Cầu cảng xã đảo Thổ Chu nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

QĐND Online - Quần đảo Thổ Chu (Poulo Panjang) gồm 8 đảo, chạy dài từ vĩ độ 09
015B- 09023B, kinh độ 103028 Đ, trong đó đảo Thổ Chu lớn nhất, với diện tích khoảng 10km2; còn các đảo khác có diện tích 1km2 như: Hòn Đứng, Hòn Nhạn, Hòn Keo, Hòn Ngựa, Hòn Khó, Hòn Từ, Hòn Cao Cát, Hòn Cát Bàn và Hòn Mô.

Cách tây nam Phú Quốc 55 hải lý, cách tây bắc mũi Cà Mau 85 hải lý, nằm gần đường hải biên quốc tế Băng Cốc- Kông-pông-xom - Sài Gòn -Hồng Công nên được xem là một vị trí chiến lược quan trọng.

Đảo Thổ Chu có các đỉnh núi cao, phía đông có đỉnh cao 167m, phía tây bắc có cao điểm 143, tây nam có cao điểm 146; trên đảo có cây cối rậm rạp, nhiều cây to, gỗ quý. Ở đây chỉ có một con đường mòn lởm chởm đá nối liền bãi Ngư và bãi Giang, dài 1.800m, ngoài ra không có con đường nào khác, muốn đi lại từ bắc xuống nam phải dùng tàu thuyền.

Bờ đảo phía bắc có cây cối rậm rạp, nhiều núi đá chạy nhô ra. Tây nam đảo có bãi Ngự là bãi lớn nhất, rộng khoảng 600m, vịnh nước có độ sâu thích hợp cho các loại tàu đổ bộ, tàu thuyền thường neo đậu ở đây để tránh gió mùa đông bắc. Bãi này là bến chính của đảo Thổ Chu. Đông nam đảo có các bãi Giang, bãi Mun, Bãi Nhất. Bãi Giang là bãi cát, dài 200m, tương đối kín đáo, nước trong vịnh sâu, yên sóng, neo đậu được 6-8 tàu loại nhỏ từ 200 tấn trở xuống, các tàu loại vừa đổ bộ thuận lợi. Bãi Mun có chiều dài khoảng 300m, sát với bãi Giang, nước sâu, tàu có thể neo đậu được nhưng đáy có vụng đá. Bãi Nhất dài hơn 100m, có nhiều núi đá, tàu không vào được.

Dưới thời quản lý của chính quyền Sài Gòn (1954-1975), quần đảo Thổ Chu thuộc tỉnh An Xuyên, trên đảo có khoảng 600 dân, bao gồm 200 gia đình, tuyệt đại đa số là người Kinh gốc Rạch Giá, có một số ở khu 5 di tản vào thời kỳ Mậu Thân 1968; có 4 gia đình gốc Khơ-me. Dân sống tập trung chủ yếu ở bãi Ngự, nghề chính là đánh cá và làm nương rẫy. Tinh thần cách mạng của nhân dân nơi đây tương đối tốt, mặc dù bị địch kìm kẹp gắt gao, tuy vậy ta vẫn chưa có cơ sở cách mạng tại đây. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, quân ngụy đóng trên đảo chạy về đất liền hoặc lên tàu, thuyền chạy ra nước ngoài. Ngày 6-5-1975, quân Pôn Pốt (Khơ Me đỏ) đã đổ bộ lên bãi Dài thuộc quần đảo Phú Quốc nhưng bị ta đánh đuổi. Ngày 10-5-1975, chúng đã dùng tàu LCM và 3 tàu PCE đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu. Sau đó, địch dồn dân ta lên tàu đưa về đất liền Cam-pu-chia, có một số người bị giết ngay trên biển. Địch đưa người của chúng lên làm xã trưởng, xã phó nhằm cai quản đảo. Lực lượng địch chiếm cứ đảo có một tiểu đoàn được bố trí: một trung đội ở bãi Ngự, hai trung đội ở bãi Cao và Hòn Tử, bãi Mun và bãi Giang: một trung đội. Trong quá trình chiếm đóng, địch đã ba lần đổ quân tăng cường và bổ sung vũ khí.

Ngày 16-5-1975, một lực lượng hải quân ta đến đảo Phú Quốc và đến ngày 18-5 thì nhận bàn giao căn cứ hải quân vùng 4 duyên hải ở An Thới do Quân khu 9 tiếp quản trước, nay bàn giao lại. Cùng ngày, hội nghị quân sự ở Phú Quốc quyết định giải phóng quần đảo Thổ Chu. Kế hoạch đánh địch: bí mật hành quân đổ bộ làm 2 mũi vào phía bắc đảo Thổ Chu, thọc sâu áp sát các mục tiêu. 04 giờ 30 ngày 24-5-1975 nổ súng bất ngờ, bao vây, chia cắt tiêu diệt địch, giải phóng đảo. Nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng: Hải quân có nhiệm vụ tổ chức hành quân vượt biển đưa lực lượng đổ bộ lên đảo an toàn và theo kế hoạch đã hiệp đồng chỉ huy chung trận đánh. Phân đội đặc công nước có nhiệm vụ đánh chiếm bãi đổ bộ trước để đưa lực lượng bộ binh vào sau. Sau đó phụ trách độc lập một mũi đánh vào bãi Mun. Trung đội bộ đội địa phương đánh vào bãi Giang. Tiểu đoàn 410 đánh vào mục tiêu chủ yếu ở bãi Ngự và một bộ phận đánh vào bãi nhất. 3 tàu CPF có nhiệm vụ yểm trợ trong hành quân, khi nổ súng dùng hỏa lực chế áp mục tiêu dự định, yểm trợ cho bộ binh tiến công thuận lợi. Hai tàu vận tải quân sự chở bộ đội đặc công và lấy tàu 657 làm sở chỉ huy. Quá trình chiến đấu dùng hỏa lực chi viện cho các mũi khi cần thiết và làm nhiệm vụ vận chuyển.

Trận chiến giải phóng đảo diễn ra theo đúng kế hoạch, sau 3 ngày chiến đấu quyết liệt(từ 24 đến27-5-1975), ta hoàn toàn làm chủ đảo, loại ra khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đoàn địch (tăng cường), có vũ khí tương đối mạnh; thu toàn bộ vũ khí, trang bị của địch.

Hà Thành