Phong cảnh Nam Căn. Ảnh: du-lich.chudu24

Năm Căn là một trong số hai huyện duy nhất của tỉnh Cà Mau (cùng với huyện Ngọc Hiển) có cả bờ biển Đông và bờ biển Tây (vịnh Thái Lan). Tổng chiều dài bờ biển huyện Năm Căn là 34,8km, bao gồm 15,8km bờ biển Đông và 19km bờ biển Tây, chiếm 13,7% chiều dài bờ biển tỉnh Cà Mau.

Năm Căn là vùng đất trẻ, mới được hình thành và hằng năm đều được bồi đắp thêm diện tích. Vùng biển Tây Nam cạnh Năm Căn là ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và đa dạng, nhiều loại có giá trị kinh tế cao. Riêng khu vực bãi bồi phía tây nam tỉnh Cà Mau là vùng có nguồn lợi thủy sản đa dạng, rất nhạy cảm với các tác động của con người. Theo báo cáo bước đầu của Trường Đại học Cần Thơ và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau về đề tài nghiên cứu nguồn lợi thủy sản khu vực bãi bồi thì tại đây có khoảng 100 loài thủy sản sinh sống, trong đó có 17 loài tôm, 67 loài cá, 6 loài cua, ghẹ và 3 loài mực. Trữ lượng thủy sản có mặt thường xuyên trong khu vực bãi bồi là 250 - 300 tấn, bình quân có 37,5kg/héc-ta diện tích mặt nước. Đây là khu vực sinh sản của các loài tôm, cá nên cần được bảo vệ chặt chẽ.

Về khoáng sản tại vùng biển Tây Nam (Cà Mau): Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển khí Tây Nam của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thì vùng biển ngoài khơi Tây Nam đã phát hiện có giá trị về khí công nghiệp, trữ lượng tiềm năng khoảng 170 tỉ mét khối, trong đó trữ lượng đã phát hiện khoảng 30 tỉ mét khối. Khả năng phát triển và khai thác có thể đạt trên 8 tỉ mét khối/năm. Trữ lượng khí ở ngoài vùng biển là tiền đề phát triển công nghiệp khí-điện-đạm cho tỉnh Cà Mau.

Diện tích có rừng của Năm Căn là 13.287,5 héc-ta, độ che phủ bình quân chiếm 50,9% và bằng 25,89% diện tích tự nhiên của huyện. Bình quân đất lâm nghiệp/người đạt 2.690 mét vuông, trong khi bình quân vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1.485 mét vuông/người và bình quân cả nước là 211 mét vuông/người.

Rừng ngập mặn của huyện Năm Căn là một tài nguyên quý hiếm, có tác dụng bảo vệ cân bằng môi trường sinh thái, tạo điều kiện nuôi trồng thủy sản bền vững, ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng kết hợp với phòng thủ ven biển.

Tài nguyên du lịch sinh thái của huyện Năm Căn không nhiều nhưng là một bộ phận quan trọng của tài nguyên du lịch toàn tỉnh Cà Mau, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

LƯU PHÚ