Nhiều sáng kiến trong bệnh viện dã chiến 

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Thượng tá, PGS, TS Lương Công Thức, Đảng ủy viên, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, hiện là Giám đốc Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 của Bộ Quốc phòng đặt ở thôn Ba Làng (Quế Nham, Tân Yên, Bắc Giang) diễn ra ngay dưới gốc cây, trong nắng hè gay gắt. Anh Thức cho hay, với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ y, bác sĩ, đến thời điểm hiện tại, bệnh viện dã chiến điều trị gần 500 bệnh nhân dương tính với Covid-19, trong đó hơn 200 bệnh nhân đã được ra viện.

Bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có các mức độ tổn thương phổi khác nhau, người nặng, người nhẹ tùy theo thể trạng sức khỏe, bệnh nền; có thể nhiễm sang các y, bác sĩ trực tiếp điều trị bất cứ lúc nào. Thế nên khi thiết lập khu khám bệnh, thay vì để phòng chụp X-quang bố trí cách xa phòng điều trị theo quy định thì Thượng tá Lương Công Thức quyết định cho chuyển về ngay sát khu tiếp nhận bệnh nhân. Anh Thức giải thích: Sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 phải cho chụp X-quang ngay. Việc đặt phòng chụp X-quang cạnh khu tiếp nhận bệnh nhân giúp bác sĩ ít phải di chuyển, đồng thời có kết quả ngay để phân loại bệnh nhân. Tiếp đó tiến hành nối cáp, đưa máy in phim về trung tâm chỉ huy, hay còn gọi là “khu sạch”. Từ đây, các bác sĩ có thể xem được phim X-quang, đánh giá tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân, đồng thời hội chẩn ngay trong khu điều trị mà không phải in nhiều phim để dùng ở cả “khu sạch” và “khu nhiễm” hoặc phải mang phim qua lại giữa các khu làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Thượng tá, PGS, TS Lương Công Thức. 

Khi bệnh viện đi vào hoạt động, nhận thấy quá trình điều trị, các y, bác sĩ phải cầm bút viết vào bệnh án thì tăng nguy cơ lây nhiễm, nhất là lúc tiếp nhận nhiều bệnh nhân, đêm nằm suy nghĩ, PGS, TS Lương Công Thức và Thạc sĩ La Quang Hổ, Phó giám đốc bệnh viện nảy ra ý tưởng làm bệnh án điện tử. Nhiệm vụ này được anh Thức giao cho Trung úy, bác sĩ Đinh Công Pho. Bác sĩ Pho chia sẻ: “Giám đốc lo lắng, động viên nên tôi càng quyết tâm thực hiện. Sau hai ngày liên tục gần như không ngủ để nghiên cứu tìm các phần mềm có mã nguồn mở cho phép làm bệnh án điện tử, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đồng chí Thức giao”.

Ngày 24-5, phần mềm bệnh án điện tử được áp dụng trong sự vui sướng của ban giám đốc và các y, bác sĩ. Anh Thức quyết định mua ngay 8 chiếc smartphone, kết nối internet, sau đó tích hợp phần mềm để ở khu điều trị. Ưu điểm vượt trội của phần mềm này là có thể tích hợp trên tất cả thiết bị điện tử thông minh, từ laptop, máy vi tính để bàn và cả ipad. Nhờ đó, việc tiếp nhận bệnh nhân chỉ mất vài phút để đưa thông tin khai báo vào phần mềm điện tử thay vì phải ghi chép mất 10-15 phút như trước, đồng thời các bộ phận đều dễ dàng xem được bệnh án, giảm việc đi lại và nguy cơ lây nhiễm.

Thượng tá, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó chủ nhiệm Khoa Điều trị ổn định, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 của Bộ Quốc phòng, chia sẻ: “Làm việc trong điều kiện dã chiến, trong môi trường nguy hiểm nên anh Thức rất quan tâm, lo lắng cho anh em đồng đội. Lúc nào anh cũng trăn trở, tìm tòi, sáng tạo và đã có nhiều sáng kiến rất thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và bảo đảm an toàn cho nhân viên. Tinh thần làm việc cống hiến, không ngừng nghỉ, lối sống giản dị, gần gũi, hết lòng vì người bệnh và cấp dưới của anh Thức là tấm gương, là động lực để chúng tôi noi theo”.

Trò chuyện với Thượng tá Lương Công Thức, chúng tôi được biết, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y loại giỏi, anh được giữ lại làm giảng viên. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, anh Thức đoạt nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học của Hội Tim mạch Nhật Bản. Hiện nay, ngoài đảm nhiệm công tác lãnh đạo, quản lý, anh còn là giảng viên, bác sĩ rất uy tín, trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Quân y 103.

Thượng tá Lương Công Thức cho hay: “Thực tế những ngày qua có một số y, bác sĩ mặc bộ đồ bảo hộ phòng dịch, sau khi ra khỏi phòng làm việc bị sụt cân, có người sụt gần 1kg vì mất nước. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ say nóng, rối loạn nước và điện giải. Tôi đã nghiên cứu và đang tiến hành thử nghiệm giải pháp khắc phục vấn đề này để góp phần giữ sức khỏe cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch”.

Làm việc hết mình, giúp địa phương khẩn trương dập dịch

Ngày 24-5 vừa qua là ngày Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Đức Hậu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt-Nga, tròn 27 năm tuổi Đảng. Sáng sớm hôm ấy, Phòng Chính trị TTNĐ Việt-Nga đề nghị anh tranh thủ viết báo cáo thành tích để hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng về thành tích trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, anh Hậu đã 4 lần được các cấp khen thưởng. 

 UBND tỉnh Bắc Giang ghi nhận những đóng góp của Thượng tá Hoàng Đức Hậu và tổ công tác Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga giúp địa phương phòng, chống dịch Covid-19. 

Chiều 16-5, tổ công tác gồm 7 người của TTNĐ Việt-Nga do Thượng tá Hoàng Đức Hậu phụ trách có mặt tại Bắc Giang làm nhiệm vụ. 40 ngày qua, anh cùng các đồng nghiệp đã xét nghiệm 34.767 mẫu cho tổng số hơn 86.000 lượt người, phát hiện 498 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2. Làm việc trên xe xét nghiệm lưu động hiện đại nên mỗi ngày, tổ của anh Hậu có thể xét nghiệm được khoảng 400 mẫu bệnh phẩm đơn, bảo đảm nhanh, chính xác. Tuy nhiên, trên xe không gian chật hẹp, tiếng ồn động cơ rất lớn, lại phải mặc bộ đồ bảo hộ vướng víu, khó thao tác nên các anh phải tập trung cao độ để tránh nhầm lẫn, sai sót.

Anh Trịnh Văn Toàn, cán bộ của Viện Y sinh nhiệt đới chia sẻ rằng: “Điệp khúc mặc quần áo phòng hộ, lên xe và giương mắt vào mẫu xét nghiệm cứ diễn ra ngày này qua ngày khác, nhiều hôm làm đến tận 2-3 giờ sáng... Thấu hiểu sự vất vả và công việc dễ nhàm chán đó nên anh Hậu luôn gương mẫu, làm việc tận tụy, hết mình, đồng thời quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ, động viên các đồng nghiệp cố gắng làm việc để có kết quả xét nghiệm nhanh nhất, giúp địa phương kịp thời có phương án truy vết, cách ly, điều trị, dập dịch”.

Thượng tá Hoàng Đức Hậu cho biết, xét nghiệm trên labo là xét nghiệm khẳng định, người có mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được đưa đi điều trị ngay. Cao điểm như ngày 29-5, tổ công tác của TTNĐ Việt-Nga đã phát hiện 117 mẫu dương tính. Có đêm nhiều mẫu xét nghiệm, anh Hậu gần như thức trắng, liên tục cập nhật kết quả, thông báo ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang các ca F0, bởi nếu chậm là dịch lan rộng, nguy hiểm cho nhân dân và gây rất nhiều hệ lụy. 

Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay: "Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, địa phương đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của các đơn vị quân đội, trong đó có tổ công tác TTNĐ Việt-Nga. Dưới sự phụ trách của đồng chí Hậu, tổ công tác đã xét nghiệm nhanh, chính xác, góp phần giúp tỉnh sớm phong tỏa, truy vết các trường hợp liên quan đến F0 để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng".

Được biết, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, Thượng tá Hoàng Đức Hậu và các đồng nghiệp làm công tác xét nghiệm ở TTNĐ Việt-Nga đã xung kích làm nhiệm vụ ở nhiều "điểm nóng". Từ xét nghiệm trên địa bàn Quân khu 3, Quân khu 5, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng ở biên giới phía Bắc... anh Hậu đều tham gia. Thời gian anh và đồng đội dành cho gia đình rất hiếm hoi, bởi sau mỗi lần đi làm nhiệm vụ hàng tháng trời trở về lại phải cách ly y tế.

Kết quả hoàn thành nhiệm vụ luôn là cơ sở để đánh giá phẩm chất, trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người lãnh đạo, chỉ huy, quản lý. Thượng tá Lương Công Thức và Thượng tá Hoàng Đức Hậu cùng hai đơn vị mà các anh công tác vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Bài và ảnh: CHÍ HÒA - MẠNH THẮNG - HUY HIẾU

(còn nữa)