Quan hệ Việt Nam - Chi-lê đang có bước phát triển mới đáng ghi nhận: Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của bà M.Ba-chê-lê đến Việt Nam trên cương vị Tổng thống.
Tuy cách xa nửa vòng trái đất, nhưng đối với người dân Việt Nam, đất nước Chi-lê đã gắn bó thân thiết từ lâu. Người Việt Nam biết đến Chi-lê bởi đây là một trong những nước châu Mỹ xuất hiện sớm nhất phong trào xuống đường đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Biết bao người Chi-lê đã tự nhận mình thuộc "Thế hệ Việt Nam", từng hết lòng ủng hộ, hướng về Việt Nam trong cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập tự do của dân tộc. Trong ký ức của người Việt Nam vẫn còn in đậm hình ảnh hy sinh anh dũng của cố Tổng thống Xan-va-đo A-gien-đê, vẫn ghi nhớ những vần thơ ca ngợi và cổ vũ Việt Nam của nhà thơ Pa-blô Nê-ru-da, những lời ca hào hùng của người ca sĩ cách mạng Vích-to Ha-ra. Đất nước nổi tiếng về thi ca này còn là quê hương của hai nhà thơ nổi tiếng đoạt giải Nô-ben văn học là nữ nhà thơ Ga-bri-ê-la Mi-xtơ-ran (1945) và nhà thơ Pa-blô Nê-ru-đa (1971).
Kể từ khi chế độ dân chủ được lập lại ở Chi-lê, quan hệ Việt Nam – Chi-lê đã được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Lãnh đạo và nhân dân Chi-lê luôn thể hiện tình cảm hữu nghị và thiện chí đối với Việt Nam trong quan hệ song phương, cũng như trên các diễn đàn quốc tế đa phương như LHQ, Phong trào không liên kết, APEC. Việc hai nước khôi phục lại quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ vào tháng 7-2001 cùng hàng loạt chuyến thăm ở cấp cao của lãnh đạo hai nước trong thời gian gần đây đã mở ra triển vọng tốt đẹp cho việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế-thương mại. Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế-thương mại, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định kiểm dịch động vật, Nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực mỏ..., tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp hai nước tìm cơ hội hợp tác.
Do điều kiện địa lý, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Chi-lê còn ở mức khá khiêm tốn. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 mới chỉ đạt 108,3 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Việt Nam xuất khẩu sang Chi-lê chủ yếu là giày dép, đồ gỗ, cao su, hàng thủ công mỹ nghệ và nhập khẩu bột giấy, gỗ, bột cá, đồng, nho tươi, rượu vang. Tuy nhiên, triển vọng hợp tác Việt Nam – Chi-lê rất sáng sủa. Chi-lê là đất nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên với sản lượng vàng, bạc, than đá, i-ốt, ni-tơ-rát, bô-xít... thuộc loại hàng đầu thế giới. Chi-lê còn là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới với những sản phẩm nổi tiếng như thịt bò, pho-mát, rượu vang. Trong hai thập kỷ gần đây, đất nước này được thế giới coi là một hiện tượng độc đáo về phát triển, một "ngôi sao đang lên" trong số các nền kinh tế mới trỗi dậy. Chi-lê luôn dẫn đầu Mỹ La-tinh về tốc độ tăng trưởng kinh tế và theo đánh giá của các chuyên gia và tổ chức quốc tế thì nước này hiện có nền kinh tế mở cửa và năng động nhất trong khu vực. Tổng sản phẩm quốc nội của Chi-lê năm 2005 là 112 tỷ USD, thu nhập bình quân tính theo đầu người vào khoảng 6.800USD.
Với định hướng của Chi-lê coi Việt Nam là một bộ phận trong chính sách hướng tới Đông Nam Á của mình cùng mong muốn quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, chuyến thăm lần này của Tổng thống M.Ba-chê-lê sẽ là cơ hội thuận lợi để lãnh đạo hai nước trao đổi và bàn biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư, từng bước nâng quan hệ Việt Nam – Chi-lê lên ngang tầm quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc và thiết lập quan hệ đối tác làm ăn.
Chúng ta tin tưởng rằng, với tình cảm tốt đẹp mà người dân hai nước dành cho nhau, với những tiềm năng lớn của hai nước cùng nỗ lực cũng như mong muốn của lãnh đạo hai nước, những cuộc hội đàm, tiếp xúc của Tổng thống M.Ba-chê-lê với các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp. Chuyến thăm của Tổng thống M.Ba-chê-lê chắc chắn sẽ là một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Chi-lê, góp phần tạo ra động lực mới đưa mối quan hệ đó lên mức phát triển mới về chất, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam và Chi-lê.