* Ông NGUYỄN HỮU HÒA, khu 7, xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc):
Đời sống bộ đội vẫn còn quá vất vả, khó khăn
Đọc bài “Dân sự hóa quân đội"-mối nguy hại khôn lường”, tôi càng thấu hiểu về thực tế đời sống bộ đội hiện nay. Những ai sống gần khu tập thể dành cho quân nhân, được tiếp xúc nhiều với gia đình quân nhân mới thấu hiểu cuộc sống còn bộn bề khó khăn của cán bộ, chiến sĩ. Tôi đã tận mắt chứng kiến không ít gia đình quân nhân hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dù là sĩ quan quân đội đã hàng chục năm nhưng vẫn phải đi thuê nhà và nặng mối lo cơm áo...
Vất vả là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn quên mình vì nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, gánh vác sứ mệnh phục vụ nhân dân. Bất cứ nơi nào xảy ra bão lũ, cháy rừng là bộ đội có mặt, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay trong thời bình, không ít cán bộ, chiến sĩ quân đội đã ngã xuống. Rồi có không ít đồng chí gắn bó cả đời quân ngũ và tuổi thanh xuân nơi biên cương, hải đảo, xa gia đình biền biệt... Hơn thế, cán bộ, chiến sĩ quân đội thực hiện nhiệm vụ 24/7, hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi sự đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt mà cả bằng xương máu và đức hy sinh tuyệt vời. Như trong đợt phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã xông pha ở tuyến đầu, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất... Những hy sinh thầm lặng ấy mấy ai thấu hiểu? Có bao nhiêu người nhận thấy cần phải quan tâm đến bộ đội nhiều hơn, xứng đáng hơn?
Từ thực tế đó, tôi cho rằng: Lương của bộ đội hiện nay vẫn còn thấp nhiều so với những đóng góp, cống hiến của họ. Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu để có chính sách chăm lo tốt hơn đời sống cán bộ, chiến sĩ quân đội.
* Chị ĐÀO THỊ CHIẾN, thôn Đông, xã Thủy Triều (Thủy Nguyên, Hải Phòng):
Chỉ người trong cuộc hiểu
Ngày chúng tôi cưới nhau, bạn bè, hàng xóm, họ hàng hai bên nội ngoại đều rất mừng vui, bảo rằng tôi có phúc lắm mới lấy được một anh sĩ quan trẻ, tương lai ngời ngời. Tôi cũng tự hào, thấy mình may mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa.
Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", sau những ngày phép chóng vánh, chồng tôi trở lại đơn vị ở Quân khu 5, cách quê nhà cả nghìn cây số. Từ đây, tôi bắt đầu phải nếm trải cuộc sống làm vợ bộ đội, quanh năm vò võ một mình. Sau này, khi hai đứa con lần lượt ra đời, thì cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn về kinh tế. Đồng lương công nhân eo hẹp của tôi, cộng với tiền lương chồng gửi về chỉ được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng (chồng tôi hiện là thiếu tá). Nhiều thời điểm công ty không có việc, công nhân nghỉ làm, vậy là cả nhà phải trông chờ vào số tiền ít ỏi chồng tôi gửi về. Nhất là thời gian này, các con đang tuổi ăn, tuổi học, sinh hoạt tốn kém, bố mẹ chồng lại thường xuyên đau ốm, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Không có chồng ở cạnh giúp đỡ, một mình tôi cáng đáng mọi việc, vô cùng vất vả. Có lúc, bản thân cũng cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến nhiều gia đình cứ cuối tuần lại vui vẻ đi chơi, thăm nom họ hàng, còn chồng mình thì biền biệt năm này qua năm khác.
Bộ đội thiệt thòi là thế, vậy mà không ít người chẳng thấu hiểu, lại phán xét thật xót xa: “Bộ đội thời bình chẳng có gì vất vả, lương cao, nhiều ưu tiên, ưu đãi”. Quả thực, chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu và thấm thía sự hy sinh thầm lặng của bộ đội và hậu phương người chiến sĩ. Ngẫm từ hoàn cảnh của mình, tôi càng thấy những suy nghĩ, đánh giá về cuộc sống bộ đội của một số ít người thật lạc lõng, phiến diện.
Là vợ của một sĩ quan quân đội, tôi kịch liệt phản đối các ý kiến so sánh mức lương của sĩ quan quân đội (các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực quân sự) với thu nhập của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung. Nhất là những người cố tình “té nước theo mưa”, thêu dệt về đồng lương bộ đội, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ quân đội.
* TS NGUYỄN ĐẮC TUYỀN, chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên:
Coi trọng nhận diện, đấu tranh công khai
Tôi nhất trí cao với bài báo “Dân sự hóa quân đội-mối nguy hại khôn lường” khi đánh giá về tác hại, hệ lụy của những nhận thức, tư duy sai lệch, phiến diện về vấn đề "dân sự hóa quân đội". Những biểu hiện này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo xây dựng quân đội; tác động tiêu cực đến chiến lược bảo vệ Tổ quốc, trong khi tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất mau lẹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tôi tin rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều phiên họp gần đây với các cơ quan thông tấn, báo chí và cả trên nghị trường chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội nhiều lần thẳng thắn nhận diện, yêu cầu cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, phân tích, chỉ rõ tác hại và cách phòng, chống các biểu hiện nhận thức giản đơn, tư duy sai lệch của một bộ phận cán bộ, quần chúng về vấn đề "dân sự hóa quân đội”. Các đồng chí lãnh đạo đều xem đó là một nguy cơ, cũng là một mối nguy hại cần sớm nhận diện, ngăn chặn kịp thời.
Để làm được điều này, trước hết Trung ương và các cơ quan Trung ương cần thể hiện rõ quan điểm quyết liệt trong lãnh đạo đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện tư tưởng lệch lạc, đòi “dân sự hóa quân đội”. Rất cần cơ quan chức năng tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi, thông qua truyền thông để tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân về vấn đề này. Thậm chí, ngành tuyên giáo và tuyên huấn các cấp nên sớm nghiên cứu, soạn thảo các tài liệu liên quan để cấp phát phục vụ công tác nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Đặc biệt, việc tranh luận, đấu tranh cần diễn ra công khai, lấy chân lý khoa học làm cơ sở tranh luận, sẽ giúp mang lại tính thuyết phục cao và tạo sự lan tỏa sâu rộng.
* Ông LÊ AN KHÁNH, phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội):
Hoạt động đặc thù cần chính sách đặc thù
Đọc bài viết "Dân sự hóa quân đội"-mối nguy hại khôn lường", tôi hết sức tâm đắc. Bài viết gồm 3 phần chính: Nhận diện, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa. Đây là những thông tin cần thiết và hữu ích, giúp nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò quan trọng của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cùng với đó, bài báo gửi đi thông điệp về những vất vả, hy sinh thầm lặng giữa thời bình của cán bộ, chiến sĩ quân đội, rất cần sự sẻ chia, động viên của toàn xã hội.
Thực tiễn hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận những đóng góp, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ và luôn quan tâm, chăm sóc thiết thực đời sống của bộ đội, cả khi còn tại ngũ hay khi đã nghỉ hưu, từ trần.
Xin được dẫn chứng: Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư một dự án trong nội thành Hà Nội, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng và TP Hà Nội đã tổ chức cuộc đối thoại dân chủ với các hộ dân thuộc khu tập thể quân đội (là đối tượng giải phóng mặt bằng). Tiếp thu ý kiến tại cuộc đối thoại, lãnh đạo TP Hà Nội đã ban hành văn bản điều chỉnh chính sách nhằm giảm bớt khó khăn và chỉ sau thời gian ngắn, 100% hộ dân bày tỏ sự đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Đó là minh chứng thuyết phục rằng, Đảng, Nhà nước và đại đa số người dân luôn thấu hiểu tính chất đặc thù hoạt động quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội để có những chia sẻ, quan tâm tương xứng.
* Đồng chí VÕ QUANG THẠCH, Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Long (Quảng Ngãi):
Nhận diện thêm một số biểu hiện “dân sự hóa quân đội”
Tôi là một cán bộ công chức, cũng là một sĩ quan dự bị nên rất quan tâm đến bài báo “Dân sự hóa quân đội"-mối nguy hại khôn lường”; đồng thời cũng có một số hiểu biết nhất định về vấn đề này.
Tôi cho rằng, cùng với những nội dung cơ bản được bài báo nhận diện tương đối đầy đủ, thì hiện nay vẫn còn một số biểu hiện khác, khá rõ nét liên quan đến khuynh hướng đòi “dân sự hóa quân đội”. Trong đó, một biểu hiện sai lệch nghiêm trọng là xem nhẹ việc đào tạo cán bộ trong hệ thống nhà trường quân đội; đưa ra nhiều bàn cãi trái chiều với mong muốn thu gọn, cộng gộp các nhà trường quân đội và đề xuất dân sự hóa công tác đào tạo con người cho quân đội. Cùng với đó là những ý nghĩ đánh đồng chủ trương thu hút nhân tài vào quân đội với việc đề xuất nên luân chuyển cán bộ giữa trong và ngoài LLVT.
Cần thấy rằng, chủ trương huy động nguồn nhân lực bậc cao cho hoạt động quân sự là đúng đắn, việc thu hút nhân tài trong điều kiện mới cũng là giải pháp thiết thực. Tuy vậy, quân đội nhất quán chủ trương thu hút nhân lực, nhân tài ở một số lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực quân đội chưa đào tạo... còn về cơ bản, con người trong quân đội phải được đào tạo trong hệ thống nhà trường quân đội. Sản phẩm đào tạo phải là những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kỹ năng chiến đấu và hàng loạt các phẩm chất nhân cách đặc thù mới có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động quân sự.
Cùng với các biểu hiện nêu trên, có những người còn đề xuất phải công khai hóa một số vấn đề liên quan đến bí mật quân sự; tư duy sai lệnh của một số cấp ủy, chính quyền, người dân nhằm “gửi” công dân hư hỏng ngoài xã hội vào quân đội để “rèn luyện” thông qua con đường thực hiện nghĩa vụ quân sự... Đó là những biểu hiện cần sớm ngăn chặn, đẩy lùi.