QĐND - 66 năm trước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, dân chủ, tự do. Toàn thể dân tộc Việt Nam bắt tay xây dựng một Nhà nước kiểu mới - Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

66 năm qua, với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã lập nên những chiến công hiển hách trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Nhà nước ta, với tư cách là Nhà nước của nhân dân, đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Nếu bình quân thời kỳ 1977-1980, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mới chỉ đạt 0,4%/năm; thời kỳ 1977-1985 chỉ tăng 3,7%/năm; thời kỳ 1986-1990 cũng chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991-2010 đạt xấp xỉ 7,4%/năm, thuộc loại cao trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới. Quy mô kinh tế năm 2011 dự kiến cao hơn 2 lần năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Ảnh tư liệu/internet.

Tự hào là Nhà nước của nhân dân, song, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong bộ máy Nhà nước vẫn còn có bộ phận chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân; có cá nhân chưa thực sự là công bộc của dân, vẫn dọa nạt, hách dịch, nhũng nhiễu nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, để giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam thực sự hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới, càng phải chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng cao năng lực điều hành, quản lý Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN và kỷ luật, kỷ cương, Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm lợi ích chính đáng của mọi người dân.

Với Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, điều tối thượng có tính nguyên tắc là quyền lực Nhà nước phải thực sự thuộc về nhân dân. Muốn vậy, cần phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy Nhà nước. Tăng cường công tác giám sát tối cao của Quốc hội, quyền giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời phát huy hơn nữa quyền giám sát của nhân dân với các cơ quan Nhà nước.

Sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng là nhiệm vụ then chốt không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân Ðảng, mà còn là yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại và hoạt động của Nhà nước. Cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, vừa phát huy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong bộ máy Nhà nước, đồng thời cũng là công cụ của Nhà nước cách mạng để bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Quân đội ta trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”, đóng quân ở đâu cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tham gia giúp đỡ nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh để phục vụ nhân dân tốt hơn. Các đơn vị cần tích cực tham gia tuyên truyền, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước.

Các cựu chiến binh, cựu quân nhân cần phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái và gương mẫu tham gia xây dựng, giám sát hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của Nhà nước để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Ðẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhân tố quan trọng để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

QĐND