Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục qua các thời kỳ lịch sử nước ta. Phát huy truyền thống “tôn sư- trọng đạo”, Đảng, Nhà nước, quân và dân ta luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Vượt mọi khó khăn, gian khổ, không quản ngại hy sinh, thầy giáo, cô giáo dù ở thành phố hoặc nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hoặc ven biển, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, lao động sáng tạo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp “trồng người” vì lợi ích “trăm năm”. Nhờ vậy, giáo dục nước ta đã trở thành một nền giáo dục đại chúng đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người trong xã hội. Đội ngũ nhà giáo trong đó có các nhà giáo quân đội dồn sức lực và tâm huyết nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế thế giới.

Theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X thì chúng ta đang thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiến tới xây dựng nền kinh tế tri thức và một xã hội hiện đại. Do đó việc đổi mới giáo dục cần quán triệt, hướng tới mục tiêu cơ bản, lâu dài, xây dựng nền giáo dục hiện đại, phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của mọi người, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, bình đẳng và công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng. Nhà trường có điều kiện chăm lo sự phát triển của từng học sinh; mọi tài năng được khuyến khích, phát triển; người lao động có điều kiện học tập suốt đời.

Thực tiễn cho thấy mọi cải cách giáo dục đều xuất phát từ người thầy. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần tập trung vào xây dựng nền giáo dục hiện đại, nội dung, chương trình theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ và không xa rời thực tiễn; đủ năng lực về phương pháp và tổ chức quá trình dạy học, hướng dẫn, kiểm soát được việc học; tạo điều kiện để người học là chủ thể tự giác trong lao động sáng tạo. Đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện về quản lý giáo dục. Hơn lúc nào hết, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần vươn lên, xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức, phẩm chất, lương tâm nghề nghiệp; thực hiện chế độ bồi dưỡng thường xuyên và định kỳ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tiếp cận giáo dục hiện đại.

Cùng với toàn dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm đối với thầy giáo, cô giáo. Các cơ quan, đơn vị quân đội có kế hoạch chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo nói chung và cuộc sống của nhà giáo nói riêng. Tích cực phối hợp với các địa phương, góp phần xây dựng và cải tạo trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật dạy và học; phòng, chống thiên tai bão lụt, bảo vệ an toàn cho nhà trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả sớm khôi phục lại nền nếp dạy và học; tham gia xoá mù chữ, phổ cập giáo dục nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải là một tấm gương sáng của hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” cho học sinh noi theo.

Tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra cho các nhà giáo quân đội những nhiệm vụ nặng nề. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đặt ra đòi hỏi các nhà trường Quân đội cùng các nhà giáo tạo cho được chuyển biến cơ bản về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đối với cán bộ, hạ sỹ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, phải đủ số lượng với cơ cấu trình độ, ngành nghề phù hợp. Với cán bộ các cấp ngoài quân đội, nâng cao kiến thức quốc phòng, đẩy mạnh tạo nguồn cho hệ thống chính trị vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…Mọi cố gắng nhằm làm cho hệ thống nhà trường quân đội ngày càng đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển giáo dục cả nước.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, trong không khí vui mừng của ngày hội, toàn quân, toàn dân đặt trọn niềm tin vào các nhà giáo với trách nhiệm và vinh dự lớn trực tiếp thực hiện nhiệm vụ “trồng người” theo lời Bác Hồ dạy. Đồng thời cổ vũ, động viên thầy giáo, cô giáo thi đua “dạy tốt, học tốt”, đẩy mạnh cuộc vận động: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục- bước đột phá đưa sự nghiệp giáo dục-đào tạo của đất nước tiến nhanh, ngang tầm thời đại.