Kỳ 1: Chuyến đi “Định mệnh”

QĐND Online – Con đường vận chuyển chiến lược bí mật trên biển chi viện chiến trường miền Nam bị Mỹ phát hiện từ vụ tàu 143 chở 63 tấn vũ khí vào Vũng Rô ngày 15-2-1965 bị lộ. Cùng thời gian với chuyến tàu 143, còn có 5 tàu đang hành trình trên biển Đông, nhưng chỉ có 3 tàu đưa được hàng vào Bạc Liêu an toàn, còn tàu sắt 176 và tàu gỗ 401 trên đường hành trình đến ngoài khơi Trà Vinh và Bạc Liêu, bị địch phát hiện, nghi ngờ, cho tàu chiến và máy bay bám rất sát, nên Sở chỉ huy đã lệnh cho quay trở lại miền Bắc. Cả đi và về mất hai tháng lênh đênh trên biển quốc tế, nôn ra “mật xanh mật vàng”, ngất rồi lại tỉnh. Trên chiếc tàu sắt 176 ấy có một vị Hoàng thân triều Nguyễn tên là Vĩnh Mẫn.

Định mệnh đã đưa vị “Hoàng thân” triều Nguyễn Vĩnh Mẫn gắn bó cả đời mình với những con tàu Không số

 

Từ đội trinh sát thiếu niên

Hoàng tộc Triều Nguyễn mà đi tàu Không số là chuyện rất lạ. Tàu Không số là nơi bí mật tuyệt đối, chiến sĩ đi tàu phải được lựa chọn gắt gao lí lịch ba đời.

Ông Vĩnh Mẫn, sinh năm 1931, là chắt nội của vua Hiệp Hòa, vị vua thứ 6 của Triều Nguyễn. Bố ông là Hoàng thân Bửu Trác, một vị Đại thần, Thống chế Nhất phẩm triều đình, là con của Hoàng tử trưởng Ưng Bác. Được coi là người kế vị ngôi vua, lại là một người kháng Pháp, ông Bửu Trác đã đòi phế truất Bảo Đại khi vua Khải Định vừa trút hơi thở cuối cùng. Vì thế ông bị bắt, bị tước hết chức tước, tôn tịch và đày lên nhà tù Lao Bảo. Sau đó, ông được ân xá. Triều đình Huế mời ông ra tham chính, nhưng ông từ chối vì không thể cộng tác với một triều đình bị thực dân Pháp “quản thúc”, mà đứng ra lập Hội An Nam Phật học.

Ông Hoàng thân Bửu Trác đã hướng cả nhà mình theo Việt Minh, Vĩnh Mẫn mới 14 - 15 tuổi đã đi theo Việt Minh ở trong đội trinh sát thiếu niên Giải phóng quân, với hơn 20 đồng đội, hàng ngày chạy liên lạc đưa mật lệnh, tin tức chỉ huy khắp các đơn vị của Vệ Quốc Đoàn (Vĩnh Mẫn là bạn thân của Phùng Quán trong đội trinh sát thiếu niên ấy. Hình ảnh và cuộc chiến đấu của họ làm cho bọn Tây thất điên bát đảo đã được nhà văn Phùng Quán tái hiện lại một các bi hùng trong tiểu thuyết nổi tiếng Tuổi thơ dữ dội).

Ông Vĩnh Mẫn cười nói: “Tụi tôi còn nhỏ, cũng chưa hiểu thế nào là cách mạng. Chỉ có lớp đàn anh đi trước mới biết đến ông Nguyễn Ái Quốc. Nhận thức lúc đó mới chỉ ghét Tây và thấy nước mình sao lại thua Tây, để chúng đàn áp, cai trị mình? Cứ chiều thứ 7, đi ngang cầu Trường Tiền, thấy dàn âm nhạc đánh nhịp rất hay nhưng chỉ sai một động tác nhỏ liền bị thằng Tây cầm que gõ vào đầu; hay có những điểm mà chỉ người Tây được vào… đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ thôi nhưng thấy dân mình sao mà khổ thế!”

Với lối kể chuyện hóm hỉnh, ông chỉ khiêm tốn mà nói việc đi theo cách mạng là việc làm tự nhiên, theo phong trào chung của học sinh, sinh viên Huế chứ không phải là người xuất sắc nổi bật, giác ngộ được lý tưởng này hay lý tưởng kia. Từ những câu chuyện mà người tù cộng sản kể và đặc biệt “phục lăn” vị thủ lĩnh Tạ Quang Bửu… ông đi theo những con người yêu nước chứ chưa biết cách mạng là thế nào.

Thời điểm đó, không chỉ riêng gia đình ông mà ngay cả trong hoàng tộc và hầu hết lớp thanh niên đều đi theo Cụ Hồ.

Tàu Không số trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam do Hải quân Mỹ chụp (Ảnh chụp lại)

 

Đến nhiệm vụ đặc biệt của một vị “Hoàng thân”

Năm 1948, Vĩnh Mẫn được đặt lại tên là Phan Thắng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Học xong khóa 5 Trường lục quân Trần Quốc Tuấn, ông được giữ lại trường dạy học. Năm 1951, được phân công Nam tiến, đi bộ 8 tháng vào miền Đông Nam Bộ, được anh Ba Trà (Trần Văn Trà) và Bảy Thuận (Nguyễn Đức Thuận) tin tưởng giao cho làm Đại đội phó, sau đó làm chính trị viên trưởng Đại đội. Đại đội này hoạt động cả ở chiến trường Campuchia, sau đó về Sa Đéc.

Năm 1954, Phan Thắng tập kết ra Bắc, trở lại trường Lục quân học khóa 10. Cùng tập kết với ông còn có rất nhiều anh em Nam Bộ nên ông thấu hiểu được tâm trạng “ngày Bắc, đêm Nam” của anh em. Trong lòng họ luôn chất chứa một nỗi niềm canh cánh về miền Nam ruột thịt.

Vì có kinh nghiệm ở miền Nam và từng làm Trợ lý giáo dục Sư đoàn 338 nên ông được ở trong Ban Công tác đặc biệt: Ban đi B, tháng 2-1965, đi tàu Không số vào Nam Bộ công tác. Nhưng chuyến đi ấy tàu phải quay lại. Sau bao ngày ngóng trông, ông và anh em những tưởng sẽ được trở về cống hiến sức mình cho miền Nam thương nhớ. Nỗi khát khao cháy bỏng bỗng chốc bị đột ngột chặn lại khiến anh em tiếc ghê gớm. Biết ông làm công tác tuyên huấn, lại đang ở trên chuyến tàu ấy, cấp trên lệnh ông củng cố tư tưởng cho anh em.

Có lẽ chuyến đi trắc trở ấy dường như là định mệnh, rẽ ông về một hướng mà mình không ngờ tới. Sau khi trở ra Bắc, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị tin tưởng bổ nhiệm ông vào chức vụ quan trọng là Trưởng ban Tuyên huấn ở một đơn vị tối quan trọng, vô cùng bí mật: Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 – Đoàn tàu Không số.

Bài, ảnh: Thu Hà

Kỳ 2: Người kết nối những trái tim