trung tá Triệu Quang Lợi, Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) và đồng đội đã tiến hành truy vết được 125 trường hợp F0, hơn 2.100 trường hợp F1 và gần 15.000 trường hợp F2; tổ chức điều tra thông tin hơn 7.500 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; phát hiện, xử lý và đề nghị xử lý 319 trường hợp vi phạm quy định và phản ánh thông tin sai sự thật liên quan đến phòng, chống dịch (PCD)... Đặc biệt, anh đã có những đề xuất hiệu quả về cách truy vết các F, giúp giảm thời gian truy vết, giảm số người phải cách ly; khắc phục tình trạng người nhiễm Covid-19 hoảng loạn, không nhớ chính xác, thậm chí có người cố tình che giấu lịch trình hoạt động và di chuyển... 

Những ngày chống dịch, Trung tá Triệu Quang Lợi và đồng đội như chạy đua với thời gian để truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, khống chế dịch lây lan; trong đó có những trường hợp phải đấu tranh nghiệp vụ rất phức tạp. Anh Lợi kể: Vào tối 19-6, sau khi nhận tin hai trường hợp thuộc diện F1 của thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) di chuyển xuống địa bàn huyện Lạng Giang, anh lập ngay tổ công tác truy tìm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến chiều 20-6, tổ công tác tìm được 4 đối tượng (2 nam, 2 nữ), đưa về Trạm Y tế xã Tân Thanh (Lạng Giang) để test nhanh thì cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Những người này là "đối tượng xã hội" nên xóa sạch hình ảnh, cuộc gọi trên điện thoại và khai báo không trung thực khiến cho công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Phải mất nhiều giờ kiên trì đấu tranh, 4 đối tượng mới chịu khai ra lịch trình di chuyển qua 3 tổ dân phố của thị trấn Vôi và 2 thôn của xã Tân Thanh. Vậy là các anh lại phối hợp với các lực lượng tiến hành thần tốc truy vết, đưa các trường hợp tiếp xúc với 4 ca F0 nêu trên đi cách ly. Nếu hôm đó không kịp thời truy tìm được 4 đối tượng F0 thì không biết tình hình dịch của huyện Lạng Giang còn phức tạp đến đâu.

Trung tá Triệu Quang Lợi. 

Trước đó, vào chiều tối 31-5, trên mạng xã hội lan truyền thông tin bộ phận phục vụ cách ly ăn bớt tiêu chuẩn của người cách ly trên địa bàn huyện. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Trung tá Triệu Quang Lợi xác định được nguồn thông tin từ tài khoản zalo Thu Ngô, chủ tài khoản là Ngô Quang Thu, sinh năm 1981, trú tại thôn Cầu Ván, xã Dương Đức (Lạng Giang), đang cách ly tập trung tại Trường Mầm non Tân Dĩnh. Kiểm tra ban đầu thì thông tin phản ánh không đúng sự thật nhưng gây dư luận rất xấu. Lập tức Trung tá Triệu Quang Lợi cùng tổ công tác mặc đồ bảo hộ vào khu cách ly để làm rõ đúng sai. Ban đầu, đối tượng Thu cho rằng mình phản ánh đúng, nhưng với đầy đủ chứng cứ đã thu thập, Trung tá Triệu Quang Lợi tổ chức một buổi đối chất công khai ngay tại khu cách ly. Công dân Ngô Quang Thu đứng giữa sân, còn bộ phận bảo đảm hậu cần, cán bộ quản lý khu cách ly, cùng một số người dân đang cách ly đứng xung quanh (bảo đảm giãn cách phòng dịch), tiến hành đối thoại làm rõ phản ánh của Thu trên mạng xã hội. Với những chứng cứ thuyết phục, nhất là khi nhiều cô giáo tình nguyện vào nấu ăn trong khu cách ly vừa nói, vừa khóc vì lòng tốt của họ bị xúc phạm, đối tượng Ngô Quang Thu đã nhận lỗi đưa thông tin sai; chấp nhận nộp phạt 7,5 triệu đồng và đính chính lại thông tin trên zalo.

Thượng tá Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng công an huyện Lạng Giang cho hay: Trong quá trình tham gia PCD phát sinh nhiều tình huống chưa có tiền lệ, đặt ra những khó khăn, thách thức, nhất là việc truy vết phải rất nhanh để tránh dịch lây lan. Trung tá Triệu Quang Lợi đã rất linh hoạt, tổ chức làm việc quyết liệt với trách nhiệm cao, tham mưu trúng, đúng và kịp thời để công tác lãnh đạo, chỉ đạo tham gia PCD của Công an huyện Lạng Giang đạt hiệu quả tốt. Đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo các cấp, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đối với Trung tá Triệu Quang Lợi vì có thành tích xuất sắc trong tham gia PCD Covid-19.

Trên hết là nhiệm vụ chống dịch

Gần 10 giờ ngày 27-6, sau khi chuyến xe cuối cùng lăn bánh chở 1.350 công nhân từ xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) về Lạng Sơn, đồng chí Nguyễn Kỳ Thỏa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Quang Châu, mới về trụ sở xã ăn vội bát mì tôm bữa sáng, rồi anh lại tiếp tục tham gia rà soát gần 1.000 công nhân hiện có trên địa bàn, chuẩn bị bàn giao cho các địa phương.

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, xã Quang Châu là địa phương bị dịch tấn công khủng khiếp nhất với gần 3.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2, gần 20.000 công nhân thuê trọ trên địa bàn và khoảng 10.000 nhân khẩu của xã sống trong thấp thỏm, lo âu. 6 tuần qua, đời sống, lao động, sản xuất của xã bị đảo lộn, ngưng trệ, việc thực hiện phong tỏa và bảo đảm đời sống cho hơn 3 vạn người, rồi liên tục truy vết, chuyển đi điều trị, cách ly... gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, nhất là vận dụng phương châm “4 tại chỗ”, xã Quang Châu đã kiểm soát được dịch bệnh, gần 2 vạn công nhân được tạm đưa về các địa phương để tiếp tục cách ly. Trong những ngày địa phương "chiến đấu với giặc Covid-19", lực lượng dân quân xã dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Kỳ Thỏa đã có đóng góp rất quan trọng. 

Đồng chí Nguyễn Kỳ Thỏa đến từng nhà làm công tác tuyên truyền phòng dịch. 

Tới các khu cách ly ở xã Quang Châu, chúng tôi được nghe chuyện khi xã kích hoạt 6 khu cách ly, hầu hết các dân quân sẵn sàng vào khu cách ly làm nhiệm vụ, thế nhưng một số gia đình lo lắng, không muốn để người thân của mình vào khu cách ly vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, hơn nữa vào đó chưa biết khi nào mới được về nhà, trong khi đã đến mùa vụ thu hoạch... Trước tình hình đó, anh Nguyễn Kỳ Thỏa đã đến trước cửa nhà từng dân quân để giảng giải, động viên, thuyết phục các gia đình xác định lúc này phải coi việc chống dịch là trên hết, yên tâm để dân quân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bảo vệ chính gia đình, làng xóm và không sợ nguy hiểm vì khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn; được Nhà nước hỗ trợ chế độ, chính sách và việc thu hoạch mùa vụ thì xã sẽ sắp xếp giúp đỡ... Có đêm, anh Thỏa chỉ huy dân quân cùng các lực lượng tổ chức đưa các công nhân đi cách ly ở Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang từ 15 giờ chiều hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau mới được lót dạ mẩu bánh mì. 

Đồng chí Đỗ Ngọc Mong, Bí thư Đảng ủy xã Quang Châu kể rằng: Dưới sự phụ trách của Chỉ huy trưởng Ban CHQS Nguyễn Kỳ Thỏa, các chiến sĩ dân quân luôn nhiệt tình tham gia thực hiện nhiệm vụ, từ hỗ trợ các đoàn y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng; đưa công nhân vào khu cách ly; nhận hàng hóa ủng hộ; rà soát, phân loại, đưa đi hỗ trợ các gia đình và hàng chục nghìn công nhân không để ai bị bỏ sót. Chỉ riêng bảo đảm ăn uống, mỗi ngày, toàn xã tiêu tốn gần chục tấn gạo cùng hàng chục tấn thực phẩm khác; rồi duy trì các chốt kiểm soát phòng dịch... Mọi công việc, anh Thỏa và các chiến sĩ dân quân đều xông xáo và trách nhiệm hết mình.

 Chúng tôi được biết, đồng chí Nguyễn Kỳ Thỏa trước đây là chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 229 (Binh chủng Công binh), được kết nạp Đảng khi đang tại ngũ. Mặc dù nhà chỉ cách trụ sở UBND xã Quang Châu chưa đầy 2km, nhưng đã 50 ngày trôi qua, anh tham gia "chiến đấu với giặc Covid-19" nên không thể về nhà, chỉ thi thoảng tranh thủ lúc đi làm nhiệm vụ qua ngõ... nhìn vợ con từ xa, rồi tiếp tục công việc. Anh bảo, từ lúc lập gia đình đã 15 năm nay, chưa lúc nào xa nhà lâu như lần này. Bây giờ, dù rất thèm được ăn bữa cơm gia đình nhưng nhiệm vụ và sự an toàn là trên hết.

Bài và ảnh: CHÍ HÒA - MẠNH THẮNG - HUY HIẾU