Đảo Phan Vinh trong tầm mắt (ảnh Phúc Thắng)

Đảo Phan Vinh nằm ở vĩ độ 80 58’ bắc, kinh độ 1140 41’30” đông (trước đây còn có tên gọi là đảo Hòn Sập), cách đảo Tốc Tan khoảng 12 hải lý về phía tây, cách bãi đá Châu Viên do Trung Quốc chiếm giữ khoảng 47 hải lý về phía đông, đảo nằm trên một nền san hô hình vành khuyên dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc-tây nam. Ở phía tây hình vành khuyên có một xác tàu đắm, luôn nhô cao trên mặt nước biển, nhưng sau nhiều năm, do thời tiết khắc nghiệt, mưa bão thường xuyên nên đến nay xác con tàu này đã bị sóng đánh chìm và cuốn đi. Đảo Phan Vinh có dạng gần tròn và nằm ở cuối phía đông bắc vành đai san hô hình vành khuyên. Ở hướng bắc và đông bắc cách đảo khoảng 200 đến 500m, tại thềm san hô tận cùng phía tây vành đai san hô, cách mép nước khoảng 200m có bãi san hô, khi thủy triều xuống thấp thì bãi này nổi lên, hiện nay ta đã xây dựng trên nền san hô đó một nhà lâu bền gọi là Phan Vinh B.

Đầu tháng 3 năm 1978 tình hình khu vực quần đảo Trường Sa xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, thường xuyên có máy bay và tàu thuyền của nước ngoài xâm phạm và tiến hành trinh sát các đảo của ta. Trước tình hình đó, chấp hành Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng Hải quân, đầu tháng 3 năm 1978, đồng chí Cao Ánh Đăng chỉ huy trưởng Trung đoàn và đồng chí đại úy Vũ Xuân Hà cùng 31 hạ sĩ quan, chiến sĩ trên tàu 680 thuộc trung đoàn 128 ra đóng tại đảo Phan Vinh, đến ngày 30-3-1978 cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đóng giữ đảo.

Trên chòi gác của đảo Phan Vinh (ảnh Phúc Thắng)

Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh rất vinh dự, tự hào khi được mang tên người anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh-thuyền trưởng tàu không số, anh đã anh dũng hy sinh trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân thắm sắc biển xanh. Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhập ngũ tháng 7-1954. Khi hy sinh, đồng chí là trung úy-thuyền trưởng tàu C235-đoàn 125-Quân chủng Hải quân, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Quá trình hoạt động, chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh cùng các đồng đội trên tàu C235 đã trở thành một mốc son chói lọi để các thể hệ đi sau tiếp bước noi theo…

Mùa khô năm 1967, sau những thất bại nặng nề trên khắp chiến trường miền Nam, chiến lược “Chiến tranh cục bộ của Mỹ bị phá sản”. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương chuyển cuộc cách mạng của nhân dân miền Nam sang một thời kỳ mới. Quân ủy Trung ương và Bộ tổng Tư lệnh đã vạch kế hoạch đã vạch kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Thời gian ấn định là vào dịp tết Mậu Thân.

Trong cuộc tiến công chiến lược này, Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tế vũ khí cho quân dân miền Nam. Đơn vị nhận nhiệm vụ này là Đoàn 125- “Đoàn tàu không số” của đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Trước tình hình nóng bỏng của chiến trường, lãnh đạo đoàn khi đó đã táo bạo cho 4 con tàu cùng xuất phát vào một thời điểm tới 4 vùng biển khác nhau để đánh lạc hướng địch. Tàu C56 cập bến Lộ Giao (Bình Định), tàu C43 cập bến Đức Phổ (Quảng Ngãi), tàu C156 vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau) và tàu C235 vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa).

Tàu C235 là tàu vỏ sắt do ta tự đóng, tàu đã nhiều lần làm nhiệm vụ trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 27-2-1968, tàu được lệnh xuất phát mang theo 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho Khánh Hòa. Quân số của chuyến đi này gồm 20 người, thuyền trưởng là trung úy Nguyễn Phan Vinh-Anh tập kết ra Bắc từ năm 1954 và khi Đoàn 125 được thành lập, anh được điều về đoàn công tác. Trước chuyến đi này, anh đã 11 lần đi trên các con tàu của “Đoàn tàu không số” với các cương vị khác nhau. 18 giờ ngày 29-2-1968, tàu C235 cách Nha Trang khoảng 10 hải lý, phát hiện một máy bay trinh sát lượn vòng quanh tàu rồi bay về đất liền. Chỉ huy tàu hội ý chớp nhoáng, xác định tàu đã bị lộ nên tranh thủ thời cơ, đưa nhanh tàu và bến vì cự ly không xa, nếu lùi thì không còn cơ hội. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu nhằm thằng hướng Hòn Hèo, cả tàu chuẩn bị thả hàng và sẵn sàng chiến đấu.

11 giờ đêm ngày 29-2, tàu cách Hòn Hèo khoảng 6 hải lý thì gặp 5 tàu tuần tiễu của Hải quân ngụy dàn hàng ngang, sau đó còn thêm 3 chiếc lớn của hạm đội Hải quân ngụy (tàu tuần dương và tàu khu trục HQ12, HQ617, Ngọc Hồi), tất cả triển khai đội hình bao vây. Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí thả khói mù, cho tàu đến đúng vị trí bến quy định là một địa điểm thuộc xã Ninh Phước-Ninh Hòa-Khánh Hòa, anh cho tàu thả hàng xuống biển và nhanh chóng cho tàu vòng sang vùng biển xã Ninh Vân (nhằm không để lộ vị trí thả hàng để sau này anh em ra vớt).

Lúc này, tàu địch đã khép chặt vòng vây và gọi thêm cả máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Máy chính của tàu bị hỏng, tàu không thể cơ động được. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hội ý chớp nhoáng với anh em trên tàu, quyết định hủy tàu không để lọt vào tay địch. Anh cho anh em vào bờ trước, còn anh và Thượng sĩ cơ điện Ngô Văn Thứ ở lại trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ rồi mới rời tàu. Khoảng 20 phút sau, một tiếng nổ kinh hoàng cắt vụn tàu C235, một nửa thân tàu hất văng lên triền núi Bà Nam gần đấy. Cuộc chiến đấu tiếp diễn vào sáng hôm sau, hai anh Vinh và Thứ sau khi chiến đấu hết đạn đã giành quả lựu đạn cuối cùng cho mình, không để sa vào tay địch. 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã vĩnh viễn nằm lại trên biển Hòn Hèo.

Trận chiến đấu của tàu C235 trở thành một điểm son trong lịch sử non trẻ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau trận chiến đấu, tập thể tàu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Quân công. Nguyễn Phan Vinh là một thuyền trưởng dũng cảm, có tác phong sâu sát, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh hiểm nguy, thường xuyên quan tâm xây dựng đơn vị thành một tập thể vững mạnh, được anh em quý mến. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng nhất, được truy tặng Huân chương Quân công Hạng ba. Ngày 25-8-1970, Nguyễn Phan Vinh được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, tên anh đã được đặt cho một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa-đó là đảo Phan Vinh.

Ngày nay, tại Đầm Vân có bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu, hàng năm vào ngày truyền thống của Quân chủng, lãnh đạo Vùng D Hải quân, Học viện Hải quân vẫn ra đây làm lễ tưởng niệm.

Một góc đảo Phan Vinh (ảnh Phúc Thắng)

Phát huy truyền thống của Đoàn Trường Sa anh hùng, trải qua 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng nhất năm 1985; 8 lần đảo được công nhận “Đơn vị quyết thắng” các năm 1980, 1981, 1984, 1991, 1993, 2003, 2004 và 2006, nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại. Trong các đợt kiểm tra của Quân chủng và Bộ Quốc phòng, đảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Tự hào với những thành tích đã đạt được, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Năm 2008 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội X của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ 8, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Quân chủng lần thứ 10, năm thứ hai triển khai nghị quyết Trung ương 4 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tình hình trên các vùng biển đảo nhất là khu vực Trường Sa sẽ diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường, nhiệm vụ của đảo đòi hỏi ngày càng cao. Cán bộ, chiến sĩ các thế hệ trên đảo Phan Vinh tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị anh hùng LLVTND, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các khâu đột phá của quân đội, quân chủng, vùng 4 và lữ đoàn. Tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, tích cực giúp đỡ ngư dân, cứu hộ cứu nạn, xây dựng đảo Phan Vinh thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường.

QĐND Online